CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 02.08.2020
By Lee Vi in NAM GIỚI on 25 Tháng Bảy, 2020
Chúa nhật 26.7.2020.
- Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO.
- Kinh Thánh: Công vụ 1:8; 8:1-8; 11:19-21; 13:1-3.
- Câu gốc: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8).
- Đố Kinh Thánh: Dân số ký 5-8.
- Thể loại: Huấn luyện.
* CHỈ DẪN: Huấn luyện.
- Mời người huấn luyện từ hai tuần trước.
- Ghi ra giấy mục tiêu của buổi nhóm là huấn luyện phương pháp chứng đạo và thời lượng để người huấn luyện chuẩn bị tốt cho buổi học, đáp ứng đúng nhu cầu của các ban viên. Nếu người ấy cần, bạn có thể cho mượn phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Chứng đạo là chia sẻ kinh nghiệm cứu rỗi của mình cho người khác bằng lời nói, đây là công tác có tầm quan trọng lớn lao vì qua đó, Hội Thánh được phát triển rộng khắp thế giới và ngày Chúa trở lại tiếp rước những kẻ thuộc về Ngài (Ma-thi-ơ 24:14). Để có thể thực hiện đại mạng lệnh của Chúa, mỗi chứng nhân phải sửa soạn đời sống và trang bị những điều cần thiết sau:
- Một tấm lòng trong sạch, tận hiến và thương xót: Ma quỷ sẽ kiện cáo nếu bạn có một đời sống bất khiết, và nếu không bởi “tình yêu thương của Đấng Christ cảm động” (2Cô 5:14), thì không ai có thể chịu khổ để làm chứng về Chúa cho người khác.
- Một đời sống tương giao mật thiết với Chúa: Các môn đồ là những người tầm thường, nhưng khi làm chứng về Chúa thì dạn dĩ và đầy quyền năng, dân chúng nhận ra những người này đã “từng ở với Đức Chúa Giê-xu” (Công vụ 4:13).
- Hiểu biết Lời Chúa: Làm chứng về Chúa là đánh trận cùng ma quỷ, cần phải có “gươm thiêng” mới thắng được (Ê-phê-sô 6:10-17).
* Một vài đề nghị khi chứng đạo:
- Đừng bắt đầu bằng sự phê bình (Ma-thi-ơ 7:1).
- Đừng bắt đầu bằng sự lên án (Giăng 3:17).
- Đừng tranh luận, ngôn từ cũng là công cụ bày tỏ tình yêu của Chúa qua bạn (2Ti-mô-thê 2:24-26).
- Đừng bao giờ chống cự ai (Ma-thi-ơ 10:16).
- Hãy bắt đầu bằng một lời khen chân thành (Giăng 1:42,47).
- Không thay đổi sứ điệp nhưng thay đổi phương pháp, từ ngữ tùy đối tượng.
- Hãy biết lắng nghe, tìm sự thông cảm, nhưng biết làm chủ cuộc đối thoại.
- Không hứa hẹn tin Chúa sẽ được giúp đỡ tiền bạc, công ăn việc làm, được giàu có…
- Hoàn toàn nhờ cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh, dùng Kinh Thánh cho mọi lời giải đáp.
* Trọng tâm của sứ điệp.
Khi làm chứng về Chúa cho người chưa tin, bạn lần lượt đi qua bốn trọng điểm sau.
- Mọi người đều phạm tội (Rô-ma 3:23).
- Tội lỗi dẫn đến sự chết (Rô-ma 5:12; 6:23)
- Đức Chúa Trời yêu thương, đã ban cho con người một giải pháp là sự chết đền tội của Chúa Giê-xu, ngoài Ngài ra không có sự cứu rỗi nào khác (Giăng 3:16; 1Giăng 4:9, Công vụ 4:12).
- Kêu gọi người nghe tiếp nhận Chúa Giê-xu để được cứu rỗi (Giăng 1:12; 3:36; Ê-phê-sô 1:7; 2:8; Hê-bơ-rơ 8:12).
Trước hết, bạn trình bày hai chứng cớ của niềm tin chúng ta, đó là: Đức Chúa Trời hiện hữu, Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời, và giải thích vì sao chúng ta tin Kinh Thánh. Cần trình bày rõ ràng để người nghe có thể bày tỏ thái độ vì hiểu biết chứ không phải vì chưa hiểu rõ vấn đề.
- Mọi người đều phạm tội: Cần nói rõ “tội” là “trái luật pháp” (1Giăng 3:4); “biết điều lành mà không làm” (Gia-cơ 4:17); “không tin Chúa Giê-xu” (Giăng 16:9); “không công bình” (1Giăng 5:17), không thực hiện “Mười điều răn” (Xuất 20:1-17); sống trái với lương tâm (Rô-ma 2:15).
- Chết: “Phân cách khỏi Đức Chúa Trời”.
– Đời này: Đau khổ, buồn bã, chán chường, bất an…
– Đời sau: Hình phạt cả ngày lẫn đêm trong hỏa ngục đời đời (Khải 21:8).
- Tin Chúa Giê-xu: Chấp nhận Ngài là Đấng cứu đời mình, thành thật xưng ra mọi tội lỗi để được Ngài tha thứ, mời Ngài làm Chủ cả cuộc đời.
- Sự sống mới (sống đời đời): Khi đã tin Chúa, tội nhân nhận được địa vị làm con của Đức Chúa Trời, đời này vui vẻ thỏa mãn (Giăng 1:12; 3:36; 10:10), đời sau hưởng phước hạnh vĩnh viễn trên thiên đàng (Khải 22:3-5).
Dù bạn trình bày sứ điệp cứu rỗi dưới bất cứ hình thức nào, nội dung của sứ điệp vẫn không thay đổi, vì nếu tội nhân không nhìn biết địa vị của họ trước mặt Đức Chúa Trời, không biết hậu quả khủng khiếp của tội lỗi là sự chết đời đời, không biết tình yêu thương và sự cứu rỗi của Chúa để tiếp nhận Ngài thì công tác của bạn chưa thực hiện đúng hướng. Bạn cần học thuộc nhiều câu Kinh Thánh vì điều này giúp cho đời sống thuộc linh của bạn tăng trưởng, khi trình bày sứ điệp sẽ trôi chảy, rõ ràng; đừng quên rằng đời sống của bạn là bằng cớ hùng hồn minh chứng quyền năng của Tin Lành, và khi Lời Chúa được rao giảng với lòng tin quyết, đầy yêu thương thì Đức Thánh Linh sẽ bắt phục người nghe để họ tiếp nhận và tôn thờ Chúa. Chúa quý trọng những người hầu việc Ngài và kết quả công tác của bạn sẽ đem lại phần thưởng vô cùng lớn lao trong cõi đời đời (Giăng 12:26; Đa-ni-ên 12:3).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Với sự gia tăng dân số trên thế giới từ 3,4 tỉ đến hơn 7 tỉ người như hiện nay, thách thức Cơ Đốc nhân chúng ta trong việc rao truyền Phúc âm của Chúa Giê-xu. Với sự tiến bộ của ngành kỹ thuật truyền thông, Tin lành được phổ biến bằng nhiều phương cách nhưng không có phương cách nào hữu hiệu cho bằng cá nhân chứng đạo. Một công tác xem như rất nhỏ bé đối với công việc truyền giảng đại chúng, nhưng rất quan trọng cho việc phát triển Hội Thánh. Một công tác luôn luôn khuyến khích mỗi Cơ Đốc nhân dấn thân phục vụ Chúa, mở rộng vương quốc của Ngài.
- Ý NGHĨA VÀ LẼ CẦN CỦA VIỆC CHỨNG ĐẠO.
Những chữ “làm chứng về Ta” trong Công vụ 1:8 hay là người làm chứng của Chúa, chỉ về người nói cho kẻ khác biết quyền năng của Chúa Giê-xu qua sự chết và sự sống lại của Ngài mà chính đời sống mình là thực chứng cho quyền năng ấy (Công vụ 2:22-24,32). Theo ý nghĩa nầy đòi hỏi chứng nhân cho Chúa phải có hai điều căn bản sau:
- Phải có từng trải bản thân về quyền năng tái tạo của Chúa Giê-xu qua sự chết và sự sống lại của Ngài (2Côr 5:17), nghĩa là được sự tái sanh bởi Thánh Linh Ngài (Giăng 3:5).
- Phải trả giá: Người làm chứng cho Chúa Giê-xu, cho chân lý cứu rỗi chắc chắn không tránh khỏi sự bắt bớ của ma quỷ và kẻ ác (Công vụ 9:15-16).
Qua mạng lệnh của Chúa Giê-xu, Tin lành phải được rao giảng khắp thế giới, một công tác vô cùng lớn lao. Cho nên việc làm chứng cho Chúa không chỉ là trách nhiệm của các sứ đồ, mục sư, truyền đạo, nhưng là trách nhiệm chung của tất cả những người được cứu chuộc bởi huyết của Chúa Giê-xu, tức là người đã được nếm trải quyền năng giải cứu của Ngài khỏi ách nô lệ của tội lỗi (Công vụ 1:8; 8:4-5).
Sách Công vụ cho thấy Tin lành bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Và trong vòng thế kỷ đầu tiên, nghĩa là chỉ mấy mươi năm sau khi Chúa Giê-xu về trời, Tin lành của Ngài đã lan tràn đến các nơi trong miền Tiểu Á và Âu Châu. Sự phát triển nhanh chóng nầy chẳng những nhờ sự rao giảng sốt sắng của các sứ đồ, nhưng việc cá nhân chứng đạo cũng đã đóng vai trò rất quan trọng. Lịch sử ghi nhận Tin lành lan rộng từ Giê-ru-sa-lem đến Sa-ma-ri và An-ti-ốt, cứ điểm để đem Tin lành cho thế giới, là do sự làm chứng của các tín hữu Giê-ru-sa-lem trong khi họ bị tản lạc vì cơn bắt bớ xảy ra (Công 8:1-5; 11:19-21; 13:13).
Vì sự hữu hiệu của việc chứng đạo, nên Chúa chẳng những truyền cho môn đồ hãy rao giảng Tin lành (Mác 16:15), mà còn dạy họ phải “làm chứng về Ta” (Công vụ 1:8). Chính Chúa
Giê-xu trong lúc thi hành chức vụ, ngoài sự rao giảng cho đoàn dân đông, Chúa cũng đã thực hiện việc cá nhân chứng đạo. Kết quả từ một người đàn bà Sa-ma-ri tin Chúa dẫn đến cả thành
Sa-ma-ri tiếp nhận Ngài. Qua sự kiện nầy cho thấy sự cần thiết của việc cá nhân chứng đạo. Chúng ta có thể nói giảng là bài toán cộng (Công vụ 2:37-41), nhưng chứng đạo là bài toán nhân (Giăng 4:25-26,28-30,39-45).
- BÍ QUYẾT TRONG VIỆC CHỨNG ĐẠO.
Sau đây chúng ta ghi nhận những điểm mà người hầu việc Chúa cần học biết và trang bị cho mình trong việc làm chứng cho Đấng Christ cách có hiệu quả.
- Đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công vụ 1:8): được ban cho Đức Thánh Linh trong lòng, nhưng cũng cần đầy dẫy quyền năng Thánh Linh trong đời sống để làm chứng nhân cho Chúa Giê-xu. Đây là việc không bởi sự khôn ngoan của con người, nhưng bởi quyền phép từ trên cao.
- Vâng theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh: Nhờ vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, Phi-líp đã làm chứng cho hoạn quan Ê-thi-ô-bi tin Chúa và qua đó Tin lành được truyền sang Phi Châu (Công vụ 8:26-40).
