CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 06.12.2020
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 30 Tháng Mười Một, 2020
Chúa nhật 06.12.2020.
- Đề tài: MẠNH DẠN TRONG CHÚA.
- Kinh Thánh: Ê-phê-sô 6:10-18.
- Câu gốc: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ” (Ê-phê-sô 6:10-11).
- Đố Kinh Thánh: Giô-suê 7-9.
- Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm (Xin xem chỉ dẫn Chúa nhật 26.07.2020).
Câu 1: Xem Ê-phê 6:10-11.
(1.1) Ngày hôm nay chúng ta đang chiến đấu với ai? Muốn đánh thắng được quân thù thì chúng ta phải nhờ đâu?
(1.2) Qua điều này thì cho chúng ta học được bài học gì qua việc học Lời Đức Chúa Trời?
Câu 2: Xem Ê-phê 6:12-13.
(2.1) Khí giới của Đức Chúa Trời là gì? Xin bạn hãy kể ra từng tên của mọi khí giới?
(2.2) Ai sẽ trang bị khí giới cho chúng ta, chúng ta được trang bị khí giới với điều kiện gì?
* KHAI TRIỂN BÀI HỌC
Khi học lịch sử nước Việt Nam, học sinh thường được học rằng Việt Nam là căn cứ chiến lược quan trọng của vùng Đông Nam Á nên Việt Nam cần phải được đề phòng nghiêm ngặt. Trong thời chiến, mỗi gia đình, mỗi địa phương đều cảm nhận dấu hiệu khẩn cấp của tình thế căng thẳng. Nhà này có em bị gọi nhập ngũ, nhà khác có người bị thương. Mọi người canh chừng, đề phòng sự tấn công của quân thù và chống đỡ, bảo vệ quê hương, làng mạc mình.
Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta đừng quên rằng chúng ta cần phải chuẩn bị để bảo vệ chính mình khỏi kẻ thù thuộc linh là Sa-tan. Trận chiến của chúng ta với vua chúa của sự mờ tối và quyền lực của ma quỉ đó không phải là việc tưởng tượng nhưng là sự thật. Vì thế Đức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta những tài nguyên thiêng liêng để giúp chúng ta chiến thắng trận chiến thuộc linh. Trong bài học cuối nầy của thư tín Ê-phê-sô, chúng ta sẽ lần lượt khám phá những tài nguyên đó.
- LỜI KÊU GỌI KHẨN CẤP (c.10-11).
Bạn có thể cảm nhận sự khẩn cấp trong những lời của Phao-lô khi ông kết luận phần khuyên dạy của ông. Nhận thức rằng đời sống Cơ Đốc là một đời sống luôn luôn ở trong sự tranh chiến với những quyền lực của sự tối tăm, Phao-lô khuyến khích tín hữu Ê-phê-sô nên sống cách “mạnh dạn trong Chúa” (c.10). Có hai loại sức mạnh, sức mạnh của mình và sức mạnh của Chúa. Người theo Chúa không thể đánh một trận chiến với quyền lực của sự tối tăm bằng sức riêng của mình. Nếu không nhờ vào quyền năng của Đức Chúa Trời, dẫu cho người mạnh mẽ nhất cũng không thể nào chịu đựng nổi sự tấn công của ma quỉ. Chỉ những người nào nắm lấy, sử dụng những tài nguyên và năng lực của Đức Chúa Trời, người ấy mới có thể “nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần’ (Rô-ma 8:37).
Trong (c.11), Phao-lô nói rõ hơn về mục đích sự trang bị vũ khí thuộc linh của người tín đồ ấy là để cho người tín đồ “đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ”. Sa-tan được Kinh Thánh mô tả như là kẻ thù nghịch của những người yêu mến Chúa (1 Phi-e-rơ 5:8). Hơn nữa, nó không thẳng thắn tranh chiến với những thánh đồ của Chúa, nhưng tìm cách lừa lọc và tấn công cách hèn nhát (Sáng 3:13; Khải huyền 12:9). Vì thế, Phao-lô diễn tả rằng ma quỉ dùng “mưu kế” mà đối địch với chúng ta. Trừ phi chúng ta “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời”, chúng ta khó có thể thắng hơn sự tấn công của ma quỉ được.
- NHẬN DIỆN KẺ THÙ (c.12-13).
Trong câu 11, Phao-lô nói đến Sa-tan là một kẻ thù của người Cơ Đốc, trong câu 12, ông liệt kê tất cả sức mạnh và quyền lực của ma quỉ. Ông nói đến các “chủ quyền… thế lực… vua chúa của thế gian mờ tối… và các thần dữ ở các miền trên trời”. Sa-tan là kẻ đang điều khiển những quyền lực của sự tối tăm nầy.
