Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 12.09.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 12.09.2021

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 6 Tháng Chín, 2021

Chúa nhật 12.09.2021.

  1. Đề tài: KHÍCH LỆ NHAU.
  2. Kinh Thánh: 1Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-5.
  3. Câu gốc: “Hầu cho không một người nào trong anh em bị rúng động bởi những sự khốn khó dường ấy; vì anh em tự biết rằng ấy đó là điều đã định trước cho chúng ta” (1Tê-sa-lô-ni-ca 3:3).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 22-24.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

CHỦ ĐỀ: KHÍCH LỆ NHAU.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).

Thời gian: 90 phút.

  1. CHUẨN BỊ.

– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu hỏi và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…

       – Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

       – Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

       – Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.

       – Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

  1. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ……………… 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư……………………………………… 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm…………………………… 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất…………………………………………… 10 điểm.

– Thực hiện tốt nội dung thảo luận……………………….. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  2. Mở đầu.

– Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: KHÍCH LỆ NHAU.

– Thưa các bạn! Nhìn vào đời sống người tin Chúa đừng ngạc nhiên khi bị chống đối và các cuộc bách hại, vì Chúa đã báo trước như thế. Nhưng khi ta chịu đựng các khó khăn thì Thánh Linh luôn luôn hỗ trợ ta. Ta cũng nhớ như thế để giúp anh chị em gặp cảnh khó khăn trong đức tin. Mời chị em tham gia vào chương trình sinh hoạt nầy để biết được người theo Chúa khi bị bắt bớ thì sẽ chiến thắng bằng cách nào.

  1. Xuất phát.

– NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi: Chanh Chua.

– Cách chơi: Tất cả đứng thành vòng tròn, xen kẽ người của các nhóm. Tay phải người nầy để lên lòng bàn tay trái của người kia. NHD đứng giữa hô:

NHD                         Tất cả

Chanh                            Chua

Cua                        Kẹp

* Lưu ý: Mọi người được quyền rút tay ra khỏi lòng bàn tay người bên cạnh khi NHD hô xong cua kẹp. Ai bị kẹp sẽ bị loại. Sau một vài vòng chơi (quy định trước), nhóm nào có số người còn lại đông nhất là thắng.

– Nhóm thắng cuộc sẽ được nhận mật thư trước và tập trung nhóm lại để giải mật thư.

* Mật thư 1: HAYX CHO BIEETS AI LAF NGUOWIF DDUOWC PHAOLOO CUWR DDI KHICHS LEEJ HOOIJ THANHS TAIJ TEESALOONICA.

– Chìa khóa: Chữ điện tín.

Ö Trạm 1.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

  1. Xem Kinh Thánh (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:1):
  2. Phao-lô đã làm gì khi không đến được Tê-sa-lô-ni-ca?
  3. Hội Thánh lúc nầy đang trong hoàn cảnh nào?
  4. Chúng ta học được gì qua gương của Phao-lô?

* Mật thư 2: LONGF LO PHAOLOO CUAR LUCS LAMF NAYF DDI NHUW VIEECJ THEES GIF NAOF BIEETS DDOOIS CUNGF VOWIS TAATS HOOIJ CAR THANHS MOIS CHUAS

– Chìa khoá: Cóc nhảy.

Ö Trạm 2.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

  1. Phao-lô muốn biết điều gì nơi tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca? (c.2).
  2. Theo bạn, tại sao Phao-lô không trực tiếp đến đó?
  3. Để giúp cho những người mới tin Chúa được vững vàng chúng ta phải làm gì?

* Mật thư 3: Tìm hiểu những khó khăn mà Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca sẽ gặp là gì?

± Cách làm: Viết nội dung mật thư lên trên mảnh giấy. Sau đó, dùng bút chì vẽ hình một ngôi nhà. Dùng kéo cắt ra thành nhiều mảnh. Bỏ tất cả mảnh giấy cắt vụn vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư. Các nhóm sẽ đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.

± Chìa khóa: Hãy để chúng tôi được sống bên nhau. 

Ö Trạm 3.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

  1. Phao-lô nói cho Hội Thánh biết khi theo Chúa thì phải chịu điều gì?
  2. Ông muốn Ti-mô-thê làm gì cho Hội Thánh tại đây?
  3. Bạn học được gì qua tinh thần khích lệ cũng như quan tâm của Phao-lô đối với Hội Thánh?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD cùng ban Phụ nữ tóm lược lại tinh thần của Phao-lô và tinh thần của Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca khi theo Chúa.

