CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 1.5.2022
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 25 Tháng Tư, 2022
Chúa nhật 01.5.2022.
- Đề tài: PHẨM GIÁ CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ CHÚA.
- Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 2:20-26.
- Câu gốc: “Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý” (2Ti-mô-thê 2:24-25 – BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử ký 4-6.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc (Xem chỉ dẫn CN 16.01.2022).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong các câu Kinh Thánh này ta sẽ nghiên cứu về các điểm sau đây:
- Phương pháp sống và phục vụ Chúa trong Hội Thánh.
- Phương pháp sống đạo của phụ nữ.
- Phương pháp đối đầu với những nan đề do kẻ chống nghịch gây ra.
- PHƯƠNG PHÁP SỐNG VÀ PHỤC VỤ CHÚA TRONG HỘI THÁNH.
Trong một nhà lớn, không những có bình vàng bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa, thứ thì dùng việc sang, thứ thì dùng việc hèn.
Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành.
Thoạt tiên đọc câu này nhiều người cho rằng Phao-lô ví sánh những người trong Hội Thánh như những chiếc bình khác nhau, tất cả đều phải giữ mình cho xứng đáng được phục vụ trong tư cách của mình. Thật ra câu này có hai lời khuyên khác nhau:
- Trong một nhà lớn, không những có bình vàng bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa.
– Thứ thì dùng việc sang.
– Thứ thì dùng việc hèn.
Dùng vào việc sang có nghĩa là được tôn trọng, dùng vào việc hèn có nghĩa là không được tôn trọng.
- Trong xã hội cũng như trong Hội Thánh có nhiều hạng người. Có những người thánh thiện hiền lành, lại có những người nham hiểm độc ác. Phao-lô đã kể tên hai người trong câu 17 đó là Hy-mê-nê và Phi-lết là hai người như vậy. Đây là những người làm các hành động không đáng khen ngợi, cần phải tránh xa.
- TIÊU CHUẨN CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ.
– Là phải đề phòng những phần tử gieo rắc chia rẽ và làm hại tình thân trong Chúa. Những người ấy có những hành động không đáng ca ngợi, nên không nên kết hợp với họ, e rằng chính ta bị hại lây.
– Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành.
Đây không những là phải giữ cho bình của mình được tinh sạch, nhưng còn là tránh xa những phần tử làm các điều tai hại cho Hội Thánh. Cái bình quý trọng, thánh khiết là tiêu chuẩn của người phục vụ Chúa. Chúa là Đấng thánh khiết nên Ngài không thể sử dụng những con người có tội hay làm những điều xấu xa tàn hại. Cái bình quý trọng thì mới dùng vào việc quý trọng được.
– Có ích cho chủ: Ta cần trau giồi khả năng để trở nên hữu dụng cho Chúa, đó là điều quan trọng, không nên bỏ thì giờ đào sâu những chuyện chỉ gây hại.
– Sẵn sàng cho mọi việc lành: Việc lành đây không phải chỉ là những việc mang tính chất từ thiện, nhưng bao gồm mọi cơ hội đem lợi ích cho Chúa và cho người khác. Người phục vụ Chúa cần chuẩn bị sẵn sàng và luôn luôn tình nguyện làm công việc của Chúa dành cho mình.
Đây không những áp dụng cho người truyền đạo, nhưng còn cho mọi người trong Hội Thánh nữa. Ai cũng cần sống thánh thiện, tốt lành, tránh xa mọi thói xấu, luôn luôn học tập trau giồi để sẵn sàng ứng phó cho mọi công tác phục vụ Chúa và đồng bào.
III. PHƯƠNG PHÁP SỐNG ĐẠO CỦA PHỤ NỮ.
Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.
Đây không phải là lời khuyên về chuyện vô luân về tình dục nam nữ, vì dĩ nhiên là người tin Chúa phải tránh, nhưng trong bối cảnh của đoạn Kinh Thánh, tình dục trai trẻ đây là tính nóng nẩy mà Phao-lô liệt kê ra sau đó, như: biện luận điên dại trái lẽ, tranh cạnh. Thanh niên thường nóng tính và phản ứng rất nhanh, nhưng người phục vụ Chúa cần chú trọng vào các nguyên tắc: thánh thiện (công bình), đức tin, thương yêu, hòa thuận, và kết thân với những người tín hữu chân chính, những ai ưa thích cầu nguyện. Phương pháp sống đạo này rất quan trọng, vì tạo cho ta kiên nhẫn, biết quan sát và quyết định khôn ngoan, cũng như góp phần tạo hòa khí trong Hội Thánh.
