Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 03.05.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 03.05.2020

By Lee Vi in Thanh niên on 27 Tháng Tư, 2020

Chúa nhật 03.05.2020

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ CÚNG GIỖ.
  2. Kinh Thánh: Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; 1Ti-mô-thê 5:4-8.
  3. Câu gốc: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất 20:3).
  4. Đố Kinh Thánh: Công Vụ 1-5.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem hướng dẫn Chúa nhật 19.01.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Người Việt chúng ta vốn chịu ảnh hưởng nền luân lý của Khổng Giáo, rất trọng lễ nghĩa. Vì vậy việc ân nghĩa giữ vai trò quan trọng trong nếp sống của người Việt, nhất là sự báo hiếu ông bà cha mẹ được nói lên qua những câu ca dao tục ngữ chúng ta thường nghe như:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Đạo làm con được gắn liền với sự thờ phụng ông bà tổ tiên, được xem đó là trọn chữ hiếu. Vì vậy, trong bối cảnh thờ cúng ông bà, khi Tin lành truyền đến Việt Nam đã bị chống đối không ít, đã bị gán cho cái tên “đạo bỏ ông bỏ bà”. Nhiều người tin Chúa đã phải trả một giá rất đắt, bị gia đình đánh đập và ruồng bỏ!

Ngày nay, tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên cũng còn là bước ngăn trở cho người Việt chúng ta trong sự tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Có người muốn tin Chúa, nhưng lại ngại không dám bỏ bàn thờ tổ tiên.

Trong niềm tin Cơ đốc, chúng ta hiểu thế nào về vấn đề thờ cúng tổ tiên? Làm thế nào giúp cho người bị buộc trong tập tục này được hiểu lẽ thật của lời Chúa?

  1. DẪN GIẢI.
  2. SỰ HIẾU THẢO TRONG QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH.
  3. Sự hiếu thảo theo văn hóa người Việt.

Chữ hiếu trong quan niệm của người Việt là sự kết hợp giữa đạo đức luân lý và tín ngưỡng tôn giáo. Về mặt luân lý, hiếu thảo là bày tỏ lòng thành kính biết ơn cha mẹ, qua sự làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Về mặt tín ngưỡng: Vì tin rằng khi qua đời vong hồn của ông bà cha mẹ vẫn còn lai vãng với con cháu, ở cõi âm phủ cũng giống như ở cõi dương gian. Họ tin rằng, người sống cần thức ăn, nhà ở, tiền xài thế nào thì người ở âm phủ cũng cần giống như vậy! Cho nên với người Việt, hiếu không phải chỉ phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống, mà còn phải tiếp tục phụng thờ cha mẹ sau khi qua đời bằng cách lập bàn thờ, thắp hương, cúng giỗ quanh năm! Do đó, nếu hiếu thảo mà thiếu thờ cúng thì bị kể là bất hiếu, mà trong nền luân lý của người Việt, bất hiếu bị kể là tội lớn nhất! Vì quan niệm chữ hiếu trong sự thờ cúng tổ tiên đã đi vào truyền thống lâu đời, nên sự dẹp bỏ tập tục này là cả một vấn đề khó và lớn đối với người Việt. Hiếu thảo theo nghi thức là phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, ma chay chôn cất để tang khi chết, lập bàn thờ cúng bái cha mẹ trong các ngày lễ lộc giỗ tết…

  1. Hiếu thảo theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Trong mười điều răn của Đức Chúa Trời, bốn điều răn đầu qui định bổn phận con người đối với Chúa, và sáu điều răn kế tiếp qui định bổn phận con người đối với nhau. Theo thứ tự, thì điều răn hiếu kính cha mẹ đứng đầu trong bổn phận con người đối với nhau (Xuất 20:1-17). Điều này có nghĩa sự hiếu kính cha mẹ là bổn phận quan trọng căn bản trong sự đối xử giữa con người với nhau. Chữ hiếu kính được nói trong điều răn gồm trong hai ý nghĩa, kính trọng và hiếu thảo. Như vậy sự hiếu kính cha mẹ được bày tỏ trong thái độ kính trọng và trong bổn phận hiếu thảo được gói ghém với lòng biết ơn, yêu thương và chăm sóc cha mẹ. Sau đây chúng ta ghi nhận những đặc điểm của sự hiếu kính cha mẹ theo ý nghĩa Kinh Thánh.

  1. Tôn kính cha mẹ: Sự tôn trọng cha mẹ được bày tỏ trong thái độ lễ phép với cha mẹ, cũng như trong cách sống là niềm tự hào cho cha mẹ. Vì vậy, con cái dầu còn trẻ hay lớn vẫn luôn giữ lễ phép với cha mẹ, cho dù cha mẹ tuổi cao sức yếu (Châm 23:22; Lê-vi 19:32).
  2. Vâng lời cha mẹ: Vâng lời với tấm lòng tôn kính và thuận phục lời khuyên dạy của cha mẹ (Ê-phê-sô 6:1-3; Cô-lô-se 3:20; Châm 1:8).
  3. Biết ơn, yêu thương và hết lòng chăm sóc cha mẹ: Sự chăm sóc cha mẹ không phải chỉ vì bổn phận, nhưng còn với lòng biết ơn và tình yêu thương. Chẳng những chỉ chăm sóc về mặt vật chất, nhưng còn quan tâm đến mặt tinh thần, nhất là lúc cha mẹ già yếu, cô đơn (1Ti-mô-thê 5:4-8).
  4. Hiếu kính cha mẹ là bổn phận bắt buộc của tình yêu thương: Người hầu việc Chúa cũng không thể bỏ sót bổn phận của người làm con như điều Chúa Giê-xu cảnh cáo người Pha-ri-si, cũng như Ngài để lại cho chúng ta gương hiếu kính cha mẹ (Mác 7:9-13; Lu-ca 2:51).
  5. Hiếu kính cha mẹ còn sống: Hiếu kính là bổn phận của người làm con đối với cha mẹ trọn đời trên đất. Điều răn của Chúa được kèm với lời hứa ban phước sống lâu trên đất cho người làm trọn bổn phận hiếu kính cha mẹ. Đồng thời, Chúa cũng cảnh cáo kẻ bội nghịch cha mẹ (Xuất 20:12; Phục 21:18-21).

Tóm lại, theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, hiếu kính cha mẹ được nhấn mạnh trong thái độ tôn kính cha mẹ, trong cách đối xử hiếu thảo với cha mẹ trong lúc còn sống. Sự thờ cúng cha mẹ sau khi chết là điều sai lầm vì đời sau hoàn toàn khác hẳn với đời tạm này (Lu-ca 16:19-51). Sự thờ cúng người chết chỉ do sự bày vẽ của con người để rồi bị bắt phục dưới quyền lực của ma quỉ đó thôi!

  1. NGƯỜI CƠ ĐỐC VIỆT NAM VỚI SỰ CÚNG GIỖ.

Chữ cúng có nghĩa là dâng thức ăn hay lễ vật trong hình thức nhang đèn để tiếp xúc với người trong cõi vô hình. Còn giỗ là ngày kỷ niệm của người chết. Trong sự thờ cúng ông bà, ngày giỗ là ngày cúng tế rất linh đình! Chẳng những để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng cũng để ông bà vui lòng phù hộ con cháu!

Đặt niềm tin nơi Kinh Thánh, người Cơ đốc không thể chấp nhận hay thỏa hiệp với sự thờ cúng trong bất cứ hình thức nào, vì những lý do sau đây:

  1. Loài người chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời!

Dùng câu “Cây có cội, nước có nguồn” để chỉ về tổ tiên là sai. Tổ tiên không phải là nguồn gốc để thờ lạy. Trong bài vị thờ tổ tiên chỉ ghi đến năm đời hay nhiều lắm là mười đời mà thôi (Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển). Nếu quá năm đời thì phải xóa bớt. Như vậy, thờ tổ tiên với sự xóa bớt dần thì đâu phải là nguồn gốc! Chỉ có Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của loài người mới là nguồn gốc thật cho mọi người tôn thờ. Trong mười điều răn, Đức Chúa Trời đã qui định rõ bổn phận của con người là tôn thờ Đức Chúa Trời, nghĩa là Đức Chúa Trời phải ở ngôi vị trên hết. Sự thờ phượng Ngài phải chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống con người, không có bàn thờ nào khác chiếm chỗ của Chúa, hoặc đặt bên cạnh “bàn thờ” của Chúa (Xuất 20:1-11; Ma-thi-ơ 10:37). Nếu người Việt chúng ta đặt chữ hiếu làm đầu và cho việc không thờ cúng tổ tiên là bất hiếu, thì sự hiếu thảo trong việc thờ cúng tổ tiên đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời và phạm tội bội nghịch Ngài. Vong ơn Trời là tội lớn dường nào!

  1. Không có sự trở về của người chết, không có sự phù hộ của người chết.

Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng việc cúng giỗ cho người chết là điều vô ích, hoặc cầu nguyện cho người chết là điều sai lầm. Vì khi qua đời, người ta hoặc được lên thiên đàng hay đi địa ngục, không có cơ hội thứ hai, không có ngục luyện tội như một số người tưởng!

  1. VẤN ĐỀ ĂN ĐỒ CÚNG.
  2. Người Cơ đốc có nên ăn đồ cúng không?

Với vấn đề đồ cúng, trong vòng tín hữu Cô-rinh-tô có người cho rằng thần tượng là hư không, nên ăn đồ cúng không có gì là sai! Trong sự giải đáp của Phao-lô, chúng ta phân biệt những điểm sau đây (1Côr 10:17-31):

  1. Không nên ăn đồ cúng, (trường hợp biết đó là đồ cúng): Thần tượng là hư không, nhưng phía sau thần tượng là ma quỉ. Như vậy, không phải người ta cúng cho thần tượng mà cúng cho ma quỉ. Do đó người Cơ đốc không thể vừa thông công với Chúa qua tiệc thánh, mà lại thông đồng với ma quỉ qua đồ cúng!
  2. Trường hợp đến nhà ai mời dùng bữa, thì đừng vì lương tâm đặt vấn đề đồ cúng hay không. Cứ ăn chớ nghi ngại chi! Nhưng nếu nghi ngại, hoặc vì lương tâm của người khác, tốt hơn là đừng ăn!

Tóm lại, Phao-lô đặt nguyên tắc này cho các tín hữu “… hoặc ăn hoặc uống… hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (c.31). Như vậy, con cái Chúa ngồi dự tiệc cúng giỗ có làm vinh hiển danh Chúa không? Cho dù không ăn đồ cúng trên bàn thờ, thì đồ ăn nấu dọn cũng đã mang tên của bữa ăn cúng giỗ rồi!

  1. Vài câu hỏi về vấn đề cúng giỗ.
  2. Người Cơ đốc không thờ cúng ông bà, nhưng có thể giữ ngày “giỗ”, tức là kỷ niệm ngày ông bà chết không?

Kỷ niệm ngày qua đời của cha mẹ, để nhắc lại công ơn của cha mẹ và gương sáng về đức tin của ông bà cho con cháu là điều tốt. Nhưng nếu điều này trở thành thông lệ, thì đó là thông lệ chẳng được hay, vì có thể tạo gánh nặng cho người này người kia. Hơn nữa tạo cho chúng ta cảm giác như có liên hệ với người chết! Gương sáng của ông bà cho con cái có thể nhắc lại cho con cháu trong bất cứ lúc nào có dịp, chớ đâu phải đợi đến kỷ niệm ngày chết!

  1. Trong bối cảnh của gia đình thờ cúng tổ tiên là cả một thách thức đức tin cho người tin Chúa. Làm thế nào để cư xử với gia đình lên án chúng ta là con bất hiếu? Vài gợi ý sau đây:

– Hãy bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ như lời Chúa dạy.

– Hãy kiên nhẫn cầu nguyện cho cha mẹ sớm biết Chúa.

– Hãy giải thích cho cha mẹ biết lý do tại sao bạn không dự cúng giỗ.

– Biết rằng không có sự hiện diện của vong hồn tổ tiên, nhưng sự khấn vái trước bàn thờ gia tiên là điều trái niềm tin của mình.

Tóm lại, chúng ta cần đối xử với gia đình trong đường lối hòa bình, trường hợp không giải quyết được sự xung khắc, chúng ta buộc phải trả giá cho niềm tin của mình! Hoặc chúng ta phải chịu mất mát điều nào đó, hoặc đôi lúc phải “tạm rời” gia đình một lúc nào đó! Nếu chúng ta trung thành với Chúa giữ vững đức tin của mình, thì vấn đề chắc sẽ được Chúa giải quyết cách tốt đẹp.

Tóm lược.

  1. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ trọn lúc cha mẹ còn sống.
  2. Hai điều sai lầm trong sự thờ cúng tổ tiên là: (1) Tổ tiên không phải là nguồn cội để thờ, mà chính là Đức Chúa Trời. (2) Không có sự trở về của người chết.
  3. Hai lý do không nên ăn đồ cúng là: Để không thông đồng với ma quỉ và để không làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.
  4. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
  5. Có phải thờ cúng tổ tiên mới là hiếu thảo không?
  6. Xin tìm hiểu chữ hiếu trong quan niệm của người Việt chúng ta: Thế nào là hiếu? Thế nào là bất hiếu?
  7. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  8. Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3: Đức Chúa Trời phán dạy dân sự điều gì? Và có lời hứa nào?
  9. Điều răn hiếu kính cha mẹ được đặt ở thứ tự nào trong sáu điều răn về cách con người đối xử với nhau? Thứ tự này có nghĩa gì? (Xuất 20:12-17).
  10. Ê-phê-sô 6:1-3; Cô-lô-se 3:18; 1Cô-rinh-tô 5:4-8; Châm ngôn 1:8,22,23: Con cái có bổn phận và trách nhiệm gì với cha mẹ?
  11. Phục Truyền 21:18-21: Đức Chúa Trời truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên làm gì đối với đứa con bội nghịch cha mẹ?
  12. Mác 7:9-13: Chúa Giê-xu quở trách người Pha-ri-si điều gì? Lời quở trách này cho chúng ta hiểu thế nào về điều răn của Chúa trong Xuất Ê-díp-tô ký 20:13?
  13. Qua sự ghi nhận trên, chúng ta học biết gì về sự hiếu kính cha mẹ theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh? So sánh với chữ hiếu trong quan niệm của người Việt?
  14. Tại sao chúng ta không cúng giỗ ông bà?
  15. Xin tìm hiểu:
  16. Ý nghĩa của chữ giỗ và cúng?
  17. Trong sự thờ phụng ông bà của người Việt, tại sao phải có sự cúng giỗ?
  18. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  19. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-2: Đức Chúa Trời phán dạy dân sự điều gì?
  20. Trong mười điều răn cho thấy con người có bổn phận gì đối với Đức Chúa Trời và có bổn phận gì đối với cha mẹ? Hai bổn phận này theo thứ tự ưu tiên nào? Điều này có nghĩa gì?
  21. Tìm hiểu ý nghĩa khác nhau của chữ “tôn thờ” và “tôn kính”.
  22. Lời Chúa Giê-xu phán dạy trong Ma-thi-ơ 10:37 có nghĩa gì?
  23. Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy, sự thờ cúng ông bà có phải là điều hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
  24. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  25. 1Cô-rinh-tô 10:17-22: Theo sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô, người tin Chúa có nên ăn đồ cúng không? Tại sao?
  26. 1Cô-rinh-tô 10:23-31: Người tín hữu nên có thái độ như thế nào với đồ cúng? Tại sao?
  27. Có thần tượng nào chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn không? Bạn có trọn bổn phận làm con theo như Lời Chúa dạy dỗ không?

 

 

 

Post CommentLeave a reply