- Dùng Kinh Thánh để bày tỏ Chúa Giê-xu: Phi-líp căn cứ vào Kinh Thánh để giải nghĩa cho hoạn quan Ê-thi-ô-bi nhận biết Chúa Giê-xu là Đấng Christ (Công vụ 8:35). Vì vậy, chứng nhân của Chúa cần phải học hỏi Lời Ngài, và trang bị Kinh Thánh cho mình như là khí giới linh nghiệm (Hê-bê-rơ 4:12).
- Chớ bỏ qua cơ hội, hãy bắt lấy mọi dịp tiện để nói về Chúa Giê-xu cho người khác bất cứ ở nơi nào và lúc nào (2Ti-mô-thê 4:2).
- Sống với lẽ sống làm chứng nhân cho Chúa (Công vụ 8:1-5; 11:19-20).
- Làm chứng về Chúa qua đời sống tôn thờ Ngài là cách vô cùng hữu hiệu. Vì vậy, chúng ta cần có đời sống thế nào để người ngoài thấy được vinh quang của Đấng Christ, và có thể gọi chúng ta là môn đồ Ngài như đời sống của tín hữu ở An-ti-ốt (Công vụ 11:26). Mọi việc làm của chúng ta phải tôn vinh Danh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:16; 1Côr 10:31).
- LỜI KÊU GỌI.
Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên là tấm gương sáng chói cho chúng ta hôm nay về sự làm chứng cho Chúa. Không ai bắt buộc, nhưng họ đã sống với lẽ sống làm chứng nhân cho Chúa. Dầu trong hoạn nạn, bắt bớ, tù đày, cả đến sự chết đe dọa, họ không thể không nói về Chúa Giê-xu cho người chung quanh mình. Họ là những chứng nhân vô danh, nhưng đã âm thầm mở mang vương quốc của Đấng Christ trong thế gian. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ nào đối với công việc chứng đạo trong Hội Thánh? Và nhận thấy trách nhiệm gì của mình đối với người đang sống trong tội lỗi trước mắt chúng ta hằng ngày?
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Những chữ “làm chứng về Ta” có nghĩa gì? (Công 1:8; 2:22-24,32).
- Theo ý nghĩa ấy, người chứng đạo cần phải có từng trải gì? Tại sao?
- Theo sứ mạng của Chúa Giê-xu truyền phán, Tin lành phải được rao giảng đến đâu? Và trách nhiệm được trao cho ai? (Công 1:8; 8:1-5).
- a. Trong thế kỷ đầu tiên, Tin lành được lan rộng đến đâu? (Công vụ 2:37-41,46-47; 6:7; 8:1-8; 11:22; 13:1-3).
- Trong sự phổ biến Tin lành, việc chứng đạo đóng vai trò nào?
- Việc cá nhân chứng đạo của Chúa Giê-xu có kết quả gì? (Giăng 4:25-26,28-30,39-42).
- Để mở rộng nước Chúa, bạn nên thực hiện những chương trình gì cho việc chứng đạo, và đáp ứng như thế nào?
- a. Người làm chứng cần phải được nhận lãnh điều gì? (Công 1:8).
- Trong sự làm chứng cho hoạn quan Ê-thi-ô-bi, Phi-líp có thái độ nào đối với Đức Thánh Linh? Và căn cứ vào đâu để bày tỏ Chúa Giê-xu cho quan nầy? (Công vụ 8:29-30,35).
- Làm chứng đạo khi nào? (2Ti-mô-thê 4:2).
- Tại sao các tín hữu đầu tiên bị bắt bớ mà vẫn làm chứng nhân cho Chúa? (Công vụ 8:1-5; 11:19-20).
- Người làm chứng cho Chúa phải có đời sống thế nào? (Ma-thi-ơ 5:16; Công 11:26; 1Cô-rinh-tô 10:31).
- a. Đời sống bạn có bày tỏ cho người khác biết về Chúa không?
- Bạn dự phần như thế nào đối với công tác chứng đạo trong Hội Thánh?