Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 19.01.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 19.01.2020

By Lee Vi in Thanh niên on 13 Tháng Một, 2020

Chúa nhật 19.01.2020

  1. Đề tài: THANH NIÊN VỚI VẤN ĐỀ TRANG SỨC.
  2. Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 3:3-4; 1Ti-mô-thê 2:9; 4:7-8; 1Sa-mu-ên 16:7; Châm Ngôn 11:22; 31:30.
  3. Câu gốc: “…Hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 3:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 17-22.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm chịu trách nhiệm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm nầy sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi có nhiều tiền, người ta thường đầu tư vào nhà cửa, xe cộ, thức ăn, vật dụng và phục sức (y phục và trang sức). Điều đó cho thấy trong cuộc sống, con người thường chú trọng đến bộ diện bên ngoài. Người ta thường có xu hướng bị thu hút theo lối sống xa hoa, lộng lẫy, yêu chuộng những gì đẹp đẽ hào nhoáng tạm thời. Và nhất là trong việc trang sức, trau dồi sắc đẹp thân mình theo nhiều kiểu cách của thời trang.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta có quan niệm gì về sắc đẹp? Và có thái độ thế nào đối với sự trang sức?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA TRANG SỨC.
  3. Trang sức có nghĩa gì?

Trong tiếng Hy-lạp, trang sức là kosmeò. Động từ này có hai nghĩa: (1) Tô điểm với điều danh dự, quý trọng. Như Pha-ra-ôn đã trang sức cho Giô-sép với vòng vàng và nhẫn vàng khi lập ông làm tể tướng của triều đình Ai-cập (Sáng 41:42). (2) Thêm vào cái sẵn có để làm cho đẹp hơn. Ví dụ: Chiếc áo trơn đã đẹp nhưng được thêu thùa, vẽ vời với màu sắc hấp dẫn sẽ đẹp hơn.

Dựa theo hai ý trên, trang sức nói chung chỉ về sự tô điểm, thêu vẽ hoặc dùng vật sẵn có trong thiên nhiên, hay bằng mỹ phẩm, bửu kim trang điểm làm cho bộ diện bên ngoài tăng thêm sắc màu tươi thắm, đẹp đẽ, lộng lẫy, sang trọng. Vì vậy, sự trang sức luôn đi đôi với đồ trang sức. Đồ trang sức nói chung gồm có những đồ mà thân thể con người có thể mặc và mang vào, để tô điểm cho vẻ đẹp bên ngoài.

Từ thời đại đồ đá, đã có những dấu vết của đồ trang sức thô sơ bằng đá, hay lông chim. Lần lần với sự khám phá các thứ ngọc, các kim loại quý và sự phát triển của ngành tiểu công nghệ, đồ trang sức cũng được thấy trong nhiều sắc thái khác nhau. Từ thời cổ, trong các đền đài Ai Cập có trưng bày những mô hình các phu nhân quý phái giàu có trang sức bằng bộ áo choàng thêu thùa sặc sỡ, với các nữ trang quý giá bằng vàng, bằng ngọc quý như bông tai, nhẫn, dây chuyền, kiềng cổ, khoen mũi, vòng tay, vòng mắt cá… Những trang sức này cũng thấy trong người nữ Do Thái thời xưa, là dân tộc đã có một quá khứ trên 400 năm sống tại Ai-cập. Phụ nữ cũng đã biết dùng mực kẻ mắt làm đẹp, xức dầu thơm… Bông tai, nhẫn, dây chuyền, vòng tay cũng là đồ trang sức của đàn ông xưa. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nghệ thuật trang sức cũng phát triển, đã tung ra thị trường đủ thứ đồ trang sức, thay đổi theo thời trang. Đặc biệt mỹ phẩm còn giúp con người trong sự trau dồi làn da, nét mắt. Đồng thời khoa giải phẩu thẩm mỹ không thôi hứa hẹn với khách hàng một “bộ dạng mới” tươi trẻ, đẹp đẽ, vô cùng hấp dẫn!