Phao-lô biết rõ điều nầy nên khuyên Hội Thánh Chúa “lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (c.13) để chống lại ma quỉ. Chữ “mọi” có nghĩa là tất cả, một phần không đủ để chống chọi lại ma quỉ.
III. SỰ BẢO VỆ CỦA TÍN ĐỒ (c.14-17).
Phao-lô tiếp tục liệt kê những binh khí để bảo vệ cách hiệu quả con cái Đức Chúa Trời trong các câu 14-17. Danh xưng những món binh khí nầy được vay mượn từ binh phục của quân đội La-mã vào thế kỷ thứ nhất. Nên nhớ rằng Phao-lô viết thư tín Ê-phê-sô khi ông đang bị cầm tù. Lúc ông viết thơ nầy, có lẽ một người lính La-mã đang ngồi cạnh để canh chừng ông.
Cũng nên nhận xét rằng trong bộ áo giáp nầy không có phần che chở cho phía sau lưng. Phao-lô nhận thức được chiến trận của người tín đồ là mặt đối mặt với quân thù chứ không phải chạy trốn trước chúng. Khi chúng ta lâm trận thuộc linh nầy, áo giáp của Đức Chúa Trời sẽ che chở cho chúng ta khỏi sự tấn công đó.
Một phần của bộ binh phục mà Phao-lô đề cập đến là dây nịt lưng bằng lẽ thật (c.14). Dây nịt lưng là một trong những phần căn bản của một bộ binh phục quân nhân La-mã. Dây nịt lưng được làm bằng da với hai mục đích thứ nhất là để bảo vệ phần dưới của ngực và thứ hai là làm chỗ đeo gươm. Bằng cách so sánh dây nịt lưng của người tín đồ là “lẽ thật” Phao-lô đang suy nghĩ đến cá tính luân lý của người tín đồ. Sa-tan luôn tìm cách dỗ dành người tín đồ và bất chấp mọi dối trá. Người tín đồ cần phải trang bị “lẽ thật” của Chúa để có thể đối địch cùng Sa-tan.
Một phần khác của bộ binh phục là giáp để che ngực. Tấm giáp nầy được đeo trước ngực để che tim và các bộ phận quan trọng khác. Phao-lô mô tả giáp nầy của tín đồ là giáp “công bình”. Chỉ có sự công bình mới có thể chống lại những mũi tên giả trá, gièm chê và kết án của kẻ thù Sa-tan. Khi chúng ta sống một cách công bình trước mặt Chúa và trước mặt người khác, các mũi tên của Sa-tan sẽ không thể nào chạm đến chúng ta.
Phao-lô tiếp tục dòng tư tưởng của ông bằng cách nói rằng người tín hữu nên luôn luôn sẵn sàng chia sẻ Tin Lành của Chúa bất cứ nơi nào họ đến (c.15). Người lính La-mã mang giày nhẹ và dễ chịu để có thể di chuyển nhanh chóng và lâu dài. Vì thế mang giày nhẹ là điều hết sức cần thiết của người lính. Phần thứ tư của bộ binh phục của người tín đồ mà Phao-lô mô tả là “Thuẫn đức tin” (c.16). Thuẫn hay khiên là nút cầm ở giữa để người chiến sĩ che mình khỏi lằn tên, mũi giáo của quân thù. Đối với người tín đồ, đức tin là thuẫn (khiên) che chở họ khỏi những lằn tên của ma quỉ. Khi chúng ta hết lòng nhờ cậy Chúa, không có sự tấn công nào có thể làm cho chúng ta bị thương tích hay chuyển lay. Dầu vậy, người tín đồ không nên quá tự tin nhưng nên tín thác đời mình cho Chúa.
