CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.09.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 12 Tháng Chín, 2022
Chúa nhật 18.19.2022.
- Đề tài: ĐA-VÍT, NGƯỜI VỪA LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI.
- Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 24; 26; 2Sa-mu-ên 7; 9; 18.
- Câu gốc: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi Thiên 19:14).
- Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 6-10.
- Thể loại: Hướng Dẫn Học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
- Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
- Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
- Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
- Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.
Sau đây là một số câu hỏi học Kinh Thánh bạn có thể tham khảo:
(1.1) Đa-vít bày tỏ sự tha thứ và lòng thương xót đối với Sau-lơ và Áp-sa-lôm như thế nào? (1Sa-mu-ên 24; 26; 2Sa-mu-ên 18).
(1.2) Vì sao Đa-vít vẫn đối xử yêu thương, nhân từ đối với hai người cố tìm mọi cách giết hại mạng sống ông?
(1.3) Bạn có yêu thương người khác như Đa-vít không? Vì sao?
(2.1) Đa-vít tôn kính con trai Giô-na-than và các dũng sĩ của mình như thế nào? (2Sa-mu-ên 9; 23:13-17).
(2.2) Lòng tôn kính đó cho thấy điều gì nơi con người của Đa-vít?
(2.3) Bạn có dành thì giờ để nghĩ đến người khác và nhìn nhận công lao đáng tưởng thưởng của họ không? Xin bạn trình bày.
(3.1) Khi biết mình phạm tội cùng Đức Chúa Trời, Đa-vít đã làm gì? (2Sa-mu-ên 12; 24).
(3.2) Sự ăn năn của Đa-vít cho thấy ông là người thế nào? Và Đức Chúa Trời đẹp lòng về thái độ ăn năn của Đa-vít thế nào? (Công Vụ 13:22).
(3.3) Bạn có đau đớn về tội và ăn năn từ bỏ tội như Đa-vít chưa? Xin bạn cho biết kinh nghiệm việc ăn năn từ bỏ tội là việc dễ hay khó thực hiện trong đời sống?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Đa-vít đã không bắt đầu như Giô-sép. Ông không phải là “con ngươi của mắt mình”. Thật vậy, lúc Sa-mu-ên đến tìm người cai trị dân Y-sơ-ra-ên, Y-sai là cha của Đa-vít đã không bận tâm cả đến việc gọi Đa-vít về, vì lúc ấy Đa-vít đang lo chăn chiên ngoài đồng. Nhưng nếu Đa-vít vốn không được cha mình tuyển chọn, thì ông cũng được Đức Chúa Trời tuyển chọn, cho nên Sa-mu-ên đã xức dầu cho Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- THA THỨ VÀ TỎ LÒNG THƯƠNG XÓT.
Đa-vít đã được ban cho một địa vị đặc biệt trong Kinh Thánh: Ông được gọi là “người vừa lòng Đức Chúa Trời” (Công Vụ 13:22). Nếu các bạn đọc kỹ, các bạn sẽ thấy rằng sở dĩ Đa-vít được tặng lời khen thưởng ấy là vì ông đã hăng hái làm tròn ý chỉ Đức Chúa Trời.
Đa-vít không phải là người hoàn hảo. Ông cũng từng phạm nhiều lỗi nặng. Nhưng ông lại muốn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông cũng xưng nhận những tội lỗi và khuyết điểm của mình. Nhìn vào các quyết định trong đời sống của ông, chúng ta sẽ nhận thấy chân giá trị của ông.
- Lòng Ghen Tị Của Sau-lơ.
Đa-vít đã phải chờ đợi hơn mười năm rồi mới bắt đầu trị vì. Thời gian ấy không phải là dễ dàng cho ông. Nhà vua đang trị vì lúc bấy giờ là Sau-lơ vốn ghen tị với ông. Lúc Đa-vít đánh bại Gô-li-át là dũng sĩ vô địch của dân Phi-li-tin, thì Sau-lơ ghen tị với Đa-vít về lời khen tặng mà dân chúng dành cho ông (1Sa-mu-ên 18:7,8). Sau-lơ toan giết Đa-vít, và nhờ có sự can thiệp của Mi-canh là vợ của Đa-vít, ông mới trốn thoát được (1Sa-mu-ên 19:12).
