CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 18.07.2021
By Lee Vi in NAM GIỚI on 16 Tháng Bảy, 2021
Chúa nhật 18.07.2021
- Đề tài: BẮT ĐẦU CÔNG TÁC CHÚA GỌI.
- Kinh Thánh: Giô-suê 1:10 -18.
- Câu gốc: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).
- Đố Kinh Thánh: 1Các vua 4-6.
- Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (Nêu sự việc đã xảy ra).
– Câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước để nắm vững nội dung của buổi học, nhờ đó các nhóm trưởng sẽ tự tin khi hướng dẫn nhóm mình và không lệch mục tiêu ban đầu.
- Thời gian học Kinh Thánh.
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút thảo luận.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi rồi tiến hành chia nhóm.
- Chia nhóm: Tùy theo số ban viên, có thể chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
- Vị trí: Ủy viên Linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho các trưởng nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Trưởng nhóm phải được chọn trước để cùng học với ủy viên linh vụ, nhiệm vụ chính của trưởng nhóm là đưa ra câu hỏi và gợi ý để các bạn trả lời, hướng dẫn buổi thảo luận đi đúng mục tiêu. Thư ký nhóm được cử ra để ghi lại kết quả của buổi thảo luận và tường trình trong giờ đúc kết.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa lại những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kêu gọi ban viên làm theo sự dạy dỗ nhận được qua buổi thảo luận.
* CÂU HỎI GỢI Ý:
(1.1) Giô-suê đã bắt đầu công tác Chúa gọi như thế nào?
(1.2) Trước nhiệm mạng mới, Giô-suê sắp bắt tay vào công việc với tinh thần ra sao?
(1.3) Là một người mới được Chúa giao công tác, bạn sẽ chuẩn bị những gì?
(2.1) Giô-suê đã truyền lệnh cho các quan trưởng điều gì? (c.10).
(2.2) Tại sao Giô-suê lại truyền lệnh đó cho họ?
(2.3) Bạn sẽ chuẩn bị điều gì trước nhất khi bắt đầu công tác Chúa giao?
(3.1) Dân sự đáp lại sự lãnh đạo của Giô-suê như thế nào? (c.16).
(3.2) Bạn học được điều gì từ sự vâng phục của dân sự đối với Giô-suê?
(3.3) Nếu bạn đang ở dưới sự hướng dẫn của một lãnh đạo mới, bạn sẽ hỗ trợ cho người lãnh đạo của mình như thế nào?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong chương đầu của sách Giô-suê, chúng ta được gặp nhà lãnh đạo mới của Y-sơ-ra-ên. Được chọn làm người nối tiếp Môi-se, Giô-suê được Đức Chúa Trời ủy nhiệm cho công tác gì? Song song với công tác ấy, Ngài ban cho Giô-suê những lời hứa nào và Giô-suê có đáp ứng ra sao trước nhiệm mạng của Chúa?
- GIÔ-SUÊ BẮT ĐẦU CÔNG TÁC CHÚA GỌI (1:10-18).
Sau khi nhận lãnh nhiệm mạng từ Đức Chúa Trời, Giô-suê bắt tay vào việc. Công tác thứ nhất mà Giô-suê phải thực hiện là dẫn Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh. Với công tác nầy từ câu 10-18, chúng ta thấy Giô-suê có hai sự chuẩn bị:
- Chuẩn bị lương thực (1:10-11).
Một câu hỏi có thể nêu lên ở đây: Sự chuẩn bị lương thực là do mạng lệnh của Đức Chúa Trời hay ý nghĩ của Giô-suê?
Trong c.10, chúng ta thấy “Giô-suê truyền lệnh cho các quan trưởng của dân sự” nhưng thật ra Giô-suê chỉ là người thi hành phận sự theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Cũng như Môi-se trong việc lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, những điều Môi-se truyền cho dân sự là những mạng lệnh ông nhận lãnh từ Đức Chúa Trời. Với Môi-se, người duy nhất có đặc ân được Đức Chúa Trời nói chuyện đối mặt (Xuất Ê-díp-tô ký 33:11). Như vậy, thế nào Giô-suê nhận lãnh mạng lệnh của Chúa? Kinh Thánh không cho chúng ta biết chi tiết nầy. Theo Dân số ký 27:21; Giô-suê 5:13-15, có sự cầu hỏi của thầy tế lễ qua Thu-mim và U-rim.
