CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.06.2021
By Lee Vi in NAM GIỚI on 7 Tháng Sáu, 2021
Chúa nhật 13.06.2021 (CN Âm nhạc & Truyền thông)
- Đề tài: CUỘC ĐUA CHƯA KẾT THÚC.
- Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 12:1-3, Phi-líp 3:12-16.
- Câu gốc: “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giê-xu Christ giựt lấy rồi” (Phi-líp 3:12).
- Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 21-24.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.02.2021.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Nếu bạn hỏi bất cứ một vận động viên thể thao dày dạn kinh nghiệm nào về sự thành công của họ thì họ sẽ trả lời chỉ có một cách duy nhất để thật sự “vươn lên” và trở thành “thiện nghệ” là bạn phải thi đấu. Đời sống Cơ Đốc nhân cũng tương tự vậy. Phao-lô minh họa bằng chính cuộc đời của ông trong thư gửi các tín hữu tại Phi-líp rằng dù chúng ta đã “chạy lâu đến đâu”, chúng ta vẫn chưa đạt đến đích. Dù chúng ta được huấn luyện thế nào, còn có chỗ phải cải thiện. Chúng ta sẽ hoàn tất “cuộc đua” và nhận “mão triều thiên vinh hiển” khi Chúa Giê-xu Christ đem chúng ta về nhà vinh hiển.
- ĐIỀU KIỆN VÀ SỰ TẬP TRUNG ĐỂ VỀ ĐÍCH THÀNH CÔNG.
Chúng ta thật sự không biết trước giả thư Hê-bơ-rơ là ai. Dù là ai đi nữa, tương tự như Phao-lô, trước giả hiểu rõ những điều liên quan đến chuyện thi đấu. Ông cũng dùng các môn thể thao Hy-lạp và La-mã để minh họa và mô tả các kỷ luật trong nếp sống Cơ Đốc. Vì vậy chúng ta đọc:
“Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:1-2).
Trước giả Hê-bơ-rơ mở rộng tầm nhìn của ẩn dụ này bằng cách sự dụng từ agona, một thuật ngữ thể thao Hy-lạp chỉ về một cuộc “tranh tài”. Do đó, tác giả có thể ám chỉ đến “cuộc chạy đua”, hoặc những môn thể thao Hy-lạp khác có tính tranh đua gay gắt và đòi hỏi sự tự chủ, như là đấu với thú dữ, quyền anh, đấu vật và ném đĩa.
- Vứt bỏ gánh nặng.
Để tranh tài một cách hiệu quả trong các cuộc thi đấu, một lực sĩ phải “vứt bỏ gánh nặng”, phải “cất bỏ các chướng ngại” (NIV). Từ Hy-lạp là ogkon chỉ về “trọng lượng” và “khối lượng”, có thể chỉ về một trọng lượng quá mức, kể cả trọng lượng của thân thể chúng ta.
Một bài học đáng chú ý:
Hầu hết những người to béo tranh tài một cách hiệu quả trong các hoạt động thể thao cần đến sự nhanh nhẹn, tốc độ và dẻo dai. Thí dụ: Tôi thích trượt tuyết xuống đồi. Như mấy năm trước tôi học được một bài học bất ngờ. Tôi mập lên 5 ký so với trọng lượng bình thường. Khi trượt tuyết, tôi thấy khó thở, một cái gì đó làm tôi khó chịu mà trước đây tôi chưa hề kinh nghiệm. Thật vậy, ở những mức độ cao mà tôi đã trượt tuyết không một chút khó khăn, tôi thích dẫn một tốp người trượt xuống núi, bây giờ tôi khó mà đuổi kịp họ. Hơn nữa, tôi mất hết khéo léo và tôi không còn tin vào khả năng của mình nữa.