  1. Trang sức nhằm mục đích gì?

Thích làm đẹp, thích phô trương vẻ đẹp, vẻ sang trọng của mình là tâm lý chung của con người xưa và nay. Có thể nói đó là những lý do của sự trang sức. Với những lý do này, thì mục đích của sự trang sức là để làm đẹp, làm cho mình sáng chói (Giê 4:30; Ê-xê 7:20). Tuy nhiên, theo ý nghĩa của chữ trang sức như đã nói, thì sự trang sức nhằm mục đích là tô đậm, làm tăng nét đẹp sẵn có. Đức Chúa Trời dựng nên con người thật tốt đẹp. Sự trang điểm làm cho thân thể thêm xinh đẹp, làm vinh danh Đấng Tạo Hóa là điều tốt lành. Nhưng nếu xem sự trang điểm như là cứu cánh cho sắc đẹp, để làm thỏa thích tính khoe khoang tự đắc của mình là điều sai, không đúng với mục đích của sự trang sức theo ý nghĩa của nó.

  1. LẼ CẦN THIẾT CỦA SỰ TRANG SỨC BÊN TRONG.
  2. Vì Đức Chúa Trời nhìn thấy lòng người (1Sa-mu-ên 16:7).

Hình dáng, dung nhan bên ngoài là điều loài người thường chú trọng, nhưng Đức Chúa Trời nhìn xem con người trước nhất là ở tấm lòng. Vì vậy sự trang sức bên trong phải là điều quan trọng hơn hết.

  1. Vì Đức Chúa Trời ban phước cho người khiêm nhường.

Với sự chuyên chú trau chuốt sắc đẹp bên ngoài như “gióc tóc, đeo đồ vàng, diện áo quần…” rất có thể đưa người ta đến chỗ tự đắc, khoe khoang, kiêu ngạo. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời từng cảnh cáo người nữ Y-sơ-ra-ên về sự khoe mình trong trang sức của họ. Ngài chắc sẽ cất đi sắc đẹp mà họ đã tự hào (Ê-sai 3:18-24). Nhưng sự trau dồi sắc đẹp bên trong bằng những đức tính như tinh sạch, tâm thần dịu dàng im lặng, sẽ đưa chúng ta đến chỗ khiêm nhu và được Chúa ban phước. Vì “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6).

  1. Vì sắc đẹp của đức tính bên trong không suy tàn.

Sắc đẹp bề ngoài, dù có lộng lẫy đến đâu rồi cũng sớm phai tàn theo thời gian. Nhưng sắc đẹp bên trong được trang sức với những đức tính là kết quả của bông trái Thánh Linh là điều quý giá, không tàn héo và có giá trị trước mặt Chúa (1Ti-mô-thê 4:7-8,12-13; 1Phi 3:4).

  1. Vì sắc đẹp với những đức tính bên trong làm vững, làm tăng vẻ đẹp bên ngoài.

Nếu có sắc đẹp bên ngoài mà thiếu đức tính bên trong, thì sắc đẹp ấy chỉ là vô nghĩa. Người Việt chúng ta thường nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Vua Sa-lô-môn cũng nói: “Một người đàn bà đẹp đẽ mà thiếu dẽ dặt, khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo”; “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi” (Châm 11:22; 31:30).

  1. CƠ ĐỐC NHÂN VỚI VẤN ĐỀ TRANG SỨC.
  2. Quan điểm của Cơ đốc nhân với vấn đề trang sức.

Chúng ta suy nghĩ như thế nào trước những câu sau đây:

  1. Sự trang điểm và trang sức là điều hợp lẽ với người Cơ đốc không?

Một điểm chúng ta cần lưu ý là trang sức không có gì sai theo ý nghĩa của nó. Nhưng câu hỏi là trang sức như thế nào là phù hợp? Với mục đích gì?

Lời khuyên dạy trong 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:4 cho Cơ đốc nhân rõ điều quan trọng nhất là sự trang sức bên trong. Như vậy không có nghĩa chúng ta bỏ phế vẻ bề ngoài, để tóc tai bù xù, áo quần luộm thuộm, thân thể dơ dáy. Mỗi người sinh ra với vẻ đẹp riêng Chúa cho. Mỗi người có trách nhiệm chăm sóc bản thân mình, làm tăng vẻ đẹp sẵn có. Tuy nhiên, việc trang sức chỉ là điều thứ yếu mà thôi. Vì vậy, với người lớn, nhất là trong lứa tuổi thanh niên, sự trang điểm nhẹ nhàng cho nét mặt thêm tươi tắn thì không có gì là sai cả. Nhưng nếu để hàng giờ cho việc chưng diện, làm mất vẻ đẹp tự nhiên là điều không nên. Một ý nghĩ sai lầm là nghĩ rằng người ta đẹp nhờ son phấn. Nhất là tuổi trẻ, tuổi thích làm đẹp, nếu sớm dùng son phấn, thì không làm tăng vẻ đẹp, trái lại, làm mất đi làn da hồng hào tươi đẹp hồn nhiên của tuổi trẻ, thật là đáng tiếc! Nên nhớ, các thứ mỹ phẩm có chứa hóa chất, dùng son phấn nhiều quá sẽ có hại cho da mặt. Trang điểm quá đậm sẽ trông già hơn.

