Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 31.01.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 31.01.2021

By Lee Vi in NAM GIỚI on 26 Tháng Một, 2021

Chúa nhật 31.01.2011.

  1. Đề tài: THỨC CANH VÀ CẦU NGUYỆN.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 12:35-48.
  3. Câu gốc: Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở” (Lu-ca 12:35-36).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 5-8.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên đoạn Kinh Thánh làm nền, tài liệu để soạn.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ giúp các bạn học Kinh Thánh bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi để các bạn tìm được ý nghĩa, sự dạy dỗ của Kinh Thánh và áp dụng sự dạy dỗ ấy vào đời sống.
  4. Không dùng phương pháp thuyết trình (một người nói và tất cả nghe) mà dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp), hoặc phương pháp thảo luận (mọi người đều có thể đưa ra câu hỏi và câu trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu:

(1.1) Câu hỏi phát hiện (sự kiện, sự việc xảy ra): Đọc Lu-ca 12:35-37, Chúa Giê-xu đã khuyên các môn đồ điều gì?

(1.2) Câu hỏi suy luận (tìm biết ý nghĩa hay sự dạy dỗ): Tại sao Chúa dành những lời khuyên đó cho họ?

(1.3) Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ Lời Chúa vào đời sống): Bạn có đang thắt lưng và giữ đèn thắp sáng bên cạnh và chờ đợi bên cửa không? Điều gì chứng tỏ như thế?

(2.1) Câu hỏi phát hiện: Có mấy hạng người đầy tớ được nói đến trong phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 12:35-37. Bạn có nhận biết được Chúa muốn bạn luôn phải sẵn sàng sửa soạn đón Chúa không?

(2.2) Câu hỏi suy luận: Tại sao Chúa Giê-xu nhắc đến hai hạng người này, bạn có thể cho biết những biểu hiện của một đầy tớ không trung thành và không chịu sửa soạn sẵn sàng?

(2.3) Câu hỏi áp dụng: Có khi nào bạn lờ đi những lời cảnh báo của Chúa không? Điều gì khiến bạn bỏ qua những lời ấy? Bạn có ý thức về tầm quan trọng trong sự sẵn sàng chờ đợi? Bạn bày tỏ mình đang trong tư thế sẵn sàng như thế nào?

  1. Người hướng dẫn đúc kết, nhắc nhở rằng một đời sống thiếu sự cầu nguyện và tỉnh thức thì tình trạng thuộc linh trở nên nghèo nàn, khô cạn; kêu gọi các thành viên cần hướng mình đến đời sống tỉnh thức và cầu nguyện, nhạy bén với sự dạy dỗ của Chúa Thánh Linh để sẵn sàng vâng lời và biết ý muốn của Chúa trong đời sống mình.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Nếu chúng ta nghĩ đến sự yếu đuối của chính mình, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta phải nghiêm túc trong việc “thức canh và cầu nguyện”. Chúng ta sẽ tập trung vào phần còn lại trong lời hướng dẫn của Chúa đó là “thức canh”. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ xem xét một số lần khi chúng ta ở trong sự nguy hiểm của “sa vào chước cám dỗ”.

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG CÁM DỖ.

  1. Sự thịnh vượng khác thường bên ngoài.

Thời điểm thịnh vượng khác thường bên ngoài thường đi kèm với giờ cám dỗ. Thịnh vượng và cám dỗ đi chung với nhau. Thực tế, thịnh vượng bản thân nó là một cám dỗ, nếu không nói là nhiều cám dỗ. Trừ phi Chúa ban cho ân điển đặc biệt, nếu không đó là sự cám dỗ ở hai phương diện. Nó có thể đem đến cơ hội cho những ước muốn tội lỗi của con người; và ma quỷ biết cách tận dụng điều đó để đem lợi ích đến cho nó.