- ĐỐI ĐẦU VỚI NHỮNG NAN ĐỀ DO KẺ CHỐNG NGHỊCH GÂY RA.
Nan đề là chuyện ở đâu cũng có. Hơn thế nữa, trong một cộng đoàn, ít khi người ta đồng ý một trăm phần trăm, và luôn luôn có những phần tử ưa thích chống đối. Trong các câu này Phao-lô dạy:
“Hãy từ chối những cuộc tranh luận điên dại và ngu xuẩn, vì như con biết, chúng chỉ sinh ra sự cãi cọ mà thôi. Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý, và tỉnh ngộ để thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ, vì họ đã bị ma quỷ bắt giữ để làm theo ý nó” (2Ti-mô-thê 2:23-26 – BHĐ).
Đặc tính của các thành phần phản chống trong Hội Thánh: bàn luận điên dại và trái lẽ, chống trả, đã bị ma quỷ bắt lấy đặng làm theo ý nó. Những đặc tính này không cần giải thích nhiều, vì thường có mặt trong bất cứ cộng đoàn nào, nhưng điểm chủ yếu là họ đã nằm trong bàn tay sử dụng của ma quỷ. Đây không phải khuyến giục ta hễ gặp ai không đồng ý với mình là gán ép cho là do ma quỷ xui giục hay tay sai của ma quỷ, nhưng người tin Chúa cần phân tích vấn đề cho rõ trước khi kết luận. Những ý kiến chống đối nhưng xây dựng bao giờ cũng khác hẳn những biện luận điên dại, trái lẽ, nghĩa là sai nguyên tắc và chỉ đưa đến tranh cãi và bất hòa.
Phao-lô dạy là “hãy từ chối” là không tham gia vào, gạt bỏ đi, chứ không có nghĩa là chống cự lại. Thái độ được xác định rõ trong c.24 “Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý”.
Như thế không phải là chống cự, nhưng phải gạt sang một bên, đừng quan tâm đến mà cần lấy đức độ đối xử: Tức là dạy bảo với thái độ nhịn nhục, dùng lời mềm mỏng mà sửa dạy với mục đích đưa họ trở về với chân lý, với Chúa. Tóm lại, khi gặp khó khăn vì những thành phần phá hoại trong Hội Thánh, người tin Chúa cần cầu nguyện, học tập thái độ khiêm nhường, mềm mỏng với thiện chí đưa các thành phần ấy đến chỗ hoàn thiện, và trở về với Chúa, chứ không đạp đổ làm cho họ ra ngoài Hội Thánh.
Nhưng phần cuối cùng của đoạn văn này rất đáng cho ta quan tâm: Đó là mục đích của việc giáo huấn các thành phần chống trả, phá hoại cho họ thấy được cơ mưu của ma quỷ và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó. Cho đến khi nào ta cho người phá hoại biết được rõ ma quỷ hành động như thế nào qua hành vi của họ, thì lúc ấy mới mong họ ăn năn hối lỗi. Tuy nhiên không dễ gì khi ta nói với một người rằng người ấy là tay sai của ma quỷ. Chính vì vậy mà Phao-lô dạy là phải khiêm nhường, mềm mỏng với thái độ xây dựng.
Dĩ nhiên trong mọi việc đối xử này, ta phải nhờ Thánh Linh hướng dẫn và hoàn toàn đầu phục ý muốn của Chúa.
Trên đây là một số phân tích về lời dạy của các câu Kinh Thánh này. Xin Chúa hướng dẫn mỗi chúng ta để được hữu ích trong Hội Thánh của Chúa nhưng đồng thời biết cảnh giác đối với những thành phần xấu xa gây hư hỏng trong Hội Thánh, cũng như biết cách đối xử, sao cho họ ăn năn hối lỗi và ra khỏi mạng lưới xảo quyệt của ma quỷ.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Giữ cơ thể thơm mát.
– Uống nhiều nước mỗi ngày.
– Bạn có thể sử dụng gừng để giảm mồ hôi cơ thể bằng cách uống nước trà gừng hoặc ngâm mình trong nước nóng có pha gừng tươi đâm nhỏ. Gừng có tác dụng khử mùi hôi ở cơ thể rất hiệu quả.
– Mật ong có tác dụng làm cơ thể bạn thơm tho. Hãy thêm một thìa mật ong vào chậu nước ấm khi bạn tắm và dội lại lần cuối. Bạn cũng có thể thêm một cục phèn vào nước tắm của bạn thay thế mật ong.