– Kêu gọi các ban viên trung tín theo Ngài dầu khó khăn vẫn sẵn sàng chịu khổ vì Danh Chúa.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những điều khó hiểu nhất là tại sao người ta phải chịu khổ? Tại sao có bất mãn và thất vọng? Tại sao chúng ta có đủ loại đau khổ phải chịu? Tại sao có bệnh tật, đau thương và chết chóc?

Trong phần Kinh Thánh trên đây chúng ta sẽ tìm ra những điểm cơ bản để có được niềm vui mặc dù sống trong đau khổ.

  1. THƯƠNG CẢM.

Phao-lô tuyên bố: Ông sai Ti-mô-thê là “anh em chúng tôi, tôi tớ của Đức Chúa Trời, kẻ giúp việc đạo Tin Lành của Đấng Christ”.

“Anh em” là nói về một người nào mà ta quý mến, ta rất ưa thích. Người anh em trong Chúa là người cùng chung niềm tin với chúng ta. Đây là tình thương giữa những người cùng tôn thờ một Chúa với nhau.

Phao-lô rất thương mến các tân tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Phao-lô có những giới hạn về thể lực và cũng sống dưới các áp lực, nhất là trong một thành phố người ta thù ghét. Nhưng ông vẫn hi sinh, đưa Ti-mô-thê đến với Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca khi ông không thể đến đó được.

Phao-lô đã tỏ bày tình thương của ông trong nghĩa cử này. Ông cứ tiếp tục ở A-thên truyền giảng, trong khi Ti-mô-thê đi Tê-sa-lô-ni-ca để khuyến giục và xây dựng những tân tín hữu mới. Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta cũng biết thương yêu nhau và thương yêu những người mới đến với Chúa để giúp họ trưởng thành mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh mà họ sẽ gặp.

  1. QUAN TÂM TÂM LINH.

“Vì không thể chờ đợi được nữa, nên tôi thà đành ở lại một mình tại A-thên (trong Kinh Thánh tiếng Việt dịch là chúng tôi, thật ra chỉ có một mình Phao-lô, nên có thể thay bằng “tôi”) và sai Ti-mô-thê đi, để cho biết đức tin anh em ra làm sao”. Đây là sự quan tâm của người tin Chúa.

Phao-lô lo lắng cho người Tê-sa-lô-ni-ca đến nỗi ông bằng lòng ở lại một mình để cho Ti-mô-thê đến thăm họ. Nhiều người thường hay phàn nàn, chỉ trích điều này, điều khác trong Hội Thánh nhưng không chịu tham gia làm việc gì cả, cũng không quan tâm giúp ai, vì quá suy nghĩ về bản thân mình. Chúng ta sống không thương cảm, cũng không cần biết nhu cầu của anh chị em trong Chúa.

Tinh thần phục vụ của Phao-lô rất cao. Chúa Giê-xu ngày xưa cũng đã bảo: “Ta không đến để người ta phục vụ Ta, nhưng đến để phục vụ”. Thông thường ta muốn người khác phục vụ, lo lắng cho mình, làm việc này, việc kia cho mình. Nhưng nếu mục đích của ta sống trong đời là được người khác hầu hạ, cung phụng, ta sẽ không hoàn toàn sung sướng đâu.

Nhưng điều Phao-lô quan tâm là gì? Đức tin của anh chị em tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông muốn các tín hữu ở đó được trưởng thành, tăng trưởng mãi. Đức tin của người khác có lẽ là điều ta ít quan tâm nhất. Nhiều khi ta lo chuẩn bị nhiều thứ để đến nhà thờ, nhưng không chịu chuẩn bị tấm lòng thờ phượng Chúa, nghĩa là chỉ lo bề ngoài mà không lo bên trong tâm hồn gì cả. Nếu chỉ chuẩn bị và lo bên ngoài, ta có thể sẽ thất bại. Trong sinh hoạt nhà thờ cũng vậy, nhiều người quá lo lắng về tổ chức bên ngoài mà quên chuẩn bị bên trong, nghĩa là đức tin. Đức tin của mình và của những người mà mình chịu trách nhiệm.

“E rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em, mà công phu của chúng tôi trở nên vô ích chăng”.