Trong Châm ngôn 11:3, chúng ta đọc thấy “sự thịnh vượng của kẻ ngu muội sẽ hủy diệt họ”. Sự thịnh vượng làm họ cứng lòng. Nó làm cho họ khinh thường lời hướng dẫn hay cảnh báo. Suy nghĩ về ngày đoán xét (điều có thể làm họ thay đổi lối sống của mình) không có trong tâm trí của họ. Nếu không có sự giúp đỡ đặc biệt của ân điển Chúa, sự thịnh vượng có thể đem đến ảnh hưởng nguy hại cho những người tin Chúa. Đây là lý lẽ của Agur, người đã cầu nguyện chống lại sự giàu có, vì sự cám dỗ đi kèm theo với nó (Châm ngôn 30:8-9). Đây là điều đã thật sự xảy ra đối với dân Y-sơ-ra-ên: “Chúng nó đã được no nê theo đồng cỏ; và được no nê rồi, thì chúng nó sanh lòng kiêu ngạo; vậy nên chúng nó đã quên Ta” (Ô-sê 13:6). Đây chính là nguy hiểm mà Đức Chúa Trời cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên phải canh chừng (Phục 8:12-14).

Con cái Chúa có thể vui mừng trong sự thịnh vượng (Truyền đạo 7:14), nhưng không bao giờ được quên rằng thịnh vượng đem đến những nguy cơ mà chúng ta cần phải cẩn thận cảnh giác và cầu nguyện. Hãy suy nghĩ một chút về một số nguy cơ sau:

  1. Khi thịnh vượng, đời sống Cơ đốc ở trong nguy cơ đánh mất thực tại bên trong. Điều này có thể đưa linh hồn đến chỗ đối diện với tất cả các hình thức cám dỗ mạnh mẽ.
  2. Trong thịnh vượng, chúng ta ở trong nguy hiểm của việc nhận lãnh quá nhiều cảm giác mãn nguyện và vui sướng từ những tiện nghi của đời này. Sự mãn nguyện và vui sướng như thế được miêu tả chính xác là “thuốc độc của linh hồn”.
  3. Sự thịnh vượng có thể làm chúng ta cứng cỏi và không nhạy bén trong đời sống Cơ đốc của mình. Nếu chúng ta không cảnh giác với điều này, nó sẽ biến chúng ta thành mục tiêu dễ dàng cho sự xảo quyệt của tội lỗi và làm chúng ta dễ rơi vào bẫy của Sa-tan.

Khi được thịnh vượng, hãy cảm tạ Chúa, nhưng hãy ý thức đến những nguy hiểm nó đem lại mà chuyên lòng “thức canh và cầu nguyện”. Nhiều vị thánh đã ngã vì không làm điều này. Khôn ngoan là hãy học lấy bài học từ kinh nghiệm đau thương của họ. Phước thay là người luôn có lòng kính sợ Chúa, đặc biệt trong lúc thịnh vượng.

  1. Tình trạng ngủ mê thuộc linh.

Nếu bạn lơ là trong đời sống tương giao với Chúa và trở nên hình thức khi thực hiện nhiệm vụ thuộc linh Cơ đốc của mình, thì nguy hiểm đang ở gần. Đây là lúc cần phải thức canh cảnh giác.

Nếu bạn đang ở trong tình trạng như thế, hãy thức dậy và nhìn quanh. Kẻ thù của bạn đang ở gần. Bạn đang ở trong nguy cơ rơi vào tình trạng thuộc linh mà bạn có thể phải nuối tiếc suốt cả đời còn lại. Tình trạng này là rất đáng báo động, nó là tín hiệu cảnh báo cho bạn biết rằng tình trạng tồi tệ hơn có thể đang đến. Các sứ đồ đã ở trong tình trạng ngủ mê cả thuộc linh lẫn thuộc thể trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Chúa Giê-xu đã nói gì với họ? “Hãy thức canh và cầu nguyện để các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ”. Chúng ta biết là một người trong số họ gần với sự cám dỗ dữ dội là dường nào. Người đó đã nhanh chóng sa vào giờ cám dỗ vì đã không thức canh và cầu nguyện như đáng phải làm.