Trong cuộc qua sông, sự chuẩn bị thức ăn là điều rất thực tiễn. Tuy nhiên mạng lệnh nầy có thể là “bài thi” mở đầu cho sự gây dựng, cũng như thử lòng dân Y-sơ-ra-ên về sự vâng lời Đức Chúa Trời.
– Đối với Giô-suê, vị tướng trong công tác đưa dân sự qua sông Giô-đanh, trước mạng lệnh chuẩn bị thức ăn, nếu theo cái nhìn của con người lý trí, chắc không khỏi có những câu hỏi: Tại sao Chúa không cho lệnh dân sự đóng thuyền bè để qua sông, mà lại bảo họ chuẩn bị lương thực trong khi ma-na không thể lưu trữ quá một ngày? (Xuất 16:16-24; Giô-suê 5:9-12).
– Đối với Y-sơ-ra-ên: Mạng lệnh chuẩn bị thức ăn đến với dân sự trong thời gian khẩn cấp, “…trong ba ngày nữa các ngươi sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh” – sự khẩn cấp nầy có thể là một khuấy động dân sự khiến tinh thần họ nôn nóng trong cuộc hành trình vào đất hứa. Bốn mươi năm về trước, đã có một lần tổ phụ họ chống nghịch Đức Chúa Trời, lùi bước trước đất hứa. Bây giờ với mạng lệnh nầy, dân sự chuẩn bị lương thực. Ngoài ma-na là thức ăn căn bản hằng ngày, có thể thêm các thứ thổ sản phụ thuộc mà dân sự có được trong thời gian họ đóng trại tại đồng bằng Mô-áp. Hành động chuẩn bị thức ăn nói lên thái độ của họ vâng lời Chúa, và tấm lòng sẵn sàng bước vào đất hứa Ca-na-an.
- Sự chuẩn bị quân sự (c.12-18).
Trong Dân số ký, Môi-se chia phần đất ở phía Đông sông Giô-đanh, tức là đất của Si-hôn, và Óc, hai vua A-mô-rít cho chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se, theo như lời họ xin. Nhưng với điều kiện là họ phải đi chiến đấu với anh em mình khi họ vào chiếm xứ Ca-na-an. Và cho đến chừng mỗi chi phái Y-sơ-ra-ên nhận được phần đất làm sản nghiệp, thì họ mới trở về xứ mình ở bên kia sông Giô-đanh.
Theo bản thống kê dân số sau 40 năm của cuộc hành trình, cho thấy con số chiến sĩ, tức là những người nam từ 20 tuổi trở lên, trong ba chi phái nầy là 110.000 người (Dân 26:7,18,34). Dầu vậy, Giô-suê chỉ tuyển chọn trong vòng họ một quân số chừng 40.000 người mà thôi, còn 70.000 chiến sĩ kia ở lại nhà để gìn giữ an ninh cho gia đình.
Trong sự chuẩn bị quân sự, chúng ta nhận thấy Giô-suê là vị tướng khôn ngoan, và biết tâm lý: trong sự chuẩn bị thức ăn, Giô-suê “truyền lệnh cho các quan trưởng của dân sự…” (c.10), nhưng trong sự chuẩn bị quân sự, Giô-suê đích thân “nói cùng người Ru-bên, người Gát, người Ma-na-se…”. Giô-suê đến với họ trong tinh thần nhắc lại, “hãy nhớ lại điều Môi-se…” (c.13-15). Sự nhắc lại nầy có tác động sâu xa về tâm lý, làm sống lại lời cam kết của họ trong quá khứ với Môi-se, và đem lại mối dây liên hệ giữa họ với người anh em trong hiện tại và sự ràng buộc trách nhiệm. Để rồi họ chắc sẽ tái xác nhận lại lời cam kết ấy. Với quân số đông của ba chi phái, sự tuyển chọn là việc làm khôn ngoan của Giô-suê. Trong chiến trận, thà số ít mà thiện chiến hơn là số đông mà không biết chiến đấu! Sự tuyển chọn nầy đem lại ích lợi cho cả hai; số người còn lại bảo vệ an ninh cho các đàn bà, con trẻ của người đi chiến đấu. Như vậy, những người ra đi được yên lòng và giữ cao độ trong tinh thần chiến đấu.
