Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 19.09.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 19.09.2021

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 13 Tháng Chín, 2021

Chúa nhật 19.09.2021 (CN Thiếu Nhi Tin Lành).

  1. Đề tài: HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!
  2. Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 3:14-17.
  3. Câu gốc: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Các vua 1-3.
  5. Thể loại: Tâm tình.

CHỈ DẪN: Tâm tình.

  1. Mời ban Thiếu nhi của Hội Thánh đến tham dự buổi nhóm.
  2. Mời một số người mẹ tâm tình về niềm vui, sự hy vọng, sự trưởng thành gởi gắm nơi những đứa con thân yêu của mình, những sự ray rứt, dày vò khi thấy đứa con không vâng lời, những trăn trở khi thấy con mình khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật… để cho các ban viên thông cảm được vai trò của người mẹ trong gia đình.
  3. Mời một số người con nói lên cảm tưởng đối với mẹ.
  4. Mời một ban viên cầu nguyện xin Chúa ban phước cho ban Thiếu nhi.
  5. Sau giờ thờ phượng nên có trà đàm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!

Chúa phán dạy: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6). Đây là một mệnh lệnh bao gồm cả một nguyên tắc giáo dục con người, đúng với mọi thời đại.

Dạy con từ thuở còn thơ bé là bổn phận của cha mẹ, của gia đình. Phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc giáo dục, hướng dẫn con cái. Bài học nầy chúng tôi chỉ nhắm vào mục đích dạy Lời Chúa, đem đức tin đặt vào lòng con cái, vì những lời dạy Kinh Thánh ở nhà thờ với ban Thiếu Nhi… quá ít ỏi so với nhu cầu tâm linh của chúng. Chúng tôi tha thiết xin các bậc phụ huynh lưu tâm đến lãnh vực nầy để gây dựng một Hội Thánh tương lai thật bền vững.

Nhưng, tại sao phải là phụ huynh mà không là một ai khác? Thưa quý vị! Không ai có thể thay thế quý vị là cha là mẹ được. Vì cha mẹ có một tầm ảnh hưởng lớn lao trên con cái. Sau đây chúng tôi xin trình bày sơ lược vài điều về tâm lý trẻ, mong ước quý vị hiểu thêm về con cái mình.

TỪ 1 ĐẾN 5 TUỔI.

Đây là giai đoạn ấu thơ của trẻ nhưng có một ảnh hưởng quan trọng đến cả cuộc đời nó. 5 năm đầu đời nầy là những năm trẻ được xây đắp một nền tảng căn bản. Đứa trẻ nào được sống trong tình yêu thương của ba mẹ, trong một gia đình đầm ấm, yên vui sẽ phát triển tốt về mặt tinh thần, nhân cách. Những gì chúng ta đặt vào lòng trẻ lúc nầy sẽ có một giá trị lớn lao. Vì thế đừng coi thường trẻ em trong lứa tuổi nầy. Tâm trí non nớt ấy sẽ tiếp thu tất cả những gì gia đình, nhất là ba mẹ dành cho nó.

Đề nghị: Xin quý vị phụ huynh chịu khó để thì giờ kể chuyện Kinh Thánh cho con em mình nghe. Mỗi ngày một truyện hoặc kể đi kể lại nhiều lần một truyện, bỏ những chi tiết rườm rà để trẻ em có thể nhớ liên tục, toàn vẹn cốt truyện.

Hãy cho con em mình biết rằng Chúa đã làm nên mọi sự trên đời nầy, làm nên bàn tay, bàn chân của chúng. Ở tuổi nầy, trẻ rất lưu tâm đến chính nó. Dạy con làm quen với nếp sống đạo: Cầu nguyện trước khi ăn, trước khi ngủ, lúc thức dậy – lời cầu nguyện ngắn, gọn. Trong sinh hoạt hằng ngày, tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để nhắc đến Chúa, tạo cho trẻ một khái niệm về Đức Chúa Trời.

6 TUỔI.

Ở tuổi nầy trẻ chịu đựng một thay đổi lớn về thể xác và tinh thần nên rất khó dạy. Trẻ hay chống đối ba mẹ, luôn luôn trả lời “không”. Xin quý vị hãy hiểu nó vì nó đang ở trong tuổi thay răng sữa và bắt đầu phải đi học, phải rời gia đình. Những thay đổi ấy làm ảnh hưởng thật nhiều đến tâm tính nó. Nó bị xáo trộn, xin quý vị hãy kiên nhẫn. Nếu bảo nó làm gì nó không chịu, xin quý vị hãy nói: “Nầy, để mẹ (anh, chị, ba…) đếm thử đến 10 xem con làm không nhé!” – Nó sẽ làm ngay, quý vị cứ thử xem! Ở tuổi nầy, trẻ cũng đã có một cái nhìn rõ hơn về tôn giáo.

Đề nghị: Khi đi nhà thờ, xin quý vị chịu khó dẫn con theo. Nó cần được làm quen, cần được bước vào những sinh hoạt Hội Thánh. Nó sẽ áp dụng những gì học hỏi được ở nhà như cầu nguyện, hát thánh ca, nghe đọc Kinh Thánh… Đừng vì con đã có thể trông em được nên để nó ở nhà giữ em!!! Trường học đối với nó là cả một khám phá mới mẻ, thích thú, có khi đáng sợ nữa. Xin quý vị hãy giúp nó hiểu thêm bài vở, vì nó còn lẫn lộn giữa mẹ và cô giáo nó. Quý vị hãy tỏ cho nó thấy rằng mình cũng có quyền uy, có khả năng giống như thầy cô ở trường để dễ dàng cho con cái chấp nhận những lời dạy dỗ của mình.