Người nữ trong sách Nhã ca 5:2-8 được miêu tả là ở trong tình trạng buồn ngủ và không muốn chỗi dậy để mở cửa cho người yêu của mình. Khi nàng chỗi dậy thì người yêu đã đi khỏi. Người nữ này chỉ có thể tìm lại được người yêu của mình sau khi phải trả giá rất nhiều bằng đau thương. Cũng một thể ấy, Cơ Đốc nhân có thể ở trong tình trạng ngủ mê thuộc linh và không muốn chỗi dậy để tương giao với Chúa Giê-xu. Những người này có thể sẽ phải mang lấy những đau thương. Trong nhiều trường hợp họ sẽ có thể không bao giờ tìm lại được sự ngọt ngào trong đời sống thuộc linh mà họ đã từng kinh nghiệm.

Buổi chiều mà Đa-vít tỉnh dậy từ giấc ngủ (2Sa-mu-ên 11:2-27) là buổi chiều ngủ mê thuộc linh của Đa-vít. Ông không bao giờ hoàn toàn phục hồi lại từ lần vấp ngã ngoài ý muốn này. Phần lịch sử bi thương này của Đa-vít được ghi chép lại để cảnh cáo chúng ta. Nó phải vực chúng ta dậy trong đời sống cầu nguyện và tự tra xét mình.

  1. Khi ở đỉnh cao thuộc linh.

Những đỉnh cao thuộc linh có thể bị biến thành thời điểm cho những cám dỗ nguy hiểm do sự xảo trá của Sa-tan và sự yếu đuối của lòng chúng ta. Phao-lô biết điều này. Vừa mới nhận được sự mặc khải vinh hiển từ nơi Chúa thì ông bị ngay sứ giả của Sa-tan hành hạ (2Cô-rinh-tô 12:1-9). Ba sứ đồ trên núi hóa hình kinh nghiệm điều này. Phi-e-rơ nói “Lạy Chúa, chúng ta ở đây thì tốt lắm”, nhưng chỉ trong một lúc sau khi họ đi xuống núi thì gặp ngay người bị quỷ ám và những người đại diện cho “dòng dõi không tin và gian tà” (Ma-thi-ơ 17:4,14-17). Chính Chúa Giê-xu biết điều này. Khi Ngài chịu báp-têm, Ngài nghe có tiếng từ trời phán rằng “này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Thì ngay sau đó, chúng ta đọc tiếp rằng “Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Giê-xu đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỷ cám dỗ” (Ma-thi-ơ 3:17; 4:1).

Ma quỷ biết rằng chúng ta có thể quá vui mừng mà quên không cảnh giác với mưu chước của nó. Nó sử dụng cơ hội này để được lợi. Nếu Chúa ban cho bạn một niềm vui trong đời sống tâm linh, bạn có thể quá đỗi vui mừng. Nhưng đừng nói rằng “Tôi sẽ không bao giờ bị lung lay” vì bạn không biết khi nào thì Chúa có thể giấu mặt Ngài khỏi bạn, hay một sứ giả của Sa-tan có thể được sai đến để hành hạ bạn. Trong những niềm vui mừng thuộc linh, chúng ta cần đặc biệt cảnh giác, nếu không phước có thể trở thành họa.

Một điểm quan trọng khác về phước hạnh tâm linh cần phải được đề cập ở đây. Có những phước hạnh thuộc linh thật đáng ước ao; nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng đôi khi một số người tự lừa dối chính mình khi nghĩ rằng mình đang nhận được tình yêu của Chúa cách đầy tràn trong khi đó chỉ là ảo tưởng. Hậu quả kinh khiếp của những cảm xúc giả tạo như thế là rất khó lường. Nếu một người tự khoe về cảm xúc như thế của mình nhưng lại có lối sống trần tục thì người đó đang tự lừa dối chính mình và hậu quả là rất lớn.