Tóm lại, trang sức là quyền tự do của mỗi cá nhân. Sự trang sức như đeo vòng vàng, trang điểm… chẳng có gì là sai. Tuy nhiên đeo nữ trang quý cốt để loè thiên hạ là điều nên tránh. Vả lại, việc đeo nữ trang đắt tiền đối với tệ nạn xã hội ngày nay có thể là điều nguy hại cho chính thân mình. Như vậy, các bạn cần biết trang sức tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, để không gây cớ vấp phạm cho anh em mình, và trông mình thanh lịch hơn.

  1. Sửa sắc đẹp có gì là sai không?

Ngày nay khoa thẩm mỹ rất thành công trong các cuộc giải phẫu sửa chữa các bộ phận trên thân thể của con người. Thật là hữu ích cho những người chẳng may bị tật như sứt môi, lé mắt… Tuy nhiên, trong tình trạng bình thường, thì việc sửa sắc đẹp có nên không?

Để tìm câu giải đáp, bạn hãy thành thật tự trả lời những câu hỏi sau đây: Sự sửa chữa này có cần thiết lắm không? Với mục đích gì? Động lực nào thúc đẩy tôi vào thẩm mỹ viện? Nếu cách trả lời của bạn thích hợp với tinh thần của người tin kính Chúa, thì đó là điều bạn nên làm. Còn không, bạn cần xét lại kẻo bị chứng bệnh “Nghiện giải phẫu!” (đọc bài “Nô lệ của lưỡi dao” cuối bài).

  1. Xỏ tai, xăm mình xứng hợp với Cơ đốc nhân không?

Thời xưa, bông tai là đồ trang sức cho cả phái nam và nữ ở các xứ phương đông và dân Do Thái cũng có tập tục đó (Xuất 32:2) Kinh Thánh không cấm đoán dân sự của Chúa. Mặc dầu bông tai được xem như là một thứ trang sức hiện nay, nhưng thật ra bông tai bắt nguồn từ bối cảnh của các dân tộc đa thần giáo. Bông tai được xem như thứ thần hộ mệnh (Sáng 35:4). Theo thời gian, văn hóa, tập tục xã hội cũng thay đổi, nhất là trong các xứ phương tây, bông tai được xem là một thứ trang sức dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay “phong trào” nam giới đeo bông tai lại dấy lên! Trong số người xỏ tai ấy, một phần là đồng tính luyến ái, cũng có người chỉ vì muốn theo mốt sống cho vui, nên lẫn lộn khó phân biệt!

Việc xăm mình đã xuất hiện từ năm 2000 T.C. tại các xứ như Ai-cập, Hy-lạp và trong các bộ lạc trên thế giới. Sự xăm mình có nhiều mục đích khác nhau, hoặc đó là dấu hiệu tà thuật trừ quỉ, hay là dấu hiệu cầu may, hoặc biểu hiện của sự can đảm. Xăm mình được thấy trong thành phần cao cấp, lẫn thành phần bất hảo trong xã hội ngày xưa. Vào thế kỷ 19, tại vài nơi người ta đã dùng dấu xăm để phân biệt các phạm nhân, Hitler cũng dùng nghệ thuật xăm mình cho các tù nhân bị giam giữ trong các trại tập trung. Ngày xưa, người ta xăm mình bằng cách dùng chỉ thấm màu và luồng vào kim chích dưới da để vẽ hình, hoặc cắt da thành sẹo theo hình vẽ. Ngày nay, kỹ thuật mới xăm bằng kim điện. Cách này tiện dụng nhưng rất nguy hiểm vì dụng cụ nhiễm trùng gây bệnh cho người xăm như bệnh AIDS. Hơn nữa chất màu nhuộm da, theo lời cảnh cáo của bác sĩ có thể gây bệnh ung thư da.

