CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 23.08.2020
By Lee Vi in NAM GIỚI on 18 Tháng Tám, 2020
Chúa nhật 22.8.2020.
1. Đề tài: HẦU VIỆC TRONG SỰ DẠY DỖ VÀ KHUYÊN BẢO.
- Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 4:2; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.
- Câu gốc: “Ai dạy dỗ hãy chăm chỉ mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo” (Rô-ma 12:7b,8a).
- Đố Kinh Thánh: Dân số ký 21-24.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn chưa có phương pháp soạn câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất 4 câu hỏi dựa vào các trọng điểm sau:
– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng cho giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.
(1.1) Lời khuyên trong 2Tim 4:2 dành cho ai? Gồm những công tác nào? (Xem thêm 2Tim 2:2).
(1.2) Bạn có dự phần trong những công tác đó không? Tại sao?
(2.1) Công tác giảng dạy và khuyên bảo được thực hiện trong những hoàn cảnh nào?
(2.2) Hoàn cảnh hiện tại có ngăn trở bạn thực hiện công tác giảng dạy và khuyên bảo không? Khi đối diện với khó khăn, thử thách, bạn cần phải làm gì?
(3.1) Tại sao cần có công tác giảng dạy và khuyên bảo? Các công tác đó giữ vai trò gì trong việc gây dựng và phát triển Hội Thánh?
(3.2) Với trách nhiệm trên, Hội Thánh bạn đã thực hiện như thế nào? Các tín hữu có cơ hội dự phần hay chỉ dành riêng cho những người lãnh đạo?
(4.1) Người hầu việc Chúa trong các công tác trên cần chuẩn bị chính mình trong những vấn đề nào?
(4.2) Bạn đã làm gì cho những người mới tin Chúa và những người mắc phải lỗi lầm, yếu đuối, ngã lòng?
* Lưu ý: Bạn cũng có thể dùng các câu hỏi ở cuối Tài liệu tham khảo.
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
- Thời gian học Kinh Thánh nhóm.
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút học Kinh Thánh.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên cùng thảo luận.
- Chia nhóm: Tùy số lượng ban viên, chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
- Vị trí: Ủy viên Linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm cử một trưởng nhóm và một thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên Linh vụ sẽ đúc kết, nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Khi nói đến việc mở mang nước Chúa, chúng ta chú ý đến sự rao giảng và chứng đạo. Khi nói đến sự chăm sóc Hội Thánh, chúng ta chú ý đến sự dạy dỗ và khuyên bảo. Đây là hai ân tứ của Chúa Thánh Linh. Hai ân tứ này có vai trò quan trọng gì trong sự gây dựng Thân Thể Đấng Christ? Và được sử dụng thế nào?
A. LẼ CẦN CỦA SỰ DẠY ĐẠO VÀ KHUYÊN BẢO.
- Mối tương quan của sự giảng dạy và khuyên bảo.
Trong 2Ti-mô-thê 4:2, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê trong ba công tác: Giảng đạo, dạy đạo và khuyên bảo. Đây là ba công việc cần thiết và có liên quan với nhau trong sự mở rộng nước Chúa và gây dựng Hội Thánh Ngài. Mối liên quan nầy có thể được diễn tả như sau: Giảng đạo ví như công việc “sanh con”, tức loan báo Lời Chúa và kêu gọi người ta tin Chúa, để được tái sanh bởi quyền năng của Thánh Linh và được trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12; Công vụ 2:37-41; Rô-ma 10:14). Nhưng người mới tin chẳng khác kẻ mới sanh mà Phao-lô gọi là “con đỏ trong Đấng Christ” (1Cô-rinh-tô 3:1). Cho nên tiếp theo “con đỏ” ấy cần phải được nuôi dưỡng và chăm sóc để được lớn lên và vững vàng trong đức tin, đó là công việc của sự dạy đạo và khuyên bảo.
- Tầm quan trọng của sự dạy dỗ và khuyên bảo.
Mối tương quan trên cho thấy lẽ cần của sự dạy dỗ và khuyên bảo. Hai công việc xem như tách rời, nhưng bổ túc cho nhau. Nhờ sự dạy đạo mà người mới tin Chúa được biết lẽ thật, được lớn lên và trưởng thành trong Đấng Christ. Nhờ sự khuyên bảo mà đời sống theo Chúa càng thêm mạnh mẽ trong đức tin để sống cho Chúa (Rô-ma 15:1; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).
Một điển hình cho thấy vai trò quan trọng của sự dạy dỗ và khuyên bảo trong Hội Thánh ở An-ti-ốt. Hội Thánh được bắt đầu do sự làm chứng của một số tín hữu ở Giê-ru-sa-lem; sau đó được sự dạy đạo của Ba-na-ba và Phao-lô trọn cả năm. Nhờ đó Hội Thánh được lớn lên, rồi với lời khuyên bảo của các tiên tri, Hội Thánh đã đáp ứng trong việc ủy lạo giúp các tín hữu nghèo thiếu trong xứ Giu-đê (Công vụ 11:19-27). Như vậy, việc đưa người đến sự biết lẽ thật của Chúa và phục vụ Ngài là mục đích tối hậu của công tác dạy dỗ và khuyên bảo (1Tim 2:4; 2Phi-e-rơ 3:18; Ê-phê-sô 4:12-13). Tóm lại, tầm quan trọng của hai công tác nầy có thể được mô tả như sau: Nếu không có sự dạy đạo và khuyên bảo, Hội Thánh sẽ không tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng Hội Thánh sẽ không tiến đến sự phục vụ Chúa. Nếu không có sự phục vụ Chúa, Hội Thánh sẽ không phát triển. Nếu không phát triển Hội Thánh sẽ chết!
- CÔNG VIỆC DẠY DỖ VÀ KHUYÊN BẢO.
- Công việc dạy dỗ.
Trong Hội Thánh đầu tiên, ban đầu các sứ đồ đảm trách cả việc giảng và dạy đạo. Nhu cầu càng mở rộng, sau đó công việc nầy được phó thác cho những người giúp việc các sứ đồ, cũng như các tín hữu là những người có tài dạy dỗ (Công vụ 6:2-3; 2Ti-mô-thê 2:2). Ngày nay, để việc dạy đạo được hữu hiệu và quảng bá cách rộng rãi, Hội Thánh cần thực hiện công việc nầy cách có tổ chức với những chương trình học Kinh Thánh dài hạn và ngắn hạn tùy theo nhu cầu của mỗi nơi. Đây là công việc lớn lao cần sự cộng tác của con cái Chúa, là người được trưởng thành trong Lời Chúa và được ân tứ Thánh Linh trong sự dạy dỗ. Để sẵn sàng trong công tác nầy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình những điểm quan trọng sau đây:
(1) Trau dồi Lời Chúa: Nên nhớ rằng sự nuôi dưỡng “con đỏ” trong Đấng Christ, thức ăn thuộc linh căn bản là Lời Chúa (Ma-thi-ơ 4:4; 2Ti-mô-thê 3:15-17; 1Phi-e-rơ 2:2). Vì thế người trong công tác dạy dỗ cần nhờ Đức Thánh Linh là Thần lẽ thật soi sáng hiểu biết lẽ mầu nhiệm hầu có thể giải bày chân lý Kinh Thánh cách rõ ràng cho người khác (Giăng 16:13).
(2) Trau dồi phẩm hạnh: Vì đạo Chúa không phải là lý thuyết suông nhưng được chứng nghiệm qua đời sống kẻ tin, nên người dạy dỗ phải có đời sống gương mẫu, phẩm hạnh. Như Phao-lô khuyên Ti-mô-thê trong chức vụ dạy dỗ: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (1Ti-mô-thê 4:12). Thật vậy, không có cách giáo dục nào hữu hiệu cho bằng sự dạy dỗ kẻ khác qua chính đời sống gương mẫu của mình.
(3) Chuyên cần và siêng năng: Với ân tứ Chúa ban, người hầu việc Chúa phải biết tận dụng và luôn trau dồi học hỏi thêm, để sự dạy dỗ của mình mỗi ngày càng thêm tươi mới và phong phú trong Lời Chúa (1Ti-mô-thê 4:12-15).
- Công việc khuyên bảo.
Sự khuyên bảo có liên hệ với ân tứ tiên tri. Ân tứ nầy được ban cho các tín hữu, có tác dụng trong sự dạy dỗ và khuyên bảo, gây dựng nhau (1Cô-rinh-tô 14:3). Cho nên sự khuyên bảo không phải chỉ là công việc của các sứ đồ, các tôi tớ Chúa, nhưng cũng là công việc của người tín hữu. Trong tinh thần chi thể của nhau, kẻ mạnh có trách nhiệm nâng đỡ kẻ yếu, để gây dựng thân thể Đấng Christ, làm vinh Danh Đức Chúa Trời (Rô-ma 15:1,6-7; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Việc khuyên bảo bao gồm trong những khía cạnh sau:
(1) Răn bảo, sửa sai anh em lỗi lầm, sống trái với đường lối Chúa dạy.
(2) Yên ủi kẻ ngã lòng.
(3) Nâng đỡ người đức tin yếu đuối (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Ga-la-ti 6:1-2).
(4) Khuyến khích anh em trong công việc lành và nhắc nhở nhau trung tín nhóm lại (Hê-bê-rơ 10:24-25).
Qua đó, chúng ta thấy sự khuyên bảo là một công việc thách thức, đòi hỏi người hầu việc phải có tấm lòng mềm mại, tràn đầy tình yêu thương của Chúa, sự nhịn nhục và sự phù trợ của Đức Thánh Linh để chu toàn trách nhiệm Chúa gọi. Như trong lời khuyên dạy của sứ đồ Phao-lô: “…Ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại… phải nhịn nhục đối với mọi người” (Ga-la-ti 6:1; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:14).
* Lời khích lệ: Chúng ta hãy nhìn vào gương sáng về sự dạy dỗ và khuyên bảo của Ba-na-ba. Với sự tận tâm dạy đạo, Ba-na-ba đã gây dựng Hội Thánh An-ti-ốt, một Hội Thánh bắt đầu từ đó cho công cuộc truyền giáo thế giới. Với sự khuyến khích nâng đỡ trong lúc ban đầu mới mẻ, nhờ đó Phao-lô đã bắt đầu chức vụ và trở thành nhà truyền giáo đầy ơn Chúa. Việc làm của Ba-na-ba thật đúng ý nghĩa của tên ông là “con trai của sự an ủi” (Công vụ 4:36; 9:26-30; 11:22-30; 13:1-3). Trong Hội Thánh Chúa ngày nay thật cần có những Ba-na-ba.
Sự dạy dỗ và khuyên bảo không phải chỉ là việc của mục sư, giáo viên trường Chúa nhật hay của người nào có chức vụ trong Hội Thánh, nhưng là công việc của mọi người có ân tứ Chúa ban cho. Mặc dầu có giữ chức vụ hay là không, nhưng nếu đã được trưởng thành trong Lời Chúa và ơn Ngài, chúng ta có trách nhiệm với anh em còn yếu đuối. Như Bê-rít-sin và A-qui-la, dầu là tín hữu thường, nhưng khi thấy sự non kém trong A-bô-lô, thì giãi bày đạo Đức Chúa Trời cách kỹ càng cho người, giúp sự hầu việc Chúa của A-bô-lô được thêm vững vàng hơn (Công vụ 18:24-28). Vì thế sự giải nghĩa một câu Kinh Thánh giúp anh em biết lẽ thật của Chúa hoặc nói lời khích lệ anh em trong công việc Chúa, đó là chúng ta hầu việc Chúa trong sự dạy dỗ và khuyên bảo vậy.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Tại sao cần có sự rao giảng? (Mác 16:15; Rô-ma 10:14; Công 2:37-41).
- Tại sao cần có sự dạy đạo? (1Cô-rinh-tô 3:1-2; 1Ti-mô-thê 2:4; 2Phi-e-rơ 3:18; Ê-phê-sô 4:12-13).
- Tại sao cần có sự khuyên bảo? (Rô-ma 12:4-5; 15:1; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).
- Qua những lẽ cần trên chúng ta nhận thấy sự dạy dỗ và khuyên bảo giữ vai trò quan trọng nào trong việc gây dựng Hội Thánh Chúa? (Công vụ 11:19-27).
- 2. Việc dạy đạo có liên quan đến ân tứ nào? (Rô-ma 12:7; 1Cô-rinh-tô 12:28). Công việc dạy dỗ là trách nhiệm của ai? (Công vụ 11:19-26; 2Ti-mô-thê 2:2).
- Trong trách nhiệm nầy, Hội Thánh giữ vai trò gì? Cần thực hiện những chương trình gì? Và tín hữu có thể góp phần như thế nào? (Xin nêu lên vài công tác liên quan đến nhu cầu hiện tại trong Hội Thánh của bạn).
- Người hầu việc trong sự dạy dỗ cần được trang bị thế nào? (Giăng 16:13; 1Ti-mô-thê 4:11-16; 2Ti-mô-thê 3:15-17; Tít 2:7).
- Sự khuyên bảo có liên quan đến ân tứ nào? Và nhằm mục đích gì? (1Cô-rinh-tô 14:3; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; Rô-ma 15:6-7).
- Sự khuyên bảo là trách nhiệm của ai? (Rô-ma 15:1; Ga-la-ti 6:2). Bao gồm những công việc nào? (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Ga-la-ti 6:1; Hê-bơ-rơ 10:24-25).
- Chúng ta học gương sáng nào của Ba-na-ba về việc khuyên bảo anh em? (Công vụ 9:26-30; 11:22-26).
- Bạn có trách nhiệm gì đối với anh em yếu đuối trong đức tin và chưa biết lẽ thật của Chúa?
- Đời sống bạn có làm gương sáng cho việc dạy dỗ và khuyên bảo không?