  1. Tự tin.

Cám dỗ thường ở gần lúc một người quá tự tin. Phi-e-rơ là hình ảnh minh họa đau thương cho điều này khi ông khoe khoang “Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy… Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu” (Ma-thi-ơ 26:33,35). Chỉ một lúc sau khi nói những lời này Phi-e-rơ làm chính điều ông nói mình sẽ không bao giờ làm và khóc lóc đắng cay về điều đó. Đức Chúa Trời sử dụng sự sa ngã của Phi-e-rơ để dạy cho ông và kể cả chúng ta rằng thậtlà  ngu dại khi tin vào chính mình.

Thế gian đầy những cám dỗ và sự dạy dỗ sai trật. Có một số người ngu dại khi tin rằng họ sẽ không bao giờ sa ngã ngay cả khi tất cả mọi người khác sa ngã. Đừng giống như họ! Lời Chúa phán: “Chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi” (Rô-ma 11:20) “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (1Cô 10:12). Nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ không tin nơi chính mình, nhưng đặt tất cả sự tin cậy của mình nơi quyền năng gìn giữ của Chúa.

Điều đầu tiên học về thức canh đó là cần biết tại sao chúng ta phải thức canh. Chúng ta thức canh những lúc nguy hiểm vì đó là lúc chúng ta dễ rơi vào cám dỗ nhất. Bằng cách này, khi đã được nhắc nhở về các mối nguy hiểm xung quanh, chúng ta sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối diện với cám dỗ.

Bạn có tìm thấy lý do cần quan tâm trong những câu trả lời của mình không? Nếu có, thì đây chính là lúc bạn cần tỉnh giấc trước khi mình sa vào sự cám dỗ nào đó, và nó sẽ làm tê liệt đời sống thuộc linh của bạn suốt cuộc đời còn lại.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Bạn đang nhận được điều gì từ việc đọc Kinh Thánh? Bạn có nhận được ích lợi nhiều như trước đây không? Nhìn bên ngoài, những người khác có thể không thấy có sự khác biệt nào, nhưng việc đọc Kinh Thánh của bạn có đem bạn đến với mối tương giao với Chúa không?
  3. Lòng nhiệt huyết của bạn có đang nguội lạnh đi không? Bạn có thể vẫn đang làm những công việc như trước đây, nhưng lòng bạn có ấm lên nhờ tình yêu Chúa không? Thực hiện công việc hiện tại có làm lòng bạn ấm lên với Chúa như bạn đã có lúc ban đầu không? (Khải huyền 2:2-4)
  4. Bạn có đang trở nên xao lãng trong việc cầu nguyện và nghe Lời Chúa không? Bạn có thể vẫn đang thực hiện những nhiệm vụ này, nhưng bạn có đang làm với sức sống và lòng nhiệt huyết như trước đây không? (Xem Lu-ca 8:18; Rô-ma 12:12c).
  5. Bạn có đang mệt mỏi trong đời sống Cơ đốc không? Hay nếu bạn vẫn đang tiếp tục giữ vững đời sống Cơ đốc, thì động cơ của bạn là gì khi làm như vậy? Bạn có bao giờ thầm mong ước rằng phải chi con đường không quá hẹp như vậy? (2Cô 4:16-18; 5:14,15).
  6. Tình yêu và niềm vui của bạn dành cho dân sự Chúa có đang nhạt nhòa và nguội lạnh không? Tình yêu bạn dành cho họ có đang chuyển từ tình yêu thuộc linh sang tình yêu thế tục không? Tình yêu đó có dựa trên những điều bạn thích về họ hay những ích lợi có được từ tình bạn với họ hơn là họ có trở nên giống Chúa Giê-xu không? (1Tê 4:9-10; 1Phi-e-rơ 1:22; 3).

Post CommentLeave a reply