CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 01.08.2021
By Lee Vi in Thanh niên on 26 Tháng Bảy, 2021
Chúa nhật 01.08.2021.
- Đề tài: KỶ NIỆM 14 NĂM THÀNH LẬP HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
- Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 16:13-20.
- Câu gốc: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ không thắng được Hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).
- Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 6-10.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Kỷ Niệm 14 năm Thành Lập Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm”.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
LƯỢC SỬ
HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM
Mục sư Đoàn Trung Tín – 1/2016.
- TIỀN THÂN CỦA HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
Tháng 8 năm 1970, Mục sư (lúc đó là Truyền Đạo) Đoàn Trung Tín được Ban Trị sự Tổng Liên hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) cử làm Giám Đốc Chương Trình Truyền Tin Lành Cho Mỗi Gia Đình, gọi tắt là CTG, tên tiếng Việt của chương trình truyền giảng Every Home Crusade, thuộc World Literature Crusade – Chương Trình Văn Phẩm Cơ Đốc Thế giới – một tổ chức truyền giảng Tin Lành không hệ phái.
CTG có gần một trăm nhân sự với 2 xe truyền giảng, cộng tác với các Hội Thánh thuần chánh Tin Lành trong mục vụ trao tặng những văn phẩm Cơ Đốc cho mỗi gia đình, tổ chức các buổi truyền giảng trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, CTG còn thành lập Viện Hàm Thụ Phúc Âm với 10 nhân viên hầu việc Chúa trọn thời gian, đã giúp cho hơn 40.000 học viên, phần nhiều là các quân nhân đang ở ngoài chiến trận, được học Kinh Thánh qua thư và trả lời các thắc mắc về Kinh Thánh của họ. Hàng ngàn học viên tin Chúa đã đưa CTG đến nhu cầu tổ chức Hướng Tâm Việt Nam, một tổ chức hướng đạo Tin Lành nhằm giúp các thành viên học các kỹ năng sống và học Kinh Thánh.
Vào năm 1973, đang khi các mục vụ của CTG càng lúc càng lớn mạnh, thì Chúa Thánh Linh lại cảm động ông bà Mục sư Tín và vài người bạn, thành lập một tổ chức truyền giảng nội địa, không hệ phái, tên là Hội Truyền Giảng Tin Lành và được Bộ Nội Vụ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận vào ngày 30/05/1973.[1] Nhưng khi Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CM&A) tại Việt Nam đổi tên thành Hội Truyền Giáo Tin Lành, thì để tránh lầm lẫn, Ban Quản Trị Trung Ương của Hội Truyền Giảng Tin Lành đã xin đổi tên hội thành Hội Truyền Giảng Phúc Âm.[2]
Đến cuối tháng 4/1975, khi các tổ chức truyền giáo nước ngoài đều không thể hoạt động tại Việt Nam, thì lúc đó ông bà Mục sư Tín và các bạn trong Ban Quản Trị Trung Ương mới biết lý do Chúa Thánh Linh cảm động họ thành lập Hội Truyền Giảng Phúc Âm.
Hội Truyền Giảng Phúc Âm tiếp tục hầu việc Chúa với các nhân viên còn lại của CTG. Mọi người đều lên ấp Tân Cang, xã Phước Tân, tỉnh Đồng Nai, mua đất, cất Nhà thờ và làm rẫy để tự cung tự cấp.
Ngày 12/11/1975,[3] Hội Truyền Giảng Phúc Âm được Cục Trưởng Cục Báo Chí Xuất Bản của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cấp “phép lưu hành” 05 bài học hàm thụ Phúc Âm. Và ngày 14/02/1976,[4] Hội lại được cấp phép “tái bản sách” là các bài học Kinh Thánh hàm thụ.