Kẻ cám dỗ đây chính là quỷ vương Sa-tan. Sa-tan luôn luôn tìm đủ cách cám dỗ, lôi kéo người tin Chúa sa ngã về phe nó, vì thế người tin Chúa cần được chăm sóc, nhắc nhở, bảo vệ. Ti-mô-thê là người sẽ làm công việc này. Trong Hội Thánh lúc nào ta cũng cần cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, khuyến khích mỗi người thực hành việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh hằng ngày, vì ma quỷ vẫn có mặt luôn luôn và chỉ thừa cơ cám dỗ, làm hỏng chương trình của Chúa. Ta nên nhớ đến kẻ thù lợi hại này mà chuyên tâm hướng về Chúa từng giây phút.

III. AN ỦI NHAU.

Phao-lô sai Ti-mô-thê đến Tê-sa-lô-ni-ca “để khiến anh em được vững vàng và giục lòng anh em trong đức tin”. “Khiến anh em được vững vàng” nghĩa đen là xây dựng một cái bệ để nâng đỡ. “Giục lòng” là chữ dùng để nói về công việc của Thánh Linh, đó là đến bên cạnh mọi người để khuyến khích và nâng đỡ. Như vậy nhiệm vụ của Ti-mô-thê là xây dựng đức tin, cảm thông và khuyến giục anh em.

Ti-mô-thê còn được sai đi để “hầu cho không một người nào trong anh em bị rúng động bởi những sự khốn khó dường ấy” (c.3). Rúng động có thể dịch là chao đảo trước các áp lực hay dư luận chống lại những gì mình đang tin. Phao-lô chỉ lo rằng Sa-tan dùng trăm phương nghìn kế làm cho người tin Chúa dao động và bỏ lời cam kết với Chúa “những sự khốn khó” đây là do Sa-tan đưa đến, có thể là tật bệnh, bất mãn trong việc làm, mất việc, gặp khó khăn với những người chung quanh mình, hoặc là các áp lực trong xã hội vô đạo.

Tuy nhiên, Phao-lô cũng bảo ngay “hầu cho không một người nào trong anh em bị rúng động bởi những sự khốn khó dường ấy; vì anh em tự biết rằng ấy đó là điều đã định trước cho chúng ta”. Ta thường nghĩ rằng khi tin Chúa thì hưởng được phước hạnh của Chúa và mọi việc đều tốt lành. Nhưng chính Chúa đã cho biết rằng, mỗi người tin Chúa có một giá phải trả, vì sống trong xã hội vô đạo người tin Chúa luôn luôn là mục tiêu chống đối. Tuy nhiên, biết trước như thế ta sẽ không thất vọng ngã lòng.

Bài học nầy (1Tê-sa 3:1-5) cho chúng ta biết:

  1. Người tin Chúa phải quan tâm đến phúc lợi về đức tin của những người chung quanh mình và trong Hội Thánh nữa, đừng mất thì giờ phê bình, chỉ trích, mà tìm cách xây dựng đức tin chung.
  2. Người tin Chúa phải đề phòng mưu chước của Sa-tan cốt lôi kéo chúng ta ra khỏi niềm tin. Đề phòng bằng cách đến gần Chúa hơn và cầu nguyện với Ngài thường xuyên.
  3. Người tin Chúa đừng ngạc nhiên khi bị chống đối và các cuộc bách hại, vì Chúa đã báo trước như thế. Nhưng khi ta chịu đựng các khó khăn thì Thánh Linh luôn luôn hỗ trợ ta. Ta cũng nhớ như thế để giúp anh chị em gặp cảnh khó khăn trong đức tin.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.        

Xử lý dao bị gỉ và làm sạch dụng cụ làm bếp.

Cắt đôi củ hành tây, chà mặt cắt lên phần dao gỉ, vết gỉ sét sẽ biến mất. Làm sạch đồ dùng nhà bếp bằng cách lấy rễ hành tây chà bề mặt đồ dùng bám dầu mỡ, đặc biệt với đồ đồng, thiếc sẽ rất sáng đẹp. Ngoài ra, nếu bạn cắt đôi củ hành tây, lấy mặt cắt chà lên cửa kính. Sau đó, dùng vải khô lau thật nhanh trước khi nước hành khô, mặt kính sẽ bóng loáng như mới.

Post CommentLeave a reply