Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.11.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.11.2022

By Lee Vi in NAM GIỚI on 7 Tháng Mười Một, 2022

Chúa nhật 13.11.2022 – (CN Trung Tráng Niên Tin Lành)

  1. Đề tài: BÀI GIẢNG SỐNG.
  2. Kinh Thánh: Công Vụ 20:17-37.
  3. Câu gốc: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti-mô-thê 2:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 29-32.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

Chủ đề: BÀI GIẢNG SỐNG.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).

Thời gian: 90 phút.

  1. CHUẨN BỊ.

– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…

   – Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

     Ôn chữ.                                                          Các dấu.

     Â = AA                      Ê = EE                          – Sắc = S

     Ă = AW                     Ư = UW = W                 – Huyền = F

     Ô = OO                    Đ = DD                          – Hỏi = R

     Ơ = OW                   ƯƠ = UOW                  – Ngã = X

                                                                            – Nặng = J

   – Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

   – Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.

   – Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên đọc trước Công vụ 20:17-37.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

  1. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ……… 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư……………………………… 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện tốt nội dung thảo luận……………….. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  2. Mở đầu.

          Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn đọc phân đoạn Kinh Thánh bài học và giới thiệu đề tài: BÀI GIẢNG SỐNG.

Thưa các bạn, phần Kinh Thánh chúng ta vừa đọc qua là lời tâm tình của Phao-lô trong giờ chia tay với các mục sư ở thành Ê-phê-sô. Những lời tâm huyết của Phao-lô giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ ràng đời sống mẫu mực của Phao-lô trong quá trình hầu việc Chúa. Ông đã giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói nhưng mà bằng cả cách sống của mình. Có những đức tính trong sự phục vụ Chúa của ông mà ngày nay chúng ta cần học hỏi. Hy vọng qua thì giờ “Học mà chơi, chơi mà học”, chúng sẽ nhận ra những điều cần phải áp dụng trong cuộc sống hầu việc Chúa của mỗi người.

  1. Xuất phát.

Cho các nhóm tập trung tại điểm xuất phát, ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và phát cho mỗi nhóm một câu đố Kinh Thánh. Nhóm nào giải trước sẽ được nhận mật thư trước và được số điểm cao nhất.

Câu đố Kinh Thánh: Xin cho biết câu Kinh Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Hãy bắt chước ………… cũng như chính ………… bắt chước ………… (Đáp án: 1Cô-rinh-tô 11:1).

Sau khi hoàn tất câu đố, nhóm thực hiện trước và tốt sẽ được nhận mật thư 1, giải mật thư để tìm đến trạm 1.

* Mật thư 1: PHAOLOO CUAR CHUAS VUJ PHUCJ TUYJ TAANJ THAANF TINH BIEETS CHO HAYX.

Ñ: Cá lội ngược dòng.

Ö Trạm 1.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời bằng cách viết ra giấy:

Xem Công Vụ 20:17-21 và cho biết:

  1. Những khó khăn Phao-lô gặp phải khi hầu việc Chúa tại cõi A-si?
  2. Công tác chính của Phao-lô trong sự hầu việc Chúa là gì?

Sau khi hoàn tất câu hỏi ở trạm 1, nhóm thực hiện tốt sẽ được nhận mật thư 2 và giải mật thư để tìm đến trạm 2.

* Mật thư 2: HAYX DDI TIMF MAF HIEEUR CACS SUWJ VIEECJ TAANJ TAAM HIEENS THAAN CUAR THANHS PHAOLOO.

Ñ: Cóc nhảy.

Ö Trạm 2.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

Xem Công Vụ 20:22-24 và cho biết:

  1. Hai sự tận hiến mà Phao-lô dành trọn cho Chúa?
  2. Phao-lô cho biết giá trị của Hội Thánh và trách vụ mà người chăn bầy cần phải có là gì?

* Mật thư 3: 

8 1 25 24       3 8 15       2 9 5 5 20 19        16 8 21 15 23 14 7    3 1 3 8 19      16 8 1 15 12 15 15    19 15 15 14 7 19     20 1 1 14 10      20 1 1 13      20 1 1 14 10     12 21 23 3 10      22 9 6          4 1 14 8       3 8 21 1 19  

Ñ: A! Cô ấy luôn đứng đầu.