Sau đó vì không thể xin phép tiếp, nên Hội tiếp tục in ronéo hoặc kéo lụa để cung cho con dân Chúa bài học Kinh Thánh Hàm Thụ tiếng Việt và Hoa ngữ, Thánh Ca – chọn lọc những bài quen thuộc – Kinh Thánh Tân Ước, bài học Trường Chúa Nhật, bài học Cuộc Đời Chúa Cứu Thế, tài liệu chứng đạo, chăm sóc, chương trình thờ phượng cho các lứa tuổi và các bài học Kinh Thánh cho thiếu nhi…
Tháng 6/1977, Mục sư Tín bị bắt giam 4 năm vì “in ấn Kinh Thánh trái phép và truyền giảng trái phép”. Sau khi ra khỏi tù, ông bà quyết định cùng các bạn tiếp tục các mục vụ trên. Ông đi tù lần thứ 2 từ năm 1983-1986. Ngoài ra, ông còn bị giam giữ lần thứ 3 vào năm 1992 tại Lâm Đồng vì huấn luyện những người hầu việc Chúa dân tộc Kơho “và phát hành sách trái phép”. [5]
Nhưng Chúa của Hội Thánh là Đấng “hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi”,[6] nên dầu Mục sư Tín phải ở trong tù, thì Ngài vẫn bảo vệ các mục vụ mà Ngài đã đặt trên Hội Truyền Giảng Phúc Âm: “Vì Tin Lành đó mà ta bị bạc đãi, đến nỗi mang xiềng xích như một tên tội phạm. Nhưng đạo của Đức Chúa Trời không bao giờ bị xiềng xích”. [7] Chúa đã đại dụng bà Mục sư Tín và các con dân Chúa không bị “xiềng xích” tiếp tục các mục vụ trên cách kết quả.
Khi Mục sư Tín ra khỏi tù vào năm 1986, thì ông được thân phụ là Cụ cố Mục sư Đoàn Văn Miêng, Phó Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) cho một chiếc xe máy Honda 67 cũ và tài chính để đi thăm gia đình của các bạn tù đã tin Chúa với ông. Các gia đình đó yêu cầu ông bà đến với họ mỗi Chúa nhật để tổ chức nhóm lại, vì hầu hết họ đều ở vùng kinh tế mới, xa nhà thờ. Từ đó, ông bà cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ tài chính để yểm trợ một trăm nhân sự ra đi mở Hội Thánh mới, đáp ứng nhu cầu nhóm lại thờ phượng Chúa của dân sự Ngài. Thế là Chương Trình Mở Hội Thánh Mới được tái lập với một ngân quỹ nhỏ do Mục sư Phó Hội Trưởng cổ động.
Mãi đến tháng 10/1993, Chúa cảm động Mục sư Trịnh Chí Bình từ Hongkong về thăm quê và yểm trợ 15 nhân sự mở Hội Thánh mới.
Khóa huấn luyện các nhân sự đầu tiên được tổ chức trong 2 tuần và chỉ 3 tháng sau đã có 6 Hội Thánh được thành lập. Mục sư Bình trở lại thăm và thấy kết quả lớn như vậy nên đã cùng Hội Thánh của ông yểm trợ thêm 15 nhân sự nữa.
Đến tháng 3/1994, Chúa lại đưa một người bạn cùng hầu việc Chúa với Mục sư Tín trước năm 1975, trở lại Việt Nam và yểm trợ 60 nhân sự mở Hội Thánh mới. Rồi số nhân sự mở Hội Thánh mới tăng dần, có lúc lên đến 400 người, cộng với 200 giáo viên lớp Tình Thương để dạy cho tín hữu mới của các dân tộc ít người biết đọc Kinh Thánh và hát Thánh Ca.
Vì Hội Truyền Giảng Phúc Âm là một tổ chức truyền giáo không hệ phái, nên Hội cộng tác với các Hội Thánh địa phương thuộc nhiều hệ phái để chọn địa điểm mở Hội Thánh mới, chọn nhân sự, huấn luyện họ và đưa họ ra đi truyền giáo. Mỗi tháng các nhân sự họp lại để cầu nguyện, học Kinh Thánh, làm chứng công việc Chúa, giải quyết các nan đề, và được học thêm các phương pháp để hầu việc Chúa kết quả hơn.
