CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN.18.8.2019
By Lee Vi in Thanh niên on 12 Tháng Tám, 2019
Chúa nhật 18.8.2019.
- Đề tài: ĐỨNG VỮNG TRONG SỰ TỰ DO.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 4:8-11; 5:1.
- Câu gốc: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa” (Ga-la-ti 5:1).
- Đố Kinh Thánh: Đa-ni-ên 1-6.
- Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
- NHD sẽ dựa trên tài liệu để soạn bài học Kinh Thánh.
- Đến giờ học, NHD sẽ giúp các bạn học Kinh Thánh bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi để các bạn tìm được ý nghĩa, sự dạy dỗ của Kinh Thánh và áp dụng sự dạy dỗ ấy vào đời sống.
- Không dùng phương pháp thuyết trình (một người nói và tất cả nghe), nhưng dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp), hoặc phương pháp thảo luận (mọi người đều có thể đưa ra câu hỏi và câu trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
- Xin soạn 2-3 cụm, mỗi cụm có 3 câu hỏi:
(1.1) Câu hỏi phát hiện (sự kiện, việc xảy ra): Sự tự do của Cơ đốc nhân có được do đâu?
(1.2) Câu hỏi suy luận (Tìm biết ý nghĩa hay sự dạy dỗ): Vì sao Đấng Christ ban sự tự do cho Cơ đốc nhân?
(1.3) Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống): Bạn phải có trách nhiệm gì khi nhận được sự tự do trong Đấng Christ?
(2.1) Câu hỏi phát hiện: Thế nào là đứng vững trong sự tự do?
(2.2) Câu hỏi suy luận: Xin cho biết bí quyết giữ vững sự tự do trong Đấng Christ?
(2.3) Câu hỏi áp dụng: Theo bạn, người không giữ sự tự do trong Đấng Christ sẽ sống như thế nào?
- NHD đúc kết và kêu gọi thanh niên phải đứng vững trong sự tự do, nên nhớ rằng con đường vào tự do của Cơ đốc nhân là con đường tiến về phía trước, chớ không phải là con đường vòng quanh rồi ngã chết của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng ngày xưa.
– Cầu nguyện.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Sống trong cõi thiên nhiên, con người với thân xác chắc không khỏi bị chi phối bởi sức hút của trọng lực, một sức mạnh luôn luôn trì níu mọi vật có trọng lượng về phía mặt đất. Trong cõi tâm linh, con người cũng phải đương đầu với một sức mạnh vô hình còn mạnh hơn sức hút của quả đất. Đó là quyền lực của quỉ Sa-tan luôn lôi cuốn lòng người hướng về bóng tối tăm của tội lỗi. Đây là một vấn đề cho người đã được giải cứu khỏi quyền lực của Sa-tan: Làm thế nào có thể cứ tiến bước trên đường tự do mà không bị trở lùi vào ách nô lệ của tội lỗi, như điều Phao-lô cảnh cáo tín hữu Ga-la-ti trong 5:1?
- LÝ DO PHẢI ĐỨNG VỮNG TRONG SỰ TỰ DO.
Trong Ga-la-ti 5:1 chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:
- Đấng buông tha: Chữ buông tha có nghĩa là giải phóng hay phóng thích (trong nghĩa phóng thích kẻ nô lệ).
- Đấng ban sự tự do: Đấng Christ chẳng những buông tha chúng ta khỏi ách nô lệ, nhưng còn ban cho chúng ta sự tự do. Chữ tự do trong câu 1 ám chỉ về sự tự do của người được cứu chuộc bởi huyết Chúa Giê-xu đối với sự bó buộc, đòi hỏi của luật pháp (Ga-la-ti 4:4-5).
- Hãy đứng vững diễn tả thái độ kiên trì của người nhận biết trách nhiệm trong chỗ của mình hay trong điều mình đang nắm giữ. Theo nghĩa nầy, “đứng vững trong sự tự do” không phải là một trách nhiệm tiêu cực, nhưng là cách sống tích cực của người được ban cho tự do, bày tỏ ra trong hai việc làm là bảo vệ và khai triển sự tự do mỗi ngày càng phong phú hữu ích hơn.
