Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 13.03.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 13.03.2022

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 11 Tháng Ba, 2022

Chúa nhật 13.3.2022

  1. Đề tài: LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG.
  2. Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 4:6-16.
  3. Câu gốc: Đừng để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng phải lấy lời nói, cách cư xử, lòng yêu thương, đức tin và sự trong sạch mà làm gương cho các tín hữu (1Ti 4:12 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 22-24.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 09.01.2022).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúng ta thường nghe nói: “Ngôn hành hợp nhất” tức là lời nói phải đi đôi với việc làm. Nhưng thực sự trong xã hội văn minh hôm nay chúng ta lại thấy trái ngược lại “ngôn hành bất nhất”. Người ta có thể nói một đàng, nhưng lại làm một nẻo. Bước vào mùa bầu cử chúng ta nhận thấy rõ về điều này. Những lời bày tỏ, những lời hứa hẹn thật hùng hồn, hấp dẫn làm cho người nghe thấy thật cảm động và sẵn sàng đặt sự tin tưởng vào đó. Nhưng rồi sau đó, đâu cũng vào đấy, và đôi khi người ta cũng không còn nhớ mình đã hứa gì nữa và vì vậy người ta vẫn thường nói, đừng nghe những gì người ấy nói, hãy nhìn kỹ những gì người ấy làm. Ngôn hành hợp nhất có nghĩa là lời nói phải đi đôi với việc làm. Đó là dấu chỉ của tư cách lãnh đạo và là điều kiện tiên quyết để cho sự phục vụ có kết quả mà Thánh Phao-lô đã nêu ra cho Ti-mô-thê, một người lãnh đạo trẻ tuổi trong Hội Thánh.

Bài học hôm nay bao gồm 5 phần:

  1. Một thực tại nguy hiểm.
  2. Một lợi ích có thể đạt đến.
  3. Một niềm tin hy vọng chắc chắn.
  4. Một gương mẫu sống.
  5. Một kết quả đáng giá.
  6. MỘT THỰC TẠI NGUY HIỂM (1Ti-mô-thê 4:1-5).

Qua lời Kinh Thánh, Chúa luôn luôn nhắc nhở cho con dân Ngài biết rằng vào thời kỳ cuối cùng sẽ có nhiều kẻ lầm lạc bội đạo, bị ma quỷ dẫn dụ luôn tự cho mình là khôn ngoan, đạo hạnh đưa ra những điều sai lạc. Từ đó đưa con cái Chúa và Hội Thánh làm sai trật chân lý Đức Chúa Trời.

Phao-lô dạy rằng các giáo sư giả là những kẻ nói dối đạo đức giả, khuyến khích người ta theo “các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ”. Sa-tan lừa dối thiên hạ bằng cách đưa ra một điều bắt chước điều có thật hết sức khéo léo. Các giáo sư giả đưa ra những qui tắc nghiêm khắc (như cấm người ta kết hôn hay ăn một số thức ăn nào đó). Điều này khiến họ có vẻ như là những người tự chủ hoặc công chính. Tuy nhiên cách “ép xác” đó của họ không thể cất tội lỗi đi được (Cô-lô-se 2:20), chúng ta không nên để cho cách sống hay các thành tích của một người tạo ấn tượng không phải lẽ trên mình, mà phải chú trọng vào lời dạy của họ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lời kết luận của ông ta về Chúa Cứu Thế chứng minh cho nguồn của thông điệp của ông ta.

Từ những nhận thức bởi triết lý Hy-lạp, các giáo sư giả đưa ra những cấm kỵ sai trật về hôn nhân và lẫn lộn với thức ăn. Vì xem thân xác là xấu và ác cần tiêu trừ họ nghĩ sống độc thân là thánh thiện là thiêng liêng, nên họ ngăn trở sự cưới gả. Nhưng họ không thấy được chính Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân cho loài người. Liên hệ sinh lý vợ chồng là thiêng liêng. Về vật chất họ kiêng cử ăn uống vì giúp họ giải thoát được sự xấu. Tuy nhiên mọi sự Chúa tạo dựng cho chúng ta tất cả đều tốt đẹp: Bất cứ loài vật nào di chuyển và có sự sống đều dùng làm thức ăn cho các con. Ta ban cho các con mọi vật ấy như Ta đã ban rau cỏ xanh cho các con (Sáng 9:3 – BHĐ). Tuy nhiên nếu chúng ta lạm dụng sử dụng theo ý riêng, không theo sự chỉ dạy của Đấng Tạo Hóa thì nó trở thành xấu. Nếu chúng ta sử dụng đúng theo ý chỉ Chúa và biết ơn Chúa, xin Chúa ban phước, tất cả đều là tốt đẹp và hữu dụng.

  1. MỘT LỢI ÍCH CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC (1Ti-mô-thê 4:6-9).

Hơn bao giờ hết các con cái Chúa cần phải được nhắc nhở về đạo giả thầy dối. Trách nhiệm của Mục sư trong công tác dạy dỗ bao gồm hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ông ta phải trung tín giảng dạy giáo lý tốt đẹp, đồng thời phải chống lại và lánh xa những chuyện hoang đường không giúp ích cho sự tin kính.

Những người lãnh đạo không thể quên hay bỏ điều này. Khi chúng ta lái xe chạy trên đường phố hay trên xa lộ chúng ta sẽ thấy hai loại bảng chỉ dẫn. Chúng ta sẽ đi đến đâu và một loại bảng khác lưu ý có thể nguy hiểm vì đường hư hay cầu hư. Và nhờ đó, những người lái xe biết sẽ đi đâu, đến đâu và phải cẩn thận như thế nào. Tất cả những chân lý mà người lãnh đạo muốn bày tỏ đó là những căn bản vững chắc cho người phục vụ Chúa và luôn thể hiện qua chính đời sống họ.

Tất cả những dạy dỗ không đặt căn bản trên Kinh Thánh đều sai lạc, Phao-lô so sánh việc rèn luyện phần thân thể với phần tâm linh như một lời bình giải về việc rèn luyện trong sự tin kính (c.8). Dù phải thừa nhận giá trị của việc trước (phải chăng Ti-mô-thê có xu hướng bỏ qua hay quá chăm chỉ làm việc ấy?), chúng ta cũng phải đồng ý rằng sự tin kính còn có giá trị trổi hơn, vì nó có giá trị hiện tại lẫn cho tương lai.

III. MỘT NIỀM HY VỌNG CHẮC CHẮN (1Ti-mô-thê 4:10).

Chữ khó nhọc và đánh trận mang hình ảnh của một lực sĩ đem tất cả sức lực vào giai đoạn nước rút để đoạt được giải. Thánh Phao-lô và những người đồng lao cũng có cùng một cái nhìn như thế. Một phần thưởng huy hoàng của một sự kiên nhẫn chịu đựng. Đời sống của một người trung tín phục vụ Đấng Christ không bao giờ hoàn toàn dễ dàng.

– Lý do chúng ta phải chịu khổ và đánh trận, vì chúng ta có một hy vọng trong một Đấng sống. Nền móng thật cho niềm hy vọng là Đấng Christ. Sự hy vọng sống không có được trong một hình tượng chết. Nhưng trong một Đấng sống, chính Ngài là sự sống và là nguồn sống cho cuộc đời và chúng ta được trọn vẹn trong Lời của Ngài (Harvey).

– Ngài là Đấng ban ân điển cho sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự cứu rỗi qua hình ảnh của chính Con Đức Chúa Trời và điều đó đem lại niềm hy vọng chắc chắn cho tất cả loài người.

– Phao-lô gọi Ngài là Cứu Chúa của mọi người. Ngài thật mong muốn tất cả loài người có được kinh nghiệm về sự cứu rỗi của Ngài. Chính Ngài là tế lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội của cả thế gian nữa (1Giăng 2:2 – BHĐ).

– Còn về phần con người sự cứu rỗi chỉ được thể hiện bởi đức tin. Mục đích của Chúa là bày tỏ một sự bảo đảm chắc chắn cho những người tin Chúa, là sự hy vọng trong Chúa không phải là hư không.

  1. MỘT LỜI CHỨNG HÙNG HỒN (1Ti-mô-thê 4:11-15).

Một đời sống đạo trong Chúa không phải chỉ ích lợi cho chính mình thôi đâu mà còn cho những người khác nữa. (1Tim 4:11-12) nhắc nhở chúng ta những biểu hiện tốt và điều đó giúp chúng ta khích lệ kẻ khác. Phao-lô chỉ bày tỏ ra một số lãnh vực trong đời sống.

– Lời nói (c.12): Lời nói phải mang tính chất trung thực và yêu thương – Phải lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật (Ê-phê-sô 4:15).

– Nết Làm: Cách cư xử đời sống chúng ta do sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta không được có thái độ giả hình – Phao-lô nói trong Tít 1:16: Họ tự nhận là người biết Đức Chúa Trời, nhưng hành động của họ lại từ chối Ngài. Họ thật đáng ghét, không vâng lời, không thể làm được một việc gì tốt đẹp cả”.

– Sự yêu thương: Đây là động lực cho đời sống người tín đồ – Không phải chúng ta vâng lời Chúa để được ca ngợi, nhưng vì chúng ta yêu Chúa và yêu những người con của Ngài.

– Đức tin: Chúng ta tin Chúa và trông cậy nơi Ngài. Đức tin và tình yêu thương đi đôi (1Ti-mô-thê 1:14, 2:15, 2Ti-mô-thê 1:13, 2:22). Đức tin luôn dẫn đến sự trông cậy.

– Sự tinh sạch: Đây là điều quan trọng khi chúng ta đang sống, đang đối đầu với một thế giới tội lỗi xấu xa. Ê-phê-sô là trung tâm cực điểm của sự xấu xa dâm loạn và chàng thanh niên trẻ tuổi Ti-mô-thê phải đối diện với nhiều cám dỗ. Ti-mô-thê phải có những giao thiệp đúng đắn với những thiếu nữ trong Hội Thánh (1Ti-mô-thê 5:2). Phải giữ chính mình trong sự tinh khiết về tư tưởng, tấm lòng và thân thể.

Đối với người phục vụ, Lời Chúa phải là điều quan trọng nhất. Chúng ta phải dành sự chăm sóc, ham mến, học hỏi Lời Chúa thường xuyên trong cuộc sống.

  1. MỘT KẾT QUẢ ĐÁNG GIÁ.

Phao-lô đã nhấn mạnh điểm chính yếu cho Ti-mô-thê. Đời sống và chức vụ phải luôn gắn liền với người phục vụ. Đó là một thể hiện đáng giá được bày tỏ ra cho những người đang giảng Phúc âm. Thánh Phao-lô cũng có lưu ý tương tự với các trưởng lão tại Ê-phê-sô. “Anh em hãy giữ lấy mình” (Công vụ 20:28). Người phục vụ có thể bận rộn chăm sóc, giúp đỡ kẻ khác, trong khi đó lại bỏ bê xao lãng đời sống tâm linh của chính mình, đó là điều tai hại. Ngày hôm nay nhìn nhiều người phục vụ Chúa ngã đổ, thối lui trong công việc Chúa, vì đời sống họ không xây nền vững vàng trong Chúa.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Bí quyết muối dưa ngon.

– Muối là nguyên liệu chính để muối dưa. Nếu nhiều muối, dưa sẽ mặn và lâu chua. Ít muối, dưa sẽ bị ủng và hỏng. Trong trường hợp này, bạn nên thêm muối và ít hành lá, nếu sớm, có thể chữa được.

– Đường giúp dưa vàng đẹp và mau chua, nhưng đừng cho nhiều quá.

– Mọi món dưa đều không thể thiếu hành. Hành nhiều, dưa sẽ thơm và không ủng.

– Nước dưa phải ngập mặt dưa. Nên gài bằng miếng nhựa cho dưa chìm dưới nước, nếu không, lớp dưa trên mặt sẽ bị thâm đen.

Post CommentLeave a reply