Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 13.09.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 13.09.2020

By Lee Vi in NAM GIỚI on 8 Tháng Chín, 2020

Chúa nhật 13.09.2020.

  1. Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA TRONG CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 14:23; 20:28; 1Ti-mô-thê 3:1-13.
  3. Câu gốc: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công vụ 20:28).
  4. Đố Kinh Thánh: Dân số ký 33-36.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn nhiều người để đóng các vai sau: Một nhóm phóng viên (1-2 người), Môi-se, Ti-mô-thê.
  2. Dựa theo tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Một buổi phỏng vấn hay khi có nhiều câu hỏi gây hứng thú và người được phỏng vấn trả lời thật ngắn nhưng đầy đủ ý nghĩa.
  3. Ti-mô-thê sẽ đúc kết và cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

– Phóng viên (Pv): Thưa Ban Nam giới, hôm nay chúng ta sẽ học Lời Chúa qua chủ đề “Hầu việc Chúa trong chức vụ lãnh đạo”. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo xuất sắc trong Kinh Thánh đã từng dắt dẫn dân sự của Ngài.

(Môi-se bước ra).

– Pv: Xin chào cụ Môi-se!

– Môi-se: Chào Ban Nam giới!

– Pv: Đọc lịch sử Kinh Thánh, chúng tôi luôn ao ước gặp cụ. Được cụ đến thăm hôm nay thật là vui. Thay cho Ban nam giới đang có mặt trong buổi nhóm hôm nay, xin cụ cho phép tôi thực hiện cuộc phỏng vấn về công tác cụ đã làm cho dân sự của Chúa trong chuyến hành trình về Đất hứa.

– Môi-se: Ta sẵn sàng, quý vị cứ hỏi.

– Pv: Từ khi được công chúa Ai-cập nhận làm con, cụ được nuôi dưỡng trong hoàng cung; thế nhờ đâu mà cụ hiểu biết Chúa và tin cậy Ngài?

– Môi-se: Ấy là nhờ sự dạy dỗ hết lòng của mẹ ta.

– Pv: Và cụ đã sống trong hoàng cung bao lâu, thưa cụ?

Môi-se: Ta ở đó 40 năm.

– Pv: Và biến cố nào khiến cụ không thể tiếp tục cuộc sống ở đó?

– Môi-se: Khi được 40 tuổi, ta đi ra ngoài và thấy một người Ai-cập đánh một người Y-sơ-ra-ên, ta bênh vực người ấy và lỡ tay đánh chết người Ai-cập rồi vùi xuống cát. Nhưng sau đó việc bị lộ, ta phải trốn đi.

– Pv: Và cụ phải làm gì trong những ngày tiếp theo?

– Môi-se: Ta vào sa mạc Ma-đi-an, lập gia đình rồi làm nghề chăn chiên tại đó.

– Pv: Sao cụ dám quay lại Ai-cập để dẫn dắt dân sự của Chúa?   

– Môi-se: Chúa đã hiện ra với ta trong bụi gai cháy, Ngài truyền lệnh cho ta và Ngài hứa ở cùng ta.

– Pv: Sau đó, cụ thi hành mạng lệnh của Chúa như thế nào? 

– Môi-se: Ta nhắc nhở dân sự của Chúa là đã đến lúc họ được Chúa thăm viếng, đồng thời gặp Pha-ra-ôn xin cho họ được đi về Đất hứa.

– Pv: Kết quả ra sao, thưa cụ?

– Môi-se: Ta cứ kiên nhẫn đến gặp Pha-ra-ôn. Sau nhiều lần từ chối và bị Chúa sửa phạt, Pha-ra-ôn đành phải cho dân sự ra đi.

 – Pv: Với một số người đông đảo như vậy, xin cụ cho biết nhờ đâu họ có thể nhận được mệnh lệnh kịp thời để thi hành?