   (Bật mí: Dùng mã chữ số thế mật thư trên theo thứ tự bảng chữ cái: A=1, B=2, C=3, D=4, E=5, F=6, G=7, H=8, I=9, J=10, K=11, L=12, M=13, N=14, O=15, P=16, Q=17, R=18, S=19, T=20, U=21, V=22, W=23, X=24, Y=25).

Ö Trạm 3.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

Xem Công Vụ 20:33-35 và cho biết:

  1. Sự “Chịu khó làm việc” (Công Vụ 20:35) đã giúp Phao-lô mạnh mẽ nói lên điều gì?
  2. Học tinh thần tận lực hầu việc Chúa của Phao-lô, chúng ta phải làm gì?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

* Kết thúc.

– NHD tóm lược bài học về tinh thần hầu việc Chúa của Phao-lô và kêu gọi ban viên phục vụ Chúa với tinh thần ấy để trở nên bài giảng sống cho mọi người.  

            – Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chuyện xưa kể rằng: Có một vị sư phụ nhận một đệ tử vào học. Sống một thời gian rất lâu, nghe những gì sư phụ giảng và dạy, đệ tử đem lòng sùng kính, tâm phục khẩu phục sư phụ. Anh ta họa hình của sư phụ treo trên đầu giường, và cứ mỗi đêm trước khi đi ngủ anh lấy ra ngắm cho thỏa mắt, thỏa lòng, sau đó mới ngủ. Nhưng một hôm nọ, đang đi trên đường về, anh thấy sư phụ từ trong chỗ mua bán tửu sắc đi ra, anh thật buồn. Quá thất vọng, anh bèn hỏi sư phụ: “Tại sao thầy không làm như những gì con nghe thầy giảng?” Vị sư phụ không ngần ngại trả lời: “Con hãy hết lòng làm theo những gì ta nói, nhưng đừng làm theo những gì ta làm”. Đệ tử thất sắc đi tìm dây thắt cổ….

Đây là chuyện cổ, nhưng ngày nay, ngay trong thời hiện đại này vẫn không thiếu những chuyện đại loại như vậy!

Trong phân đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa đọc qua, Lu-ca tường thuật lại lời tâm tình của Phao-lô trong giờ chia tay với các mục sư ở thành Ê-phê-sô tại cảng Mi-lê, trong chuyến đi về của hành trình truyền giáo thứ ba. Những lời tâm huyết này của Phao-lô, giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ ràng đời sống mẫu mực của ông trong quá trình hầu việc Chúa tại cõi A-si. Phao-lô đã giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói nhưng mà bằng cả cách sống của mình. Có những đức tính trong sự phục vụ Chúa của ông mà chúng ta cần học hỏi trong thời nay. Và đây là những điều chúng ta cần phải áp dụng:

  1. BÀI GIẢNG SỐNG – TẬN TỤY (câu 17-21).

Phao-lô khởi đầu bài nói chuyện của mình với việc kể lại chính tinh thần tận tụy phục vụ Chúa. Giữa khó khăn, bách hại, ông vẫn không ngại khó, ngại khổ để giảng Tin lành ở mọi nơi và cho mọi người để họ biết đến Chúa mà ăn năn tin nhận Ngài. Dưới bút pháp của Lu-ca, tôi liên tưởng chi tiết hơn bài nói chuyện của Phao-lô, có lẽ ông đã nói rằng: “Các anh em đồng lao thân yêu! Từ lúc đặt chân lên mảnh đất A-si này, tôi ăn ở thế nào anh em đã biết rõ lắm! Tôi hạ mình vì công việc Chúa, và chịu nhiều đau đớn khi hầu việc Chúa tại đây. Người Do Thái ở đây nhiều lần giăng bẫy cũng như công khai ám hại tôi, nhưng tôi nào có kể gì việc ấy! Tôi đã đem hết mọi khả năng, thì giờ, ân tứ… mà Cha trên trời đã ban cho tôi để đem Tin Mừng Cứu Rỗi ích lợi đến cho họ, cũng như cho mọi dân khác; tôi nào có giữ lại điều gì đâu! Tôi hết lòng mà khuyên họ ngay chỗ đông người cũng như tại nhà riêng về sự ăn năn để được cứu bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu…”. Những lời tự sự trên của Phao-lô khiến cho các mục sư ở Ê-phê-sô nhớ lại tất cả những nghĩa cử mà vị thầy thân yêu của họ đã sống và phục vụ thể nào. Những “thước phim” thân thương, đáng nhớ dần dần xuất hiện theo từng lời mà Phao-lô nói cho họ. Hình ảnh vị thầy tận tụy, yêu thương hiện lên trong tâm trí mỗi người, giờ phút nhìn lại quá khứ này, họ thấy thương ông thầy dường bao! Làm sao tả hết tình yêu mà ông dành cho họ.   

Điều thứ 2 mà các mục sư ở Ê-phê-sô nhìn thấy nơi vị thầy thân thương là:

  1. BÀI GIẢNG SỐNG – TẬN HIẾN (câu 22-24).

Phao-lô đã đưa các mục sư ở Ê-phê-sô về với thực tại, ông nói: “Kìa nay…” và trong đó, vị thầy thân thương này đã cho các mục sư tại đây nhìn thấy có hai sự tận hiến mà ông đã dành trọn cho Chúa đó là tận hiến về ý chí (c.22-23) và tận hiến về sự sống của mình (c.24-25). Phao-lô dùng chữ “ràng buộc” để nói rằng tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động của ông không phải do ông tự quyết định, nhưng tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa. Phao-lô suy nghĩ những điều Chúa bày tỏ, ông nói những điều Chúa muốn ông nói, ông làm những gì Chúa muốn ông làm và ông đi nơi đâu Chúa muốn ông đi, thật đây là một ý chí đã được tận hiến. Chúa Thánh Linh đã cho Phao-lô biết trước điều gì sẽ xảy ra nơi ông đến và rồi Ngài cũng đã sai ông đi, Phao-lô đã cúi đầu thuận phục theo ý chỉ Ngài. Sự việc “Phao-lô chẳng kể mạng sống mình làm quý” như điều ông đã nói cho thấy, ông sẵn sàng hy sinh mạng sống mình nếu công việc Chúa cần. Điều quý hơn mạng sống ông lúc này đó là ý Chúa được thành và nhiều người được cứu. Nói thế không phải là Phao-lô không nghĩ đến việc mình sẽ chết vì Danh Chúa, nhưng thật ra ông đã biết trước điều này. Cho nên, Phao-lô không ngần ngại thưa với họ rằng: “…Không ai trong quý anh em… sẽ còn gặp lại tôi”. Nghe đến đây có lẽ không ai cầm được nước mắt! Họ không bao giờ muốn vĩnh viễn xa cách vị thầy thân thương…! Thật như Phao-lô đã từng nói trong khi viết thư cho người Ga-la-ti rằng: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi…” (Ga-la-ti 2:20). Chúng ta áp dụng về Phao-lô rằng: Vâng! Ông đã sống và tận hiến cho Chúa, ông đã rót cho đến giọt sống cuối cùng, dâng hiến cho đến hơi thở cuối cùng cho công việc Chúa. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn sẵn sàng để tận hiến tất cả cho công việc Chúa như thánh Phao-lô đã làm.

Điều thứ 3 mà các mục sư ở Ê-phê-sô nhìn thấy nơi vị thầy thân thương là:

III. BÀI GIẢNG SỐNG – TẬN TÂM (câu 28-32).

Phao-lô tiếp tục chia sẻ cho các mục sư ở Ê-phê-sô biết giá trị của Hội Thánh và trách vụ mà người chăn bầy cần phải có. Ông nói với họ rằng: “Muốn giữ bầy thì phải giữ mình, vì giá trị của bầy chiên là chính sinh mạng (huyết) của Chúa Cứu Thế”. Một giá trị có một không hai mà không giá trị nào có thể đánh đổi hoặc so sánh được, nhưng Đức Chúa Trời đã tin tưởng, đã lập “anh em” làm kẻ coi sóc, phải cẩn trọng giữ mình và sẵn sàng trả giá để bảo vệ Hội Thánh mà Chúa giao cho. Và tại đây, Phao-lô đã tiên liệu cho họ biết những sự việc sẽ xảy đến cho Hội Thánh sau khi ông ra đi. Hội Thánh sẽ có thù trong, giặc ngoài, thù trong với tên gọi “người hung ác” là những kẻ háo danh, ham lợi quyền trong Hội Thánh sẽ dấy lên gây chia rẽ, hoang mang trong đức tin. Giặc ngoài, với tên gọi là “muông sói” là những tiên tri giả, gieo rắc giáo lý giả, khiến cho nhiều người trong Hội Thánh nghe theo và bị hư mất. Làm thế nào để đối phó với các trường hợp trên? Tôi nghĩ rằng, trong hai hàng nước mắt, đầy tớ của Chúa đã bảo cho họ biết kinh nghiệm xương máu mà Phao-lô đã trải qua đó là ông đã tận tâm, hết lòng trong việc cầu nguyện cho Hội Thánh, và cũng tận tâm trong việc khuyên bảo. Phao-lô nói rằng trong ba năm cả đêm lẫn ngày, ông đổ nước mắt để cầu nguyện và cũng đổ nước mắt trong việc khuyên bảo, để đem con chiên lạc mất trở về! Hình ảnh con chiên, con sói là điều không hiếm thấy trong thời xưa cũng như thời nay.

