CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 14.07.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 12 Tháng Tám, 2022
Chúa nhật 14.08.2022.
- Đề tài: LÒNG CAN ĐẢM CỦA GIÔ-SUÊ.
- Kinh Thánh: Giô-suê 1; 3; 6; 24.
- Câu gốc: “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).
- Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 11-15.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.
- Chọn một người đóng vai Giô-suê, một người làm phóng viên.
- Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
- Trong phần đúc kết, NHD sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó tất cả đứng lên và mời cụ Giô-suê cầu nguyện cho ban Thanh Niên.
* GỢI Ý PHỎNG VẤN.
(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Giô-suê từ ngoài đi vào).
– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Giô-suê!
– Giô-suê: Chào các cháu!
– Pv: Chúng con rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay mặt cho ban Thanh Niên của Hội Thánh, con xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy, cụ có thể trò chuyện với chúng con về lòng can đảm mà cụ đã thể hiện trước đây được không thưa cụ?
– Giô-suê: Được, tôi sẵn sàng, các con cứ hỏi!
– Pv: Trước tiên, xin cụ cho biết về bối cảnh gia đình, về ý nghĩa tên khác ngoài tên Giô-suê được không thưa cụ?
– Giô-suê: Ngoài tên Giô-suê ta còn có tên khác nữa là Hô-sê, có nghĩa là sự cứu rỗi (Dân Số Ký 13:8), cha ta có tên là Nun, thuộc dòng dõi Ép-ra-im.
– Pv: Xin cụ cho biết sau khi Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời đã phán bảo với cụ điều gì?
– Giô-suê: Đức Chúa Trời kêu gọi và giao cho ta ba công tác quan trọng ấy là: Dẫn dân sự vào đất hứa; chiếm xứ và chia đất cho dân sự.
– Pv: Trước sứ mạng lớn và khó đó, cụ đã phản ứng thế nào?
– Giô-suê: Ta cũng như những người khác, khi đứng trước công việc lớn và khó đó, ta cũng rất lo lắng và run sợ. Nhưng Đức Chúa Trời hứa sẽ ở cùng ta như đã ở cùng Môi-se, với điều kiện là ta phải cẩn thận làm theo lời Ngài ghi chép trong luật pháp Môi-se.
– Pv: Vì sao Đức Chúa Trời giao sứ mạng lớn lao này cho cụ?
– Giô-suê: Ta chỉ là một người tầm thường như bao người khác, ta không có gì nổi trội nhưng Đức Chúa Trời đã chọn, đã kêu gọi, đã giao sứ mạng và hướng dẫn ta nên ta phải vâng lời Ngài trong mọi trường hợp.
– Pv: Thưa cụ Giô-suê, Đức Chúa Trời đã hứa với cụ những gì? Và tại sao Ngài phán điều đó?
– Giô-suê: Đức Chúa Trời đã phán bảo với ta rất nhiều lần câu: “Hãy vững lòng, bền chí! Chớ run sợ!” Sở dĩ nhiều lần Ngài phán câu nầy với ta vì Ngài biết ta vốn là người yếu đuối, run sợ như bao như người khác.
– Pv: Xin cụ chia sẻ thêm về kết quả mà cụ đã có được khi vâng theo mạng lệnh Chúa được không ạ?
– Giô-suê: Ta đã đưa dân sự vượt sông Giô-đanh vào xứ Ca-na-an bình an vô sự trước. Rồi việc kế tiếp là chinh phục xứ, mà trước hết Giê-ri-cô là một thành lũy kiên cố nhất cần phải triệt hạ. Sau đó ta dẫn quân tiến đánh A-hi, thành kiên cố thứ nhì của xứ. Chinh phục các vua miền Nam và miền Bắc của xứ. Kết cuộc dân Y-sơ-ra-ên đánh bại 31 vua, và chiếm cả xứ Ca-na-an, như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
– Pv: Nhân đây xin cụ chia sẻ cho chúng con biết thêm về phép lạ Chúa làm nước sông Giô-đanh rẽ ra được không thưa cụ?
– Giô-suê: Ta từng có mặt bên Môi-se lúc ông giơ tay lên và khiến nước Biển đỏ rẽ ra. Nhưng tại sông Giô-đanh, Đức Chúa Trời phán dặn ta hãy truyền lịnh cho các thầy tế lễ phải khiêng hòm giao ước bước xuống mé sông trước, rồi Ngài mới khiến nước rẽ ra và rồi đất khô được bày ra. Điều này cũng nói lên lòng tin cậy và can đảm của chúng ta khi vâng theo mạng lệnh của Chúa.
