Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 03.07.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 03.07.2022

By Lee Vi in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2022

Chúa nhật 03.07.2022

  1. Đề tài: CHÚA CHĂM SÓC.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 1-2.
  3. Câu gốc: “Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp” (Xuất 2:24).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 5-8.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người (Mục sư, Truyền đạo) chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong một bản tin buổi chiều, phóng viên một đài truyền hình địa phương tại một nước tự do tường thuật một vụ hành hung tại nhà riêng, nạn nhân là một ông cụ cao tuổi. Câu chuyện xảy ra như sau: “Một người thanh niên ở cạnh nhà ông cụ mở tiệc mừng sinh nhật và mời bạn bè đến dự rất đông. Đêm đã khuya mà tiếng nhạc cùng tiếng ồn ào chưa giảm bớt, làm những người cao tuổi như ông cụ khó có thể ngủ nghỉ được. Ông cụ quyết định bước sang yêu cầu chủ tiệc bớt tiếng ồn ào nhưng không được. Ông cụ buộc lòng phải nhờ cảnh sát đến can thiệp. Không ngờ tối hôm sau có một băng du đãng đến nhà ông gõ cửa, chúng xông vào hành hung đặng trị tội ông. Một gia đình hàng xóm biết việc đang xảy ra cho ông cụ nhưng sợ bị liên lụy nên không dám gọi cảnh sát. Họ đợi cho băng du đãng kia đi mất dạng rồi mới gọi yêu cầu cảnh sát cấp cứu nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch”.

Lòng quan tâm của người ta nhiều khi gặp phải trở ngại vì nhiều lý do khác nhau. Bài học hôm nay cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng, Ngài luôn quan tâm đến những ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Ngài có một chương trình lạ lùng để giải cứu họ.

  1. HOẠN NẠN BẤT NGỜ (1:8-11a).

“Nhưng bấy giờ tại xứ Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép” (c.8).

Vua Ê-díp-tô mới lên ngôi cai trị không am tường lịch sử quốc gia, không biết xuất xứ của kiều dân Do Thái trong xứ, cho nên vua Ê-díp-tô có ý muốn kiềm chế người Do Thái để dễ bề thống trị. Sự hiện diện đông đảo và phồn thịnh của dân Do Thái tại đất Ê-díp-tô đã làm cho vị vua mới của nước nầy lo ngại.

Dù người Do Thái sinh trưởng tại đây lâu đời, nhưng họ vẫn không phải là dân Ê-díp-tô cho nên họ mới bị áp bức bất công. Họ đã cử những người đại diện đến gặp vua để khiếu nại, nhưng những “kiến nghị khôn ngoan” của dân Do Thái đều bị thất bại.

Sự thịnh vượng và sự gia tăng dân số của họ khiến vua và dân Ê-díp-tô lấy làm lo ngại và ganh tị mà tìm cách sát hại họ. Có lẽ người Do Thái ngay trước đó không bao giờ nghĩ đến tai họa thình lình sẽ xảy đến cho họ. Kinh nghiệm đau thương ấy dạy ta phải cảnh giác đề phòng điều bất ngờ do lòng ganh tị của những người xung quanh khi thấy ta phát đạt hơn họ. Trong cơn hoạn nạn, Đức Chúa Trời vẫn có sẵn kế hoạch để giải quyết nan đề cho dân sự Ngài.

  1. CHÚA DÙNG NGƯỜI CÓ SÁNG KIẾN (2:1-4).

“Vả, có một người con trong họ Lê-vi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy giữa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao” (Xuất 2:1-4).

Để giải cứu dân Ngài ra khỏi ách nô lệ và đem họ về miền đất Ngài đã hứa cho tổ phụ họ, Đức Chúa Trời chọn sẵn một người lãnh đạo trong tương lai để dẫn dân Ngài về đất hứa, người đó là Môi-se. Môi-se là người thuộc chi phái Lê-vi, tức chi phái sau nầy được Chúa chọn họ làm chức tế lễ trước mặt Ngài. Ông có một bà mẹ yêu thương và chăm sóc cho con cái mình không kém gì các bà mẹ dịu hiền khác trên trần gian nầy. Nhưng mẹ của Môi-se đã tỏ ra can đảm phi thường khi bà giấu con trai mới sinh của mình trong nhà suốt ba tháng. Thấy không thể kéo dài tình trạng nầy hơn nữa, bà liền có sáng kiến hay để cứu con mình khỏi chết, bằng cách:

– Bà làm một cái rương mây, trét chai và nhựa thông để thả con mình vào đó.

– Bà thả rương trong đám sậy bên bờ sông ở gần nơi công chúa Ê-díp-tô thường đến tắm. Có lẽ bà nghĩ đây là một nơi an toàn khỏi nanh vuốt của cá sấu và thú dữ.

– Bà lại sắp xếp người chị ruột của Môi-se đứng xa xa theo dõi tình hình để báo cáo lại, hoặc để đưa đề nghị cứu giúp em mình khi có chuyện chi xảy đến.

Những sáng kiến đó được Chúa dùng làm ích lợi cho con bà. Ngoài yếu tố sáng kiến còn có một thứ tình cảm khác nữa khiến người ta hành động cho tha nhân.