- Chớ để lại dưới ách nô lệ. Động từ “để lại” có nghĩa bị giữ lại. Theo BDY dịch là “Đừng tự tròng cổ vào ách nô lệ luật pháp nữa“. Trước khi tin Chúa, các tín hữu Ga-la-ti ở dưới ách tôi mọi của sự thờ thần tượng. Khi tin Chúa họ được giải phóng khỏi quyền lực của Sa-tan và tội lỗi. Thay vì tiến bước theo Chúa, họ theo kẻ chủ luật và rơi vào ách nô lệ của các nghi lễ của luật pháp như phép cắt bì. Đó là lý do của lời khuyên “hãy đứng vững trong sự tự do”.
(1) Mục đích của Đức Chúa Trời: Trong sự giải cứu dân
Y-sơ-ra-ên, chẳng những Đức Chúa Trời có mục đích giải phóng họ ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập, nhưng còn có chương trình đưa họ vào đất hứa Ca-na-an, để họ phục vụ Ngài trong ánh sáng tự do. Cũng vậy, Đức Chúa Trời cũng có mục đích gọi người được cứu chuộc trong Đấng Christ đến đời sống mới trong sự tôn thờ hầu việc Ngài. Vì vậy sự trở lùi vào đời sống cũ là điều nghịch lại với mục đích của Đức Chúa Trời (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:3; Ê-phê-sô 2:8-10).
(2) Trách nhiệm của người được ban cho sự tự do: Nhờ sự đổ huyết của Chúa Giê-xu, kẻ tin được tha tội, được buông tha khỏi quyền lực của tội lỗi, và đồng thời cũng được gọi vào sự tự do. Sự tự do nầy thường được gọi là sự tự do địa vị. Có nghĩa bởi đức tin chúng ta được địa vị tự do của Đấng Christ, điều nầy là hoàn toàn do sự ban cho của Chúa. Cho nên đối với món quà quí báu nầy, trách nhiệm của người nhận là gìn giữ, phát triển và tận dụng cho đúng với mục đích của Đấng ban cho.
(3) Sự tấn công của kẻ thù: Mặc dầu hứa tha cho dân Y-sơ-ra-ên đi, nhưng sau khi dân sự rời xứ, Pha-ra-ôn lại đem quân đuổi bắt (Xuất 14:5-9). Cũng vậy, trên bước đường theo Chúa, Cơ đốc nhân luôn phải đương đầu với sự trì níu của quyền lực Sa-tan kéo chúng ta trở vào ách nô lệ của tội lỗi.
- BÍ QUYẾT ĐỨNG VỮNG TRONG SỰ TỰ DO.
Sự đánh mất địa vị tự do có thể tìm thấy trong lý do sau đây:
- Còn sống theo tánh xác thịt: Dầu tin Chúa, nhưng tín hữu Ga-la-ti vẫn còn sống trong tình trạng ‘con đỏ’ thuộc linh (Ga-la-ti 4:19), sống theo xác thịt, quay về đời sống cũ hơn là hướng đến đời sống mới. Như dân Y-sơ-ra-ên, dầu được đem ra khỏi xứ Ai-cập nhưng lòng vẫn còn vương vấn với những thèm khát dưa hành, dưa chuột ở Ai-cập, và chán ma-na của Chúa (Dân 11:4-6).
- Thiếu đức tin (Gal 3:1-2): Các tín hữu Ga-la-ti đã một lần nhờ đức tin được tự do, nhưng rồi cậy luật pháp để rơi vào ách nô lệ như trước. Cũng như dân Y-sơ-ra-ên vì mất lòng tin nơi Đức Chúa Trời, thay vì tiến vào đất hứa, lại muốn quay về Ai-cập (Dân 13:30 – 14:4).
- Bị dỗ dành bởi tiên tri giả: Với sự quyến dụ của kẻ chủ luật, tín hữu Ga-la-ti bị lầm lạc trong lẽ thật cứu rỗi. Có thể ngày nay chúng ta không thấy đề cao phép cắt bì như kẻ chủ luật ngày xưa. Nhưng bất cứ triết lý, tôn giáo nào dạy dỗ con người cậy sức mình và chối bỏ thập tự giá của Đấng Christ, thì đó là sự trá hình của kẻ chủ luật. Vì bản tánh xác thịt yếu đuối, nên người ta thấy cậy mình vào những nghi thức tôn giáo dễ hơn là đời sống bởi đức tin đến Đức Chúa Trời không thấy được. Hơn nữa con đường tự do của Chúa là con đường thập tự giá, thách thức từ bỏ mình, dẹp bỏ tư dục là điều người còn sống theo xác thịt thấy khó khăn không dám bước tới.
Qua những lý do lùi bước trên, chúng ta nhận thấy sức trì níu kẻ tin về đời sống cũ gồm có hai yếu tố:
– Bên trong: Sự hành động của tánh xác thịt.
– Bên ngoài: Sự cám dỗ.
Vì vậy muốn giữ vững sự tự do, chúng ta cần phải:
(1) Bởi đức tin đồng chết với Đấng Christ trên thập tự giá đối với người cũ của mình, và sống lại với Ngài trong đời sống mới (Rô-ma 6:5,11; Ga-la-ti 2:20).
(2) Bởi đức tin dứt khoát với quá khứ tội lỗi, và nhờ Thánh Linh soi sáng lẽ thật để được lớn lên trong sự nhận biết Chúa
Giê-xu (2Phi-e-rơ 3:18).
(3) Nhắm mục đích về sự kêu gọi của Chúa (Phi-líp 3:14): Với sự quên lửng sự ở đằng sau và bươn theo sự ở đằng trước. Quyết định dứt khoát nầy rất quan trọng. Như những người tin Chúa ở thành Ê-phê-sô đã đem đốt hết sách phù phép của mình trước mặt thiên hạ (Công 19:18-20).
Trong đường tự do của Cơ đốc nhân, nếu không dứt khoát với đời sống cũ, thì cũng không có sự tiến bước đến sự sống phước hạnh chan hòa ánh sáng của tự do. Cho nên để dân Y-sơ-ra-ên dứt khoát với xứ nô lệ Ai-cập, trong cuộc hành trình, Đức Chúa Trời đã dẫn họ theo con đường xuyên qua biển Đỏ là đường cách biệt với Ai-cập thay vì dẫn theo đường đất liền gần hơn (Xuất 13:17-18).
Bởi vậy trong địa vị tự do, Cơ đốc nhân cũng được đặt trước thách thức lùi bước hay tiến bước? Chúng ta có sự lựa chọn nào? Năm 1926, Nansen, nhà thám hiểm dũng cảm của Na-uy diễn thuyết cho sinh viên đại học thành phố Anh-rê, xứ Tô-cách-lan, nói rằng: “Bí quyết thành công của tôi là tôi đốt tất cả những chiếc cầu khi đã đi qua, không còn có đường nào khác hơn là tiến tới trước”. Nên nhớ rằng con đường vào tự do của Cơ đốc nhân là con đường tiến về phía trước, chớ không phải là con đường vòng quanh rồi ngã chết của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng ngày xưa. Chúng ta đang đi trên con đường nào?
Tóm lại:
- Người nhận sự tự do có trách nhiệm giữ vững sự tự do của mình.
- Người còn sống theo bản tánh xác thịt thì không có sự tiến bước trên đường tự do của Chúa gọi.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Tại sao người tin Chúa phải giữ vững sự tự do Chúa ban cho mình?
- Tại sao giữ vững tự do là điều cần thiết? (Xuất 13:17-18).
- Hãy ghi lại những điều cần thiết cho sự giữ vững tự do.
- a. Tại sao tín hữu Ga-la-ti từ địa vị tự do trong Đấng Christ lại trở lùi vào ách nô lệ? (Ga-la-ti 3:1; 4:8-10).
- Tại sao dân Y-sơ-ra-ên trên đường đến đất hứa, nhưng lòng vẫn còn hướng về xứ nô lệ Ai-cập? (Dân 11:46; 14:1-4,11).
- Những yếu tố nào khiến Cơ đốc nhân lùi bước trên đường theo Chúa?
- Bí quyết để giữ vững sự tự do trong Đấng Christ? (Rô 6:11).
- a. Làm sao giữ vững tự do trong nếp sống đạo hằng ngày?
- Trên đường theo Chúa, bạn đang tiến hay lùi bước? Nếu lùi bước, lý do nào khiến bạn lùi bước?
- Xin nêu lên vài trở ngại thực tiễn (hoặc đó là những cám dỗ) mà Cơ Đốc nhân thường gặp trong đời sống hằng ngày trong sự giữ vững đời sống tự do.
- Tại sao trên đường theo Chúa, chúng ta dễ lùi bước hơn là tiến bước? (Ma-thi-ơ 7:13-14; Mác 8:34).
- Theo sự dạy dỗ của lời Chúa, bạn có quyết định thế nào về sự theo Chúa của mình với địa vị tự do Chúa gọi?