Căn nhà của ông bà trở thành “Trung tâm huấn luyện thầm lặng”, liên tục tổ chức huấn luyện nhân sự mở Hội Thánh mới, nhân sự đảm trách các ban ngành của Hội Thánh và giáo viên dạy thiếu nhi. Học viên đã vào trung tâm thì phải ở luôn cho đến khi học xong. Có người đùa: “Giống nhà tù quá”. Vâng, đó là tù của Chúa. Công an phường đến kiểm tra hộ khẩu nhiều lần, nhưng hầu như lần nào Chúa cũng bảo vệ cách lạ lùng. Nhờ Chương Trình Mở Hội Thánh Mới nầy mà hàng ngàn Hội Thánh địa phương đã được tái lập và thành lập giữa nhiều dân tộc trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc và Miền Nam), Hội Thánh Cơ Đốc Truyền Giáo, Hội Thánh Báp-tít Nam Phương…
Hội Truyền Giảng Phúc Âm xem trọng mục vụ Giáo dục Thần học, nên các nhân sự đều được khuyến khích theo học lớp Cuộc Đời Chúa Cứu Thế và mở lớp cho các tín hữu được học. Học viên được Hội giúp bài học và có lúc được tiếp trợ cả tiền ăn trưa trong ngày thứ bảy học nhóm. Ngoài ra, vào năm 2001, Hội cũng cộng tác với Viện Thần Học Tin Lành (UCC – Union College of California) mở 2 lớp Cử Nhân Thần học tại Sài-gòn và Bình Định để đào tạo thêm người hầu việc Chúa cho các hệ phái. Sinh viên lớp Cử nhân Thần học tại Sài-gòn tốt nghiệp vào năm 2004 và sau đó là các sinh viên lớp Cử nhân Thần học tại Bình Định.
- SỰ HÌNH THÀNH HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
2.1 Các bước hình thành.
Sau năm 2001 thì mục vụ truyền giảng và mở Hội Thánh mới của hầu hết các Hội Thánh được công nhận đều chậm lại và sau đó có 2 sự kiện lạ lùng xảy ra trong đời sống hầu việc Chúa của ông bà Mục sư Đoàn Trung Tín.
Thứ nhất, cuối năm 2006, Ban Tôn giáo quận Phú Nhuận cùng chính quyền phường đến gặp Mục sư Tín và yêu cầu điền mẫu đơn xin đăng ký điểm nhóm. Mục sư Tín từ chối vì tổ chức của ông không có hệ phái nên cũng không có điểm nhóm. Nhưng cán bộ khích lệ Mục sư Tín nên đăng ký điểm nhóm “vì chúng tôi biết nhà của Mục sư có tổ chức sinh hoạt tôn giáo thường xuyên.” [8] Thế là Mục sư Tín điền mẫu đơn: Ông là người đảm trách Điểm Nhóm 186/5B Trần Kế Xương, P.7, Phú Nhuận, và bà là người phụ trách khi ông vắng mặt. Nội dung sinh hoạt đạo là 40 người “cầu nguyện, hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh mỗi ngày”. Vào tháng 11/2006, Hội Thánh đầu tiên của Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm được Ban Tôn giáo quận và chính quyền phường đến tổ chức trao giấy Chứng Nhận Đăng Ký Sinh Hoạt Đạo Tin Lành.[9] Thế là từ đấy, Hội không cần phải lo lắng về việc dạy Kinh Thánh mỗi ngày cho các đầy tớ và con dân của Chúa.
Thứ hai, rất nhiều Hội Thánh dân tộc Hmông, Dao và
Sán-chỉ được ông bà Mục sư Tín giúp thành lập tại Miền Bắc, đã vào Miền Nam để được tự do thờ phượng Chúa.
Sau khi ổn định Hội Thánh của họ, ông bà Mục sư Tín đã yêu cầu tất cả Họi Thánh phải làm đơn xin gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam). Họ được Ban Đại Diện các tỉnh thành hoan nghinh và tiếp nhận, trừ ra 16 Hội Thánh Hmông tại Daklak. Mục sư Ma Văn Páo – lúc đó là một nhân sự – đã đại diện các con dân của Chúa cầm danh sách hàng ngàn tín đồ của 16 Hội Thánh đến trình văn phòng Tổng Liên Hội. Nhân viên văn phòng hướng dẫn “về Daklak trình cho Ban Đại Diện tỉnh”. Mục sư Páo đến Ban Đại Diện tỉnh, nhưng họ không chấp nhận.
Trong đám tang của Cụ Mục sư Nguyễn Hoàng Oanh, Mục sư Tín đã gặp Mục sư Thái Phước Trường, Tổng Thư Ký của Ban Trị sự Tổng Liên Hội, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), và trình bày với ông về hoàn cảnh của 16 Hội Thánh Hmông. Ông bảo: “Người ngoại tin Chúa chúng tôi còn tiếp nhận, huống chi là các anh chị em trong Chúa. Tôi sẽ nói với văn phòng”. Mục sư Tín báo tin cho Mục sư Páo. Mục sư Ma Văn Páo đem toàn bộ hồ sơ đến văn phòng Tổng Liên hội ngay và ông lại bị từ chối.