Do đó, Đa-vít có rất nhiều lý do để oán ghét và tìm cách trả thù Sau-lơ. Nhưng ông không hề khinh ghét Sau-lơ. Ông tìm vào một hang đá trong đồng vắng để lánh mặt. Chẳng bao lâu, Sau-lơ lại vào đúng cái hang đá đó để nghỉ ngơi. Các thuộc hạ của Đa-vít xui giục ông hãy giết kẻ thù ấy đi, nhưng Đa-vít từ chối (1Sa-mu-ên 24:27).
Ít lâu sau đó, Sau-lơ lại đến gần chỗ Đa-vít đang lẩn trốn. Một lần nữa, các bạn thân của Đa-vít gợi ý rằng Đức Chúa Trời đã phó Sau-lơ vào tay ông (1Sa-mu-ên 26:8). Nhưng một lần nữa, Đa-vít lại từ chối và đưa ra lý do của việc ông từ chối đó (câu 11). Đa-vít là người không có ý muốn báo thù. Ông chỉ muốn ý chỉ của Đức Chúa Trời được nên, chứ không muốn làm thỏa lòng mình.
- Sự Gian Dối Của Áp-sa-lôm.
Những gian nan của Đa-vít đã không kết thúc với cái chết của Sau-lơ. Chẳng bao lâu sau, chính các con trai vua đã âm mưu phá hoại vương quốc của cha họ. Cuộc phản loạn tệ hại nhất đã xảy ra dưới quyền lãnh đạo của Áp-sa-lôm.
Áp-sa-lôm đã phát động một chiến dịch “rỉ tai’ thật khôn khéo và sâu rộng. Ông ta hứa với dân sự đủ điều để được lòng họ. Cuối cùng sau nhiều tháng chuẩn bị, Áp-sa-lôm đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc nổi loạn để cướp ngôi.
Đa-vít sai các thuộc hạ ra trận với một điều kiện rõ ràng (2Sa-mu-ên 18:5). Áp-sa-lôm đã làm đủ cách để hại mạng sống cha mình, nhưng Đa-vít chỉ nghĩ đến việc tha mạng sống cho Áp-sa-lôm thôi.
Khi Giô-áp không tuân lệnh Đa-vít và hạ sát Áp-sa-lôm, nhà vua đã để tang cho con trai mình (2Sa-mu-ên 18:33). Đa-vít bị người khác xử tệ nhưng đã không tìm cách trả thù. Chắc chắn rằng đặc tính ấy đã khiến ông trở thành người “vừa lòng Đức Chúa Trời”.
- LÒNG QUẢNG ĐẠI VÀ TÔN KÍNH.
Ngay vào thời còn trẻ, Đa-vít đã có lập giao ước với con trai Sau-lơ là Giô-na-than (1Sa-mu-ên 20:14,15). Lúc đã lên ngôi, vua liền nhớ lại lời mình hứa với Giô-na-than (2Sa-mu-ên 9:1). Trong dòng dõi của Giô-na-than, chỉ còn có một người con trai tên Mê-phi-bô-sết sống sót. Đa-vít sai người đi rước chàng thanh niên ấy và ban cho địa vị là được ăn chung bàn với vua (câu 13).
Một biến cố khác trong đời sống Đa-vít cho chúng ta thấy rõ thái độ nhân từ đặc biệt của ông. Vào một lần trong nhiều lần lánh mặt trốn vào đồng vắng, Đa-vít tỏ ý muốn uống nước giếng gần thành Bết-lê-hem. Thuộc hạ của Đa-vít vốn rất quý mến ông, nên khi nghe chủ tướng của mình ước ao như vậy, họ đã liều mình để làm vừa ý ông. Họ vượt chiến tuyến của quân đội Phi-li-tin để đến Bết-lê-hem mà múc nước đem về.
Đa-vít thấy rõ tình thương của số người đó đối với ông. Ông biết rõ mối nguy hiểm mà họ phải đương đầu. Cho nên ông không chịu uống nước, mà đổ cả ra để làm của lễ dâng lên cho Đức Giê-hô-va (2Sa-mu-ên 23:13-17).
Thật khó cho chúng ta khi phải hy sinh vật mình thật sự cần. Lắm lúc chúng ta chỉ chịu dâng cho Chúa điều mà thật ra chúng ta không thấy cần lắm hoặc là chúng ta chỉ dâng phần dư thừa mà thôi. Sở dĩ Đa-vít dâng cho Đức Chúa Trời điều mà ông đang cần hơn hết, là vì ông nhận thức được cái giá mà các thuộc hạ của ông phải trả để cho ông được toại nguyện vốn quá đắt! Nguyện chúng ta đều có lòng cao cả và tôn kính như Đa-vít. Hãy dâng cho Đức Chúa Trời vật sở hữu quý nhất của mình.
- LÒNG MỀM MẠI ĂN NĂN.
Khi Đa-vít nghe nhà tiên tri Na-than nói về những việc lớn mà Đức Chúa Trời sắp làm, ông liền nghĩ ngay đến việc cầu hỏi ý chỉ và sự khôn ngoan của Ngài (2Sa-mu-ên 7). Nhất là xin xem các lời hứa của Chúa (câu 2-16). Và lời đáp lại của Đa-vít (câu 18-29). Qua suốt sách Thi Thiên, Đa-vít thường cầu nguyện xin Đức Chúa Trời phù hộ mình (Thi Thiên 25:4; 31:3; 86:11). Các bạn có thể noi gương ông không?
Một lần nọ, Đa-vít phạm tội nặng. Vua ra lệnh giết một người để cướp vợ anh ta. Đức Chúa Trời sai nhà tiên tri Na-than đến với vua. Nhà tiên tri đã vạch ra chỗ bất công gian ác của việc làm ấy. Bấy giờ Đa-vít hết sức hối hận và kêu lớn: “Tôi đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (2Sa-mu-ên 12:13). Ông xin Chúa tha tội cho. Trong thời gian ấy; vua đã viết ra Thi Thiên 51 để bày tỏ sự buồn khổ vì đã phạm tội. Đức Chúa Trời đã nhậm lời vua và tha tội cho. Nhưng con trai vua phải chết, và Đa-vít phải nhận lấy hình phạt của Đức Chúa Trời. Vua không hề chất vấn Đức Chúa Trời (2Sa-mu-ên 12:22,23).
Vào cuối đời mình, Đa-vít còn phạm một tội nặng nữa. Vua đã ra lệnh tu bộ dân sự trái với ý Chúa. Đa-vít biết việc ấy là sai lầm (2Sa-mu-ên 24:10). Một lần nữa, Đa-vít đã cầu xin Chúa tha tội cho.
Trong mọi việc Đa-vít đã làm, chúng ta thấy một đặc điểm nữa là ngay khi biết mình phạm tội, vua liền xin Đức Chúa Trời tha thứ. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã phán rằng Đa-vít là người “vừa lòng Đức Chúa Trời”.
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Xin đọc Rô-ma 12 (đặc biệt những câu 3,9-21) và suy nghĩ xem câu ấy phù hợp với Đa-vít như thế nào? Chúng ta thấy ông đang có một quan điểm trung trực về chính đời sống và khả năng của mình. Bây giờ, hãy so sánh với các bạn xem các bạn có được như vậy không?
– Tình thương của Đa-vít đối với người khác rất thành thật (trường hợp Sau-lơ và Áp-sa-lôm). Các bạn có như thế không?
– Ông đã tôn kính những người đáng được tôn kính (trường hợp con trai Giô-na-than, các dũng sĩ đã liều mạng đi múc nước giếng tại Bết-lê-hem). Các bạn có dành thì giờ để nghĩ đến người khác và nhìn nhận các công lao đáng tưởng thưởng của họ không?
– Đa-vít luôn luôn muốn biết và làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời. Đa-vít dâng cả đời sống mình phục vụ Đức Chúa Trời, chớ không chỉ phục vụ Ngài bằng cách khỏi phải trả giá gì cả.
Hãy dùng Rô-ma 12 và cuộc đời của Đa-vít để làm thước đo đời sống của các bạn. Các bạn thấy thế nào? Các bạn có phải là người “vừa lòng Đức Chúa Trời” chăng?
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Điều gì khiến Đa-vít thành “người vừa lòng Đức Chúa Trời?”
- Có ba đức hạnh nào nổi bật trong nhân cách của Đa-vít?
- Kể ra vài đức tính trong Rô-ma 12 khiến chúng ta giống Đa-vít?