Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.02.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.02.2020

By Lee Vi in NAM GIỚI on 4 Tháng Hai, 2020

Chúa nhật 09.02.2020.

  1. Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA LÀ MỘT ĐẶC ÂN.
  2. Kinh Thánh: Êph 2:1-10; Lu-ca 1:38,46-55; 1Cô-rinh-tô 15:9-10.
  3. Câu gốc: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng 41-44.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

Chủ đề: HẦU VIỆC CHÚA LÀ MỘT ĐẶC ÂN.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

Thời gian: 1h30’.

  1. CHUẨN BỊ.

– Ban hướng dẫn thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm, dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo.

– Vật dụng: Kinh Thánh, Thánh ca, giấy, viết.

– Mỗi nhóm phải tổ chức học bản chữ điện tín.

– Xem trước các phân đoạn Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:4; Giăng 15:14-17; 1Phi-e-rơ 2:9-10; 4:12-14; Khải huyền 19:16.

– Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn giải đáp các câu hỏi, thư ký nhóm ghi chép những câu trả lời và lời giải nội dung mật thư.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thông báo cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Cuộc thi.

– Hàng ngũ trật tự, báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.

– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.

– Tất cả ban viên tham gia hết mình.

– Thời gian để thảo luận câu hỏi 5 phút.

  1. Chấm điểm tại mỗi trạm.

– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh………………… 10 điểm.

– Giải mật thư chính xác………………………………………… 10 điểm.

– Kiểm tra bài hát………………………………………………….. 10 điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ các nhóm viên)……………. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất …………………………………………….. 10 điểm.

Đội nào nhiều điểm sẽ thắng (thiếu 1 nhóm viên trừ nửa điểm).

  1. Giới thiệu.

Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta bằng cách ban Con Một của Ngài đến trần gian để chết đền tội thay cho chúng ta. Ngài đã cứu chuộc và ban cho chúng ta địa vị làm con cái của Ngài, được hầu việc Ngài với tấm lòng biết ơn Chúa, thực sự yêu Ngài, cho nên sự hầu việc Chúa là một đặc ân Chúa dành cho chúng ta chớ không phải là một gánh nặng. Những đặc ân nào chúng ta nhận được khi hầu việc Ngài? Bây giờ, chúng ta cùng HẦU VIỆC CHÚA LÀ MỘT ĐẶC ÂN.

  1. Diễn tiến trò chơi.

* Người hướng dẫn:

– Người hướng dẫn cho các nhóm tập trung theo một hàng thẳng, mỗi nhóm có số người bằng nhau.

– Thông báo thể lệ cuộc thi và giới thiệu trò chơi.

– Sau đó ra lệnh cho các nhóm trưởng bước lên và truyền lệnh bằng cách đưa mảnh giấy đã ghi sẵn hàng chữ “Hãy đến công trường thuộc linh, Phao-lô đang chờ các bạn!” cho các nhóm trưởng nhìn trong thời gian 1 phút.

– Các nhóm trưởng sẽ trở về truyền tin bằng cách nói thầm vào tai của người đầu tiên, và người đó tiếp tục truyền bản tin cho đến người cuối cùng.

– Nhóm nào xong, người cuối cùng của nhóm lên đọc lại bản tin cho người hướng dẫn kiểm tra. Nếu đúng thì được lệnh xuất phát. Nếu không đúng thì nhóm trưởng phải truyền tin lại.

Ö Trạm 1: Phao-lô (hóa trang và ở đứng một nơi khó tìm).

– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước Phao-lô và báo cáo số nhóm viên. Trình bản tin.

– Phao-lô phát câu hỏi để thảo luận (5 phút) và nhận câu trả lời (viết ra giấy):

(1) Anh em là ai? (1Cô-rinh-tô 3:9).

(2) Ai chọn anh em làm việc cho Ngài? (Giăng 15:14-17).

(3) Anh em được chọn sẵn để làm việc cho Ngài từ khi nào? (Ê-phê-sô 1:4).

– Phao-lô kiểm tra bài hát: (Hát một bài hát nói về Chúa Giê-xu là bạn của con người).

– Phao-lô phát mật thư 1.

