Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 18.07.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 18.07.2021

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 16 Tháng Bảy, 2021

Chúa nhật 18.07.2021.

  1. Đề tài: CHỨNG NHÂN HỮU HIỆU.
  2. Kinh Thánh: 1Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12.
  3. Câu gốc: “Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao” (1Tê-sa-lô-ni-ca 2:8).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 4-6.
  5. Thể loại: Giải Đáp Thắc Mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Mời người giải đáp thắc mắc.
  2. Thông báo cho các ban viên trước hai tuần về đề tài: CHỨNG NHÂN HỮU HIỆU và yêu cầu họ viết câu hỏi. Trao câu hỏi trước cho người giải đáp thắc mắc để nghiên cứu.
  3. c. Người giải đáp thắc mắc sẽ đọc lên từng câu và trả lời. Sau cùng, cho các ban viên được góp ý hoặc hỏi thêm.
  4. d. Nếu người giải đáp thắc mắc đồng ý, có thể cho các ban viên hỏi trực tiếp.
  5. e. Ban hướng dẫn tìm hiểu các ban viên, rồi đưa ra những câu hỏi thiết thực vì có nhiều người ngại không dám hỏi.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Phao-lô yêu thương các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca chẳng khác nào Giô-na-than và Đa-vít thương mến lẫn nhau (1Sa-mu-ên 18). Bài học này bàn về cách Phao-lô cùng những bạn đồng lao hầu việc Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca. Trọng tâm của bài học bao gồm sự bày tỏ tương quan yêu thương giữa vòng các tín hữu. Qua mối tương quan đó để các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca có thể làm chứng cách hữu hiệu cho Chúa. Bài học này nhằm mục đích hướng dẫn học viên kết hiệp với nhau trong tình tương thân tương ái hầu có thể làm chứng cách hữu hiệu về lẽ thật của Tin Lành.

  1. CHỨNG ĐẠO CÁCH NHẪN NẠI (1Tê 2:1-2).

Phao-lô là người nêu gương kiên trì nhẫn nại hiếm có, nhất là trong việc chứng đạo. Khó nhọc, tù đày, đòn vọt, hiểm nguy, cực nhọc, đói khát không làm ông ngại ngùng chùn bước (2Cô-rinh-tô 11:22-33). Cho dù phải kề cận với cái chết, ông vẫn còn tiếp tục làm chứng cho Chúa hầu có thể đưa dẫn thêm một vài người đến cùng Ngài. Đức Chúa Trời không hề để cho sự dấn thân phục vụ của ông trở nên luống công. Việc ông hy sinh là điều ích lợi. Cũng vậy, các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca bền lòng trung tín với Chúa, dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm.

Vào ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic bắt đầu ra khơi và rồi chỉ bốn ngày sau đó nó nằm trong lòng đại dương. Khi Titanic đụng vào băng sơn, nước biển tràn vào tàu nhanh quá, làm cho ai nấy đều hốt hoảng. Thuyền cấp cứu không có đủ chỗ cho 2.227 hành khách, chỉ đủ chỗ cho chừng phân nửa số ấy mà thôi. Trên tàu có một người tên là John Harper. Ông dự định đến Hoa Kỳ để giảng Lời Chúa tại Hội Thánh Moody. Vị thuyền trưởng yêu cầu John Harper ở lại tàu trấn an hành khách. Sau khi cầu nguyện và vội vã giã biệt con mình là Nana, John Harper ở lại tàu, chịu chết chung với 1.520 hành khách khác. Trước khi chìm sâu trong lòng biển cả, John Harper thấy có một người bị hụp nước ở gần mình. Ông lớn tiếng hỏi: “Anh đã được cứu chưa?” Người đó đáp: “Chưa”. Ông nói tiếp: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu Christ thì anh sẽ được cứu”. Trong lúc sức cùng lực tận, giữa cơn lạnh thấu xương, John Harper hỏi lại lần nữa: “Anh đã được cứu chưa?” Người đó đáp: “Chưa”. Ông lại nói tiếp: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu Christ thì anh sẽ được cứu”. Với lời nói sau cùng đó, John Harper chìm sâu vào lòng biển. Người được ông làm chứng trong giây phút cuối của đời mình về sau được tàu S.S. Carpathia vớt. Nhờ lời chứng của John Harper mà về sau người này đã tin Chúa và viết lại lời chứng trên đây trong một truyền đạo đơn mang tên là Người Qui Đạo Sau Cùng Của John Harper (Harpers Last Convert).

  1. SỐNG ĐẠO CÁCH TRONG SẠCH (1Tê 2:3-6).

Phao-lô được Chúa kể là xứng đáng và trao cho trọng trách rao giảng Tin Lành. Lời ông nói ra là lời đúng đắn, trong sạch và chân thật. Ông hầu việc Chúa theo thánh ý của Chúa chớ chẳng phải theo ý riêng. Ông muốn làm đẹp lòng Chúa chớ chẳng phải làm vui lòng loài người. Ông vì công ích mà phục vụ chớ chẳng phải vì tư lợi. Lẽ ra ông có thể khiến người ta phải tôn trọng mình vì ông là sứ đồ của Đấng Christ nhưng ông không đòi hỏi điều đó. Đối với ông tương quan yêu thương, thân thiết quan trọng hơn địa vị hoặc danh xưng. Rất có thể đó cũng là lý do Phao-lô không xưng mình là sứ đồ trong phần đầu của thư tín gởi cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Phao-lô sống cuộc đời trong sạch, công bình như Lời Chúa răn dạy và ông rao giảng cách thẳng thắn. Nói cách khác, Phao-lô đã sống một đời sống y như lời mình rao giảng.

III. QUAN TÂM CÁCH CHÂN THÀNH (1Tê 2:7-9).

Phao-lô thương yêu và tôn trọng người mình phục vụ. Ông mang đến cho họ Tin Lành của Chúa và cả sự sống của chính mình. Ông trở nên thân thiết với họ. Nếu họ thiếu thốn cực khổ, ông cũng thiếu thốn cực khổ với họ. Nếu họ nhọc nhằn vất vả, ông cũng nhọc nhằn vất vả với họ. Ông không muốn để cho ai phải phiền lụy vì mình. Phao-lô không hề quản ngại nhọc nhằn vì ông luôn quan tâm đến những linh hồn chưa được cứu. Ông làm việc cách tận tụy cả ngày lẫn đêm để nêu gương tốt trong việc siêng năng, chăm chỉ.

Phao-lô chỉ quan tâm là làm thế nào để Tin Lành của Chúa được rao giảng mà chẳng hề bị ngăn trở hầu cho nhiều người được cứu và lớn lên trong sự tin kính. Quan tâm chân thành của Phao-lô là yếu tố căn bản trong việc chứng đạo. Theo David Watson trong một tác phẩm viết về sống đạo thì người chứng đạo cần có bốn điều. Trong bốn điều này, quan tâm đến sự tồn vong của những người sống xa cách Chúa là điều vô cùng thiết yếu vì cớ nếu thiếu điều này thì sẽ thiếu hẳn động lực dấn thân chứng đạo.

  1. Người chứng đạo cần có kinh nghiệm cá nhân với Đấng Christ. Điều người đó nói về Chúa là điều chính mình kinh nghiệm với Chúa từ khi tin Chúa và tiếp tục lớn lên trong Ngài.
  2. Người chứng đạo cần nói ra lời chứng. Người đó có thể làm chứng về Chúa qua nhân cách, qua thái độ, qua sự tương quan. Tuy nhiên, người đó còn cần phải dùng lời hiền hòa, khôn khéo để giải nghĩa về niềm tin, về lẽ đạo.
  3. Người chứng đạo cần nương tựa nơi quyền năng của Đức Chúa Trời. Lời người nói về Đấng Christ là lời có sức mạnh đánh đổ lý luận và làm thay đổi lòng người. Với thái độ kỉnh kiền và với tâm thần cầu nguyện, người có thể dùng lời khiêm tốn để giải bày kinh nghiệm cứu rỗi cách dạn dĩ.
  4. Người chứng đạo cần có lòng quan tâm chân thành đối với những người chưa tin Chúa. Những người đó cần có Chúa trong đời sống vì nếu không họ sẽ vĩnh viễn xa cách Đức Chúa Trời. Chúa yêu thương và quan tâm đến từng linh hồn và luôn tìm cách cứu rỗi. Cũng vậy, người chứng đạo cần yêu thương người khác như Chúa đã từng yêu thương họ.
  5. TƯƠNG QUAN CÁCH NGAY THẲNG (1Tê 2:10-12).

Thánh sạch, công bình, không chỗ trách được phải là phương châm của tôi tớ Đức Chúa Trời. Đời sống xứng đáng của người hầu việc Chúa phải như thế. Còn về tình yêu thương thì phải như cha đối với con. Theo một văn phẩm của Inter Varsity Christian Fellowship [3], để bày tỏ tương quan ngay thẳng cùng những người mình phục vụ hầu có thể làm chứng tốt về Chúa cho họ, con cái Chúa cần thực hiện những việc sau đây:

  1. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh giữa cộng đồng cũng như trong gia đình hầu có thể mang vinh hiển về cho Chúa và ảnh hưởng tốt trên mọi người chung quanh mình.
  2. Bất cứ nơi nào chúng ta làm lụng hoặc sinh sống, chúng ta cần vâng giữ mạng lệnh và mẫu mực của Chúa Giê-xu.
  3. Chúng ta tin rằng mọi người đều được dựng nên trong hình ảnh của Đức Chúa Trời và có khả năng tương giao với Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc. Bởi lẽ đó, chúng ta cần phải tôn trọng người khác trong mọi mối tương quan.
  4. Theo nguyên tắc tôn trọng người khác, chúng ta cần ý thức rằng họ có tự do bình đẳng trong việc chọn đối tượng để tôn thờ.
  5. Mục đích truyền rao ơn cứu rỗi của Chúa là mục đích tốt lành và xứng đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải giải bày Lời Chúa cách thành thật và ngay thẳng. Chúng ta cần lưu tâm đến trí tuệ và cảm xúc của người khác.
  6. Chúng ta cần trao đổi tư tưởng cách cởi mở với những người có đồng niềm tin và với cả những người có ý hoài nghi. Chúng ta cần nói rõ xuất xứ, lập trường, quan niệm thần học và niềm tin căn bản của mình.
  7. Chúng ta cần lắng nghe những ý kiến chỉ trích hoặc phê bình của người khác và sẵn sàng nhìn nhận sự khiếm khuyết, sự bất toàn của chính mình. Chúng ta chẳng qua chỉ là tội nhân luôn cần đến ân điển của Đức Chúa Trời.
  8. Là những người anh em trong đức tin, chúng ta nên nhắc nhở lẫn nhau trong việc làm chứng tốt cho Chúa trong cách ăn nết ở mỗi ngày.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Khử Mùi Khê.

Lỡ tay nấu nồi cơm bị khê, tất nhiên là cơm khét thì không thể cứu vãn được, nhưng ít nhất bạn cũng có thể phi tang được mùi khê khó chịu đó, nếu lúc vừa phát hiện, cơm còn nóng, bạn cho ít hành tây xắt lát vào nồi rồi đậy nắp lại. Mùi khê sẽ biến mất, không ám vào lớp cơm ngon phía trên.

Post CommentLeave a reply