Mão “cứu chuộc” là binh khí thứ năm mà Phao-lô mô tả (c.17), một chiến sĩ tham dự trong chiến trận cần phải có “mão trụ”, một loại “mũ sắt” để cho đầu khỏi bị thương tích. Phao-lô liên tưởng đến sự cứu rỗi như là mão trụ của người tín đồ để nói lên rằng Sa-tan luôn tìm cách tấn công tâm trí chúng ta, chỉ có sự bảo đảm của sự cứu rỗi mới cứu thoát chúng ta ra khỏi sự nghi ngờ và cám dỗ của Sa-tan. Binh khí thứ 6 mà Phao-lô nói đến là “Gươm của Đức Thánh Linh, là Lời Đức Chúa Trời” (c.17). Cho đến phần nầy, các binh khí đã được nói ở trên được dùng để phòng vệ hơn là tấn công. Ở đây Lời của Đức Chúa Trời có hai công dụng thứ nhất là để gìn giữ người tín đồ khỏi lầm lỗi và những dạy dỗ sai lạc. Thứ hai là để chống kẻ thù vì Lời Chúa “bén hơn gươm hai lưỡi” (Hê-bơ-rơ 4:12) khiến ma quỉ phải chạy xa (Ma-thi-ơ 4:1-11) và cũng có thể động đến lòng người và phân biệt được ý định và tư tưởng trong lòng.
- THỰC HÀNH SỰ CẦU NGUYỆN (c.18).
Dĩ nhiên không có vũ khí nào hữu ích nếu không được sử dụng. Phao-lô kết thúc phần nầy bằng cách thúc giục tín hữu Ê-phê-sô hãy “nhờ Đức Thánh Linh” mà “làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin” (c.18). Một khi hệ thống truyền thông trong quân đội bị gián đoạn, dù có vũ khí tối tân cũng vô dụng. Cũng vậy, nếu chúng ta không cầu nguyện, không tương giao với Chúa thường xuyên, chúng ta không thể chiến thắng được trong chiến trận thuộc linh. Phao-lô cũng khuyên chúng ta nên cầu thay cho các tín đồ để tất cả đều vững vàng, hiệp nhất mà chống lại kẻ thù.
Kết: Trong suốt mười hai tuần lễ qua, chúng ta cùng Phao-lô đi qua hết thư tín cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Thư tín này phản ảnh những ưu tư của vị sứ đồ cho các Hội Thánh trong miền Tiểu Á Châu. Mặc dầu ông bị cầm tù, nhưng Đức Chúa Trời có dùng các Hội Thánh để phát triển mục đích của Ngài trên thế gian. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Từ đây, chúng ta sẽ đi đâu?” một trong những câu trả lời là làm thế nào chúng ta có thể đưa vào thực hành những lẽ thật mà Phao-lô đã đem đến cho chúng ta.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Cách chọn rau không bị xịt thuốc – Chọn Rau Cần
Khi thấy thân rau to, ngọn rau trắng ngần, rau nhanh bị héo, nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen… là loại rau cần phun quá nhiều thuốc trừ sâu (nhóm lân hữu cơ) và phân bón qua lá.
Chúa nhật 13.12.2020.
- Đề tài: Ý NGHĨA CỦA QUÀ GIÁNG SINH.
- Kinh Thánh: Ê-sai 7:14.
- Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
- Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
- Thể loại: Suy niệm về sự Giáng sinh.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Chúa Giê-xu là món quà vô giá.
Sở dĩ người Âu Mỹ tặng nhau những món quà trong dịp Giáng Sinh vì đó là mùa mà người Cơ Đốc bày tỏ niềm vui của họ. Họ vui mừng vì nhận được một món quà vĩ đại từ Đức Chúa Trời, vì Ngài đã ban cho họ chính Con yêu dấu của Ngài. Người tín hữu muốn chia sẻ niềm vui đó qua những món quà mà họ tặng cho nhau. Phong tục nầy dần dần lan khắp thế giới, và nay đã trở thành một phong tục mang đầy tính chất thương mại và thiếu ý nghĩa đối với nhiều người.
Nhưng ý nghĩa đích thực của Giáng sinh là gì? Tại sao Giáng sinh có ảnh hưởng sâu đậm và càng ngày càng lan rộng đến nhiều dân tộc trên thế giới? Vì nguồn gốc của Giáng Sinh đến từ lúc Đức Chúa Trời và món quà vĩ đại mà Ngài ban cho nhân loại. Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Khi tin nhận Chúa Giê-xu, là Con của Đức Chúa Trời, người tín hữu nhận được món quà vô giá nầy vào đời sống, cùng với vô số những sự ban cho khác từ Đức Chúa Trời, như là niềm vui chứa chan, lòng bình an không tùy thuộc hoàn cảnh, niềm hy vọng nơi tương lai đời sau, lòng an tâm trước sự chết, sự khôn ngoan hiểu biết lẽ thật, những ơn tứ thiêng liêng, hạnh phúc gia đình, sự che chở giữ gìn của thiên sứ, sự nhậm lời cầu nguyện, sự bảo vệ trước mọi kẻ thù, sự đắc thắng ma quỷ và bệnh tật… Lời Chúa dạy: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Rô-ma 8:32). Đó là lý do tại sao trong Mùa Giáng Sinh niềm vui mừng được hiện rõ trong mọi sinh hoạt của người tín hữu, từ việc tặng quà cho đến cách trang hoàng nhà cửa, và những khúc nhạc tưng bừng vang lên khắp đó đây.