Thình lình, tôi nhận ra lý do của mọi chuyện rắc rối này. Đó là vì tôi quá mập. Để xác minh cho giả thuyết này, tôi bắt đầu giảm trọng lượng, rồi sau đó trượt tuyết trở lại. Sự thay đổi thật lạ lùng, tôi có thể thở dễ dàng, có sự chịu đựng trở lại. Tôi có thể tập trung nắm quyền kiểm soát.
- Quăng hết tội lỗi dễ vấn vương.
Trước giả thư Hê-bơ-rơ lập tức minh định rằng trọng lượng quá mức ví như “tội lỗi để vấn vương” (Câu 1).
- Tội lỗi tỏ tường: Một số tội lỗi hoàn toàn chặn đứng chúng ta về mặt thuộc linh. Phao-lô gọi những tội lỗi này: “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21). Liệt kê này rõ ràng bao gồm các tội hiển nhiên, là “chướng ngại” khiến chúng ta “không kiên nhẫn chạy trong cuộc đua”.
- Những thói quen xấu: Còn những “gánh nặng” không đáng chú trọng lắm thì sao? Thí dụ như các thói quen mà có thể chúng ta không xem là tội, tôi xin hỏi thẳng bạn rằng bạn có mập thêm 5 ký trong đời sống Cơ Đốc của bạn không? Phải chăng bạn có những thói quen “bóp nghẹt” đời sống thuộc linh của bạn. Thí dụ dành quá nhiều thời gian xem truyền hình, xem phim và đọc truyện vô bổ? Song phải chăng bạn xao lãng cầu nguyện, không đi nhà thờ và không học Kinh Thánh? Cụ thể hơn nữa, phải chăng bạn biếng nhác quen rồi? Phải chăng bạn thiếu kỷ luật?
Có lẽ bạn thắc mắc: “Bộ đó là những hành động tội lỗi sao?” Hiển nhiên chính bạn phải tự xét. Đối với tôi, bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến đời sống thuộc linh khiến tôi không còn chú tâm nhìn Chúa Giê-xu Christ, tôi đều tra xét lại cẩn thận. Việc tăng trọng lượng cách “bất thường” sẽ ảnh hưởng đến lòng “kiên nhẫn” chạy trong cuộc đua đã tổ chức sẵn sàng cho mình.
- Chăm chú hướng về Chúa Giê-xu.
“Chăm chú hướng về Chúa Giê-xu”, có lẽ là bài học quan trọng nhất trong ẩn dụ thể thao này. Bất cứ người chạy đua nào trong vận động trường Hy-lạp rời mắt khỏi mục tiêu để nhìn đám đông hoặc đối thủ sẽ mất đi thời gian quý báu và sự tập trung. Đời sống của Cơ Đốc nhân cũng vậy. Khi chúng ta không nhìn Chúa mà nhìn người khác chúng ta sẽ mắc phải nguy cơ đi chệch hướng thuộc linh.
“Chỉ có Chúa Giê-xu là con người toàn thiện”. Khi còn là một Cơ Đốc nhân non trẻ tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn. Một vài nhà lãnh đạo thuộc linh quan trọng mà tôi kính trọng làm tôi thất vọng. Họ không đạt được những điều mà tôi kỳ vọng. Tiếc là việc này làm tôi quá thất vọng đến nỗi tôi bị cám dỗ từ bỏ mục tiêu hầu việc Chúa Giê-xu Christ trọn thời gian. Do đó, tôi đã “làm việc cho qua ngày” trong nhiều tháng, tệ hơn nữa là đã “lãng phí thời gian”.
Hồi tưởng lại, tôi được học một bài học quý giá. Tôi đã không nhìn Chúa Giê-xu Christ mà nhìn người khác. Tiếc là những người này không phải là những gương tốt nhất trên thế giới. Rốt cuộc, tôi học được rằng chỉ có một người toàn thiện là Chúa Giê-xu. Ngài không bao giờ làm tôi thất vọng.
- Bắt chước cuộc đời của Chúa Giê-xu Christ.
