CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 12.1.2020
By Lee Vi in Thanh niên on 6 Tháng Một, 2020
Chúa nhật 12.01.2020
- Đề tài: VẤN ĐỀ TRANG PHỤC.
- Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 3:7,21; Ma-thi-ơ 6:30-33; 1Phi-e-rơ 3:3.
- Câu gốc: “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt…” (1Phi-e-rơ 3:3).
- Đố Kinh Thánh: . Ma-thi-ơ 12-16.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
- Cho người chia sẻ biết trước đề tài: Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo (nếu cần, đưa cho người chia sẻ phần tài liệu tham khảo dưới đây).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Nhu cầu ăn và mặc là hai nhu cầu cần thiết trong những nhu cầu căn bản của con người. Người ta cần ăn cũng như cần mặc. Đối với thanh niên, vấn đề ăn mặc được các bạn chú ý khá nhiều. Tuy nhiên, khía cạnh được nói đến hôm nay không phải là nhu cầu ăn mặc hằng ngày, nhưng là vấn đề đua đòi trong ăn mặc hay nói cách khác là “chạy theo thời trang”. Nhiều thanh niên đã bỏ một số quần áo không phải vì nó cũ hoặc rách, nhưng là vì “bị lỗi thời”, không còn đúng “mốt” nữa!
Thật ra, trong cuộc sống, chúng ta thấy thời trang thay đổi rất nhanh theo mùa và theo năm. Có những kiểu đẹp lịch sự nhưng cũng có những mốt rất kỳ quặc. Vì vậy, thanh niên Cơ đốc nên hiểu thế nào cho đúng về trang phục và có thái độ đúng về trang phục.
- DẪN GIẢI.
- CÁCH ĂN MẶC, Y PHỤC VÀ THỜI TRANG.
Trước tiên, chúng ta trả lời câu hỏi nầy, “Thời trang có phải là cứu cánh trong cách ăn mặc không?”
Nhìn chung, y phục là đồ mặc, thời trang là kiểu của đồ mặc. Y phục không thay đổi, nhưng thời trang thay đổi. Người ta cần đồ mặc để che thân. Tuy nhiên trong sự che thân, mặc thế nào cho đúng cách, đúng kiểu cũng là điều không kém quan trọng. Vì vậy khi nói đến cách ăn mặc, chúng ta không thể không nói đến thời trang.
Ở những xứ có khí hậu ôn hòa, đồ mặc thường thay đổi theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vì thế thời trang cũng theo đó mà thay đổi không ngừng. Sự thay đổi này có thể vì nhiều lý do:
- Nhu cầu thay đổi trang phục của mọi người để phù hợp với thời tiết.
- Đáp ứng nhu cầu tâm lý của khách hàng, muốn có sự thay đổi, muốn có đồ mới, kiểu đẹp…
- Sự thịnh lợi trong việc kinh doanh buôn bán và nghề nghiệp…
Đáp ứng nhu cầu muốn thay đổi của người sử dụng, thị trường không ngừng tung ra các kiểu thời trang mới đẹp, hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, ngành thương mại giới thiệu sản phẩm là để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hay là khai thác lòng ham muốn của người tiêu dùng để trục lợi? Đây là câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ để không bị lôi cuốn chạy theo thời trang, hoặc trở thành “nạn nhân” của thời trang. Đồ mặc có nhiều kiểu đẹp là điều tốt, nhưng vấn đề là kiểu của thời trang ấy như thế nào?
Trong mỗi kiểu y phục, người thiết kế đều có một mục đích nào đó. Mỗi người có quan niệm về cái đẹp khác nhau, nhưng không phải tất cả đều đúng! Coi chừng những kiểu áo quần “kỳ dị” đến từ khối óc sáng tạo “bệnh hoạn!” Nên biết rằng mỗi kiểu y phục có thể phản ảnh ý muốn, cảm nghĩ, nếp sống luân lý tốt lành hay bại hoại của con người trong thời ấy.
Khi con người bị vật chất hóa thì cũng sẽ đặt nặng vấn đề ăn gì, mặc gì? Nhưng đây không phải là “cứu cánh” của người Cơ đốc trong cuộc sống. Chúa Giê-xu nói rằng, điều quan trọng nhất là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài (Ma-thi-ơ 6:30-33). Vì thế, ở giữa thế gian, là con cái của sự sáng, người Cơ đốc cần có sự sáng suốt trong cách ăn mặc. Đừng để thời trang lôi cuốn mình, hoặc chạy theo thời trang, nhưng ăn mặc với sự cẩn thận lựa chọn thời trang cách xứng hiệp với nếp sống đạo của người tin kính Chúa.
- TIÊU CHUẨN TRONG CÁCH TRANG PHỤC.
– Thế nào là trang phục xứng hiệp với người Cơ đốc?
Có hai loại y phục nói chung, đó là y phục cổ truyền và y phục phổ thông. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có cách ăn mặc riêng theo phong tục, văn hóa của mình. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều quốc gia trên thế giới, phần lớn dân chúng ăn mặc theo âu phục để thích nghi với cuộc sống. Người ta có thể mặc: (1) Thường phục, tức là đồ mặc bình thường. (2) Nghi phục, tức là đồ mặc theo nghi thức, có tính cách trang nghiêm, lễ hội.
Tuy nhiên, theo lời khuyên của Kinh Thánh, cách ăn mặc của người Cơ đốc cần dựa trên những nguyên tắc sau đây:
- Kín đáo, đứng đắn: Chữ “kín đáo” ở đây không nghĩa là che kín cả người từ đầu đến chân như y phục của người nữ Đông Phương ngày xưa, nhưng nói về những y phục không hở hang, khêu gợi tình dục. Đây là điểm người phụ nữ tin kính Chúa nên lưu ý, nhất là trong các nơi công cộng. Tại sao? Theo sự phán dạy của Chúa Giê-xu, chúng ta biết rõ rằng nếu người nam nhìn vào người nữ mà động lòng tham muốn thì đã phạm tội tà dâm rồi! (Ma-thi-ơ 5:27-29). Vì vậy, nếu cách ăn mặc khêu gợi lòng ham muốn của người khác giới cũng là “dự phần” phạm tội rồi!
Trong khi một số họa sĩ quan niệm cái đẹp phô bày thân thể con người, và thời trang cũng tô điểm con người theo chiều hướng ấy, thì sự kín đáo trong cách ăn mặc có phải là lỗi thời không? Nên nhớ rằng con người cảm thấy nhu cầu mặc từ khi phạm tội, từ khi loài người đánh mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Sáng 3:10-1; Rô-ma 3:23). Như vậy, đồ mặc trước hết là để che đậy sự lõa lồ của thân thể. Sự kín đáo trong cách ăn mặc là điều cần vì hai lý do:
(1) Để không bị hổ thẹn trước người khác, để tỏ ra sự tôn trọng người khác. Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn Môi-se về cách trang phục của thầy tế lễ là phải kín đáo khi hầu việc Ngài trong đền thờ (Xuất 28:4,40-43).
(2) Để gìn giữ giá trị cá nhân. Biết rằng tình dục là tốt lành, vì do Đức Chúa Trời dựng nên. Nhưng sau khi phạm tội, tình dục thường bị con người lạm dụng cho sự ham muốn của xác thịt, đó là điều tội lỗi, đáng hổ thẹn. Chỉ có tình dục trong hôn nhân là điều không hổ thẹn (Sáng 2:25). Bởi vậy, tình dục là điều thuộc cá nhân, có tính cách riêng tư, cần được giữ trọn vẹn, cho nên sự phơi bày những gì riêng tư của thân mình để “khoe”, để “mua vui” cho mọi người là điều tự làm giảm giá trị của bản thân. Coi chừng cách ăn mặc khêu gợi của chúng ta trong các buổi tiệc tùng, giao tiếp xã hội bị hiểu là một lời nhắn gởi, mời mọc dễ dãi rẻ tiền! Vì thế, trong cách trang phục, người Cơ đốc không nên bỏ sót điểm quan trọng này.
Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, đẹp không phải ở chỗ khoe thân mình qua cách mặc đồ khêu gợi, nhưng là ở chỗ thể hiện đức tính đoan trang của chúng ta qua cách ăn mặc kín đáo, gọn gàng, sạch sẽ.
- Đơn giản (1Ti-mô-thê 2:9).
Trái với đơn giản là kiểu cách, rườm rà. Đơn giản trong cách ăn mặc không có nghĩa là ăn mặc lôi thôi lếch thếch, nhưng có thể diễn tả nó bằng những chữ sau: Giản dị, bình thường, gọn gàng, phải cách và thích hợp. Ăn mặc giản dị biểu lộ đức tính đơn thuần bên trong của con người.
- Thích hợp, không se sua.
Thích hợp trong cách ăn mặc cũng có thể nói là ăn mặc “vừa phải”. Vừa thích hợp đức tính của Cơ đốc nhân, vừa thích hợp với khả năng, vừa thích nghi với thời trang. Trong 1Phi-e-rơ 3:3 khuyên người phụ nữ Cơ đốc không nên mặc áo quần “lòe loẹt”. Chữ lòe loẹt không có nghĩa là màu mè chói mắt, nhưng chỉ về sự phô trương quần áo đắt giá (1Ti-mô-thê 2:9). Như trong bản diễn ý dịch là diện quần áo. Hãy biết rằng sự se sua áo quần là điều chẳng xứng hiệp với nếp sống đạo khiêm nhu của người Cơ đốc.
- TRIẾT LÝ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN TRONG CÁCH TRANG PHỤC.
- Người Cơ đốc có quan điểm thế nào trong vấn đề ăn mặc?
Ăn và mặc là hai nhu cầu người thế gian thường chú trọng, có thể vì hai lý do sau:
(1) Cuộc sống ngắn ngủi và nhọc nhằn, không có gì sướng hơn là “ăn sung mặc sướng!”
(2) Con người nhìn xem bên ngoài. Mặc dầu người Việt chúng ta có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng có câu: “…mất chúng, mất bạn cũng vì mày áo ơi!”
Như thế, đối với những bạn trẻ, nhu cầu mặc đẹp có phải là điều cần thiết không? Nói chung, nhu cầu mặc đẹp, tươm tất, hợp thời trang không có gì là sai. Tuy nhiên, nếu vấn đề trang phục được đặt lên hàng đầu, và dồn tất cả tiền bạc để chạy theo thời trang mà bỏ qua tấm lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời, và sự trau dồi đức tính bên trong, đó mới là sai và là điều không xứng hiệp với đời sống của Cơ đốc nhân (Ma-thi-ơ 6:25,28-29,30-33; 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:3). Dưới ánh sáng của lời Chúa, chúng ta học biết những điểm sau:
- Mặc gì? Câu hỏi nầy không phải là điều tối quan trọng cho một người Cơ đốc. Đối với người Cơ đốc, chúng ta không phải sống để mặc. Thân thể không phải vì đồ mặc, nhưng vì Chúa. Hơn nữa, người Cơ đốc không nên quá đặt nặng về vấn đề nầy, vì Chúa Giê-xu nói: “Về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó” (Ma-thi-ơ 6:28-29).
- Vẻ đẹp thật của con người không nằm trong áo quần thời trang đắt giá, nhưng ở trong đức tính bên trong. Chúa Giê-xu đã từng ví chiếc áo sang trọng của vua Sa-lô-môn không đẹp bằng hoa huệ dại mọc trong đồng do Chúa tạo nên.
Vì vậy, nét đặc thù của Cơ đốc nhân trong cách trang phục là kín đáo, đơn giản, thích hợp và không se sua. Nghĩa là trang phục bên ngoài của chúng ta phải như thế nào để phản ánh được nếp sống thanh sạch, đơn thuần của con cái sáng láng trong thế gian tối tăm tội lỗi này.
- Vấn đề tự do ăn mặc.
Đồng ý ăn mặc là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, nếu dùng quyền tự do cá nhân để ăn mặc phóng túng theo sự thỏa mãn lòng ham muốn xác thịt là điều cần phải xét lại. Trong 1Cô-rinh-tô 6:12, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích…”. Trong cách ăn mặc, chúng ta cần lưu ý đến hai điểm: Đó là thích hợp và thích nghi. Nghĩa là sự ăn mặc của chúng ta phải thích hợp với từng hoàn cảnh, từng môi trường. Như vậy, không phải vì muốn được thoải mái, chúng ta “tự do” mặc đồ thể thao hoặc quần áo ngắn củn cỡn đi nhà thờ! Mỗi Cơ đốc nhân được khuyến khích trang phục “chỉnh tề” mỗi khi đi thờ phượng Chúa. Biết rằng bộ áo bên ngoài không làm nên người thờ phượng thật, nhưng người thờ phượng thật cần có cách ăn mặc tương xứng khi đến ra mắt Chúa tôn nghiêm trong đền thánh Ngài (2Sa-mu-ên 12:20).
Sự ăn mặc chỉnh tề khác với sự se sua áo quần là điểm chúng ta cần phân biệt. Sự mặc đồ đẹp, đồ tươm tất đi thờ phượng Chúa không có gì sai. Tuy nhiên, nếu trong cộng đồng Hội Thánh của bạn, phần lớn anh em tín hữu là người thiếu thốn, thì chúng ta cần nhạy bén và tế nhị trong cách ăn mặc của mình. Tóm lại, người Cơ đốc luôn nhớ rằng, ăn mặc không phải chỉ cho mình, nhưng coi chừng gây cớ vấp phạm cho kẻ khác, là điều chúng ta nên tránh.
Tóm lược.
- Với Cơ đốc nhân, thời trang không phải là cứu cánh trong cách ăn mặc. Thời trang mà thiếu sự lựa chọn thích đáng là điều chẳng xứng hiệp với con cái sáng láng.
- Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, cách trang phục của người Cơ đốc cần được đặt trên những nguyên tắc như sau: Đứng đắn, kín đáo, đơn giản, thích hợp và thích nghi.
- Điều người Cơ đốc nên tránh trong cách ăn mặc là chạy theo thời trang cách mù quáng, se sua áo quần và hở hang.
- Sự ăn mặc sang trọng mà thiếu sự trau dồi đức tính bên trong, thì chưa phải là đẹp thật.
- Người Cơ đốc nên nhớ chẳng phải là mặc cho mình, nhưng còn vì người khác và vì danh Chúa.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin cho biết: Có phải tất cả kiểu trang phục thời trang đều là tốt không? Tại sao? Chạy theo thời trang là điều lợi hay hại? Xin giải thích.
- Xin đọc Ma-thi-ơ 6:30-33; 1Ti-mô-thê 2:9: Đặt nặng thời trang trong cách ăn mặc là điều thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
- Trang phục thế nào là xứng hiệp đối với người Cơ đốc?
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Xuất 20:26; 28:40-48: Tại sao cần sự kín đáo trong cách ăn mặc?
- Chữ “quần áo lòe loẹt” trong 1Phi-e-rơ 3:3 có nghĩa gì?
- 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:3: Trong cách ăn mặc, điều nào chúng ta nên tránh và điều nào chúng ta nên lưu ý đến? Và trên hết, chúng ta nên tìm kiếm điều gì? Tại sao?
- Những nguyên tắc nào người Cơ đốc cần học biết trong cách trang phục của mình?
- Người Cơ đốc có cái nhìn thế nào về cách trang phục?
- Xin đọc Ma-thi-ơ 6:25,28-33 và tìm hiểu:
- Điều nào là quan trọng nhất?
- Vẻ đẹp thật có phải ở trong quần áo sang trọng không? Nhưng ở đâu?
- Xin bạn ghi nhận những điểm quan trọng về:
- Tiêu chuẩn trong cách ăn mặc của người Cơ đốc.
- Lý do tại sao người Cơ đốc không nên chạy theo thời trang.