CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.10.2021
By Lee Vi in Thanh niên on 18 Tháng Mười, 2021
Chúa nhật 24.10.2021
- Đề tài: Kỷ Niệm 504 Năm Cải Chánh Tin Lành.
- Kinh Thánh: Công vụ 2:40-47.
- Câu gốc: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ không thắng được Hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).
- Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
- Thể loại: Thuyết trình.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
KỶ NIỆM 504 NĂM NGÀY CẢI CHÁNH HỘI THÁNH
(31/10/1517 – 31/10/2021)
Sau ba năm thi hành chức vụ trên đất, Chúa đã công bố thành lập Hội Thánh của Ngài: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ không thắng được Hội đó”.[1]
Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng lâm để thành lập Hội Thánh: “Trong ngày ấy, có độ ba nghìn người thêm vào Hội Thánh”[2] và “mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh.”[3]
Nhưng đến năm 1054, Hội Thánh của Chúa bị phân ra thành hai nhánh chính: Đông Giáo hội và Tây Giáo hội. Sau nầy, Đông Giáo hội có tên chính thức là Giáo hội Chính Thống.
Tây Giáo hội đã phát triển mạnh mẽ với tổ chức rất chặt chẽ. Nhưng từ thế kỷ 14, các nhà thần học như John Wycliffe tại Anh, John Hus tại Tiệp khắc, hay Savonarola thuộc dòng
Đa-minh ở Ý… đã kêu gọi sự đổi mới để Hội Thánh thoát khỏi sự sa bại trong tội lỗi và được phục hưng. Khát vọng của họ là tất cả con dân Chúa lẫn các tu sĩ phải trở về với đức tin chân chính được mặc khải trong Kinh Thánh, Lời của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa được phép đọc Kinh Thánh trong sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, được cứu rỗi bởi ân điển của Chúa Giê-xu, và sống đức tin nơi Đức Chúa Trời, chớ không phải bởi các bí tích do hàng giáo phẩm ban phát.
Đỉnh điểm sự sa bại của Tây Giáo hội là vào năm 1517, khi cần một số tiền lớn để tái thiết quảng trường thánh Phê-rô ở La-mã, Giáo hoàng Leo X (Lê-ô 10) đã phái đặc sứ Tetzel đến nước Đức bán giấy xá tội. Ai mua giấy xá tội sẽ được tha mọi tội lỗi. Sự sai trái quá trầm trọng đó bị nhiều giáo dân lên án, nhất là khi thấy hằng ngàn người lạm dụng giấy xá tội để tự do phạm tội.
Vào tối ngày 31/10/1517, Linh mục Martin Luther đã dán trước nhà thờ Wittenberg bản “95 Luận Đề” phản đối việc bán giấy xá tội và các sai lầm khác của giáo hội. Hành động bởi đức tin thuần chánh của Martin Luther đã mở đầu cho một phong trào cải cách tôn giáo, và Tây Giáo hội đã bị phân ra làm hai: Giáo hội Công giáo La-mã và Giáo hội Tin Lành. Giáo hội Tin Lành trở nên một trong ba nhánh chính của Cơ-đốc giáo là Chính Thống giáo, Công giáo La-mã và Tin Lành.
Quan điểm thần học của Giáo hội Tin Lành gồm 3 điểm chính: Chỉ có Đức Chúa Trời, chỉ có Kinh Thánh và chỉ có ân điển.
Martin Luther sinh ngày 10/11/1483 tại Đức, trong một gia đình ngoan đạo. Năm 18 tuổi, ông vào Đại học Erfurt (Ơ-phơ). Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, ông tiếp tục học luật.
Năm 1505, Martin Luther trở thành tu sĩ dòng Augustine
(Ô-gút-tin). Năm 1512, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và được phong Giáo sư Thánh Kinh tại Trường Đại học Wittenberg.
Trong khi nghiên cứu sách Thi Thiên, Rô-ma, Ga-la-ti để dạy, Martin Luther khám phá ra chân lý cứu rỗi là chỉ bởi ân điển của Đức Chúa Trời, nhờ đức tin đặt nơi sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Điểm cốt lõi trong thần học của Martin Luther là đức tin. Lời Chúa trong Rô-ma 1:17 “Người công bình sống bởi đức tin” đã cảnh tỉnh linh hồn ông.