Trong lúc đó, chính quyền địa phương buộc các Hội Thánh trên phải đứng vào một hệ phái. Họ nhất quyết: “Nếu không đứng với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thì đứng với Mục sư Tín, không đứng với ai khác”.
Với áp lực càng lúc càng nặng của chính quyền địa phương, các quản nhiệm Hội Thánh Hmông xin được đứng với Mục sư Tín. Ông từ chối vì tổ chức của ông là tổ chức truyền giáo không hệ phái. Nhưng cuối cùng ông cũng phải đồng ý giúp họ tránh phiền phức bằng cách ghi trong hồ sơ nộp chính quyền: Gia nhập với Mục sư Tín.
Sau một thời gian, chính quyền lại hỏi tên của hệ phái. Đến lúc nầy thì ông bà Mục sư Tín nhận biết Chúa kêu gọi ông bà thành lập một hệ phái – là việc mà ông bà đã từ chối nhiều lần khi được nhiều người đề nghị. Chúa muốn ông bà tiếp tục đẩy mạnh mục vụ truyền giảng, mở Hội Thánh mới và chăm sóc các anh chị em tín đồ Hmông trong 16 Hội Thánh tại Daklak.
Trong lúc đó, sự mâu thuẫn giữa Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Daklak và Truyền đạo Mai Hồng Sanh, Quản nhiệm Hội Thánh Ea H’Leo thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, đồng thời là Nhân sự trưởng của Hội Truyền Giảng Phúc Âm, không còn có thể cứu vãn. Mục sư Sanh không còn được hầu việc Chúa trong Hội Thánh Ea H’Leo, điều đó đồng nghĩa với việc các Hội Thánh mới mà nhân sự Hội Thánh Ea H’Leo mở cũng không còn được chăm sóc. Thế là cả 8 Hội Thánh mới tại Ea H’Leo đều xin gia nhập Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm.
Ngày 01/08/2007, ông bà Mục sư Đoàn Trung Tín cầu nguyện với Chúa, vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài để thành lập Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm, văn phòng Tổng Hội đặt tại Điểm Nhóm được Nhà Nước công nhận vào tháng 11/2006: 186/5B Trần Kế Xương, P.7, Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.
2.2 Giáo lý.
“Kinh Thánh là nên tảng giáo lý, làm căn bản cho việc tin đạo, sống đạo và hành đạo của mọi thành viên Hội Thánh. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, gồm 66 sách: Cựu ước (39 sách) và Tân ước (27 sách)”.
“Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm xác tín Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:3-17 và được Kinh Thánh Tân ước dạy dỗ, cũng như các giáo lý căn bản được Hội Thánh chung bày tỏ qua bài Tín Điều Các Sứ Đồ”.[10]
2.3 Cơ cấu.
“Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm là một tổ chức tôn giáo độc lập, hiệp thông với các tổ chức thuần chánh Tin Lành trong các mục vụ của Hội Thánh”. [11]
2.4 Trụ sở.
Trụ sở của Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm đặt tại 68 Nguyễn Công Hoan (số cũ: 186/5B Trần Kế Xương), phường 7, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
2.5 Khẩu hiệu.
Khẩu hiệu của Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm là “Kính Chúa, yêu người, truyền giảng Phúc Âm và xây dựng Hội Thánh”.[12]
- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
Với nền tảng 16 Hội Thánh Hmông đã tăng trưởng hoàn chỉnh và 8 Hội Thánh mới với những người hầu việc Chúa có khải tượng rõ ràng, hiệp nhất trong cùng một mục tiêu: Kính Chúa, yêu người, truyền giảng Phúc Âm và xây dựng Hội Thánh, Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm đã phát triển nhanh chóng, vững vàng, nhất là giữa vùng các dân tộc ít người, theo từng bước như sau:
3.1 Hội Thánh địa phương.
Nơi nào có “một số tín hữu cùng niềm tin, đồng ý Hiến chương và Điều lệ của Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm hợp lại thành Hội Thánh địa phương”. Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm dùng từ “Hội Thánh” của Kinh Thánh[13] để chỉ về một điểm nhóm tư gia hay một Hội Thánh địa phương. Hội Thánh địa phương khi có trên 15 tín đồ (lớn nhỏ) sẽ được gọi là Hội Thánh Tế Bào và khi Hội Thánh Tế Bào có Ban Trị sự và ít nhất 2 ban ngành sẽ được gọi là Hội Thánh.
