Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 05.07.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 05.07.2020

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 4 Tháng Bảy, 2020

Chúa nhật 05.07.2020.

  1. Đề tài: LÀM CON ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Ga-la-ti 3:1 – 4:7.
  3. Câu gốc: “Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? Nếu quả là luống công! Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin?” (Ga-la-ti 3:4-5).
  4. Đố Kinh Thánh: Dân số ký 19-21.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Vài năm trước đài truyền hình ở Hoa Kỳ có chiếu một chương trình thời sự về Việt Nam. Khi những phóng viên Hoa Kỳ thăm thành phố Sài Gòn thì có rất nhiều em, con lai Việt – Mỹ đến đưa hình ảnh của cha mình cho họ xem với ước vọng là sẽ được đoàn tụ với cha đang ở Hoa Kỳ. Để diễn tả tâm trạng của sự mồ côi cha, người Việt dùng câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, đa số các em con lai phải sống trong sự kỳ thị, khốn khổ. Trong khi đó có lẽ cha các em đang sống trong sự giàu sang, dư dả ở Hoa Kỳ. Dầu màn ảnh truyền hình không bày tỏ được rõ ràng lắm, nhưng có lẽ ai ai cũng thấy được sự khao khát tình cha của các em nầy.

Trong khi các em con lai Việt, Mỹ khao khát tình cha, thì có một người cha đang khao khát tìm kiếm các đứa con thất lạc của mình. Một số con đã gặp lại cha và đang sống trong sự vui thỏa. Nhưng một số khác đang mải mê với những thú vui riêng, không quan tâm gì đến đôi tay mở rộng của người cha. Người Cha đó là Đấng Tạo Hóa, là Cha thiêng liêng, là Đức Chúa Trời toàn năng của nhân loại. Qua bài học hôm nay, chúng ta sẽ nhận thức được địa vị mới của Cơ Đốc nhân: Từ nô lệ của tội lỗi trở thành con nuôi Đức Chúa Trời.

  1. NHẬN THẦN LINH BỞI ĐỨC TIN (3:1-5).

“Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá? Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? – Nếu quả là luống công! Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin?” (Ga-la-ti 3:1-5).

Trước đây tại thành phố San Francisco, California có một Hội Thánh không hệ phái, Mục sư của Hội Thánh có khiếu rao giảng và kêu gọi được rất nhiều người gia nhập Hội Thánh. Sau một thời gian giảng Lời Chúa, ông tuyên bố cùng tín đồ, từ rày trở đi họ không cần dùng Kinh Thánh nữa; nhưng chỉ học hỏi những gì ông phán ra. Một số người bỏ đi và gia nhập Hội Thánh khác. Số còn lại tiếp tục làm theo lời giảng dạy của ông. Không lâu, ông Mục sư nầy bảo họ bán hết gia tài, nhà cửa và theo ông đi xuống Nam Mỹ định cư. Kết quả là hơn 900 người nầy đều bị dụ dỗ hay cưỡng ép để tự sát. Khi tin Chúa Giê-xu, được Ngài ban cho Đức Thánh Linh làm ấn chứng trên chúng ta. Đức Thánh Linh còn được gọi là Thần Linh soi dẫn đời sống của tín đồ. Những tín đồ ở Ga-la-ti bị Phao-lô quở trách vì họ tin theo lời dụ dỗ của những người Giu-đa. Rằng họ phải gìn giữ luật lệ của Môi-se thì mới thật sự được cứu. Theo quan niệm của họ, đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu chưa đủ tiêu chuẩn để cứu rỗi linh hồn. Nhưng Phao-lô giải thích cho họ rằng có Đức Thánh Linh trong đời sống là bằng chứng của sự cứu rỗi.

  1. MỤC ĐÍCH CỦA LUẬT PHÁP.

Hầu hết các bậc cha mẹ có con nhỏ đều lập ra một số quy luật để dạy dỗ con. Nào là phải lễ độ, khoanh tay chào hỏi khi gặp những người lớn tuổi; nào là phải làm bài tập mỗi khi đi học về; nào là đi ngủ đúng giờ. Khi con chúng ta được trưởng thành thì đa số những luật đó không còn áp dụng nữa. Mục đích của gia pháp là để xây dựng và bảo tồn đời sống nề nếp của mọi người trong nhà. Ngoài xã hội cũng vậy, luật pháp dùng để bảo vệ người dân và tự do của họ. Luật lưu thông đem đến an toàn và trật tự trên đường. Luật mua bán bảo vệ quyền lợi của người mua kẻ bán.

Luật pháp cũng quan trọng cho đời sống thuộc linh nữa. (Ga-la-ti 3:23-25) nhắc nhở rằng trước khi tin nhận Chúa, chúng ta nhờ luật pháp để hướng dẫn đời sống thuộc linh. Trong khi người Do-thái dựa vào luật pháp của Môi-se, người ngoại bang nhận được luật của Đức Chúa Trời ghi khắc trong lòng họ (Rô-ma 2:15). Mục đích của luật pháp không phải để cứu rỗi tâm linh, nhưng đưa dẫn nhân loại đến đức tin nơi Chúa Giê-xu. Danh từ “thầy giáo” mà Phao-lô dùng ở đây tượng trưng cho “luật pháp”. Vào thời xưa, những gia đình khá giả thường mướn thầy giáo về sống trong nhà để dạy học cho con họ. Người con khi còn nhỏ phải phục tùng hoàn toàn dưới quyền của vị thầy. Nhưng khi trưởng thành thì người con nối nghiệp cha mình và có lúc trở thành người chủ của thầy mình. Đời sống của Cơ Đốc nhân không chỉ cậy nơi lý của luật pháp, nhưng cậy cả nơi lý lẫn tình dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Sự hướng dẫn của Ngài trổi hơn luật pháp. Trong khi luật pháp cấm trộm cắp, giết người thì Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta không những không trộm cắp mà lại còn bố thí, chăm sóc cho những người thiếu thốn.

III. HIỆP MỘT TRONG CHÚA CỨU THẾ.

Trước khi tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ, Phao-lô là một người có địa vị cao trong xã hội. Gia đình ông giàu sang, có uy thế và ông có quốc tịch Rô-ma (Công vụ 16:37). Về học vấn, ông là một người học cao trong nhóm Pha-ri-si. Ông được giao cho trọng trách “bảo tồn” đạo Do-thái bằng cách đi lùng bắt tín đồ của Đức Chúa Giê-xu. Nhưng từ khi trở thành Cơ Đốc nhân, mục tiêu của đời sống Phao-lô được thay đổi. Ông chỉ muốn phục vụ và rao truyền danh Đức Chúa Giê-xu. Danh từ mà ông thường dùng để gọi những tín đồ khác là “anh em”. Đối với Phao-lô, tất cả Cơ Đốc nhân đều là anh em cùng một Cha là Đức Chúa Trời. Thật vậy, dầu chúng ta sanh ra từ những gia đình khác nhau, từ những quốc gia khác nhau trên thế giới, hoặc có những chức vị khác nhau, nhưng nếu chúng ta đã tin nhận Đức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa thì đều là anh em với nhau cả.

Là anh em trong một gia đình, chúng ta có nhiệm vụ yêu mến, nâng đỡ lẫn nhau. Chúng ta phải có tinh thần hiệp một để cùng nhau cộng tác làm việc cho Chúa. Dầu trong xã hội, trong gia đình mỗi Cơ Đốc nhân có những chức vụ khác nhau. Trong thư Phi-lê-môn, Phao-lô khuyên bảo người chủ Phi-lê-môn hãy coi người nô lệ hèn hạ Ô-nê-sim “Như anh em yêu dấu” (Phi-lê-môn 1:16).

  1. TỪ NÔ LỆ QUA SỰ LÀM CON CHÚA (4:1-7).

Qua những bài học trước, chúng ta đã thấy nô lệ là một địa vị thấp hèn nhất trong xã hội. Câu 7, Phao-lô giải thích rằng Cơ Đốc nhân không còn là tôi mọi (nô lệ) nữa, nhưng được trở thành con cái Đức Chúa Trời. Có một tôn giáo ở Ấn Độ dạy con người nên thờ phượng nhiều thần hay nhiều quỷ càng tốt. Vì họ tin sẽ được bảo vệ hoặc giúp đỡ của những vị thần họ tôn thờ. Trái lại, Đức Chúa Trời không muốn nhân loại thờ phượng bất cứ ai, ngoại trừ Ngài. Vì vậy, một trong mười điều răn là: “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác” (Phục-truyền 5:7). Bởi huyết của Chúa Giê-xu Christ, chúng ta được mua chuộc khỏi nô lệ của sa-tan và tội lỗi. Chúng ta được xưng công bình và được trở thành con của Đức Chúa Trời. Từ địa vị nô lệ thấp hèn trở thành con của Đấng Tối Cao, chúng ta nhận lãnh địa vị nầy bởi ân phước vô lượng của Đức Chúa Trời. Là Cơ Đốc nhân, mỗi chúng ta nên tự hỏi mình: “Từ khi tin nhận Chúa chúng ta có sống một đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời không?” Có những tín hữu dầu đã được cứu, nhưng nghĩ rằng mình vẫn lệ thuộc những giáo điều của tôn giáo cũ. Phao-lô nhắc họ: “Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư? Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em” (Ga-la-ti 4:10-11).

Chúa đã giải cứu và cho chúng ta trở nên con của Ngài. Vậy mỗi chúng ta nên sống như những đứa con tự do quý giá của Ngài. “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài. Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: Aba! Cha! Dường ấy, ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con; và nếu ngươi là con, thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 4:4-7).

 

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Muốn khử mùi tanh của giá, khi xào bạn hãy cho một thìa dấm vào. Khi làm dưa giúp bạn hãy cho một ít rượu vào món ăn sẽ hấp dẫn và ngon hơn.

– Muốn xào món gan ngon và trên miếng gan không bị dính các hạt cứng bạn chỉ cần chần qua nước sôi khoảng 2 phút rồi mới ướp gia vị. Khi xào phải để lửa to và đảo nhanh tay.

 

Post CommentLeave a reply