– Môi-se: Ta đã chọn trong dân sự 70 người được ơn trong công tác lãnh đạo để họ cùng giải quyết mọi việc với ta.

– Pv: Nhưng giữa sa mạc mênh mông, khi dân sự đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu thì cụ giải quyết bằng cách nào?

– Môi-se: Ta kêu cầu Đức Chúa Trời và Ngài đã ban cho tất cả.

– Pv: Và lúc họ nổi loạn chống nghịch cùng Chúa và Ngài định tiêu diệt họ thì cụ đã làm gì?

– Môi-se: Ta cầu thay cho họ và dốc đổ hết nỗi lòng mình trước mặt Chúa: Nếu Chúa không tha thứ cho họ thì xin xóa tên ta khỏi sách sự sống. Chúa đã bày tỏ lòng thương xót, tha thứ cho họ.

– Pv: Khi được Chúa cho biết cụ sắp về với Ngài thì cụ đã làm gì để có người tiếp tục công việc của cụ?

– Môi-se: Được biết trước điều này, ta đã chọn Giô-suê, một thanh niên yêu mến Chúa, để đào luyện thành người lãnh đạo dân sự của Chúa sau này.

– Pv: Xin cụ nói rõ hơn những tiêu chuẩn cần có để trở thành người lãnh đạo dân sự của Chúa?

– Môi-se: Trước hết, người lãnh đạo cần phải yêu mến Chúa, hiểu biết Chúa cách sâu nhiệm, phải hết lòng tin cậy Chúa trong mọi việc, vì nếu thiếu đức tin, khi đối diện với khó khăn sẽ không thể nào vượt qua được. Người ấy cũng phải chuyên cần học tập để trang bị kiến thức cần thiết cho công tác sau này, đồng thời phải có lòng yêu thương dân sự và phục vụ họ như một người đầy tớ, phải biết chia sẻ trách nhiệm với người khác và huấn luyện họ để trở thành người lãnh đạo trong tương lai. Sau hết, người ấy phải có đời sống gương mẫu, biết hạ mình và tôn cao Danh Chúa.

– Pv: Cám ơn cụ đã dành cho Ban Nam giới cuộc phỏng vấn hết sức ích lợi và hào hứng.

– Môi-se: Chào Ban Nam giới, chúc quý vị vui vẻ!

(Ti-mô-thê bước ra).

– Pv: Chào anh Ti-mô-thê!

– Ti-mô-thê: Chào Ban Nam giới!

– Pv: Chúng tôi được biết anh qua chức vụ mà anh hầu việc Chúa trong giai đoạn đầu của lịch sử Hội Thánh. Hôm nay nhân cơ hội anh tới thăm, xin anh vui lòng dành cho Ban Nam giới thực hiện cuộc phỏng vấn về vai trò, nội dung và những đặc điểm mà người lãnh đạo cần có?

– Ti-mô-thê: Tôi sẵn sàng, quý vị cứ hỏi.

– Pv: Anh đã chuẩn bị gì cho mình trước khi bước vào chức vụ hầu việc Chúa?

– Ti-mô-thê: Tôi được bà ngoại và mẹ dạy Lời Chúa từ khi còn nhỏ, nhờ vậy khi được kêu gọi vào chức vụ thì tôi sẵn sàng.

– Pv: Xin anh cho biết nhiệm vụ của người lãnh đạo trong việc phát triển Hội Thánh?

– Ti-mô-thê: Người ấy chuyên lo việc hướng dẫn, dạy dỗ tín hữu để mở mang Hội Thánh.

– Pv: Các chức vụ như Trưởng lão, Giám mục đảm trách những công tác nào, thưa anh?

– Ti-mô-thê: Chức vụ của họ bao gồm những công tác sau: 

(1) Hướng dẫn, cai trị Hội Thánh về kỷ luật.

(2) Quản lý nhà Chúa.

(3) Quản nhiệm tài chánh của Hội Thánh.

(4) Dự phần quyết định những vấn đề có liên quan đến các tín lý của Hội Thánh.

(5) Dạy dỗ, khuyên bảo và cầu nguyện cho các tín hữu. Công việc của Trưởng lão hay Giám mục tương đương với công việc của chức vụ Mục sư ngày nay.

– Pv: Còn chức vụ chấp sự thì sao?

– Ti-mô-thê: Ban đầu, họ chỉ chuyên lo giúp đỡ các tín hữu nghèo; về sau khi Hội Thánh phát triển, các chấp sự cũng tham gia công tác truyền giảng Tin lành, mở mang Hội Thánh. 

– Pv: Xin anh cho biết bí quyết nào đem lại thành công cho chức vụ lãnh đạo?

– Ti-mô-thê: Có hai bí quyết.

* Thứ nhất, người ấy phải hầu việc Chúa trong tinh thần của một đầy tớ, sẵn sàng phục vụ anh em mình.

* Thứ hai, chức vụ phải đi đôi với đời sống, phải có ân tứ, tài năng và phẩm hạnh: đầy dẫy Đức Thánh Linh, sâu nhiệm trong Chúa, có tài dạy dỗ và có đời sống gương mẫu: Chồng của một vợ, vợ của một chồng và khéo cai trị nhà mình.

– Pv: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ ngày nay trong chức vụ hầu việc Chúa?

– Ti-mô-thê: Chúa cứu không phải để chúng ta ở không mà Ngài muốn dùng chúng ta để đem sự cứu rỗi đến cho nhiều người. Chúa kêu gọi mỗi người vào một chức vụ khác nhau: Giáo viên thiếu nhi, giáo viên Trường Chúa nhật, ban hướng dẫn các ban ngành, chấp sự… Các bạn không nên trốn tránh trách nhiệm mà phải hết lòng, hết sức thực hiện công việc Chúa giao. Đồng thời phải trau giồi tài năng, phẩm hạnh mới có thể hoàn thành trách nhiệm trước mặt Chúa. Chúa hứa ban ân tứ cho những người hầu việc Ngài. Hãy trung tín trong công việc bạn đang làm, chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong chức vụ.

– Pv: Mời các bạn đứng lên, xin anh cầu nguyện cho chúng tôi.      

(Ti-mô-thê cầu nguyện)

– Ti-mô-thê: Chào các bạn!

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Khi thực hiện bất kỳ một việc nào, vai trò quan trọng là người lãnh đạo. Khi bắt đầu chương trình giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời cũng chuẩn bị một người lãnh đạo đầy ơn là Môi-se. Khi Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem phát triển với số tín hữu càng gia tăng, thì nhu cầu về người lãnh đạo cũng được chú ý đến. Một ban chấp sự được hội chúng lựa chọn để cùng với các sứ đồ trong các sinh hoạt của Hội Thánh (Công vụ 6).

Thật vậy, trong công việc nhà Chúa dù lớn hay nhỏ đều cần có người hướng dẫn. Lãnh đạo là một trong các ân tứ của Thánh Linh. Ân tứ nầy giữ vai trò gì trong sự gây dựng Hội Thánh Chúa?

A. CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO.  

  1. Nhu cầu người lãnh đạo.

Nói đến Hội Thánh Đấng Christ, về mặt hữu hình, khi có số người tin nhận Chúa Giê-xu nhóm họp thành tập thể, thì vấn đề tổ chức cũng cần có. Sự tổ chức là phương cách nhằm bình thường hóa các sinh hoạt trong Hội Thánh.

Khi Hội Thánh càng mở rộng, số tín hữu ngày càng đông với nhiều nhu cầu mới mẻ, đòi hỏi có thêm người cộng tác. Các sứ đồ đã nghĩ đến việc chọn lựa số tín hữu có khả năng để giúp đỡ trong việc chăm sóc và hướng dẫn các sinh hoạt của Hội Thánh; trong nhu cầu nầy ân tứ lãnh đạo cũng được ban cho (1Cô 12:28). Bắt đầu từ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, một ban chấp sự gồm có 7 người được chọn trong vòng tín hữu để lo việc tương trợ trong Hội Thánh (Công vụ 6:1-6). Sau đó, chúng ta thấy có những chức vụ khác như Trưởng lão, Giám mục, là những người được sứ đồ lập lên để coi sóc việc Hội Thánh (Công vụ 14:23; 20:17; Tít 1:5).

Ngày nay, tùy theo thể chế tổ chức, chức Trưởng lão và Giám mục còn thấy trong một số các giáo hội. Chức chấp sự vẫn còn duy trì trong hầu hết các Hội Thánh. Trong những diễn biến không ngừng của xã hội bên ngoài, và sự phát triển gây dựng việc nhà Chúa bên trong, nhu cầu của Hội Thánh mỗi ngày càng thêm nhiều hơn, nên ngoài chức vụ của Mục sư quản nhiệm, còn có thêm nhiều chức vụ khác để giúp trong việc điều hành các sinh hoạt của Hội Thánh, đáp ứng cho mỗi nhu cầu mới trong những hoàn cảnh có cần.

  1. Công việc của người lãnh đạo.
  2. Trưởng lão và Giám mục.

Theo nguyên văn Hy-lạp chữ “trưởng lão” (Presbytoros) có nghĩa là người cao niên, có kinh nghiệm trong việc tư vấn. Còn “giám mục” (Episkips) chỉ về người giám thị trong một công việc nào. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời đã lập bảy mươi trưởng lão để hiệp tác với Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên (Dân 11:16-17). Trong nhà hội người Do-thái thường được điều hành bởi các vị trưởng lão. Chức trưởng lão được thấy xuất hiện trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15:2), còn chức Giám mục được thấy trong Hội Thánh Ê-phê-sô (1Ti 3:1). Trưởng lão và Giám mục là chức vụ cao nhất trong việc điều hành Hội Thánh, và vị thế ngang nhau. Chức vụ nầy bao gồm những công việc như sau:

(1) Hướng dẫn, cai trị Hội Thánh về kỷ luật (1Ti 5:17).

(2) Quản lý nhà Chúa (Tít 1:7).

(3) Quản nhiệm tài chánh của Hội Thánh (Công vụ 11:30).

(4) Dự phần quyết định những vấn đề có liên quan đến các tín lý của Hội Thánh (Công vụ 20:28).

(5) Dạy dỗ, khuyên bảo và cầu nguyện cho các tín hữu (Gia-cơ 5:14-15). Công việc của Trưởng lão hay Giám mục tương đương với công việc của Mục sư ngày nay.

  1. Chấp sự: Chữ “chấp sự”, trong nguyên văn Hy-lạp (Diakonos) có nghĩa giúp việc hay hầu việc. Trong Công vụ 6:1-6, các chấp sự được lập lên với nhiệm vụ phụ giúp các sứ đồ hay trưởng lão trong việc giúp đỡ tín hữu nghèo. Sau đó, chấp sự cũng làm công việc của người giảng Tin lành, mở mang Hội Thánh (Công vụ 6:8; 8:5). Ngày nay, với nhiều nhu cầu mới mẻ của Hội Thánh, tùy theo ân tứ Chúa cho, người chấp sự có thể đảm trách những công tác khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung vai trò của chấp sự là giúp đỡ các đầy tớ Chúa trong việc gây dựng, mở mang Hội Thánh Đấng Christ. Tóm lại, trong việc lãnh đạo dầu ở chức vụ nào, trách nhiệm của người lãnh đạo là giữ chính mình, trung thành chăm sóc bầy chiên của Chúa về mặt thể chất, tinh thần và tâm linh.
  2. Bí quyết trong sự lãnh đạo.

Hai nguyên tắc quan trọng mà người lãnh đạo cần học biết và thực hành trong chức vụ của mình.

  1. Trở thành đầy tớ hầu việc kẻ khác: Khác với cách của thế gian, người đời muốn làm đầu để cai trị, nhưng người lãnh đạo của Chúa được kêu gọi để hầu việc anh em (Mác 10:43-45).
  2. Hầu việc với đời sống gương mẫu: Khác với đời, tánh hạnh người lãnh đạo không quan trọng bằng công việc. Nhưng người lãnh đạo của Chúa thì chức vụ phải đi đôi với đời sống. Vì vậy người hầu việc Chúa đòi hỏi phải có ân tứ, tài năng và phẩm hạnh trong những điểm sau đây.

(1) Đầy dẫy Đức Thánh Linh.

(2) Từng trải sâu nhiệm trong sự nhận biết Chúa.

(3) Khôn ngoan, có tài dạy dỗ.

(4) Trung tín, khiêm nhường, chân thật, hiền hòa, khoan dung, thanh liêm, tử tế, tiết độ, không say sưa.

(5) Chồng của một vợ, vợ của một chồng, khéo cai trị nhà mình (Công vụ 6:3; 1Ti-mô-thê 3:1-13).

* Lời khuyến khích: Chúng ta hãy nhìn vào gương sáng trong sự hầu việc Chúa của Nê-hê-mi. Vì lòng yêu mến Đức Giê-hô-va, và vì Danh Ngài, Nê-hê-mi đã nhận một công tác đầy thách thức là xây vách thành Giê-ru-sa-lem. Dù kẻ thù tấn công, nhưng với tài lãnh đạo khéo léo, với đức tin nhờ cậy Chúa và đức tính can đảm, nhẫn nại của Nê-hê-mi, đã hướng dẫn dân sự hoàn tất vách thành chỉ trong vòng năm mươi hai ngày, một công việc mà cả nửa thế kỷ còn bỏ dở! Ngày nay, Hội Thánh Chúa cần có những Nê-hê-mi để xây dựng nhà Chúa. Vậy, với ân tứ Chúa cho, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình đời sống sẵn sàng đáp ứng công tác Chúa gọi.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Hội Thánh đầu tiên có những chức vụ lãnh đạo nào? Cho những nhu cầu nào? (Công 6:1-2; 14:22-23; 20:17; Tít 1:5; 1Ti-mô-thê 3:1-8).
  3. Trong nhu cầu của Hội Thánh ngày nay, đòi hỏi thêm những chức vụ lãnh đạo nào khác so với Hội Thánh ngày xưa?
  4. Tìm hiểu ý nghĩa của chức vụ Giám mục, Trưởng lão và chấp sự.
  5. Công việc của Giám mục và Trưởng lão là gì? (1Ti-mô-thê 5:17; Tít 1:7; Công vụ 11:30, 15:6,22, 20:28; Gia-cơ 5:14-15).
  6. Công việc của chấp sự trong Hội Thánh đầu tiên là gì? Ngày nay các chấp sự có trách nhiệm nào trong Hội Thánh? (Công vụ 6:1-6,8; 8:5).
  7. Người lãnh đạo có trách nhiệm gì đối với Chúa? (Công vụ 20:28).
  8. Chúa Giê-xu dạy người lãnh đạo nguyên tắc gì trong sự hầu việc Chúa? (Mác 10:43-45).
  9. Người lãnh đạo đòi hỏi phải có đời sống phẩm hạnh như thế nào? Tại sao? (Công vụ 6:3; 1Ti-mô-thê 3:1-13).
  10. Đời sống bạn có đủ tư cách của người trong chức vụ chăm sóc Hội Thánh Chúa không?
  11. Bạn có thái độ nào khi được kêu gọi vào chức vụ lãnh đạo Hội Thánh?

Post CommentLeave a reply