3.2 Khu Vực.
Vì Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm khuyến khích tất cả con dân Chúa ra đi truyền giảng để lập Hội Thánh Tế Bào, người thành lập Hội Thánh Tế Bào sẽ được mời học tại Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam để được thụ phong Truyền Đạo Nhiệm Chức, trở thành Quản nhiệm của Hội Thánh, nên Hội Thánh tại các địa phương phát triển nhanh chóng.
Khi có ít nhất 4 Hội Thánh hoặc Hội Thánh Tế Bào ở gần nhau, các Hội Thánh đó được tổ chức thành Khu vực. Khu Vực đầu tiên được thành lập năm 2008. Ban Trị sự Khu vực do các Quản nhiệm và Ban Trị sự Hội Thánh trong Khu vực công cử sẽ điều hành công việc Chúa chung. Tổ chức Khu vực không có trong Hiến Chương và chỉ là “bước đệm” để tiến đến tổ chức chính thức là Giáo khu.
3.3 Giáo Khu.
Theo Hiến Chương thì “từ 10 đến 20 Hội Thánh địa phương có tổng số tín đồ ít nhất là 700 người hợp thành một Giáo Khu”. Nhiều Khu Vực đã tăng trưởng thành Giáo Khu hay hai Khu Vực bên cạnh nhau đã họp lại thành Giáo Khu. Quản nhiệm và Ban Trị sự các Hội Thánh trong Giáo Khu sẽ bầu cử Ban Trị sự của Giáo Khu. Các Quản nhiệm Khu Vực là thành viên của Ban Trị sự Giáo Khu. Năm 2009, Giáo Khu Tây Bình Phước là Giáo Khu đầu tiên được thành lập.
3.4 Giáo Hạt.
Khi các Hội Thánh địa phương được kết hợp chặt chẽ trong các tổ chức của Hội Thánh chung, thì nhiều con dân Chúa mạnh mẽ ra đi truyền giảng và Chúa ban cho Hội Thánh phát triển hơn. Năm 2012, Giáo hạt Bắc Đắc Lắc thành hình, quy tụ Giáo Khu Tây Bắc Đắc Lắc, Giáo Khu Đông Bắc Đắc Lắc và Giáo Khu Tây Đắc Lắc.
3.5 Tổng Hội.
Trong suốt quá trình hình thành Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm, các Quản Nhiệm Giáo Khu họp với ông bà Mục sư Đoàn Trung Tín, người sáng lập Hội Thánh, tạo thành Ban Trị sự Lâm Thời để điều hành công việc Chúa.
Vào ngày 08-10/12/2015, Đại Hội đồng Tổng Hội lần thứ 5 đã họp tại Sài-gòn và Hà-nội (kết nối qua mạng truyền thông) để chính thức bầu cử Ban Trị sự Tổng Hội theo qui định của Hiến Chương và Điều Lệ được Ban Trị sự Tổng Hội Lâm Thời hoàn chỉnh vào ngày 09/09/2015. [14]
Đến cuối năm 2015, Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm có 11 Giáo Hạt, 28 Giáo Khu, 20 Khu Vực, 886 Hội Thánh và Hội Thánh Tế Bào tại Việt Nam, Lào và Cambodia, 44.852 tín đồ với 772 người hầu việc Chúa.
- TỔ CHỨC CỦA HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM.
4.1 Trình bày.
Đại Hội Đồng Tổng Hội là thẩm quyền cao nhất của Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm. Đại Hội Đồng bầu Ban Trị sự Tổng Hội để điều hành công việc Chúa chung. Hội Đồng Giáo Hạt, Giáo khu, Khu vực và Hội Thánh bầu ra các Ban Trị sự tương ứng để điều hành công việc Chúa trong trách nhiệm của mình. Ngoài ra, Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm cũng có Hội Đồng Trưởng Lão để chịu trách nhiệm về thụ phong, giáng chức, bãi chức, ngưng chức, ngưng mục vụ đối với các tôi tớ Chúa.
4.2 Sơ đồ.
- MỤC VỤ GIÁO DỤC THẦN HỌC.
Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm hết sức coi trọng mục vụ Giáo Dục Thần Học vì biết rằng mọi thành viên cần có niềm tin và sự hiểu biết căn bản để xây dựng Hội Thánh trên nền tảng là Chúa Giê-xu và Lời của Ngài. Vì thế, chỉ 3 tháng sau khi được thành lập, Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam đã được hình thành với tôn chỉ: “Đào tạo và trang bị người chăn bầy của Đức Chúa Trời”. Trường là thành viên chính thức của Asia Theological Association (Hiệp Hội Thần Học Á Châu, gọi tắt là ATA.[15])
5.1 Chương Trình Trung Học Kinh Thánh / Lớp Quản Nhiệm.
Tháng 10/2007, Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm thành lập Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam để “đào tạo và trang bị người chăn bầy của Đức Chúa Trời”. Trường sử dụng chung cơ sở với Hội Thánh Phú Nhuận và Văn phòng Tổng Hội.
Tháng 01/2008, Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam mở Phân Trường tại Hà Nội trong căn nhà 4 tầng mà Chúa ban cho cách kỳ diệu. Căn nhà nầy cũng là văn phòng phía Bắc của Tổng Hội và Nhà Nguyện của Hội Thánh Phúc Âm Hà Nội.
Tháng 3/2008, Phân Trường tại Ea H’Leo, Daklak, được thành lập với Nhà Nguyện của Hội Thánh làm nơi học và một căn nhà xây mới dành làm chỗ ngủ cho học viên, nhưng chỉ sau hơn một năm dạy Kinh Thánh cho hàng trăm người hầu việc Chúa ở các tỉnh Tây Nguyên, Trường đã bị đóng cửa cho đến nay.
Tháng 4/2015, Phân Trường tại Vinh, Nghệ An, bắt đầu khai giảng để đào tạo những người hầu việc Chúa.
Tháng 6/2015, Phân Trường tại Lào thành lập sau bao nhiêu năm chờ đợi vì thiếu giảng viên dạy Kinh Thánh bằng tiếng Lào.
Cùng tháng đó, Phân Trường tại Cambodia được tổ chức trong nhà của Quản Nhiệm Giáo Hạt – trong khi chờ đợi cất cơ sở Trường Kinh Thánh trên mảnh đất một mẫu mà một người hầu việc Chúa đã dâng.
Phân Trường tại Daknông được chính thức khai giảng vào ngày 11/08/2015 dành riêng cho con dân Chúa dân tộc Hmông.
Hơn 600 học viên của Lớp Quản nhiệm là các Quản nhiệm hoặc Phó Quản nhiệm Hội Thánh địa phương. Mỗi năm họ phải học 4 lần, mỗi lần 2 tuần (2 môn học = 4 tín chỉ). Học viên tốt nghiệp khi đạt 60 tín chỉ, trong đó có ít nhất 16 tín chỉ thực tập và được thụ phong Truyền Đạo.
5.2 Lớp Căn Bản Kinh Thánh.
Sau đó, vì nhiều con dân Chúa, nhất là vợ của các người hầu việc Chúa, muốn học Kinh Thánh để giúp chồng trong các mục vụ, nhưng các Phân Trường không còn chỗ, nên Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam cho phép các Giáo Khu được tổ chức các lớp Căn Bản Kinh Thánh trong Giáo Khu của mình. Những Mục sư, Truyền đạo đã tốt nghiệp lớp Quản Nhiệm là giảng viên và dạy trong tiếng mẹ đẻ của học viên. Hiện có hơn 500 học viên theo học trong 15 lớp tại các địa phương. Học viên sẽ được Trường cấp Chứng Chỉ khi hoàn tất các môn học.
5.3 Chương Trình Hàm Thụ Phúc Âm.
Dầu đã tổ chức nhiều lớp học Kinh Thánh trong nhiều cấp khác nhau thì vẫn còn nhiều con dân Chúa không đến lớp được. Chương trình “đem Trường Kinh Thánh đến với mọi người” của Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam được thực hiện qua Chương Trình Hàm Thụ Phúc Âm với 18 lớp. Bài học được gửi đến cho mỗi học viên – tin Chúa hoặc chưa tin Chúa – từ 12 tuổi trở lên qua các Quản nhiệm Giáo khu và các học viên cũng nhờ đó đưa bài làm trở về Trường để chấm điểm. Hiện có gần 700 học viên đang theo học chương trình nầy.