Xin đừng hiểu lầm. Tất cả chúng ta cần các Cơ Đốc nhân đáng khâm phục để làm gương cho chúng ta. Đó là lý do Phao-lô bảo các tín hữu tại Cô-rinh-tô hãy bắt chước ông như ông đã bắt chước Đấng Christ (1Cô 11:1). Nhưng chúng ta phải hiểu rằng ngay cả những Cơ Đốc nhân trưởng thành nhất cũng sai sót. Đó là lý do chúng ta phải chăm chú hướng về Chúa Giê-xu.
Ở đây có một bài học khác. Đám lực sĩ trẻ tuổi cần những mẫu người để họ noi theo, cần những người để họ học đòi. Theo như lời Phao-lô vừa xác định, đây là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời về vấn đề chúng ta học tập theo Chúa Giê-xu. Như vậy, nếu tôi là một Cơ Đốc nhân từng trải, tôi phải thận trọng trong cách sống vì biết rằng các Cơ Đốc nhân khác đang nhìn xem tôi để học đòi cách thức tranh tài có hiệu quả. Một trong những cách hay nhất để thực hiện điều này là nhìn xem Chúa Giê-xu, và đừng bao giờ chệch bước chỉ vì những Cơ Đốc nhân sống không phù hợp với kỳ vọng của chúng ta.
- CHẶNG CUỐI CÙNG CỦA CUỘC ĐUA.
Phao-lô viết thư cuối cùng trong thời gian ông bị xiềng trong tù của người La-mã. Tại đây, ông lại dùng một ẩn dụ trong lãnh vực thể thao khi tâm sự với Ti-mô-thê là một cộng sự trung thành của ông. Phao-lô biết mình sắp sửa bước vào chặng cuối cùng trong cuộc đua Cơ Đốc. Vì thế, ông viết: “Vì mạng sống ta đang bị đổ ra làm tế lễ, ngày giờ qua đời của ta gần rồi” (2Ti-mô-thê 4:6).
Không xa nơi Phao-lô bị giam, sừng sững một đấu trường đồ sộ của người La-mã. Đáng buồn là các trò thi đấu thể thao của người La-mã đã thoái hóa đến mức chỉ còn môn biểu diễn được khán giả hâm mộ đó là những trận đấu giữa người và thú dữ. Đám đông hăng máu như những con thú vật.
- Chiến đấu anh dũng.
Trong khi viết thư cuối cùng cho Ti-mô-thê chắc chắn ông đã hình dung trong trí những cảnh xảy ra trong đấu trường khổng lồ nằm cách đó mấy khu phố. Sử dụng ngôn từ thể thao ông viết:
“Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài” (1Ti-mô-thê 4:7,8).
Khi Ti-mô-thê đọc những lời này, hẳn ông thấu hiểu ý của Phao-lô. Từ “chiến đấu” (agonizomai) gợi lên hình ảnh của những võ sĩ Hy-lạp đấu với nhau, tay mang găng da bò bện với chì và sắt. Tự thân trận đấu đã rất man rợ, thế mà người thua trận lại càng thảm thương hơn vì thường thì bị múc mất một con mắt.
Đối thủ thực sự của chúng ta là Sa-tan. Ẩn dụ cuối cùng của Phao-lô nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của nếp sống Cơ Đốc. Chúng ta ở trong một trận chiến chống lại quyền lực của tội lỗi. Nhưng Phao-lô đã thắng trận. Ông đã chiến đấu cho đến cuối cùng và sắp sửa nhận mão dành cho người chiến thắng. Đức tin của ông đã không phụ ông.
- Chiến đấu để đoạt giải.
Phao-lô sử dụng một ẩn dụ khác trong thư Cô-rinh-tô. Trong phân đoạn chúng ta tham khảo ở trên, ông không chỉ nói đến “chạy đua” mà còn nói đến “đấu võ”. Phao-lô thường sử dụng ngôn ngữ thể thao:
“Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triền thiên không hay hư nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (1Cô 9:25-27).