III. CHÚA CẦN NGƯỜI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT (2:5-9a).

“Và, bấy giờ con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình vớt lên. Công chúa mở rương ra thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho” (Xuất 2:5-9a).

Hy vọng của mẹ Môi-se khi thả rương trong đám sậy được Chúa làm cho thành tựu. Công chúa Ai-cập thấy cái rương mây và vớt lên. Khi bà mở ra và thấy đứa trẻ đang khóc bà động lòng thương xót. Tiếng khóc của trẻ thơ đó khác nào tiếng kêu cứu đã lay chuyển được lòng người. Trong khi công chúa chưa biết phải tính sao thì chị của Môi-se bước tới với đề nghị tìm một người vú để nuôi dưỡng em bé. Công chúa ưng thuận và người vú nuôi không ai khác hơn là mẹ ruột của em bé Môi-se. Bà được lại con mình và nuôi nó cho đến lớn khôn mới trao lại cho công chúa Ê-díp-tô.

Lòng thương xót là động lực đưa con người đến hành động cụ thể, thật khác hơn sự “tội nghiệp” suông. Lòng thương xót thật giống như người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:29-37). Chúa Giê-xu kể về một người Sa-ma-ri kia có lòng thương xót người lân cận. Một hôm trên đường đi, ông có gặp một nạn nhân nằm bên đường. Ông đã dừng lại, đến gần người ấy “lấy dầu và rượu xức trên vết thương, rồi rịt lại”.

Kinh Thánh cho biết: Đức Chúa Trời tỏ lòng thương xót của Ngài bằng hành động, khi Ngài sai Con Một của mình đến với nhân loại khổ đau trong tội lỗi. Phao-lô cũng viết: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hạn chịu chết vì kẻ có tội… Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:6,8).

Người có lòng thương xót không đợi nạn nhân chạy đến với mình để yêu cầu được cứu giúp, nhưng lúc nào cũng nhìn xem quanh mình để thấy đâu là nhu cầu của người mà đáp ứng kịp thời.

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI NGHE VÀ ĐOÁI ĐẾN (2:23-25).

“Sau cách lâu, vua xứ Ê-díp-tô băng; dân Y-sơ-ra-ên than thở kêu van vì phải phục dịch khổ sở; tiếng kêu van lên thấu Đức Chúa Trời. Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái lại dân Y-sơ-ra-ên, nhận biết cảnh ngộ của chúng” (Xuất 2:23-25).

Đời sống nô lệ của người Do Thái cứ nặng nề hơn, hầu như không chịu nổi nữa. Họ đã kêu la cùng Đức Chúa Trời. Lời than vãn của họ đã thấu đến tai Ngài. Đức Chúa Trời nghe tiếng than của họ, Ngài nhớ đến giao ước đã thiết lập với tổ phụ họ. Đức Chúa Trời nhìn lại dân Ngài và ra tay hành động.

Để cứu dân Do Thái, Chúa đã chọn Môi-se từ trước khi ông ra đời. Ngài còn huấn luyện ông Môi-se chu đáo để lãnh đạo dân Ngài sau nầy. Môi-se đã trải qua thời thanh xuân trong cung điện vua Ê-díp-tô để học tập nền văn hóa cũng như việc lãnh đạo dân sự. Nhưng sợ bị kết án trong vụ giết người Ê-díp-tô, nên ông đã trốn vào đồng vắng. Ở đó, ông làm quen với nếp sống du mục để sau nầy ông có đủ kinh nghiệm dắt dẫn dân Do Thái vượt sa mạc, đi vào vùng đất hứa. Như vậy, Chúa đã chuẩn bị Môi-se trong tám mươi năm. Để bây giờ, Đức Chúa Trời sai ông đi gặp vua Ê-díp-tô xin cho dân Ngài ra khỏi xứ đó để lập thành một dân biết thờ phượng Ngài.

Những hành động nầy của Chúa bảo đảm cho chúng ta rằng: Ngày nay, Ngài vẫn còn quan tâm đến nhu cầu của mọi người, trong mọi cảnh ngộ. Ngài có chương trình chu đáo để giúp đỡ những ai đặt niềm tin vào Ngài.

Có lần nào bạn gặp khó khăn, cô đơn trong cuộc sống? Đó là những giờ phút bạn tưởng như không còn ai có thể thấu hiểu nỗi đau thương của mình. Chúa Giê-xu thấu cảm nỗi đau thương đó của mỗi chúng ta. Ngài đã phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Mời bạn đến với Chúa giờ nầy để được Ngài xoa dịu những đau thương.

* KẾT LUẬN.

Người mẹ, người chị của Môi-se, công chúa Ai-cập thảy đều đã góp phần đắc lực vào chương trình của Đức Chúa Trời. Những đoạn Kinh văn trong bài học hôm nay không kể tên những người nầy, nhưng công việc âm thầm của họ đã gây khuynh đảo cho một chính quyền bạo ngược ở Ê-díp-tô. Sự quan tâm của chúng ta đối với tha nhân không đòi hỏi mọi người phải biết đến hay ca tụng, nhưng chắc chắn được Chúa biết và Ngài sẽ ban thưởng.

Post CommentLeave a reply