5.4 Chương Trình Trung Học Kinh Thánh / Lớp Tận Hiến.
Chúa đã cảm động gần 700 thanh thiếu niên trong Hội Thánh dâng mình hầu việc Ngài, nên Trường đã tổ chức Lớp Tận Hiến Mùa Hè và Lớp Tận Hiến Mùa Đông tại Sài-gòn và Hà-nội. Lớp Tận Hiến Mùa Hè dành cho các em còn đang đi học và mỗi năm chỉ học Kinh Thánh trong một tháng. Lớp Tận Hiến Mùa Đông dành cho các em đã nghỉ học và mỗi năm học Kinh Thánh trong ba tháng (Tháng 11 năm nầy đến tháng 01 năm sau). Năm 2015 có gần 150 em theo học các lớp Tận Hiến. Nếu đạt được 60 tín chỉ, học viên sẽ theo học Lớp Cử Nhân Mục vụ.
5.5 Lớp Cử Nhân Thần Học.
Lớp Cử Nhân Thần Học được tổ chức từ năm 2011, dành cho các thanh niên đã dâng mình hầu việc Chúa và tốt nghiệp lớp 12 phổ thông. Các sinh viên phải học trọn thời gian 4 năm, mỗi năm 8 tháng tại cơ sở chính của Trường để đạt ít nhất là 107 tín chỉ – theo tiêu chuẩn của ATA – và phải thực tập tại Hội Thánh địa phương trong các tháng hè thì mới được tốt nghiệp. 22 sinh viên của Khóa 1 đã tốt nghiệp vào ngày 25/10/2015 và 19 sinh viên tốt nghiệp đã được thụ phong Truyền Đạo.
5.6 Lớp Cử Nhân Mục Vụ.
Các học viên tốt nghiệp Lớp Quản nhiệm hoặc lớp Tận Hiến – Chương Trình Trung Học Kinh Thánh – và từ 18 tuổi trở lên sẽ được ghi danh học lớp Cử Nhân Mục Vụ. Sinh viên lớp Cử Nhân Mục Vụ phải học mỗi năm 4-5 lần, mỗi lần 2 tuần (2 môn học = 4 tín chỉ) tại cơ sở chính hoặc tại Phân Trường
Hà-nội. Sinh viên tốt nghiệp khi đạt được 107 tín chỉ học tập và thực tập – theo tiêu chuẩn của ATA – [Mỗi môn học được 2 tín chỉ và nếu có thực tập sẽ được thêm 1 tín chỉ].
5.7 Lớp Cử Nhân & Cao Học Mục Vụ.
Ngoài ra, vào cuối năm 2008, Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam đã liên kết với Trường Alliance Biblical Seminary và Trường Alliance Graduate School để mở Chương Trình Cử Nhân Mục Vụ và Cao Học Mục Vụ cho các tín đồ, Truyền đạo và Mục sư của các hệ phái. Tháng 4/2011, 17 sinh viên lớp Cao Học và 21 sinh viên lớp Cử Nhân đã tốt nghiệp.
- VĂN PHẨM CƠ ĐỐC.
Tiếp nối truyền thống của Hội Truyền Giảng Phúc Âm, Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm đã dịch, sưu tầm, biên soạn và viết nhiều văn phẩm Cơ-đốc để in và sử dụng trong Hội Thánh. Một số văn phẩm đã được dịch ra tiếng Hmông và Ê-đê. Các văn phẩm gồm:
6.1 Sách Chứng Đạo.
6.2 Bài học Trường Chúa Nhật.
Các tập bài học Trường Chúa Nhật của cố Mục sư Đoàn Văn Miêng.
6.3 Sách Bồi Linh/Huấn Luyện.
Các sách Phương Pháp Chia Sẻ Lời Chúa, Cẩm Nang Của Quản Nhiệm, Cẩm Nang Giáo Nghi, Thánh Ca tiếng Kinh, Ê-đê, Hmông, Kơho… đã giúp đỡ nhiều cho các mục vụ của Hội Thánh.
6.4 Chương Trình Thờ Phượng Các Ban Ngành.
Chương trình thờ phượng mỗi tuần với bài học Kinh Thánh và các thể loại thực hiện, trong tiếng Kinh và Hmông, dành cho Ban Thiếu nhi, Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ và Ban Nam giới. Đặc biệt là Bài học Kinh Thánh Hè dành cho tất cả thiếu nhi các Hội Thánh có nhu cầu.
6.5 Tạp chí.
Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm có 1 tập Bài Học Kinh Thánh dành cho tín đồ mới và 1 tập Bài Giảng Kinh Thánh dành cho người hầu việc Chúa. Hai tập nầy được in hàng tháng và lưu hành nội bộ trong nhiều năm qua.
- MỤC VỤ NHÂN ĐẠO.
Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm có đến 90% tín đồ là người của 36 dân tộc khác nhau tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Hầu hết họ đều chỉ sống đủ ăn. Vì thế, mục vụ nhân đạo của Hội Thánh trở nên rất quan trọng.
Từ nhiều năm qua, Hội Thánh đã giúp đào rất nhiều giếng, cất nhà cho cô nhi và quả phụ, xe lăn tay cho người khuyết tật, cấp xe đạp hay học bổng cho các học sinh và giúp cất Nhà Nguyện cho những Hội Thánh có số tín đồ đông mà không có nhà tín đồ nào đủ chỗ cho con dân Chúa họp lại thờ phượng Ngài.
- HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI.
Cảm tạ Chúa vì Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm đã sống theo đúng mục đích: “Kính Chúa, yêu người, truyền giảng Phúc Âm và xây dựng Hội Thánh”. Hội Thánh đã có sự phát triển. Nhưng Hội Thánh chưa thể thỏa lòng với kết quả đó vì còn hàng chục dân tộc ít người chưa có Hội Thánh, hàng triệu người chưa nghe Tin Mừng. Vì thế, hướng về tương lai, Hội Thánh sẽ:
8.1 Xây Dựng Hội Thánh.
Xây dựng các Hội Thánh địa phương vững mạnh để các con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ ra đi truyền giảng.
8.2 Truyền Giảng.
Hội Thánh sẽ truyền giảng Phúc Âm cho các vùng xa, các vùng chưa nghe về Chúa và các dân tộc chưa có Hội Thánh.
8.3 Cao Học Thần Học.
Trường Thần Học Phúc Âm Việt Nam sẽ mở thêm các lớp Kinh Thánh Căn Bản tại các Giáo Hạt và lớp Cao Học Thần Học trong năm 2016 để nâng cao trình độ giảng viên của Trường và bắt kịp trình độ của các Trường Thần Học tại Châu Á.
8.4 Xây dựng cơ sở.
Hội Thánh sẽ nhờ Chúa để xây dựng thêm cơ sở đủ đáp ứng cho nhu cầu nhóm thờ phượng Chúa, học Kinh Thánh và thi hành các mục vụ.
8.5 Hướng Tâm Việt Nam.
Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm phục hồi tổ chức hướng đạo Tin Lành của Hội Truyền Giảng Phúc Âm, Hướng Tâm Việt Nam, để tạo một nơi mà các thanh thiếu niên có thể vui chơi lành mạnh, học hỏi kỹ năng sống và tôi luyện đạo đức đặt nền tảng trên Kinh Thánh.
[1] Giấy chấp nhận số 2688/BNV/KS/14
[2] Giấy chấp thuận số 3787/BNV/KS/14B, ngày 07/08/1974
[3] Giấy phép số 21/GPNT/XB
[4] Giấy phép số 30/GBNT-XB
[5] Bài học Cuộc Đời Chúa Cứu Thế
[6] Hê-bơ-rơ 13:8
[7] 2Ti-mô-thê 2:9
[8] Hội tổ chức dạy Kinh Thánh liên tục cho các nhân sự, huấn luyện các giáo viên dạy thiếu nhi, các trưởng ban ngành của Hội Thánh địa phương…
[9] Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Sinh Hoạt Đạo Tin Lành số 289/GCN-UB, ngày 10/11/2006.
[10] Trích Hiến Chương, Điều 8, trang 6.
[11] Trích Hiến Chương, Khoản 2, Điều 2, trang 4.
[12] Trích Hiến Chương, Chương 1, Điều 3, Trang 4.
[13] Rô-ma 16:5
[14]Bản Hiến chương và Điều lệ đầu tiên đã được Hội đồng Quản nhiệm thông qua vào tháng 11/2008 tại Vũng Tàu.
[15] ATA thành lập vào năm 1970, văn phòng tại Manila, Philippines, hiện qui tụ 290 tổ chức thành viên từ 34 quốc gia Châu Á.