Một lần nữa cả thế giới lại hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu Giáng sinh. Dòng lịch sử của nhân loại đã được chia đôi qua sự kiện Chúa Cứu Thế ra đời. Người ta nói đến khoảng thời gian trước Chúa và sau Chúa. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của ngày lễ này là gì? Chúa Giê-xu Giáng sinh có quan hệ gì đến cá nhân tôi? Khi Chúa Giê-xu Giáng sinh, Ngài được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau. Mỗi danh hiệu nói lên ý nghĩa của sự việc Chúa ra đời và trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ đến một trong những danh hiệu đó. Đó là danh hiệu Em-ma-nu-ên. Em-ma-nu-ên là tiếng Do-thái có nghĩa là Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Sự kiện Chúa Giê-xu Giáng sinh là để làm ứng nghiệm lời tiên tri đã được loan báo bảy trăm năm trước đó. Lời tiên tri nầy như sau: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, rồi người ta sẽ gọi Con Trai đó là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 1:23). Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong những ý nghĩa sau đây:
Trước hết, Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy để chúng ta có thể biết về Đức Chúa Trời.
Con người trải mọi thời đại đều có một ý thức về Đấng Tạo Hóa Chí Cao mà chúng ta gọi là Ông Trời. Sâu kín trong đáy lòng, mỗi chúng ta đều biết có một Đấng Tối Cao tạo dựng và cầm quyền trên vũ trụ, vạn vật nầy. Tuy nhiên, ý thức về Ông Trời đó có thể bị lệch lạc vì văn hóa, phong tục hay vì điều kiện sống… Cũng có thể chúng ta đã không có cái nhìn đúng về Đấng Tạo Hóa vì những thông tin sai lạc. Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy để cho con người biết rõ ràng đúng đắn về Đức Chúa Trời. Vì vậy, Chúa Giê-xu được gọi là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta hay là hiện diện ở bên cạnh chúng ta. Đức Chúa Trời đã thể hiện cho con người biết về Ngài bằng những cách khác nhau như là qua thiên nhiên, qua dòng lịch sử nhân loại, qua lương tâm của con người. Nhưng như đã nói, dù Đức Chúa Trời thể hiện cho con người biết về Ngài như vậy, chúng ta đã có cái nhìn sai lầm về Đấng Tạo Hóa. Khi quyền uy của Chúa thể hiện qua thiên nhiên thì người ta lại gán những điều đó cho thần nầy thần nọ và rồi đi tôn thờ tạo vật thay vì Tạo Hóa.
Thiên Chúa cũng phán dạy con người qua lương tâm, nhưng rồi vì bản tính tội lỗi, lương tâm con người đã trở nên chai lì và không còn nhạy cảm trước tiếng phán của Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chúa đã đến với con người qua Chúa Giê-xu. Thánh Kinh cho biết: Thời xưa Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau cùng nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Chúa Giê-xu là tiếng nói cuối cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại, vì vậy sự kiện Đức Chúa Giê-xu Giáng sinh được gọi là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Làm sao Đức Chúa Trời có thể ở cùng chúng ta được? Nghĩa là làm thế nào mà một Đức Chúa Trời vô hạn có thể đến với con người giới hạn trong thế giới vật chất nầy? Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh không có thân xác. Vì vậy, để Đức Chúa Trời có thể ở với chúng ta là loài người, Đức Chúa Trời phải mang thân xác của con người. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta nghĩa là Đức Chúa Trời mang thân xác như chúng ta. Chúng ta gọi đó là sự nhập thể, Đức Chúa Trời trở thành người.