Trở lại câu hỏi trên, xỏ tai và xăm mình là vấn đề thuộc quyền tự do cá nhân, thấy dường như không có gì là sai cả. Nhưng theo bối cảnh đã trình bày ở trên, thì câu hỏi là: Xỏ tai, xăm mình có ích lợi gì? Xỏ tai và xăm mình có làm sáng danh Chúa không? Có xứng hợp với người Cơ đốc được kêu gọi “đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa…”“dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh”, để đẹp lòng Đức Chúa Trời không? (Rô-ma 12:1-2). Nên nhớ rằng thân thể chúng ta là đền thờ Đức Thánh Linh ngự trị, cần được giữ vẹn thánh sạch cho danh Ngài (1Côr 6:19-20).

  1. Thái độ của thanh niên Cơ đốc.

Với vấn đề trang sức, trong niềm tin của Cơ đốc nhân, chúng ta hướng về những điều sau đây:

– Tìm kiếm sự trang sức bên trong với sự trau dồi những đức tính như tinh sạch, dịu dàng, im lặng, khiêm nhu.

– Xem sự trang sức bề ngoài là điều thứ yếu. Sự trang sức của thanh niên Cơ đốc dựa trên tiêu chuẩn: Giản dị, thanh nhã, thích hợp, làm vinh danh Chúa…

Tóm lược.

  1. Đối với Cơ đốc nhân, sự trang sức bên ngoài là thứ yếu, còn sự trang sức bên trong với những đức tính tốt đẹp là điều chính yếu.
  2. Sự trang sức bên trong là cần thiết vì những lý do sau đây:

– Đức Chúa Trời nhìn thấy trong lòng.

– Đức Chúa Trời ban phước cho người khiêm nhường.

– Sắc đẹp của các đức tính không phai tàn và có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời.

– Sắc đẹp của đức tính bên trong làm tăng vẻ đẹp bên ngoài.

  1. Những đức tính chúng ta cần trau dồi là sự tinh sạch, dịu dàng, khiêm nhu, yên lặng là điều quý giá chẳng phai tàn trước mặt Chúa.
  2. Sự trang sức bên ngoài của người Cơ đốc cần phải đơn giản, đứng đắn và thích hợp với niềm tin của mình.
  3. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  4. a. Kể một số loại trang sức người ta thường dùng xưa nay (cả nam lẫn nữ).
  5. Xin kể vài lý do tại sao người ta thích trang sức (Ê-sai 61:10; Châm 4:9; Giê 3:40; Ê-xê 7:20).
  6. Theo ý nghĩa trên, xin tìm hiểu mục đích của sự trang sức.
  7. Xin đọc những câu Kinh Thánh và tìm hiểu:
  8. 1Sa-mu-ên 16:7: Trái với cái nhìn của loài người, Đức Chúa Trời chú trọng đến điều nào?
  9. 1Ti-mô-thê 4:7-8,12-13: Sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê trau dồi điều nào hơn? Tại sao?
  10. 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:3-4: Kinh Thánh nói đến hai thứ trang sức nào? Và khuyên người tín hữu nên tìm kiếm, trau dồi những đức tính nào? Tại sao?
  11. Ê-sai 3:18-24: Đức Chúa Trời cảnh cáo dân sự Ngài về điều gì? Tại sao? Như thế sắc đẹp của sự trang sức nhân tạo có phải là sắc đẹp vững bền không?
  12. Châm Ngôn 11:22; 31:30: Đức tính và tấm lòng tin kính Chúa có liên quan thế nào đến sắc đẹp của con người, nhất là người nữ. Như thế giá trị thật của sắc đẹp là gì?
  13. Qua sự ghi nhận trên, xin nêu lên những lý do cắt nghĩa lẽ cần của sự trang sức bên trong.
  14. Theo 1Ti-mô-thê 2:9 và 1Phi-e-rơ 3:3-4 khuyên dạy:
  15. Sự trang điểm, trang sức là điều hợp lẽ không? Xin giải thích.
  16. Đi thẩm mỹ viện sửa sắc đẹp có gì sai không? Xin giải thích.
  17. Sự xỏ tai, xăm mình có gì sai không? Xin giải thích.
  18. Người Cơ đốc tìm thấy tiêu chuẩn nào cho mình đối với sự trang sức? (1Ti-mô-thê 2:9; 1Côr 6:19-20; 10:31; Rô-ma 12:1-2).
  19. Bạn đang tìm kiếm sự trang sức nào? Qua đời sống bạn, vẻ đẹp nào được chiếu sáng nhất? Bạn đang trau dồi đức tính nào cho vẻ đẹp bên trong?