7 TUỔI.

Trẻ bắt đầu biết lý luận nên đôi lúc nó “bị” cha mẹ coi như người lớn, “bị” đòi hỏi có trách nhiệm như người lớn. Thật ra, dầu lý luận, nhưng nó không có một ý thức rõ ràng như người lớn đâu. Nó lỗi lầm, quý vị hãy giải thích trong thông cảm, yêu thương, đừng buộc tội và phạt nó nặng quá! Từ tuổi nầy, trẻ sống hơi âm thầm, khép kín. Nó có vẻ suy tư hơn và đã có ý niệm về đạo đức.

Đề nghị: Quý vị có thể kể và giải thích về sự chết đền tội của Chúa Giê-xu, cũng như những hành vi tốt, xấu theo Kinh Thánh. Làm thế nầy là tốt, làm thế kia là xấu và tại sao, nghĩa là đặt con vào nếp sống đạo thực sự.

8 TUỔI.

Đây là tuổi ồn ào, thiếu cẩn thận. Tuổi thích làm, hay làm, nhưng không làm được việc gì đến nơi đến chốn cả. Cái gì trẻ cũng muốn biết, cái gì cũng tò mò, cũng sưu tập và lại thích đổi chác, mua bán nữa. Quý vị gặp đủ thứ lỉnh kỉnh trong cặp, trong túi áo của trẻ hay có khi nó đem cái nầy đổi lấy cái kia của bạn. Trẻ cũng bắt đầu tìm bạn để chơi, mặc dầu không bền.

Đề nghị: Quý vị nên lưu tâm đến bạn bè của trẻ. Nếu trẻ có bạn tin Chúa thì càng tốt. Quý vị hãy giải thích ân cần những gì trẻ muốn tìm hiểu. Lợi dụng tuổi ham thích tìm tòi thắc mắc nầy để giải thích kỹ hơn, cẩn thận hơn về Lời Chúa, về nếp sống đạo, như chơi tốt với bạn bè theo lời Chúa dạy…

9 TUỔI.

Đây là giai đoạn yên lặng của trẻ, trẻ trở nên rất dễ bảo. Tuổi này là tuổi ham học, nhớ lâu, ít đau ốm, có ý thức về trách nhiệm, nghiêm trang trong công việc hơn lúc 8 tuổi.

Đề nghị: Dạy câu gốc, học thuộc lòng từng đoạn Kinh Thánh. Dạy trẻ tập thói quen đọc Kinh Thánh hằng ngày!

10 TUỔI ĐẾN 13 TUỔI.

Đây là tuổi họp đoàn của trẻ, trẻ thích tụ tập thành từng nhóm. Nếu ở tuổi nầy mà trẻ thích chơi một mình là trẻ bất thường, không phát triển đúng. Trong tuổi nầy, những sinh hoạt cộng đồng sẽ cuốn hút trẻ dễ dàng. Trẻ muốn tách ra khỏi gia đình nên ba mẹ phải cẩn thận và giúp trẻ giữ vững đức tin ngay trong nhà mình.

Đề nghị: Phụ huynh nên khuyến khích trẻ sinh hoạt tại nhà thờ, hướng dẫn, tìm giúp con những người bạn tốt, tin kính Chúa sẽ có lợi vô cùng cho chúng. Tạo nên một không khí yêu thương trong gia đình để trẻ thấy được gia đình là chỗ yên vui, là nơi ấm cúng nó muốn trở về. Ba mẹ là những người bạn thân thiết nhất, hòa đồng với chúng nhất, sẽ giúp chúng giải tỏa những thắc mắc, chia sẻ với chúng những vui buồn.

Dạy trẻ biết kính sợ Chúa, sống cho Chúa. Gia đình nên duy trì giờ nhóm lễ bái. Cho trẻ phát biểu ý kiến, có thể giao cho trẻ sắp đặt, tổ chức giờ nhóm lễ bái gia đình như hướng dẫn thờ phượng… Hãy tin và cho trẻ đóng vai một người lớn trong gia đình. Đừng chèn ép nó, bất công với nó…

Trên đây là những điều thật vắn tắt về tâm lý trẻ, chúng tôi ao ước sẽ được quý vị lưu tâm để giúp đỡ con em mình giữ được đức tin. Hội Thánh ngày nay cần sự đóng góp quý báu này của quý vị!

Trên tất cả mọi kỹ thuật, mọi chuyên môn trong lãnh vực giáo dục, trẻ cần có tình yêu thương thật từ gia đình. Sống trong yêu thương – không phải là sự nuông chìu – trẻ sẽ phát triển, sẽ lớn lên tốt đẹp. Với tình yêu, cha mẹ sẽ chinh phục được con cái mình, vì chính Chúa chúng ta cũng đã chinh phục thế giới bằng tình yêu!

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Cách tẩy một số mùi hôi.

Mùi hôi nước tiểu: Dùng khăn thấm nước có pha ít giấm, lau chùi chỗ có nước tiểu, sau đó chùi lại bằng nước lã. Mùi hôi tủ lạnh: Tủ lạnh để lâu không dùng thường có mùi. Để vào trong tủ lạnh một cái chén nhỏ đựng đường nấu thành kẹo, đóng cửa tủ lạnh lại, đường sẽ hút hết mùi hôi.

 

Post CommentLeave a reply