CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.04.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 16 Tháng Tư, 2022
Chúa nhật 17.04.2022
- Đề tài: VÌ NGÀI SỐNG (KN CHÚA PHỤC SINH)
- Kinh Thánh: Mác 16:1-14.
- Câu gốc: “Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài’’ (Mác 16:6b).
- Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
- Thể loại: Chia Sẻ.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 09.01.2022.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Vào năm 1930, một luật gia người Anh có xuất bản một quyển sách nhan đề “Ai đã lăn tảng đá?” Đây là một quyển sách khác hẳn quyển sách mà ông muốn viết khi bắt đầu, bởi vì chính ông đã trở thành người khác hẳn với con người lúc ông bắt đầu viết quyển sách ấy. Trước đó, ông muốn viết một quyển sách để bài bác sự sống lại của Chúa bằng những chứng cớ rõ ràng, nhưng đang khi đọc Kinh Thánh, các sự kiện đã thay đổi ông từ chỗ không tin đến chỗ tin chắc, khiến ông tiếp nhận Đấng Christ phục sinh làm Chúa và Cứu Chúa của mình. Xin chúng ta hãy khảo xét các sự kiện liên quan đến sự sống lại của Chúa Giê-xu ngay trong Kinh Thánh.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Lịch Sử Việc Chúa Sống Lại.
Bốn trước giả các sách Tin Lành đã không chép lại sự kiện giống y nhau. Trong các sự kiện cần ký thuật, mỗi trước giả đã chọn một vài phần nào đó theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh. Không hề có một nỗ lực nào nhằm sao chép để các sự kiện trùng hợp nhau như việc có thể xảy ra nếu việc ấy là một câu chuyện tưởng tượng hay một huyền thoại.
(Chúng tôi trình bày dưới đây một bố cục kết hợp tất cả các biến cố đã đọc được mà không giải thích hay phân tích gì cả. Từng loạt những câu Kinh Thánh tham khảo sẽ được đánh số và đặt ra thứ tự phải đọc. Nên lập bản liệt kê các loạt những câu Kinh Thánh tham khảo nầy trước mặt ban viên. Bảo các ban viên xem những câu Kinh Thánh của mỗi người. Nên cố gắng trong phạm vi có thể làm được để biến việc ấy thành từng trải là được nghe trọn vẹn phần ký thuật về việc Chúa sống lại mà không bị gián đoạn).
- Việc chôn Chúa Giê-xu (Mác 15:42-46; Giăng 19:39-42;
Lu-ca 23:55,56). - Một toán lính được cắt đặt để canh mộ (Mat 27:62-66).
- Các biến cố trước khi mấy bà đến mộ (Mat 28:2-4).
- Các bà đến gần ngôi mộ (Mác 16:1-4).
- Một thiên sứ ngỏ lời với mấy bà (Mác 16:5-8).
- Mấy bà gặp Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 28:9,10).
- Mấy bà kể chuyện lại cho mười một sứ đồ (Lu 24:9-11).
- Ma-ri Ma-đơ-len kể chuyện lại cho thánh Phi-e-rơ và thánh Giăng (Giăng 20:2-9).
- Cuộc trò chuyện riêng đầu tiên với Đấng Christ phục sinh (Giăng 20:10-17; Mác 16:9-11).
- Chúa Giê-xu hiện ra với hai môn đồ trên đường đến làng Em-ma-út (Mác 16:12,13; Lu-ca 24:23-33).
- Chúa hiện ra với Phi-e-rơ được hai môn đồ từ Em-ma-út trở về thuật lại (Lu-ca 24:33,34).
- Chúa hiện ra với các môn đồ trong một bữa ăn, Thô-ma vắng mặt (Mác 16:14; Lu-ca 24:36-43; Giăng 20:21-25).
- Chúa hiện ra với các môn đồ (Giăng 20:26-29).
- Chúa hiện ra với các môn đồ tại bờ biển (Giăng 21:1-14).
Kết luận bằng cách đọc lời sứ đồ Phao-lô ghi lại hai lần hiện ra của Đấng Christ phục sinh (1Cô-rinh-tô 15:6-8).
- Ý Nghĩa Của Việc Chúa Sống Lại Đối Với Chúng Ta.