 

* Mật thư 1:

7 1 23 16 10      16 8 9 12 1 20 19     4 4 5 5 18

4 21 23 10       16 8 1 1 14 6       20 18 15 14 7    19 21 23 10

20 8 21 15 23 14 7                  11 8 15 19     3 21 1 18      14 7 1 9 6

A=1, B=2, C=3, D=4, E=5, F=6, G=7, H=8, I=9, J=10, K=11, L=12, M=13, N=14, O=15, P=16, Q=17, R=18, S=19, T=20, U=21, V=22, W=23, X=24, Y=25

 

 

 

 

 

 

Ö Trạm 2: Phi-lát (Phi-lát đứng một nơi khó tìm).

– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước Phi-lát và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.

– Phi-lát phát câu hỏi để thảo luận và nhận câu trả lời (viết ra giấy) sau 5 phút:

(1) Khi hầu việc Chúa mà chịu khổ vì Danh của Ngài, anh em được dự phần với Chúa Giê-xu trong việc gì? (1Phi 4:12-14).

(2) Khi được dự phần trong sự thương khó của Chúa, chịu khổ vì danh của Chúa, anh em có thái độ nào? (1Phi-e-rơ 4:14).

(3) Các sứ đồ đã vui mừng hớn hở về điều gì họ đã làm? (Công 5:41).

– Phi-lát kiểm tra bài hát: (Hát một bài Thánh ca nói về sự thương khó của Chúa Giê-xu).

– Phi-lát phát mật thư 2.

* Mật thư 2:

HAAYX GAWPJ THAAYF TEES LEEX MEENCHIXEEDDECS DDEER NHAANJ VIEECJ

– Cách làm: Lấy một quả chanh vắt lấy nước hoăc nước giấm. Dùng một cây que quấn bông gòn để thấm nước chanh và viết lên một tờ giấy trắng. Sau đó đem phơi khô. (Các chữ viết sẽ hiện ra khi tờ giấy hơ qua lửa, đừng để tờ giấy sát ngọn lửa, nó sẽ cháy đấy!)

Bên dưới viết câu chìa khóa: “Hãy cho tôi sưởi ấm”.

Ö Trạm 3: Thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc (mang bảng tên trước ngực và đứng một nơi khó tìm).

– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước thầy tế lễ và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.

– Thầy tế lễ phát câu hỏi để thảo luận và nhận câu trả lời (viết ra giấy) sau 5 phút:

(1) Anh em thuộc dòng giống nào? Giữ chức vụ gì? (1Phi 2:9).

(2) Vị vua anh em đang hầu việc là ai? (Giăng 18:36-37).

(3) Nước của Ngài ở đâu?

– Thầy tế lễ kiểm tra bài hát: (Hát một bài Thánh ca nói về Vua Giê-xu).

– Thầy tế lễ phát mật thư 3.

* Mật thư 3:

M A T H I O W D D
J I J C O O N G E
P R J H F L A V E
W T C N F F M I R
A S E I M J C E B
G A I G S T E E I

Ö Trạm 4: Ma-thi-ơ (đứng một nơi khó tìm).

– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước Ma-thi-ơ và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.

– Ma-thi-ơ phát câu hỏi để thảo luận và nhận câu trả lời (viết ra giấy) sau 5 phút:

(1) Công việc của làm của anh em trước mặt Chúa được đánh giá như thế nào? (1Cô-rinh-tô 15:58).

(2) Khi chịu khổ vì danh của Chúa, anh em nhận được điều gì nơi Chúa Giê-xu trong nước của Ngài? (Ma-thi-ơ 5:12).

(3) Anh em biết phần thưởng mà Chúa dành cho rất là lớn, thì anh em làm việc với tinh thần như thế nào? (Cô-lô-se 3:23-24).

– Ma-thi-ơ kiểm tra bài hát: (Hát một bài Thánh ca nói về tinh thần hầu việc Chúa).

– Ma-thi-ơ truyền mệnh lệnh (nói nhỏ vào tai) cho  nhóm trưởng: “Hãy trở về dưới mái nhà Chúa để nghỉ ngơi”. Nhóm trưởng không được nói lại, chỉ làm điệu bộ để diễn tả nội dung của bản tin. Nhóm viên nào hiểu được thì lên báo cho Ma-thi-ơ (nói nhỏ vào tai của Ma-thi-ơ, không cho các nhóm khác nghe). Nếu đúng thì được đi tiếp tục.

  1. Kết thúc.

– Tóm lược những đặc ân mà các nhóm đã khám phá sau chuyến đi.