– Pv: Cảm tạ Chúa đã dùng cụ để thực hiện chương trình của Ngài và bày tỏ quyền năng Ngài. Xin cụ cho chúng cháu biết thêm là sau khi làm xong mọi sự cụ về sống ở đâu và làm gì?
– Giô-suê: Sau khi chia xứ xong, dân Y-sơ-ra-ên vâng lệnh Đức Chúa Trời dành cho ta một phần đất ở giữa họ. Vậy ta về sống tại Thim-nát Sê-rách trong núi Ép-ra-im và xây thành ở đó. Thời gian sau, khi thấy mình tuổi già, sức yếu, nên ta gọi cả Y-sơ-ra-ên đến nhắc nhở dân sự luật pháp Đức Chúa Trời cùng các ơn lành Ngài ban cho, khuyên họ hãy kính sợ Đức Giê-hô-va và trung tín phục sự Ngài.
– Pv: Cụ đã kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời rất nhiều, vậy cụ có thể chia sẻ cảm nghĩ của cụ cho các bạn trong ban Thanh Niên được không ạ?
– Giô-suê: Các con biết đó, Đức Giê-hô-va đã thắng trận cách lạ lùng. Đáng lẽ những việc ta làm phải thực hiện bằng sức mạnh nhưng Đức Chúa Trời muốn ta và dân sự phải biết học tập để có sự can đảm trong việc vâng Lời Ngài, từ đó chúng ta mới kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống mình.
– Pv: Điều cuối cùng xin cụ cho chúng con một lời khuyên trên bước đường theo Chúa được không ạ?
– Giô-suê: Các con biết không, mỗi chúng ta ai cũng cần phải có can đảm để đứng vững cho Đức Chúa Trời, nên ta ước ao tất cả các con phải luôn nhận thức được điều ấy và luôn bày tỏ lòng can đảm, tin cậy khi Chúa kêu gọi chúng ta. Đặc biệt chúng ta phải yêu mến Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chúng ta, phải vững lòng gìn giữ và làm theo mọi điều đã ghi trong Kinh Thánh.
– Pv: Cám ơn cụ đã giúp chúng con hiểu bài học về lòng can đảm. Nguyện Chúa giúp chúng con sống làm theo lời Chúa dạy.
– NHD: Các bạn thân mến, chúng ta vừa được cụ Giô-suê giúp tìm hiểu về đề tài “Lòng can đảm”. Qua bài học này, ước mong mỗi người chúng ta luôn sống xứng đáng với tình yêu của Chúa và bày tỏ lòng can đảm khi được Chúa kêu gọi vào chức vụ.
Mời các bạn đứng lên, kính mời cụ Giô-suê cầu nguyện cho ban Thanh Niên.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Các bạn sẽ dùng câu: “Hãy vững lòng, bền chí! Chớ run sợ!” với hạng người nào? Đức Chúa Trời đã phán câu ấy với Giô-suê rất nhiều lần. Nhưng chúng ta biết Giô-suê là một người can đảm. Chúng ta đọc thấy lòng can đảm của ông trong Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8-14; Dân Số Ký 13:28,32,33 và 14:6-9. Khi hai điệp viên được sai đi do thám xứ Ca-na-an, mười người trong số họ đã trông thấy sức mạnh của kẻ thù. Ca-lép và Giô-suê thì nhìn thấy sức mạnh của Đức Chúa Trời. Đó là bí quyết lòng can đảm của Giô-suê.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- LÒNG CAN ĐẢM ĐỂ TIN CẬY CHÚA.
Do dân Y-sơ-ra-ên không chịu nghe theo lời khuyên của Giô-suê và Ca-lép lần đó, nên kết quả là họ phải đi lang thang trong đồng vắng bốn mươi năm, lòng can đảm của Giô-suê vẫn không vì thế mà mất đi. Sau khi bốn mươi năm lưu lạc đã chấm dứt, Môi-se qua đời và Giô-suê được trao cho quyền chỉ huy để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an.
- Nắm Quyền Chỉ Huy.
Các bạn có tưởng tượng nổi một nhiệm vụ nào khó khăn hơn nhiệm vụ của Giô-suê không? Ông đã phải nhận chỗ của vị lãnh tụ đầy từng trải và rất được kính trọng là Môi-se. Ông phải dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa là xứ Ca-na-an. Nhưng trước hết, họ phải đánh đuổi và chế ngự kẻ thù trong xứ đó. Chắc Giô-suê phải cảm thấy mình thiếu thốn, bất toàn biết bao!
Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy trong đoạn 1, Đức Chúa Trời đã phán dạy vị tân lãnh tụ là “hãy vững lòng bền chí” (câu 6,7,9). Dân sự cũng hứa rằng họ sẽ theo Giô-suê như đã theo Môi-se vậy. Họ cũng khuyến giục ông hãy can đảm (Giô-suê 1:16-18).
- Vượt Sông Giô-đanh (Giô-suê 3).
Giô-suê từng có mặt bên Môi-se lúc ông giơ tay lên và khiến nước Biển đỏ rẽ ra. Nhưng tại sông Giô-đanh, Đức Chúa Trời đã truyền cho các thầy tế lễ phải khiêng hòm giao ước bước xuống mé nước.
Các thầy tế lễ phải bước xuống nước, rồi Đức Chúa Trời sẽ khiến nước sông rẽ ra và đất khô sẽ được bày ra. Nên nhớ rằng Hòm Giao Ước là một vật nặng. Hòm được làm bằng gỗ dài hai thước rưỡi, ngang một thước và cao một thước rưỡi (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10). Trên hòm giao ước có nắp thi ân bằng vàng ròng (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:17,18). Bên trong, ngoài các vật khác ra, còn có hai bảng đá chép Mười Điều Răn (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:2). Chiếc hòm nặng nề đó phải được các thầy tế lễ khiêng xuống sông, lúc đó là mùa nước lên.
Dân sự bảo rằng họ sẽ theo Giô-suê, nhưng đó chỉ là lời nói, giờ đây họ phải biến lời nói thành hành động. Họ đã vâng lời Giô-suê và bước xuống sông Giô-đanh đang mùa nước đầy. Nước tụ lại thành một đống ở phía Bắc. Về phía Nam thì nước chảy đi khiến một lối khô ráo bày ra mà dân sự có thể đi qua. Nước sông Giô-đanh cạn như vậy trên một vùng chừng 15 dặm (khoảng 24 cây số). Giô-suê đã can đảm, tin Đức Chúa Trời, khiến dân sự được an toàn vượt sông Giô-đanh.
- CAN ĐẢM ĐỂ VÂNG LỜI.
- Thành Giê-ri-cô (Giô-suê 6).
Ngay trước mặt dân Y-sơ-ra-ên là chiến lũy Giê-ri-cô chặn đường vào xứ Ca-na-an tại hướng Đông. Thành phố chiếm khoảng 2,4 hecta đất (6 mẫu Anh), có hai tường thành, có một tường vòng ngoài dày khoảng 2 mét và một tường thành vòng trong, dày khoảng 4 mét. Khoảng cách giữa hai bức tường là 4 mét và cả hai cao độ 10 mét.
Chắc chắn là Giô-suê và dân sự sợ hãi khi thấy sức kiên cố của các thành lũy phòng thủ cho thành phố ấy. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai chính sứ giả của Ngài để phán dạy Giô-suê hãy can đảm vâng lời Ngài (Giô-suê 5:13-15). Rồi Đức Chúa Trời dạy cho Giô-suê cách đánh chiếm lấy thành (Giô-suê 6:2-5). Chúng ta hãy có can đảm để vâng theo những lời chỉ dẫn hoàn toàn trái ngược với phương thức chiến tranh như vậy.
Liên tiếp trong sáu ngày, ngày nào đạo quân Y-sơ-ra-ên và các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước cũng rời trại và đi vòng quanh thành phố Giê-ri-cô một lần, các thầy tế lễ thì thổi kèn. Ngày nay, chắc dân thành Giê-ri-cô cũng chuẩn bị chiến đấu, nhưng không có trận giao phong nào cả. Dân Y-sơ-ra-ên đã can đảm biết bao khi phải đi quanh một chiến lũy kiên cố trước mặt kẻ thù suốt sáu ngày như vậy!
Cuối cùng, đến ngày thứ bảy, theo lệnh truyền của Đức Chúa Trời, các thầy tế lễ và quân đội vũ trang đi quanh thành phố bảy lần như thường lệ. Nhưng đến vòng thứ bảy, các thầy tế lễ thổi một tiếng kèn dài, và Giô-suê ra lệnh: “Hãy la lên, vì Đức Giê-hô-va đã phó thành cho các ngươi” (Giô-suê 6:16). Dân chúng la lên và các vách thành đổ xuống (câu 20). Mỗi người xung phong vào thành tại chỗ mình đang đứng và như thế là chiếm được thành.
Đức Giê-hô-va đã thắng trận cách lạ lùng. Đáng lẽ thành ấy phải bị chiếm bằng sức mạnh. Nhưng Đức Chúa Trời muốn cho Giô-suê phải học tập để có can đảm vâng lời Ngài.
- A-can (Giô-suê 7).