Tại sao sự kiện trên đây về việc Chúa Giê-xu Christ sống lại phải được ký thuật tỉ mỉ là điều tối quan trọng? Chúng ta đang sống trong lịch sử, và Đức Chúa Trời từng lên tiếng trong lịch sử để thỏa mãn các nhu cầu của những người đang sống và chết trong thế gian nầy. Các vấn đề sống và chết vốn được thân xác con người đặt ra, do đó, cũng phải được giải đáp trong thân xác. Sự sống lại của Chúa Giê-xu khiến cho lịch sử có ý nghĩa và có chủ đích. Chúng ta biết rằng sự chết không có vai trò nào cả trong kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với đời sống chúng ta. Nó là một kẻ thù phải bị đánh bại. Và nó sẽ bị bại trận hoàn toàn và vĩnh viễn.
Trước hết, sự phục sinh có nghĩa là chúng ta được tái hợp nhất về phương diện thuộc linh với Đấng Christ, và sẽ chẳng bao giờ chết nữa (Ê-phê-sô 1:17-20; 2:1-7). Nếu các bạn chưa từng trải sự sống lại thuộc linh khỏi tội lỗi và sự chết đó, để sống cho Chúa Giê-xu Christ, thì chính hôm nay, các bạn đang được kêu gọi để làm như vậy. Đó là một sự thật. Đời sống các bạn được quyền năng của Chúa Giê-xu Christ đổi mới hoàn toàn. Các bạn không phải là ngoại lệ. Sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ làm cho việc ấy xảy ra.
Sự phục sinh cũng có nghĩa rằng sự chết thuộc thể (mà trước ngày Chúa Giê-xu tái lâm, mọi người đều phải từng trải) một ngày kia sẽ bị phá tan. Chúng ta đều sẽ từ kẻ chết sống lại, như Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại vậy. Muốn biết rõ vấn đề đó, hãy xem 1Cô-rinh-tô 15. Xin đặc biệt chú ý những câu 20-23, 51-56, đây là một lẽ mầu nhiệm lớn nhưng nó có nghĩa rằng tất cả những gì liên quan tới đời sống chúng ta sẽ có ngày được hoàn tất trong vinh quang và theo ý định hoàn toàn của Đức Chúa Trời. Việc ấy có nghĩa rằng cả đời sống chúng ta đều quan trọng; thân thể, tâm trí cũng như linh hồn. Cả đời sống chúng ta đều phải được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ để khiến từ chết sống lại vào ngày Đấng Christ tái lâm. Thân thể các bạn là đền thờ của Đức Thánh Linh. Hãy nhớ điều đó. Đó là chiến thắng dứt khoát và cuối cùng trên kẻ thù, tức là sự chết. Đó là ý nghĩa của sự phục sinh đối với bạn. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng nhất.
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Trong tuần nầy, các bạn cần biết rõ sự kiện Chúa Giê-xu đã phục sinh, bởi vì biến cố ấy là uy quyền của đức tin Cơ đốc nhân.
Sứ đồ Phao-lô là một người học rộng và nhiều suy tư, đã tin rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu là quả tim của Tin Lành. Khi ý niệm cho rằng không có sự sống lại bắt đầu tràn lan giữa các Cơ đốc nhân tại thành phố Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô đã viết thơ cho họ (1Cô-rinh-tô 15:12-14,17,19-22).
Làm Cơ đốc nhân không phải chỉ có nghĩa là chấp nhận sự kiện Chúa Giê-xu đã chết và sống lại mà còn có nghĩa là chúng ta tiếp nhận chính Ngài nữa. Ngài sống trong lòng những Cơ đốc nhân chân chính. Việc ấy được chứng minh bằng đời sống đã được thay đổi của họ. Các môn đồ đã được thay đổi sau khi họ tin sự kiện Chúa phục sinh và tiếp nhận Ngài vào đời sống.
Các bạn không thể giải nghĩa cuộc đời của họ sau khi Chúa Giê-xu sống lại rồi thăng thiên bằng cách nào khác. Chính họ không thể tự mình tạo nên những đời sống như vậy. Chẳng hạn như Phi-e-rơ đã liên tiếp sa ngã trước khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh. Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, ông đã phải trải qua một từng trải phi thường nào đó, thì mới có thể truyền giảng được Chân lý về Đấng Christ.