Dầu rằng phải đối đầu với những kẻ thù mạnh mẽ và những trở ngại khủng khiếp, Phao-lô đã sống cuộc đời Cơ Đốc nhân đắc thắng vì nhiều nguyên do. Thứ nhất, ông chăm chú vào mục tiêu được gặp mặt Chúa Giê-xu và được nhận phần thưởng đời đời. Ông biết những điều ông muốn đạt tới. Ông không như người đấu võ múa may loạn xạ và đánh trật mục tiêu.
Thứ hai, trong mọi giây, trong từng phút, trong từng ngày, ông luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến. Ông kiên trì luyện tập để năng lực không bị cạn kiệt và đạt đến sự thánh khiết.
Thứ ba, ông tranh tài “đúng thể lệ” (2Ti 2:5). Ông không để cho mình bị loại khỏi cuộc thi đấu vì bị phạt.
Thứ tư, khi ông bước vào trận đấu, ông nương cậy nơi sức mạnh của Đức Chúa Trời. Ông “đã giữ vững đức tin”. Và nói dưới dạng một ẩn dụ khác thì ông đã “trang bị toàn bộ vũ khí của Đức Chúa Trời để có thể đứng vững mà chống lại mưu kế của kẻ dữ” (Ê-phê-sô 6:11).
- KỶ LUẬT THUỘC LINH.
Đáng tiếc là một số người thông giải ý của Phao-lô khi ông tâm sự với các tín hữu tại Cô-rinh-tô là ông “đánh thân thể ông” để biện minh cho một cuộc sống khổ hạnh, cụ thể là hành hạ thể xác. Như đã nói trong chương trước, đây không phải là cách để phát huy lòng nhẫn nhục. Theo nguyên văn, Phao-lô không thật sự tự đánh đập thân thể nhằm chế ngự dục vọng và sự cám dỗ. Minh họa này nhằm nói lên ý chính là một lực sĩ năng nổ vận động và trau giồi thể lực như thế nào thì một Cơ Đốc nhân phải tham gia vận động tập tành về mặt thuộc linh. Nhất là khi chúng ta là Cơ Đốc nhân, chúng ta sẽ chẳng thể nào trở thành những con người mà Đức Chúa Trời muốn nếu chúng ta không phát huy tính tự chủ trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta.
Đời sống của Cơ Đốc nhân cũng tương tự như vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho những giờ phút đòi hỏi nhẫn nhục, tập trung cao độ và các kỹ năng có hiệu quả. May thay, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một bộ sách huấn luyện tuyệt vời, phác họa cách thức chuẩn bị để đối diện với mọi thử thách. Bộ sách này là Lời của Đức Chúa Trời cũng phác họa một “kế hoạch thi đấu” không hề thất bại. Hơn thế nữa, Ngài bảo đảm chiến thắng liên tục nếu chúng ta vâng theo Lời Ngài phán dạy và đi theo đường lối mà Ngài vạch ra cho chúng ta.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Cơ Đốc nhân là những vận động viên trong chặng đua thuộc linh, trên hành trình về Thiên quốc, ai là những người đang chứng kiến chúng ta chạy? (Hê-bơ-rơ 12:1).
- Có tội lỗi dễ vấn vương nào đang ngăn trở đường chạy của bạn không? Bạn sẽ giải quyết nó như thế nào?
- Cơ Đốc nhân phải làm gì, có suy nghĩ như thế nào để không mệt mỏi và sờn lòng trên chặng đường đua của mỗi người? (Hê-bơ-rơ 12:2-3).
- Sứ đồ Phao-lô đã chạy trên đường đua như thế nào? (1Cô 9:26).
- Phao-lô đã cho chúng ta biết những kinh nghiệm gì trên chặng đua của ông? (Phi-líp 3:14).
- Ông đã hoàn thành phần chạy của mình như thế nào? Và kết quả ông nhận là gì? (2Ti 4:7-8).
- Cơ Đốc nhân ngày nay cần trang bị gì để hoàn thành tốt cho chặng đua của mình?