Một câu nói ngắn gọn tóm tắt sự kiện này đó là Con Trời đã trở thành Con Người để con người có thể trở thành Con Trời. Đúng như vậy, chúng ta là những con người tội lỗi xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta vốn là con của Đức Chúa Trời, nhưng vì bản tính phản loạn, chúng ta đã xa lìa Cha chúng ta. Để được nhận lại quyền làm con của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa phải đến với con người chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúa đã trở thành người mang tội thế cho chúng ta. Thiên Chúa chẳng những mang thân xác con người nhưng Ngài cũng đã hòa đồng với toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời mang thân xác con người đó là nhập thể, Đức Chúa Trời hòa mình với nhân loại đó là nhập thế. Chúa Giê-xu chẳng những mang thân xác con người chúng ta nhưng Ngài cũng thông cảm với tất cả mọi điều mà con người chúng ta trải qua. Thánh Kinh cho biết Ngài đã từng khóc bên mộ của người thân yêu, Chúa đã chịu đói, chịu khát, chịu cám dỗ. Chúa sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, phải di tản sang nước ngoài từ khi còn bé. Chúa phán: Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người, là chính Chúa, không có chỗ gối đầu (Lu-ca 9:58). Chúa phải mượn thuyền để có chỗ giảng dạy, Chúa phải mượn con lừa để làm phương tiện di chuyển, mượn nhà để có chỗ ăn lễ Vượt Qua với môn đệ. Và khi chết Chúa phải sử dụng ngôi mộ của một người khác. Con của Đức Chúa Trời cao cả đã trở thành con người bần hàn, đau khổ, bị phản bội, chịu khổ nhục, chịu hiểu lầm, bị đòn roi, mắng chửi và cuối cùng chịu chết đau thương trên thập hình. Con Trời vô tội nhưng đã gánh chịu tất cả những điều đó vì chúng ta.
Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta chẳng những để cho chúng ta biết về Ngài, nhưng Đức Chúa Trời cũng ở cùng chúng ta để thông cảm với chúng ta và mang tội thế cho chúng ta. Chỉ một chữ Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, cho thấy tất cả những ý nghĩa đó.
Nhưng sau cùng và quan trọng hơn cả trong danh hiệu đó là hai chữ chúng ta. Đó là bạn và tôi. Danh hiệu Em-ma-nu-ên không nói Đức Chúa Trời ở cùng nhân loại cách chung nhưng ở cùng chúng ta, mỗi một chúng ta cách riêng tư. Tiếng Việt chúng ta có hai chữ cho đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều đó là “chúng ta” và “chúng tôi”. Chúng ta bao gồm cả người nói và người nghe; chúng tôi chỉ kể những người nói mà thôi. Nói rằng “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” hàm ý rằng toàn thể nhân loại đều kinh nghiệm sự việc Đức Chúa Trời trở thành người sống giữa chúng ta để chúng ta biết Chúa và nhờ Ngài mà được lại quyền làm con Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh hiệu Em-ma-nu-ên cũng có thể đọc là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi” nghĩa là dù Thiên Chúa đến với nhân loại, chỉ những ai tiếp nhận Chúa thì người đó mới kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa ở trong đời sống. Chỉ những người đó mới có thể nói rằng: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi”.
Hôm nay, trong mùa Giáng Sinh này, chúng tôi là những người đã đến với Chúa Giê-xu, đã tìm thấy Đức Chúa Trời ở trong Đức Chúa Giê-xu và có thể nói rằng, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi”. Nhưng riêng bạn thì sao? Bạn có thể cùng với chúng tôi để nói rằng, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” hay không? Chúa Giê-xu đã Giáng sinh mang danh hiệu Em-ma-nu-ên với ý nghĩa Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong ý nghĩa mặc khải đó là thể hiện Thiên Chúa cho chúng ta biết. Chúa đến để mang ý nghĩa nhập thể, Đức Chúa Trời đã trở thành người giống như chúng ta. Chúa cũng đến mang ý nghĩa nhập thế hòa mình làm một với nhân loại trong mọi sự, đặc biệt là gánh thế tội của toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta như vậy qua sự Giáng sinh, sự chết và sự Phục sinh của Ngài. Còn chúng ta thì sao? Câu hỏi trong mùa Giáng Sinh này là Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta nhưng chúng ta có ở cùng Đức Chúa Trời không? Và chỉ một mình Bạn mới có thể trả lời câu hỏi đó.
Mục sư Nguyễn Thỉ
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Chống lão hóa.
Mầm lúa mì: Mầm lúa mì có tác dụng làm da săn chắc. Rất giàu các chất chống ô-xy, đặc biệt là vitamin E, mầm lúa mì bảo vệ các tế bào da chống lại sự lão hóa. Ngoài ra, nó cũng rất giàu vitamin B, một loại vitamin rất cần thiết cho sự phát triển của tóc. Rất giàu canxi và magiê, mầm lúa mì còn là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe của chị em. Đậu tương: Rất giàu chất isoflavon, đậu tương rất hữu ích với chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ mắc các bệnh ung thư, các bệnh tim mạch… Ngoài ra, sử dụng đều đặn đậu tương giúp làn da của chị em luôn được tươi trẻ.