Nguyện sự tận tâm trong công việc Chúa là bí quyết để chúng ta có thể thắng hơn mọi hiểm họa xảy đến trong Hội Thánh, trong bầy chiên mà Chúa giao cho chúng ta. Sự cầu nguyện, chắc anh chị em đã nghe giảng nhiều lần, có “xưa như trái đất” nhưng nó cũng “cần như trái đất” vì không có điều gì khác có thể thay thế được. Không có trái đất không còn sự sống, không có cầu nguyện không còn Hội Thánh. Nguyện Chúa cho chúng ta hầu việc Chúa cách tận tâm để Hội Thánh được coi sóc một cách chu đáo như Chúa muốn.

Điều thứ 4 mà các mục sư ở Ê-phê-sô nhìn thấy nơi vị thầy thân thương là:

  1. BÀI GIẢNG SỐNG – TẬN LỰC (câu 33-35).

    Mặc dù bận rộn trong công việc Chúa như vậy, nhưng Phao-lô vẫn hết sức làm việc để lo cho đời sống mình cũng như cho cả đoàn truyền giáo. Có lẽ anh chị em nghĩ rằng, làm thế nào được nhỉ? Nhưng đó là một sự thật, chẳng những thành quả lao động đã nuôi chính ông và đoàn truyền giáo mà còn được đem ra giúp đỡ những người khó khăn nữa. Nếu Phao-lô không tận lực làm việc thì làm sao có thể đủ sống, đừng nói gì đến việc phải lo cho cả đoàn truyền giáo và giúp đỡ những người thiếu thốn khi ông gặp? Vâng! Đầy tớ của Chúa đã làm gương và khuyến giục các mục sư tại đây là phải chịu khó làm việc như chính ông đã làm. Tận lực đã giúp Phao-lô thoát khỏi tội tham lam, tội này vốn là thứ vũ khí thường hay tấn công và hạ gục những người phục vụ Chúa. Phao-lô đã “Chịu khó làm việc” (Công Vụ 20:35), và ông đã mạnh mẽ nói rằng, “hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi, và của đồng bạn tôi… và còn chu cấp cho những kẻ thiếu thốn”. Ông đã trích Lời Chúa Giê-xu rằng: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh”. Nguyện đây cũng là một tiêu chí trong sự phục vụ của tôi và anh chị em! Hãy tận lực, hết sức để tự lo cho mình và tận lực để giúp đỡ người khác.

Học giả Haight nói rằng, việc tái diễn đạt những dữ liệu siêu nghiệm trong những thuật ngữ tượng trưng mới là điều quan trọng trong quá trình diễn giải Kinh Thánh. Và ở đây chúng ta có thể áp dụng cho phân đoạn Kinh Thánh này rằng: Đời sống của Phao-lô là một bài giảng sống khiến cho tình yêu giữa ông và Hội Thánh trở nên nồng ấm. Cuộc chia tay đầy lưu luyến và nước mắt ấy (c.37), đã cho chúng ta một bài học đáng nhớ đó là hãy sống như những gì mình đã nói và giảng dạy. Hãy sống tận tụy, tận hiến, tận tâm, tận lực vì Danh Chúa và công việc Chúa. Hầu cho Danh Chúa được cả sáng qua đời sống phục vụ của mỗi chúng ta. Amen!

Post CommentLeave a reply