– Kêu gọi các ban viên bước vào sự hầu việc Chúa.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

@ Tham khảo chữ điện tín.

* CHỮ ĐIỆN TÍN.

 = AA               Dấu sắc (/ ) = S;            Dấu huyền (\) = F

Ă = AW              Dấu ngã (~) = X;           Dấu hỏi (?) = R

Ô = OO               Dấu nặng (.) = J

* Ví dụ: TIN CẬY VÂNG LỜI

è TIN CAAYJ  VAANG  LOWIF

* Lưu ý: Các dấu viết sau cùng

 

Ơ = OW    

Ê = EE       

Ư = UW = W

Đ = DD     

ƯƠ = UOW

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trước khi làm sứ đồ của Chúa Giê-xu, Phao-lô vốn là người có địa vị cao trọng trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, là người thuộc gia đình danh giá, có học thức, có uy thế trong giáo quyền Giu-đa và bắt bớ Hội Thánh Đấng Christ. Nhưng khi được Chúa biến cải, Phao-lô đã trở thành người hầu việc cách khiêm nhường, xưng mình là đầy tớ của Chúa, chịu đánh đập, sỉ nhục vì cớ danh Ngài. Dầu vậy, đối với Phao-lô đây là điều vinh hạnh vô cùng.

Tại sao sự hầu việc Chúa là một đặc ân đối với Cơ Đốc nhân?

  1. PHƯỚC HẠNH TRONG SỰ HẦU VIỆC CHÚA.

Với Cơ Đốc nhân, người thực tâm yêu Chúa, thì hầu việc Ngài là một đặc ân chớ không phải là một gánh nặng vì những lý do sau đây:

  1. 1. Đấng chúng ta hầu việc là Đức Chúa Trời.

Ngài được xưng trong những danh hiệu khác nhau như: Đấng Tự Hữu và Hằng hữu, Đấng trước hết và sau cùng, Đấng trung tín và chân thật, Đấng sống, Đấng cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ, Đấng chủ tể vũ trụ, là Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa, Đấng cầm quyền cao cả khiến mọi đầu gối trên trời dưới đất đều phải quì xuống (Xuất 3:14; Đa-ni-ên 2:47; Phi-líp 2:10-11; Khải huyền 1:17; 19:16). Qua các danh xưng nầy, chúng ta nhận biết Đấng mình đang hầu việc vĩ đại biết bao. Cho nên, được làm con Vua của vũ trụ và hầu việc Ngài là một vinh dự cho chúng ta, vốn là tội nhân đáng chết mất trong hỏa ngục đời đời.

  1. 2. Giá trị của công việc.

Có nhiều công việc, nhưng đại khái có thể kể đến hai thứ công việc có giá trị khác nhau. Đó là việc đời, tức là việc làm theo bởi sự mê tham của mắt và lòng kiêu ngạo. Những công việc nầy rồi sẽ qua đi như luồng gió và hư không trước mặt Đức Chúa Trời. Thứ hai là việc của Chúa, tức là những việc chúng ta làm theo ý muốn Chúa và cho danh Ngài thì sẽ còn giá trị mãi mãi trong cõi đời đời. Như thế, được làm công việc Chúa là điều quí báu và phước hạnh cho chúng ta biết bao (Truyền đạo 1:2-3).

  1. 3. Được lựa chọn để làm công việc Chúa sắm sẵn.

:Thật là phước hạnh biết bao khi nghĩ đến chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời dành cho đời sống chúng ta, vốn là kẻ không đáng chi. Chúa đoái thương cứu chuộc chúng ta bởi huyết Ngài, làm cho nên thánh để làm việc lành mà Ngài đã dành sẵn cho chúng ta từ trước buổi sáng thế (Giăng 15:14-17; Ê-phê-sô 1:4; 2:1-10).

  1. 4. Được đồng công với Chúa.

Người hầu việc Chúa có mối thông công mật thiết với Ngài, không như người đầy tớ không biết việc của chủ, nhưng được trở thành người bạn đồng công với Chúa trong công việc Ngài (Giăng 15:13-14; 1Cô-rinh-tô 3:9).

  1. 5. Được dự phần trong sự thương khó với Chúa.

Khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa, chúng ta được vinh hạnh dự phần trong sự thương khó của Ngài. Trong mối thông công sâu nhiệm nầy, chúng ta có được niềm vui thỏa trong sự phục vụ Chúa và tha nhân (Công vụ 5:41; 2Cô-rinh-tô 4:10-12,15; Phi-líp 3:7-11).

