Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 12.04.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 12.04.2020

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 6 Tháng Tư, 2020

Chúa nhật 12.04.2020 (Lễ Phục sinh).

  1. Đề tài: HY VỌNG VỮNG BỀN.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 15:1-58.
  3. Câu gốc: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Nhưng trong A-đam, mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại” (1Cô-rinh-tô 15:20,22).
  4. Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 10-12.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 12.01.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Thành phố Cô-rinh-tô là thành phố thuộc Hy-lạp, người Hy-lạp không tin tưởng có sự sống lại của người đã chết. Công vụ 17:32 đã nói lên thái độ Giê-xu cợt của họ, khi sứ đồ Phao-lô giảng về sự sống lại. Các triết gia Hy-lạp cho rằng thân xác con người là ngục tù và cái chết là phương cách tốt đẹp nhất để giải thoát linh hồn.

Bài học hôm nay sẽ đưa chúng ta tới những chân lý sáng ngời của sự sống lại, để từ đó chúng ta vui mừng hơn, tràn đầy hy vọng để bước vào cánh cổng vinh quang mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta qua Cứu Chúa Giê-xu Christ.

  1. XÁC ĐỊNH NIỀM TIN.

Câu hỏi bên kia mộ phần có gì? Là một câu hỏi lớn, mà hầu như ai cũng muốn biết câu trả lời. Sứ đồ Phao-lô đã dùng hai hình ảnh sống động từ trong Cựu ước để giải thích rõ ràng về sự sống lại.

  1. Bó lúa đầu mùa: Phân đoạn Kinh Thánh sách Lê-vi 23:9-14 có hai hình ảnh là bó lúa đầu mùa và chiên con giáp niên không tì vít. Chiên con đó là hình bóng Cứu Chúa Giê-xu, và Chiên Con của Đức Chúa Trời đã chết trong ngày lễ Vượt qua. Hình ảnh bó lúa đưa qua đưa lại có ý nghĩa là cả mùa gặt đều thuộc về Đức Chúa Trời. Vì thế, Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại là một bảo đảm chắc chắn cho những kẻ tin theo Ngài, họ sẽ được gặt hái trong mùa vụ tương lai.
  2. A-đam: Trong 1Côr 15:21-22 Phao-lô nhìn A-đam như hình bóng Chúa Cứu Thế. Trong Rô-ma 5:12-21 là phần Kinh Thánh rõ ràng nhất để nói ra tính cách trái ngược của A-đam thứ nhất (ông A-đam) và A-đam thứ hai (Chúa Cứu Thế). A-đam thứ nhất từ đất mà ra, A-đam thứ hai từ trời mà đến. A-đam đầu tiên phạm tội không biết vâng phục, A-đam sau vâng phục trọn vẹn. A-đam đầu tiên mang tội vào thế gian, và A-đam sau đã cất tội lỗi thế gian đi, và ban cho những ai tin Ngài sẽ đuợc sự công nghĩa và được sự sống đời đời. Thật là phước hạnh vì một ngày không xa, Chúa sẽ cất Hội Thánh Ngài lên và trong thời gian đó, những kẻ ngủ trong Ngài sẽ được sự sống lại và được biến hóa thân xác để gặp Chúa tại không trung (1Tês 4:13-18). Chính Chúa còn trên đất cũng đã khẳng định điều này: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi; ai đã làm lành (tin Ngài) thì sống lại để được sống, ai làm dữ (không tin Ngài) thì sống lại để bị xét đoán” (Giăng 5:28-29). Các chữ “làm lành” và ‘làm dữ” không hề đề cập đến sự công đức nhưng nói đến đức tin và ăn năn tội hay không mà thôi.
  3. SỰ CHIẾN THẮNG VINH HIỂN.

Niềm vui của chúng ta trong mùa Phục sinh này là Chúa sẽ đưa con cái Ngài vào sự chiến thắng sau cùng đầy vinh hiển. Chúa sẽ trở lại thế gian với uy quyền của một quan án tối thượng để phán xét và định tội thế gian. Ngài sẽ thiết lập vương quốc của Ngài một ngàn năm (Khải huyền 20:1-6). Phước hạnh thay cho kẻ chết là kẻ chết trong Chúa. Họ sẽ được sống lại và chia sẻ vinh quang và cùng Ngài cai trị một ngàn năm tràn đầy phước hạnh.

Sigmund Freud, người được coi là cha đẻ môn tâm lý học viết: “Và cuối cùng là sự đau đớn khắc khoải của sự chết mà chưa bao giờ tìm được cứu cánh cho nó và có lẽ không bao giờ có cứu cánh cho nó cả”. Câu nói của nhà tâm lý học Sigmund Frued đã nói được niềm bi quan, tuyệt vọng của con người. Những lời nói đó không thể làm bi quan con cái của Chúa Giê-xu vì họ là những người đã chiến thắng thần chết như Lời Chúa Chúa Cứu Thế đã phán: “Vì ta sống, thì các ngươi sẽ sống” (Giăng 14:19). Phải! Chúa Giê-xu của chúng ta đã vì tội lỗi con người mà hi sinh mạng sống để chuộc tội chúng ta. Ngài đã chết, đã được chôn trong phần mộ. Sự sống lại vinh quang của Ngài là một biến cố vô cùng trọng đại, và vô cùng phước hạnh cho chúng ta những kẻ tin danh Ngài. Hiện Ngài đương sống, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ sống thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ sống với Ngài. Thần chết và sự chết không thể cai quản chúng ta vì chúng ta không thuộc về chúng nữa. Chúng ta thuộc về Chúa Cứu Thế.

III. VIỄN TƯỢNG KỲ DIỆU.

Tin rằng mình sẽ được sống lại là một điều, hiểu biết mình sẽ được sống lại như thế nào lại là một điều khác. Do đó, phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đang học là một phân đoạn vô cùng quan trọng và quí báu để củng cố niềm tin của chúng ta. Phao-lô đưa chúng ta đi quan sát ba điều: Thực vật, thiên thể, và sinh vật, để chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng hơn.

  1. Quan sát thực vật: Tại sao Phao-lô gọi những người không tin có sự sống lại là kẻ dại? Dại vì sự sống lại là tiến trình của sự chết mà trước mắt họ, họ vẫn trông thấy hằng ngày qua đời sống thực vật. Phao-lô viết “Vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi thì không sống lại được” (câu 36). Ông đã dùng hạt lúa mì để đánh thức tâm trí tối tăm của người vô tín. Và với cái nhìn của Phao-lô, đem chôn một thi hài vào lòng đất chỉ có nghĩa là “gieo ra” ông viết “gieo ra là hay hư nát mà sống lại là không hay hư nát, gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh, gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh, gieo ra là thể khí huyết, mà sống lại là thể thiêng liêng” (câu 42-44). Như vậy, sư hư nát, nhục, yếu và huyết khí sẽ được thay thế bằng sự không hay hư nát, vinh, mạnh và thiêng liêng.
  2. Quan sát các thiên thể: Mặt trời, mặt trăng, các vì sao đều có vinh quang riêng biệt dù chúng nằm trong hệ thống thái dương hệ. Phao-lô nhấn mạnh rằng: “Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt” (câu 38). Phải! Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan tuyệt đối trong chương trình sáng tạo của Ngài. Phao-lô nhấn mạnh đến ý muốn của Đức Chúa Trời trong công việc sáng tạo.
  3. Quan sát động vật: Loài người, loài thú, loài chim, loài vật dưới biển, trên đất đều được Chúa ban hình thể, phương cách cấu tạo hoàn toàn khác nhau. Như vậy, nếu có hình thể thuộc về đất thì cũng có hình thể thuộc về trời. Có thể huyết khí thì cũng có thể thiêng liêng. A-đam thứ nhứt được ban cho sự sống và A-đam thứ hai chính là thần ban sự sống. Vì thế, Phao-lô mạnh mẽ kết luận: “Như chúng ta đã mang ảnh tượng người thuộc về đất thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời” (15:49).

* ÁP DỤNG.

Là người con Chúa, chúng ta phải vững vàng trong niềm tin về sự sống lại. Vì nếu Chúa không làm cho chúng ta sống lại nơi ngày sau rốt thì đức tin của chúng ta có lợi ích gì? Bài học hôm nay, Phao-lô đã đưa chúng ta vào những đề tài suy luận rất mầu nhiệm nhưng cũng rất đơn giản. Giống như Chúa, Phao-lô chỉ dùng hạt lúa mì, sự gieo nó ra, sự hủy thể của nó sẽ tạo thành sự sống mới là những thí dụ rõ ràng nhất nói lên sự phục sinh chỉ có được khi một sự sống chết đi, thì sẽ giúp cho nhiều sự sống khác được sống lại tốt hơn. Tạ ơn Chúa, mùa phục sinh này Chúa cho chúng ta có cơ hội học hỏi những điều quý báu về sự phục sinh để chúng ta có thể chia sẻ ý nghĩa sự phục sinh cho những nguời chung quanh chúng ta. Chúng ta cũng hãy chia sẻ hy vọng, niềm tin của chúng ta cho họ, vì đó không những là trách nhiệm mà còn là một bổn phận thiêng liêng mà người kính yêu Chúa không thể bỏ qua.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Cách làm sạch bếp gas, nồi, chảo bằng inox cháy xém, ố vàng. Bạn hãy lấy dầu thắng xe tẩm giẻ lau và chùi kỹ vài lần, vết dơ sẽ biến mất ngay. Sau đó lau lại bằng xăng cho thật sạch, rồi rửa lại bằng xà phòng.

Khử mùi hôi trong soong, chảo kim loại. Soong, chảo mới mua về thường có mùi hôi đặt biệt của nó. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy bỏ nhiều trà tươi vào soong, chảo rồi đổ nước vô nấu sôi một lúc, làm thế chừng 2 lần, soong, chảo sẽ mất mùi hôi hẳn.

 

 

 

Post CommentLeave a reply