Tháng 8/1518, Martin Luther bị Giáo hoàng triệu tập đến tòa án tôn giáo tại Augsburg và lệnh cho ông phải rút lại tất cả mọi luận đề và các sách vở… chống lại Giáo hội và giáo hoàng, nhưng ông từ chối, vì các vị thay mặt giáo hoàng không đưa ra được điểm nào trong các quan điểm thần học của ông là sai lạc với Kinh Thánh.
Năm 1520, giáo hoàng ra lệnh khai trừ Linh mục Martin Luther khỏi giáo hội. Biết như thế, Luther đã cùng các giáo sư và sinh viên của Đại học Wittenberg đốt giáo lệnh của Giáo hoàng và một số bộ luật của Giáo hội.
Sau đó, ông lại bị triệu tập đến thành Worms để ra trước tòa án của hoàng đế Charles V và tòa án tôn giáo của giáo hoàng. Trước cả thế quyền và giáo quyền, Martin Luther công bố: “Tôi đứng đây. Tôi không thể thay đổi. Đây là lập trường của tôi. Nguyện Thiên Chúa phù hộ tôi. A-men.” Vì thế, ông bị truất quyền công dân.
Trên đường Martin Luther trở về, vương hầu xứ Saxony là Frederic biết Martin Luther có thể bị giết bất cứ lúc nào nên đã tổ chức bắt cóc Luther và đưa ông về ẩn náu tại lâu đài Wartburg. Nhờ đó, Luther có thời gian dịch Kinh Thánh Tân ước từ tiếng Hi-lạp ra tiếng Đức. Bản dịch Kinh Thánh trong sáng của ông đã được con dân Chúa tiếp nhận vui thỏa.
Trong thời gian nầy, giáo sư Philip Melanchton và Andreas Carlstadt thay thế Martin Luther lãnh đạo công cuộc cải chánh.
Sau 10 tháng ẩn náu, Martin Luther trở về Wittenberg để tiếp tục lãnh đạo công cuộc cải chánh Hội Thánh và làm giáo sư tại trường Đại học Wittenberg. Ông viết nhiều sách cho Hội Thánh và dịch Cựu ước Hê-bơ-rơ ra tiếng Đức. Vào năm 1525, Martin Luther cưới vợ. Ông bà có 2 con trai và 3 con gái. Gia đình của họ cũng nuôi 11 cô nhi.
Martin Luther về Nước Chúa vào ngày 18/2/1546, hưởng thọ 63 tuổi, khi đã thấy phong trào cải chánh Hội Thánh lan rộng khắp nước Đức và vài nước lân cận.
Trong lúc đó, hoàng đế Charles V đã tổ chức nhiều hội nghị hòa giải, cố gắng kêu gọi Giáo hội Tin Lành trở lại với Giáo hội Công giáo La-mã, để các nước chư hầu cũng tiếp tục ở dưới quyền của mình, nhưng vua thất bại hoàn toàn. Thế là từ năm 1550-1552, hoàng đế Charles V đã xua đạo quân hùng mạnh của mình để tiêu diệt Giáo hội Tin Lành. Khi vua đã gần như toàn thắng, thì vào những phút cuối cùng, Chúa đã đưa cánh tay quyền năng của Ngài ra để giải cứu Hội Thánh. Đến ngày 25/9/1555, hoàng đế Charles V phải ký hòa ước tôn trọng Giáo hội Tin Lành như Giáo hội Công giáo La-mã.
Từ đó, Giáo hội Tin Lành sống Lời Chúa, các Hội Thánh thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu mang Phúc Âm đến cho mọi người, nhiều hệ phái được thành lập để mỗi hệ phái trở thành một mặt của viên kim cương Tin Lành, chiếu sáng vẻ đẹp kỳ diệu của Hội Thánh.
[1] Ma-thi-ơ 16:18.
[2] Công vụ 2:40.
[3] Công vụ 2:47.