  1. 6. Được gọi vào chức tế lễ nhà Vua.

 Để hầu việc Đấng đã cứu chuộc chúng ta khỏi nơi tối tăm bởi ơn thương xót của Ngài (1Phi-e-rơ 2:9-10).

  1. 7. Được phần thưởng.

Hầu việc Chúa là sự đáp ứng của người được cứu chuộc. Tuy nhiên, người làm công việc Chúa và chịu khổ vì danh Ngài sẽ được phần thưởng trong nước Chúa, theo như lời hứa của Ngài (Ma-thi-ơ 5:11,12; 19:27-29). Được phục vụ Đấng chúng ta yêu, được niềm vui trong sự dâng hiến, được sống vì Chúa và người khác chính là phần thưởng quí báu cho chúng ta. Như điều Michaels nói: “Trong khi yêu chớ không phải là được yêu, trái tim tìm được đáp lời. Trong khi cho chớ không phải là được cho, đời ta trở nên tuyệt diệu”. Nhìn thấy phước hạnh trong sự hầu việc Chúa, Đa-vít ước ao: “Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ” (Thi thiên 84:10).

  1. LỜI KÊU GỌI HẦU VIỆC.

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời từng gọi Áp-ra-ham, Gióp, Môi-se, Sa-mu-ên, Đa-ni-ên là tôi tớ Ngài (Xuất 32:13; Giô-suê 1:2; 1Sa-mu-ên 3:9-10; Gióp 42:7-8; Thi thiên 78:70; Đa-ni-ên 9:17). Chữ “tôi tớ” trong thời Cựu ước chỉ về người được mua để giúp việc nhà. Theo luật Môi-se, chủ phải phóng thích đầy tớ trong năm Sa-bát. Tuy nhiên có những đầy tớ vì yêu chủ, tình nguyện ở lại suốt đời hầu việc chủ. Hạng tôi tớ nầy được kể là người tôi trung tín, thân cận với chủ, được chủ lập làm quản gia, và cũng có thể kế nghiệp chủ (Sáng 15:2-3).

Theo ý nghĩa nầy, người làm tôi tớ Chúa là một đặc ân lớn. Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời lập giao ước ban cho đất đai và dòng dõi; Môi-se được đối mặt cùng Đức Chúa Trời; Đa-vít được lời hứa về Đấng Mê-si ra đời từ dòng dõi vua (Sáng 12:1-3; Phục truyền 34:10-12; 2Sa-mu-ên 7:12-21; Thi thiên 25:14). Thật vậy, hầu việc Chúa là điều phước hạnh vô cùng, như trong thơ của Joseph Addison mô tả:

“Lạy Chúa, người làm tôi Chúa phước thay:

Nơi trú thân họ chẳng lay;

Chúa đem linh tài, linh trí đỡ nâng,

Dắt dìu tôi tớ vững chân”.

Chúa gọi chúng ta là tôi tớ và Ngài cũng muốn chúng ta xưng mình là tôi tớ Ngài, như trong lời xưng nhận của bà Ma-ri và sứ đồ Phao-lô. Sự xưng nhận như thế tỏ rằng chúng ta chẳng xứng đáng được Chúa dùng, và công việc Chúa gọi làm cao trọng vô cùng. Nếu chúng ta ý thức được hai điều nầy, thì hầu việc Chúa là một đặc ân cho chính mình vậy. Và chúng ta có thể sẵn sàng đặt mình trong bàn tay của Chúa, cho công việc Ngài, nói như bà Ma-ri: “Tôi đây là tôi tớ Chúa, xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền” (Lu-ca 1:38).

Tóm lại, chúng ta ghi nhận điểm nầy: Khi người nhìn biết sự hầu việc Chúa là đặc ân, chắc cũng sẵn sàng làm tôi tớ trung thành của Chúa.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Đấng chúng ta hầu việc là ai? (Xuất 3:14; Ê-sai 48:12-13; Đa-ni-ên 2:47; 6:26-27; Phi-líp 2:10-11; Khải huyền 1:17; 19:16).
  3. Hãy so sánh công việc Chúa với công việc của đời (Truyền đạo 1:2-3; Ê-phê-sô 2:10; 1Giăng 2:17).
  4. Tại sao hầu việc Chúa là một vinh hạnh? (Giăng 15:14-17; Ê-phê-sô 1:4; 2:1-10; 1Cô-rinh-tô 3:9; Công vụ 5:41; 2Cô-rinh-tô 4:10-12,15; Phi-líp 3:7-11; 1Phi-e-rơ 2:9-10; Ma-thi-ơ 5:11-12; 19:27-29).
  5. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời từng gọi ai là tôi tớ Ngài? Chữ “tôi tớ” có nghĩa gì? Tại sao làm tôi tớ Chúa là một đặc ân?
  6. Trước công việc Chúa gọi, bà Ma-ri và sứ đồ Phao-lô xưng mình là ai? Tại sao? (Lu-ca 1:38,46-55; Rô-ma 1:1; 1Côr 15:9-10).
  7. Hãy nêu ra những lý do bày tỏ hầu việc Chúa là một đặc ân.
  8. Sự hầu việc Chúa đối với bạn là một niềm vui, một vinh hạnh hay là một gánh nặng?

 

Chúa nhật 16.02.2020.

  1. Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA VÌ YÊU CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:1-15; Lu-ca 7:36-49.
  3. Câu gốc: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy” (1Giăng 3:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng 37-40.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm:

            Đề tài 1: Hầu việc Chúa vì bổn phận.

            Đề tài 2: Hầu việc Chúa vì yêu mến Ngài.

  1. Mỗi nhóm họp lại đề cử hai người thay mặt nhóm để thảo luận và đưa ra những ý kiến, có thể đưa ra những điều mà tín hữu ngày nay hay mắc phải đó là hầu việc Chúa trong sự hờ hững, không hết lòng, không thấy được mục tiêu… để giúp cho việc thảo luận của nhóm có sức thuyết phục cao.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, có kinh nghiệm trong đời sống theo Chúa để đúc kết giờ thảo luận, vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và nguy hại cho Hội Thánh.
  3. Giờ thảo luận:
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện của hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố qui luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình nhưng không tranh cãi (tìm mọi cách để hạ đối phương và chiếm phần thắng cho mình). Thời gian: 20 phút. Sau đó, nhóm viên của hai nhóm có quyền tham gia thảo luận trong 10 phút.
  6. Đúc kết (10 phút): Người chịu trách nhiệm đúc kết sẽ dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trong thời Cựu ước, khi chế độ nô lệ vẫn còn, theo luật Môi-se, dân Do Thái vào năm Sa-bát tức năm thứ bảy, phải phóng thích các đầy tớ trong nhà. Tuy nhiên, cũng có những đầy tớ từ chối sự phóng thích vì yêu thương chủ. Trong sự hầu việc, thật không có hình ảnh nào đẹp cho bằng hầu việc vì tình yêu thương. Yêu mến và hầu việc thường đi đôi với nhau. Cho nên điểm quan trọng của Cơ Đốc nhân là đối tượng của tình yêu. Dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa thất bại trong sự hầu việc Đức Giê-hô-va vì cớ họ yêu thần tượng thay vì yêu Chúa. Vì vậy trong sự phục vụ của Cơ Đốc nhân hôm nay, chúng ta cần nhận thức rõ đối tượng mình yêu, thấu hiểu tường tận lý do vì sao chúng ta yêu Chúa để có thể dâng hiến cả cuộc đời cho Ngài.

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỐI VỚI THẾ GIAN.

Thật không có gì cảm động hơn khi nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Không có gì rung động lòng chúng ta hơn khi nhìn thấy tình yêu thương Ngài thể hiện giữa thế nhân. Nhìn qua cảnh vật thiên nhiên, suy gẫm các công việc của Đức Chúa Trời, sự chăm sóc và bảo tồn muôn vật của Ngài, người ta có thể nhìn biết Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Yêu Thương. Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu rõ tình yêu thương của Ngài nếu không nhờ sự tỏ bày của Thánh Kinh. Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời khải thị tình yêu thương của Ngài cho thế gian.

Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên trong nhiều khía cạnh:

  1. Người cha: Ngài là Đấng tạo dựng Y-sơ-ra-ên, lựa chọn họ làm con dân Ngài. Ngài lấy quyền năng lớn giải cứu dân sự khỏi ách nô lệ Ai-cập và bảo vệ họ khỏi tay kẻ thù nghịch, sửa phạt họ như cha sửa dạy con trai yêu dấu mình (Ô-sê 11:1,4; Xuất 19:3-6; Ê-sai 42:1-6).
  2. Người mẹ: Tình thương Chúa cũng được diễn tả trong hình ảnh của người mẹ. Người mẹ bồng ẵm, chăm sóc con trai mình thể nào, Đức Chúa Trời cũng bồng ẵm dân sự trong lòng Ngài, yêu thương chăm sóc chẳng thôi. Cho dù người mẹ có thể quên cho con mình bú, nhưng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ quên dân sự Ngài. Trong tình thương nầy dân sự được che chở và an ninh biết bao. “Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, Ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi” (Ê-sai 46:3-4; 49:14-16).
  3. Người chồng: Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên vừa mạnh mẽ thâm thúy của người cha, vừa âu yếm dịu dàng của người mẹ và cũng khắng khít nồng thắm của người chồng. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời từng gọi Y-sơ-ra-ên là con trai của Ngài, và cũng gọi họ là vợ để bày tỏ tình yêu thương thắm thiết của Ngài đối với họ: “Ta sẽ cưới ngươi cho Ta đời đời; Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót” (Ô-sê 2:19).

Qua những khía cạnh trên, chúng ta tìm thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời có những đặc điểm sau đây:

(1) Bất biến: Ngài yêu thương dân Y-sơ-ra-ên với tình yêu đời đời; cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của họ được gói trọn trong tình yêu thương bất diệt của Ngài (Giê-rê-mi 31:3).

(2) Chung thủy: Cho dù dân Y-sơ-ra-ên lìa bỏ Đức Giê-hô-va như người vợ ngoại tình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn mãi mãi yêu thương họ: “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ Ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của Ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi phán vậy” (Ê-sai 54:10).

Trong thời Tân ước, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được thể hiện cách đầy trọn trong Chúa Giê-xu Christ qua sự giáng thế và xả thân chuộc tội của Ngài. Có thể nói sự đổ huyết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đã diễn tả trọn vẹn ý nghĩa Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương. Vì vậy sứ đồ Giăng, người chứng kiến sự chết của Chúa, đã chỉ cho thế nhân thấy rõ tuyệt điểm tình yêu thương của Đức Chúa Trời: “Nầy, sự yêu thương ở tại đây: Ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (1Giăng 4:10).

Qua sự khải thị của Đức Chúa Trời từ thời Cựu ước đến Tân ước, chúng ta học biết tình yêu thương của Ngài trong những điểm quan trọng sau đây:

(1) Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương: Không phải Đức Chúa Trời có bản tánh yêu thương mà Ngài là sự yêu thương. Vì cớ Chúa hằng hữu nên tình yêu thương Ngài cũng bất biến và cứ mãi tuôn tràn chẳng hề dứt. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời sâu rộng và cao cả vượt hẳn mọi tình yêu của nhân thế, là tình yêu giới hạn và có điều kiện. Tình yêu của Đức Chúa Trời đối thế gian là tình yêu mặc dầu. Trong tình yêu nầy, Đức Chúa Trời yêu thương loài người hư mất đến nỗi hy sinh chính mạng sống Con Một của Ngài. Thật không có gì rung động lòng chúng ta bằng khi suy nghĩ đến điều nầy: Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta đáng được yêu, nhưng vì chúng ta là kẻ đáng chết mất trong tội lỗi.

(2) Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là tình yêu sống động: Tình yêu thương của Chúa không trừu tượng, không lý thuyết suông, nhưng được bày tỏ cách cụ thể trong sự sai Con Ngài xuống thế gian tìm và cứu kẻ bị hư mất (Lu 19:10). Sự hóa thân của Chúa Giê-xu ở giữa loài người là một bày tỏ thật linh động, thật sáng chói, chỉ cho thế nhân thấy được Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương.

  1. SỰ ĐÁP ỨNG CỦA CHÚNG TA.

Tình yêu tuyệt vời của Chúa đòi hỏi sự đáp ứng của người được yêu: “Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (1Giăng 4:19). Từ tình yêu một chiều trở thành tình yêu hai chiều. Trong tình yêu nầy chúng ta nhận thấy mối liên quan giữa yêu Chúa và hầu việc Ngài; có nghĩa yêu Chúa là sống cho Chúa. Trong sự rửa chân cho môn đồ, Chúa Giê-xu dạy họ những nguyên tắc của sự đáp ứng tình yêu: Vì Chúa yêu thương hạ mình hầu việc môn đồ thể nào, họ cũng hãy yêu thương và hầu việc lẫn nhau thể ấy; vì Chúa yêu thương bỏ mạng sống thế nào, họ cũng hãy yêu thương như Chúa đã yêu và bỏ mạng sống vì anh em mình (Giăng 13:1-15; 1Giăng 3:16). Vì những lẽ nầy, chúng ta nhận thấy:

  1. Nếu yêu Chúa mà không có sự đáp ứng bằng đời sống hầu việc như Ngài thì chưa phải là người thực sự yêu Chúa.
  2. Mức độ hầu việc Chúa tùy ở mức độ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta. Như người đờn bà kia vì cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa quá lớn lao đối với tội lỗi của mình nên không ngại lấy tóc lau chân Chúa để bày tỏ lòng biết ơn Ngài. Điều nầy khiến người Pha-ri-si thắc mắc khó hiểu, nhưng Chúa Giê-xu giải nghĩa lý do: “Tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít” (Lu-ca 7:47). Cũng vậy, Phao-lô tự thú rằng trong những kẻ có tội ông là người đứng đầu; vì cảm nhận sâu xa tình yêu thương tha thứ của Đức Chúa Trời, Phao-lô đã đem cả cuộc đời để hầu việc Đấng đã yêu ông và phó chính mình vì ông (Ga-la-ti 2:20).

Bài học này giúp Cơ Đốc nhân ý thức ba điều quan trọng: Bổn phận của người làm con dân Chúa, lòng biết ơn Chúa, và sự đáp ứng tình yêu để tiến đến đời sống phục vụ Chúa. Không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bằng hầu việc vì yêu Chúa. Vì bổn phận có thể bị xao lãng, lòng biết ơn có thể bị mỏi mòn, nhưng với lòng yêu thương chúng ta không bỏ cuộc trong sự hầu việc. Hầu việc Chúa vì bổn phận, vì thọ ơn Chúa vẫn chưa đủ, chúng ta cần tiến đến sự hầu việc Chúa vì yêu Ngài. Xưa nay thập tự giá Chúa vẫn có sức mạnh thu hút nhiều cuộc đời dấn bước theo Ngài, như trong sự đáp ứng của Isaac, ông viết:

“Dầu rằng tôi có toàn cả thế giới,

Đem dâng cho Chúa vẫn hèn mọn thay!

Kỳ diệu thay ái tình Chúa thắm tươi,

Xui tôi vui dâng hồn thân, cả rày”.

Còn chúng ta thì sao?

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Tìm hiểu tình yêu của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên (xem Xuất 19:3-6; Ê-sai 42:1-6; 46:3-4; 49:15-17; 54:4-10; 63:8-9,16; Giê-rê-mi 31:3; Ô-sê 11:4).
  3. Tìm hiểu tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với thế gian hư mất (Lu-ca 19:10; Giăng 3:16; 10:11; Rô-ma 5:6-8; Ê-phê-sô 2:1-7; 5:25; 1Giăng 4:9-10).
  4. Tìm hiểu bản tánh của Đức Chúa Trời, cũng như đặc tánh và mức độ tình yêu thương Ngài đối với loài người (Giăng 10:11; 13:1; 15:9,13; 1Giăng 4:16).
  5. Từ sự nhận biết tình yêu thương của Chúa, chúng ta nên có đáp ứng nào? Tại sao? (1Giăng 4:11,19; Giăng 13:1-15).
  6. Xin đọc Lu-ca 7:36-49; Phục truyền 6:5; 10:12; 11:13; 13:4.
  7. Tìm hiểu mối liên hệ cần thiết giữa sự yêu Chúa và hầu việc Ngài.
  8. So sánh với hai nguyên nhân hầu việc vì bổn phận và vì biết ơn.
  9. Đáp lại tình yêu thương của Chúa, sứ đồ Phao-lô có đời sống hầu việc thể nào? Và cho chúng ta gương sáng gì? (2Cô-rinh-tô 5:14-15; Ga-la-ti 2:20).
  10. a. Bạn đang yêu ai và hầu việc cho ai?
  11. Đối với tình yêu lớn của Chúa, bạn đáp ứng lại với mức độ nào?

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply