Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 05.04.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 05.04.2020

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 30 Tháng Ba, 2020

Chúa nhật 05.04.2020.

  1. Đề tài: TỪ ĐAU KHỔ ĐẾN AN VUI.
  2. Kinh Thánh: 2Cô-rinh-tô 1:2:17.
  3. Câu gốc: “Vả, ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề. Mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em ưu sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu dấu riêng của tôi đối với anh em vậy” (2Cô-rinh-tô 2:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 13-15.
  5. Thể loại: Thảo Luận.

Đề tài 1: Hội Thánh cần phải kỷ luật triệt để đối với người phạm tội để giữ sự kỷ cương, sự thánh sạch trong Hội Thánh.

Đề tài 2: Hội Thánh cần phải có biện pháp kỷ luật đối với người phạm tội nhưng kỷ luật phải có tình yêu và sự tha thứ thì kỷ luật đó mới đem lại sự gây dựng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.  

Chúng ta đang sống trong thế giới tân tiến. Một trong những điều tài tình mà người ta làm được là sử dụng lại vật liệu đã phế thải. Điều đó không những tiết giảm được vật liệu, tiền bạc mà còn giải quyết được nan đề vệ sinh và rác thải. Những tờ báo cũ được mua lại, các lon nhôm, nhựa, nhớt đều được tái sử dụng lại như hình thức cũ hoặc hình thức khác. Mua báo về làm giấy, lon nhôm làm hàn lon nhôm, nhớt làm nhựa đường… Bài học hôm nay, Phao-lô dạy chúng ta cách sử dụng lại những người tưởng chừng như đã bị phế thải để họ trở thành những con gặt siêng năng trong mùa vụ.

  1. SỰ ĐAU ĐỚN TRONG LÒNG PHAO-LÔ.

Có ba lần Phao-lô dùng tiếng đại danh từ bất định (không nói rõ là ai) để nói về người đã làm cho Hội Thánh đau buồn (có lẽ là người phạm tội tà dâm trong (1Côr 5), ông chỉ nói: “Kẻ nào” (c.5) “Kế đó” (c.6) và “Người đó” (c.8). Áp dụng biện pháp kỷ luật đối với những người phạm tội là điều nên làm vì kỷ luật là dấu ấn của tình yêu. Nhờ kỷ luật “sanh bông trái công bình và bình an” (Hê 12:11). Nhưng kỷ luật được áp dụng mà thiếu yếu tố tình yêu thì kỷ luật càng gây thêm điều tác hại chớ không ích gì.

Khi tôi còn bé, mỗi lần bị ba đánh đòn, tôi giận ba tôi lắm, dù biết rằng mình có lỗi. Dù vậy, tôi vẫn buồn ba khi bị đòn. Lúc đó tôi không hiểu được câu ba tôi nói: “Ba đánh con nhưng con đau ít hơn ba”. Lớn lên, tôi hiểu rõ câu này và biết chắc là Chúa cũng giống ba tôi. Mỗi lần Chúa phạt con cái Ngài, Ngài đau nhiều hơn chúng ta. Tay Chúa đánh càng mạnh, lòng Chúa đau càng nhiều.

Vì thế, khi chúng ta áp dụng biện pháp kỷ luật để gìn giữ kỷ cương của Hội Thánh, chúng ta phải nhớ là giải pháp tình yêu phải được đặt hàng đầu trước mọi giải pháp khác. Phao-lô cho chúng ta thấy 3 điều qua phân đoạn Kinh Thánh nầy: Chúng ta cần phải tha thứ cho người phạm tội đã ăn năn vì cớ tình yêu chúng ta dành cho người đó (2Côr 2:7-8). Chúng ta tha thứ cho người phạm tội vì cớ Chúa yêu thương người đó (2Côr 2:9-10). Chúng ta tha thứ cho người phạm tội vì cớ Hội Thánh (ông dùng chữ “chúng ta”, số nhiều, ám chỉ Hội Thánh) yêu thương người đó (2Côr 2:11). Khi một người phạm tội đã ăn năn, nhưng không nhận được sự tha thứ, yên ủi, là cơ hội để sa-tan có thể bắt chiếc cầu tàn hại vào Hội Thánh Đức Chúa Trời.

  1. NHỮNG NGUYÊN TẮC THÍCH ĐÁNG.

Có người nói: “Tha thứ là thần dược để chữa lành những tấm lòng tan vỡ” không biết bạn có đồng ý câu này không? Riêng tôi, tôi cho là câu này là một câu nói cần nên ghi nhớ trong lòng mỗi người con Chúa. Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô khuyên Hội Thánh là sau khi đã dùng biện pháp kỷ luật, người có tội đã ăn năn thì Hội Thánh cần có thái độ cởi mở, tha thứ và khuyến khích người có tội trở lại trong sinh hoạt thờ phượng, phục vụ Chúa bình thường.

Chúng ta cần ghi nhớ là Sa-tan là kẻ rất độc ác, đầy mưu chước và gian xảo. Khi người nào phạm tội, Sa-tan sẽ lên ghế chánh án tòa án lương tâm để cáo buộc tội nhân là họ không còn xứng đáng với Chúa, Hội Thánh không còn để ý, ai cũng coi thường khinh bỉ… không còn hy vọng gì…

Để người đó xa lìa Hội Thánh. Tôi có người bạn đang phục vụ Chúa rất tốt thì cũng phạm tội tương tự (1Côr 5). Dù tôi đã giải thích khi anh ăn năn tội thì Chúa đã tha thứ cho anh rồi nhưng anh vẫn không đến sinh hoạt lại với Hội Thánh bình thường. Tôi biết chắc là người bạn tôi bị mặc cảm và lương tâm luôn luôn cắn rứt không nguôi. Tôi cầu xin Chúa giúp tôi có đủ ơn để đem người này trở lại cùng Chúa trong một ngày không xa. Chúa Thánh Linh cáo trách tội nhân để họ ăn năn và trở lại cùng Chúa. Sa-tan cáo trách tội nhân để họ mặc cảm tội lỗi và bước vào đời sống vô vọng, tối tăm.

Tôi rất thích sách Ô-sê vì chủ đề chính của quyển sách đó là “Tình yêu phục hồi”. Tình yêu chẳng ích lợi gì mấy nếu không có chữ phục hồi kèm theo. Cám ơn Chúa, có biết bao nhiêu người đã lồi lầm, đã phạm tội, đã được Chúa phục hồi. Phi-e-rơ, Phao-lô, người đàn bà tà dâm, Xa-chê… còn chúng ta thì sao?

III. ĐẮC THẮNG KHẢI HOÀN.

Mở đầu lá thư Phao-lô viết “Vả, ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề mà tôi đã viết thư cho anh em” (2Côr 2:4). Câu Kinh Thánh này cho chúng ta thấy vấn đề nghiêm trọng dường bao. Lòng Phao-lô đau đớn biết bao. Sự đau buồn của Phao-lô được thay thế bằng bài ca khải hoàn khi ông nói “Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được đắc thắng trong Đấng Christ luôn luôn…” (2Côr 2:14).

Điều gì đã khiến Phao-lô từ sự đau buồn sẽ cất lên tiếng hát vui mừng, đắc thắng như vậy? (c.14-17) chúng ta thấy được ba yếu tố quan trọng khiến ông thoát được sự sầu thảm, đau buồn để trở thành kẻ thành công, đắc thắng. Phao-lô tin chắc là Đức Chúa Trời vẫn dìu dắt ông (c.14a). Phao-lô vững tin là Đức Chúa Trời vẫn hoàn toàn nắm giữ tương lai Hội Thánh, vì Ngài là Đấng yêu thương Hội Thánh, nếu Hội Thánh cứ tiếp tục yêu Ngài, vâng phục Ngài và tin cậy Ngài (Rô-ma 8:28).

Phao-lô tin chắc là Đức Chúa Trời đang dìu dắt ông vào sự đắc thắng (14b) “Chúng tôi được thắng” là niềm vui của Phao-lô. Làm sao một người có thể thua trận giặc tâm linh được nếu người đó biết tận dụng nguồn năng lực tâm linh của Đấng Christ! “Tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn”. Phao-lô tin rằng Đức Chúa Trời đang dùng ông khi Ngài dìu dắt ông (c.14-17).

Dùng hình ảnh người La mã rải mùi thơm cho kẻ chiến thắng, Phao-lô dùng hình ảnh này để nói về mục vụ ông đang thi hành để rao báo Tin Lành. Theo ông, Tin Lành là “mùi” (một, thứ hương liệu trong công việc thờ phượng). Đối với kẻ tin, là mùi sự sống. Với kẻ không tin là mùi sự chết cũng như mùi hương của quân La mã rải ra trong lúc diễn hành. Mùi thơm cho kẻ chiến thắng và cũng là mùi tử vong cho kẻ bị bắt làm phu tù đang đi sau đoàn quân chiến thắng.

* ÁP DỤNG.

Lá thư đau thương của Phao-lô cho thấy là những điều sai lầm, tội lỗi cần được áp dụng biện pháp kỷ luật dù hậu quả thế nào, đau thương đến đâu nhưng biện pháp đó cần được áp dụng kèm với tình yêu thương (2:4-9). Khi tội nhân có lòng hối cải, ăn năn, Hội Thánh phải có lòng tha thứ, yêu thương, nâng đỡ và khuyến khích kẻ lầm đường hầu cho danh Chúa được tôn cao mà ma quỉ không thể nhân dịp gây rối loạn trong Hội Thánh (2:10-11).

Bất cứ điều gì dù khó khăn đến đâu, lớn lao thế mấy cũng giải quyết được nếu chúng ta giải quyết bằng ánh sáng của Kinh Thánh và tình yêu của Chúa Cứu Thế (2:12-17).

Tóm lại, kỷ luật là điều cần thiết phải được áp dụng để gìn giữ kỷ cương Hội Thánh. Nhưng kỷ luật mà thiếu tình yêu sẽ đem nhiều điều hại hơn là điều lợi. Mà khi đã nói đến tình yêu thì yếu tố tha thứ phải được triệt để áp dụng. Vì yêu mà không tha thứ thì không phải là tình yêu chân thật.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Khi quần áo bị dính mực thường. Hãy cắt một miếng chanh tươi chà vào chỗ dính mực, sau đó giặt lại bằng xà bông và xả cho sạch. Hoặc giặt bằng cồn 90 độ, sau đó giặt lại bằng xà bông, rồi xả lại bằng nước ấm.

Khi quần áo bị ố vàng. Quần áo để lâu thường bị ố vàng, hãy lấy củ khoai tây luộc chín, bóc vỏ và để nguội, xát đều lên quần áo như xát xà phòng, sau đó xả lại bằng nước lã, phơi chỗ thoáng.

 

 

 

Post CommentLeave a reply