Bài đọc thêm: NÔ LỆ CỦA LƯỠI DAO.

Vào tháng 3 năm 1986, một phụ nữ 33 tuổi ở Los Angeles đến xin một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ sửa mũi cho cô. Ba tháng sau, cô trở lại xin bác sĩ giải phẫu lấy bớt mỡ bụng. Đến tháng thứ mười, cô trở lại một lần nữa xin sửa ngực và qua tháng thứ mười hai lại đến xin sửa mắt. Nhưng lần này, vị bác sĩ đã từ chối và đề nghị cô này đến gặp một bác sĩ phân tâm học.

Cũng khoảng thời gian này, một phụ nữ khoảng 40 tuổi cũng ở Los Angeles đến xin một bác sĩ khác sửa mắt, căng da mặt, sửa mũi và sửa ngực. Sau đó, bà dẫn cô con gái 17 tuổi đến xin sửa mũi. Người con gái không muốn và bác sĩ cũng không thấy có cần sửa mũi. Vị bác sĩ yêu cầu bà này đến gặp một nhà tâm lý.

Các bác sĩ gần đây đã bắt đầu chú ý đến hiện tượng các bà xin giải phẫu thẩm mỹ nhiều lần tại các thành phố lớn như Los Angeles, New York, Miami, Chicago, Dallas… Các bác sĩ gọi đây là một chứng bệnh “nghiện giải phẫu” và liệt vào các chứng bệnh khác như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc lá hay chứng nghiện ăn…

Một bác sĩ giải phẫu danh tiếng tại Los Angeles là Richard Ellenbogen nói rằng sửa sắc đẹp đã trở thành một thứ “ma túy” cho các bà, các cô. Và không phải những người dư tiền bạc mới xin sửa sắc đẹp nhiều lần, mà nhiều người đã vay tiền ngân hàng để sửa sắc đẹp, xem tiền vay như tiền đầu tư, không phải đầu tư vào nhà cửa hay buôn bán, nhưng đầu tư vào sắc đẹp cho chính mình. Bác sĩ Richard Ellenbogen nói rằng, nhiều người tưởng rằng sửa sắc đẹp là có thể làm cho cuộc đời của họ tươi sáng hơn, nhưng đây chỉ là một trong những ảo tưởng tốn tiền nhất!

Bác sĩ Richard cũng nói thêm rằng ngay cả các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm cũng ít khi khám phá ra được chứng bệnh này nơi các thân chủ. Những người này đã chọn lầm bác sĩ, vì họ tưởng rằng sửa sắc đẹp bên ngoài là có thể sửa chữa một chứng bệnh tâm lý nào đó bên trong.

Một bác sĩ khác là bà Susan Chobanian chuyên về sửa mũi tại Beverly Hills cũng nói rằng một số thân chủ của bà đã nài nỉ xin sửa những cái không cần thiết, và có người đã có mũi quá đẹp và thích hợp với gương mặt rồi mà vẫn muốn sửa mũi. Bác sĩ Ronald Lverson, giảng sư về môn giải phẫu thẩm mỹ tại trường đại học Y khoa Stanford nhận định rằng, một người xin sửa sắc đẹp nhiều lần thật ra không có hại cho sức khỏe, nhưng về tâm lý thì rất tai hại. Họ đã trở thành nô lệ của lưỡi dao trong bàn tay của các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ!

Sửa sắc đẹp là một hiện tượng của thời đại chúng ta. Có người muốn sửa chữa cho thân thể đẹp hơn, muốn đến nỗi mắc phải chứng bệnh “nghiện giải phẫu” mà không biết và có khi xin sửa chữa những chỗ không cần thiết.

Mục sư Nguyễn Bá Quang (Trích báo Thông công số 77).

 

 

Post CommentLeave a reply