Lời nói khôn khéo của Giô-suê đã được sự đáp ứng nồng nhiệt của ba chi phái nầy. Trong sự đáp ứng, họ có lời hứa với Giô-suê, cũng như lời cầu nguyện, và một điều kiện cho Giô-suê (c.16-18).
- a) Lời hứa: Thứ nhất, dân sự sẵn sàng làm mọi điều theo lệnh Giô-suê. Thứ hai, họ vâng theo Giô-suê trong mọi việc y như vâng theo Môi-se. Qua những lời hứa nầy, cách rõ ràng họ tín nhiệm Giô-suê, thừa nhận ông là người thay thế Môi-se để chăn dắt dân sự Chúa. Những lời họ hứa, cho thấy ba ưu điểm trong ba chi phái nầy:
(1) Lòng trung thành: Mặc dầu Môi-se đã qua đời, nhưng họ vẫn giữ lời cam kết của mình với Môi-se vì họ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
(2) Tinh thần trách nhiệm: Vì họ đã nhận được phần đất sản nghiệp. Nên nhớ rằng, khi chúng ta nhận được ơn phước của Chúa, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc đến nhu cầu của người khác nữa.
(3) Tinh thần vâng phục người lãnh đạo: Đối với họ, sự vâng phục Giô-suê là điều rất nghiêm trọng đòi hỏi mỗi cá nhân, đến nỗi người nào chẳng vâng theo Giô-suê thì người đó phải bị xử tử! Tinh thần phục vụ nầy bày tỏ thái độ của họ tôn trọng Giô-suê, là người Chúa lập lên giữa họ. Cho nên kẻ nào chẳng tuân lệnh Giô-suê, tức là kẻ nghịch mạng Chúa vậy.
- b) Lời cầu nguyện: “Chỉn nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng ông, y như Ngài ở cùng Môi-se vậy” (c.17). Lời cầu nguyện nầy nói lên điều dân chúng mong mỏi nơi người lãnh đạo là một người có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác nhu cầu của dân sự về người lãnh đạo là người lãnh đạo có Chúa ở cùng.
- c) Điều kiện: Lời dân sự hứa vâng lời Giô-suê, nhưng với một điều kiện, “chỉ ông hãy vững lòng bền chí”. Đây là lần thứ tư câu “Vững lòng bền chí” được lập lại cho Giô-suê. Sự kiện nầy nói lên điểm quan trọng mà người lãnh đạo cần có.
BÀI HỌC ÁP DỤNG
Qua sự lựa chọn và ủy nhiệm Giô-suê, chúng ta tìm thấy một bài học hữu ích cho người lãnh đạo, cũng như cho dân sự Chúa. Vài điểm ghi nhận sau đây:
- Đức Chúa Trời đối với người lãnh đạo và lãnh đạo đối với Ngài:
– Đức Chúa Trời luôn khích lệ, làm cho vững chí người Ngài ủy nhiệm công tác.
– Một thái độ phải có trong người lãnh đạo là tuyệt đối vâng lời Đức Chúa Trời và làm theo các mạng lệnh Ngài.
- Người trước đối với người kế tiếp và người nối tiếp đối với người trước mình.
Khích lệ, nâng đỡ tinh thần người nối tiếp là trách nhiệm của người đi trước (Phục truyền 1:37-38; 31:7-8). Kính trọng, học hỏi nơi người trước là thái độ đáng có nơi người nối tiếp.
- Người lãnh đạo đối với dân sự Chúa.
– Nhu cầu của dân chúng về người lãnh đạo là một người có Chúa ở cùng và có sự kiên cường, can đảm.
– Đáp lại, người lãnh đạo phải là người hoàn toàn đầu phục Chúa, tin cậy và vâng giữ Lời Chúa. Vì đó là bí quyết để được Chúa ở cùng, và ban cho tấm lòng vững mạnh, can đảm.
- Dân sự Chúa đối với người lãnh đạo.
– Nhu cầu của người lãnh đạo là cần sự ủng hộ, khích lệ, và thái độ phục tùng của dân chúng.
– Đáp lại, dân sự Chúa cầu nguyện cho người lãnh đạo mình, cũng như bày tỏ thái độ kính trọng và vâng phục. Ở đây chúng ta nhận thấy sự vâng lời trong mối tương quan hai chiều có thể diễn tả trong câu nầy: Dân sự Chúa vâng lời người lãnh đạo vâng lời Chúa.