Chẳng bao lâu, Giô-suê lại phải đương đầu với một vấn đề khác càng khó giải quyết hơn. Trong trại quân Y-sơ-ra-ên có xảy ra một chuyện làm ngăn trở phước hạnh của Đức Chúa Trời đổ xuống trên họ. Quân đội Y-sơ-ra-ên bị bại trận trước mặt thành phố nhỏ tên là A-hi (câu 4,5).
Giô-suê không biết tại sao. Ông đến với Đức Chúa Trời (câu 6-9). Ngài trả lời cho ông (câu 11,12). Có người trong trại quân Y-sơ-ra-ên đã không vâng lời Đức Chúa Trời và phạm tội. Nơi nào có tội lỗi thì nơi đó Đức Chúa Trời không thể ban phước cho được.
Giô-suê đã can đảm đối diện với dân sự và tố giác kẻ phạm tội. A-can bị ném đá chết.
- LÒNG CAN ĐẢM ĐỂ CHỈ HUY (Giô-suê 10:5-15; 24:14-25).
Có một lần Giô-suê quên xin Đức Chúa Trời chỉ dạy cho việc mình cần phải làm (Giô-suê 9:14,15). Cuối cùng, thay vì tận diệt dân Ga-ba-ôn, ông lại bắt họ làm tôi tớ cho người Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 9:27).
Sau đó, có năm vua liên minh với nhau để đánh Ga-ba-ôn (Giô-suê 10:5). Giô-suê dẫn đạo quân của ông từ Ghinh-ganh đến đánh dân A-mô-rít với lời bảo đảm của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ ở cùng ông (10:8). Hôm ấy, Đức Chúa Trời đã chiến đấu thay cho dân Y-sơ-ra-ên, và kết quả là một chiến thắng lạ lùng (câu 10,14). Đá lớn từ trời rớt xuống trên kẻ thù. Một số đông kẻ thù đã bị giết chết (câu 11).
Hôm đó dân Y-sơ-ra-ên còn cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa. Từ Ga-ba-ôn đến Ma-kê-đa là một quãng đường khoảng 50 cây số, thật là quá xa cho một đạo quân đã mệt mỏi có thể vượt nổi trong một buổi chiều. Do đó, Giô-suê đã truyền cho mặt trời hãy đứng yên một chỗ, và nó “không vội lặn ước một ngày trọn” (câu 13). Sự việc ấy cho phép dân Y-sơ-ra-ên xông vào dân A-mô-rít và đánh bại chúng hoàn toàn.
Giô-suê đã phải can đảm để chống lại với năm vua, để truyền lệnh cho mặt trời phải vâng lời. Nhưng Giô-suê đã cậy quyền năng của Đức Chúa Trời để ra quân, và ông đã thành công.
Lúc Giô-suê tuổi đã cao và công tác của ông sắp hoàn tất, ông triệu tập dân Y-sơ-ra-ên lại. Ông nhắc lại tất cả mọi việc Đức Chúa Trời đã làm. Rồi ông truyền lịnh cho dân sự hãy quyết định (Giô-suê 24:13-15,19,20,22). Giô-suê biết rằng người ta phải có can đảm để đứng vững cho Đức Chúa Trời và ông muốn dân sự cũng phải nhận thức được điều ấy nữa.
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Giô-suê đã vâng lời Chúa trong khi sự vâng lời ấy thoạt nhìn thì chỉ dường như là điên dại. Ông đã vâng lời trong những trường hợp thật khó vâng lời. Ông đã tin Chúa ngay khi kết quả có vẻ dường như không thể nào tốt đẹp được. Hãy nhớ lại Giê-ri-cô và A-can. Ông đã có can đảm để chọn lựa và đặt dân sự trước sự chọn lựa mà họ phải thực hiện.
“Hôm nay, hãy chọn Đấng mà các ngươi phục vụ” là việc tối quan trọng và cần thiết cho chúng ta cũng như cho dân sự của Giô-suê đời xưa. Chúng ta phải chọn theo Chúa Giê-xu Christ, đứng vững cho Ngài, và can đảm trước nghịch cảnh. Chúng ta không thể nhờ sức riêng để có lòng can đảm đó. Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời. Lời hứa của Ngài cho Giô-suê trong câu gốc cũng dành cho chúng ta hôm nay.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Giô-suê đã tỏ ra can đảm như thế nào khi ông tin vào việc không thể xảy ra lại được Đức Chúa Trời thực hiện?
- Giô-suê đã tỏ ra can đảm như thế nào đối với tội lỗi và hậu quả của nó?
- Giô-suê đã tỏ ra can đảm như thế nào trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời?