CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 12.07.2020
By Lee Vi in NAM GIỚI on 6 Tháng Bảy, 2020
Chúa nhật 12.07.2020.
- Đề tài: CHÚA NHẬT KINH THÁNH.
- Kinh Thánh: Thi thiên 119:49-56.
- Câu gốc: “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong, vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8).
- Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 25-27.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu: Tác giả của Kinh Thánh, sự bảo tồn và giá trị của Kinh Thánh, lý do chúng ta tin Kinh Thánh….
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình dựa trên tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi. Cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
KINH THÁNH
Kinh Thánh là quyển sách lạ lùng kỳ diệu nhất. Vì Kinh Thánh là nền tảng của Cơ Đốc giáo, là cơ sở duy nhất của niềm tin chúng ta. Tại sao chúng ta đặt Kinh Thánh ở vị trí quan trọng như vậy? Có rất nhiều lý do minh chứng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Xin nêu ra 6 lý do:
- Nội dung kỳ diệu của Kinh Thánh.
Kinh Thánh là một bộ sách gồm có 66 sách, được viết ra bởi khoảng 40 trước giả. Các trước giả này đã sống trong khoảng thời gian gần 15 thế kỷ và ở 3 lục địa khác nhau. Môi-se viết những sách đầu tiên khi ông đang sống trong một đồng vắng mênh mông cô tịch. Thi thiên của Đa-vít lại được viết trên những sườn đồi lúc ông chăn chiên. Phao-lô lại viết những bức thư của mình khi ngồi trong ngục thất. Họ cũng có những nghề nghiệp khác nhau: chăn chiên, vua, bác sĩ, triết gia… Nhưng mà điều kỳ diệu là dầu họ hoàn toàn khác nhau, viết ở những địa điểm khác nhau, trong khoảng thời gian khác nhau, thì Kinh Thánh lại có một nội dung không hề mâu thuẫn. Cả Kinh Thánh từ chữ đầu đến chữ cuối đều hoàn toàn hiệp nhất với nhau. Điều đó chứng minh Kinh Thánh không phải là do con người viết. Tác giả của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời và Ngài dùng 40 người đó để ghi lại ý chỉ của Ngài.
- Kinh Thánh có tính cách hợp thời và bất biến.
Từ nhiều năm qua, Kinh Thánh được dịch ra và ấn hành nhiều nhất trên toàn thế giới. Đến ngày hôm nay đã có gần 3.500 ngôn ngữ và thổ ngữ có trọn bộ Kinh Thánh hoặc là một phần của Kinh Thánh. Và mỗi năm tháng qua đi, lại càng có thêm nhiều Kinh Thánh được dịch ra từ thổ ngữ và nhiều thứ tiếng. Kinh Thánh không những là sách gối đầu giường cho những đồng bào chúng ta ở miền xuôi lẫn miền ngược, ở những nước tiên tiến lẫn những nước lạc hậu, nhưng từ một cụ già tóc bạc phơ đến một em thiếu nhi cũng thích những câu chuyện trong Kinh Thánh, những giáo lý trong Kinh Thánh và say sưa đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh là sách đầu giường của người phương Đông, và của hàng ngàn, hàng vạn người khác ở phương Tây. Đức Chúa Trời thật là kỳ diệu vì Ngài là Đức Chúa Trời của mọi người và Lời của Ngài cũng hoàn toàn thích hợp cho mọi người. Và đó là điều minh chứng mạnh mẽ nhất Kinh Thánh không phải do con người viết. Nếu do con người viết thì chỉ thích hợp cho dân tộc nầy mà không thích hợp cho dân tộc khác. Không, Kinh Thánh do Đức Chúa Trời là Cha của mọi người viết ra và vì vậy cho nên Kinh Thánh có giá trị đời đời cho mọi người hết lòng đọc và suy gẫm Kinh Thánh.
- Sự chân xác hoàn toàn của Kinh Thánh (hay còn gọi Kinh Thánh vô ngộ, Kinh Thánh không bao giờ sai lầm).
Con người viết thì luôn luôn sai lầm, phải đính chính, phải nhuận chánh. Nhưng Kinh Thánh không bao giờ phải thay đổi, phải sửa đổi, phải nhuận chánh cả. Nếu các bạn có thấy những bản nhuận chánh thì xin nhớ rằng đó là nhuận chánh các bản dịch để sát với nguyên văn hơn. Còn nguyên bản Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp và tiếng Hy-bá-lai thì không bao giờ phải nhuận chánh cả. Vì do sự cảm động của Đức Chúa Trời trên những người của Ngài, để họ viết Kinh Thánh và Kinh Thánh không bao giờ sai lầm. Dầu con người có tiến bộ đến đâu chăng nữa thì Kinh Thánh vẫn luôn luôn chuẩn xác vì Kinh Thánh là chân lý. Trước đây khi chưa hiểu biết đủ, con người thường lên án Kinh Thánh, nhưng khi con người càng ngày càng hiểu biết Kinh Thánh sâu xa hơn, càng ngày càng hiểu biết khoa học nhiều hơn – cả những khám phá khảo cổ học – thì họ lại nhận biết Kinh Thánh chuẩn xác dường bao.
Trước đây người ta đã từng lên án sách tiên tri Giô-na khi cho rằng, vào thời của Giô-na – mấy ngàn năm trước đây – thì không thể nào có cái thành Ni-ni-ve lớn đến nỗi ông phải đi mất ba ngày đường. Nhưng khi họ đào bới được thành Ni-ni-ve cổ xưa hiện ở địa phận của quốc gia Iraq, thì họ kinh ngạc và thấy rằng: Thành Ni-ni-ve hết sức lớn và nếu chỉ có 3 ngày để tiên tri Giô-na đi trọn thành đó thì ông phải vừa đi, vừa chạy, vừa rao giảng cho thành đó về tội lỗi của họ để họ ăn năn và quay trở về với Chúa hầu được Chúa tha thứ.
Nhưng điều kỳ diệu hơn nữa là việc hủy phá thành Giê-ri-cô mà Chúa đã cho chép trong Giô-suê đoạn 6. Một nhà khảo cổ đã quyết đến Trung Đông đào bới cho được thành Giê-ri-cô cổ xưa vì ông nhận thấy vài điều rất vô lý trong Kinh Thánh.
Thứ nhất: Dân Do-thái từ sa mạc đi vào xứ Ca-na-an và thứ họ cần nhất là lương thực. Nhưng khi tiến chiếm Giê-ri-cô, thành địa đầu, Chúa lại ra lệnh phóng hỏa hết mọi thứ trong thành cả đến lương thực. Phóng hỏa lương thực thì còn gì để nuôi quân?
Thứ 2: Chúa khiến cho thành bị sụp đổ chứ không phải do con người.
Thứ 3: Trên vách thành có rất nhiều nhà ở, cũng có nhà của một thiếu phụ tên là Raháp. Thiếu phụ nầy có lòng tin Chúa nên bà và gia đình được Chúa bảo toàn. Làm sao bảo toàn được gia đình nầy khi việc đổ thành Giê-ri-cô là do một thiên tai, hay động đất chứ không bởi do tay con người làm ra? Ai có thể điều khiển thiên tai để chừa căn nhà của Ra-háp lại? Và ông đã đến thành Giê-ri-cô để đào bới.
Trước nhất, ông ngạc nhiên vì đúng là thành Giê-ri-cô sụp đổ hoàn toàn không bởi tay con người. Những dấu tích để lại cho thấy có một cơn động đất và làm cho thành sụp hoàn toàn.
Thứ hai, trong những tro tàn rất dày còn lại trên nền của thành Giê-ri-cô, ông thấy có rất nhiều hạt lúa mì, lúa mạch đã bị phóng hỏa.
Và khi ông tìm được một quảng tường thành không bị đổ thì ông biết rằng đây chính là nhà của Ra-háp. Ông đã quì gối tại đó, tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình và tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.
- Những lời tiên tri của Kinh Thánh đều được ứng nghiệm.
Kinh Thánh chia làm 2 phần Cựu ước và Tân ước. Cựu ước được viết trước khi Chúa Giê-xu sanh ra, còn Tân ước được viết sau khi Chúa Giê-xu sanh ra. Trong Cựu ước có 300 lời tiên tri đề cập đến sự giáng sinh, đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu. Tất cả mọi lời tiên tri về Chúa Giê-xu đều được ứng nghiệm, tức là được thực hiện một cách đầy đủ chính xác. Lời tiên tri của Chúa Giê-xu trong Lu-ca đoạn 21 đề cập đến dân Do-thái và thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị vây, dân sẽ bị ngã chết dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù ở các nước khác, đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy phá hoàn toàn, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại cai trị. Nhưng đến đúng thời điểm, thành sẽ được trả lại cho dân Do-thái. Chúa nói những điều đó vào năm 33 của thế kỷ thứ I. Đến năm 70 thì đại tướng Titus (La-mã) dẫn quân đến vây thành Giê-ru-sa-lem. Dân Do-thái đã chống cự một cách mãnh liệt và 6 tháng sau thì Titus mới có thể triệt hạ được thành Giê-ru-sa-lem. Vì quá tức giận, ông ra lệnh giết rất nhiều người Do-thái. Sau đó, Titus đem những người không bị giết đày đi các nước khác, vì ông biết dân Do-thái rất yêu nước, nếu để họ lại trong nước, họ sẽ tổ chức bạo loạn để dành lại quyền độc lập của dân tộc. Ông cho những binh sĩ phục viên của ông ở lại Giê-ru-sa-lem và cai trị xứ Do-thái. Ông đem dân tộc các nước chung quanh vào chiếm ngụ xứ Do-thái để có dân Palestine như ngày hôm nay. Do-thái trở nên một dân tộc không có đất nước. Từ năm 70 của thế kỷ thứ I và cả ngàn năm qua, không ai tin rằng dân Do-thái có thể nhận lại quê hương. Nhưng đến năm 1948 thì Liên Hiệp Quốc công nhận quốc gia Do-thái, và đến năm 1967, trong trận chiến 6 ngày, dân Do-thái đã chiếm lại hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem, ứng nghiệm hoàn toàn điều Kinh Thánh nói tiên tri. Lời tiên tri thứ nhất của Chúa Giê-xu ứng nghiệm sau 37 năm và lời tiên tri áp cuối của Chúa ứng nghiệm sau gần 2.000 năm.
- Sự tồn tại kỳ diệu của Kinh Thánh.
Kinh Thánh được hàng tỉ tỉ người yêu mến như thế nào thì cũng đã bị một số ít người ghét bỏ chừng đó. Tại sao vậy? Vì thời các hoàng đế La-mã, họ muốn mọi người dân trong đế quốc tôn thờ họ, kể họ như một vị thần. Còn Kinh Thánh dạy rằng: “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác”. Con dân Chúa chỉ thờ phượng một mình Ngài. Dầu chết họ cũng nhất quyết không thờ phượng con người, vì con người là vật thọ tạo như họ. Thế là, các hoàng đế La-mã tìm mọi cách giết hại con cái Chúa và tiêu diệt Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh chẳng bao giờ bị tiêu diệt. Kế đó, những người gian ác khác cũng tìm cách tiêu diệt Kinh Thánh, vì Kinh Thánh chép rằng: “Trong Chúa không có đàn ông hay đàn bà, tôi mọi hay chủ nhân. Vì mọi người bình đẳng trước mặt Ngài”. Kinh Thánh giải phóng phụ nữ, Kinh Thánh giải phóng tôi mọi và họ muốn tiêu diệt Kinh Thánh để nắm lại cái quyền của mình, dầu quyền đó là gian ác, bất công.
Dầu con người tìm cách tiêu diệt Kinh Thánh, thì Kinh Thánh vẫn sừng sững, đẹp đẽ, uy nghi, là mực thước cho hàng tỉ người đang thờ phượng Ngài. Rất nhiều người khác, dầu không phải là con dân của Chúa, thì họ cũng thấy được giá trị kỳ diệu của Kinh Thánh trong lịch sử văn minh thế giới, trong lịch sử con người, trong lịch sử quốc gia, trong chính đời sống họ, gia đình họ. Khi còn sống, văn hào Voltaire của Pháp đã viết một câu nổi tiếng: “Tôi biết rằng 100 năm sau ngày tôi chết, thì không còn ai đọc Kinh Thánh nữa. Người ta sẽ bỏ Kinh Thánh vào bảo tàng viện, vì Kinh Thánh là quyển sách cổ hủ, không có giá trị”. Đúng 100 năm sau ngày Voltaire chết, Hội Thánh Tin lành tại Pháp đã mua lại căn nhà của ông và biến căn nhà đó thành nơi phát hành Kinh Thánh cho cả nước Pháp.
- Quyền năng đổi mới lòng người.
Kinh Thánh chép rằng: “Lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm sắc hơn gươm hai lưỡi, đâm thấu vào đến nỗi chia hồn linh, cốt tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng”. Người đọc Kinh Thánh sẽ được Kinh Thánh bày tỏ những lầm lỗi, những vi phạm, những gian ác của đời sống họ. Nếu họ thành tâm nhờ cậy Đức Chúa Trời, thì Lời Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ năng lực để họ được đổi mới trọn vẹn, trở thành một người mới cho Chúa.
Một nhà thám hiểm người Anh đi vào Trung bộ Phi châu. Với sự hướng dẫn và thông dịch của một thổ dân, ông đến thăm một bộ lạc ăn thịt người nổi tiếng trước đây. Khi đến nơi, ông thấy vị tù trưởng đang ngồi giữa sân nắng và đọc sách. Ông hỏi vị tù trưởng: “Ông ơi, ông đọc sách gì vậy?”, “Thưa ông, tôi đang đọc Kinh Thánh”. Nhà thám hiểm cười và nói rằng: “Ông ơi, ở bên nước Anh chúng tôi không ai muốn đọc Kinh Thánh nữa cả. Sách này xưa rồi, không có giá trị, không bao giờ có thể nhờ Kinh Thánh để thay đổi thế giới, con người. Xin ông nghe lời tôi, đọc những sách khoa học, nó sẽ giúp cho dân tộc ông nhiều lắm, sách đó mới có giá trị”. Ông tù trưởng nhìn nhà thám hiểm và nói: “Ông ơi, tôi không biết những quyển sách ông nói có giá trị đến như thế nào, nhưng tôi chỉ biết một điều: “Nếu không có quyển Kinh Thánh nầy thì bây giờ ông đã ở trong bụng của tôi rồi”. Ngày hôm nay, các bạn đã cảm nhận được giá trị của Lời của Đức Chúa Trời (Kinh Thánh) chưa? Hãy đọc Kinh Thánh, lắng nghe và làm theo Lời của Ngài để đời sống được phước ở trên đất.