Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 11.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 11.08.2019

By Rim Niê in PHỤ NỮ on 6 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 11.08.2019

  1. Đề tài: HỌC HỎI LẪN NHAU.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 18:1-24; 19:6.
  3. Câu gốc: “Vậy, người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giãi bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa” (Công vụ 18:26).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 16-18.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (Nêu sự việc đã xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước để nắm vững nội dung của buổi học, nhờ đó các nhóm trưởng sẽ tự tin khi hướng dẫn nhóm mình và không lệch mục tiêu ban đầu.
  2. Thời gian học Kinh Thánh.
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút thảo luận.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi rồi tiến hành chia nhóm.
  8. Chia nhóm: Tùy theo số ban viên, có thể chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho các trưởng nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Trưởng nhóm phải được chọn trước để cùng học với Ủy viên linh vụ, nhiệm vụ chính của trưởng nhóm là đưa ra câu hỏi và gợi ý để các bạn trả lời, hướng dẫn buổi thảo luận đi đúng mục tiêu. Thư ký nhóm được cử ra để ghi lại kết quả của buổi thảo luận và tường trình trong giờ đúc kết.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa lại những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kêu gọi ban viên làm theo sự dạy dỗ nhận được qua buổi thảo luận.

* Câu hỏi học Kinh Thánh:

  1. Xem Công vụ 18:1-17 cho biết:

(1.1) Xin bạn cho biết A-bô-lô là người như thế nào?

(1.2) Theo Kinh Thánh mô tả sự “khéo nói và hiểu Kinh Thánh” của A-bô-lô có nghĩa gì?  

 (1.3) Bạn học được điều gì qua tinh thần rao giảng đạo Chúa của A-bô-lô?

  1. Xem Công vụ 18:26 cho biết:

(2.1) Khi nghe A-bô-lô giảng dạy về đạo Chúa, A-qui-la và
Bê-rít-sin đã làm gì với A-bô-lô?

(2.2) Vì sao A-qui-la và Bê-rít-sin phải làm vậy với A-bô-lô? Xin cho biết thái độ của A-bô-lô khi được A-qui-la và Bê-rít-sin giúp đỡ?

(2.3) Bạn học được gì qua tinh thần hầu việc Chúa của A-qui-la, Bê-rít-sin và của A-bô-lô?

III. Xem Công vụ 19:8-12 cho biết:

(3.1) Khi Phao-lô đi đến nơi nào giảng đạo thì ông thường lưu lại nơi đó rất lâu để làm gì?

(3.2) Việc nầy sẽ đem lại ích lợi gì cho người mới tin?

(3.3) Theo bạn, muốn cho người khác hiểu biết lẽ đạo cách rõ ràng thì bạn phải giúp đỡ cho họ bằng cách nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Hôm nay chúng ta học chuyện Bê-rít-sin và A-qui-la. Sau khi nghe A-bô-lô giảng họ đã đưa A-bô-lô về nhà mình để giãi bày đạo Chúa cách kỹ càng. Tinh thần hiếu học là tinh thần rất tốt. Là anh chị em trong Chúa, chúng ta cần học tập lẫn nhau. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, nghe được những điều hay của người khác để dùng làm bài học cho mình.

  1. NHU CẦU HỌC HỎI (Công vụ 18:24-25).

Sau khi truyền giáo tại A-thên, Phao-lô đi đến Cô-rinh-tô và ở lại một năm rưỡi (Công vụ 18:1-17). Từ đó ông đi thuyền đến Ê-phê-sô với A-qui-la và Bê-rít-sin là những người mà ông đã có dịp ở chung tại Cô-rinh-tô. Ông để hai người ở lại Ê-phê-sô còn ông đi thăm viếng các Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem và An-ti-ốt.

Ê-phê-sô là một thành phố rộng lớn với 300.000 dân ở bờ biển phía Tây thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ê-phê-sô là thủ đô của Tiểu Á thuộc đế quốc La-mã. Trong khi Phao-lô vắng mặt, có một người tên là A-bô-lô đến viếng Ê-phê-sô.

A-bô-lô là một người Do-thái được sinh trưởng tại A-léc-xan-tri là một thành phố rộng lớn với hơn sáu trăm ngàn dân thuộc đủ mọi chủng tộc bao gồm người Ai-cập, La-mã, Hy-lạp, Do-thái và là một trung tâm văn học đương thời.

A-bô-lô là một tay “khéo nói và hiểu Kinh Thánh… Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Giê-xu, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi” (Công vụ 18:24).

Nguyên văn của “khéo nói” cũng có nghĩa là uyên bác và hùng biện. A-bô-lô được học tập từ trường đại học danh tiếng A-léc-xan-tri và cũng có thể là nơi đó ông đã tập luyện tài diễn thuyết và hùng biện của mình. Ông cũng là người “hiểu” Kinh Thánh. Có thể ông đã học tập Cựu Ước từ lúc còn thơ ấu và cứ tiếp tục học cho đến trưởng thành. Quá khứ và sự hiểu biết của ông đã giúp ông trở nên một nhân vật đáng kể trong việc mở mang Nước Trời.

Ngày nay, có thể chúng ta không biết tương lai sẽ đem lại cho mình điều gì, tuy nhiên nếu chúng ta cứ nắm lấy mọi cơ hội để học tập và trau dồi tài khéo chắc Chúa sẽ dự bị cho chúng ta những công tác thích hợp với khả năng mình. Mỗi một người trong chúng ta nên có một nền học vấn như A-bô-lô, hiểu biết Kinh Thánh, uyên bác trong sự học tập và sốt sắng nói về Chúa cho người khác. Chúng ta không biết A-bô-lô tin Chúa ở đâu lúc nào, dẫu sao A-léc-xan-tri là một thành phố rộng lớn có đông người Do-thái, có thể một tín hữu nào đó từ Pha-lê-tin đến để truyền đạo Chúa cho ông. Trong lúc nầy ông chỉ biết có báp têm của Giăng mà thôi, A-bô-lô cần học hỏi nhiều hơn nữa về Đấng Christ hầu cho sự hiểu biết của ông được trọn vẹn. Tuy là ông chỉ biết Chúa qua sự học hỏi, chưa hiểu gì về Đấng Christ, nhưng điều mà chúng ta có thể học hỏi nơi ông là lòng sốt sắng rao truyền đạo Đức Chúa Trời của ông.

   2. GIÚP NGƯỜI KHÁC HỌC (Công vụ 18:26).

Tôi có nghe chuyện của một ông cụ kia khi được hỏi rằng có việc gì cụ đã làm khiến cụ ghi nhớ lâu nhất? Cụ trả lời rằng cụ nhớ nhất là lúc có một cậu bé đến hỏi cụ chỉ đường cho cậu, và khi cậu bé vừa đi vừa hát trên con đường mà ông cụ chỉ cho, cụ cảm thấy trong lòng lâng lâng sung sướng. Mỗi người trong chúng ta đều có một cơ hội nào đó để giúp những người khác trên chặng đường đời của họ. A-qui-la và Bê-rít-sin đã có cơ hội để ghi lại một phần kinh nghiệm lâu dài trong cuộc đời của A-bô-lô. Mặc dầu A-bô-lô là một người trí thức còn A-qui-la và Bê-rít-sin chỉ là hai người may lều, nhưng họ đã khôn ngoan giúp đỡ A-bô-lô hiểu biết về Chúa và tiếp nhận Ngài. A-bô-lô dầu là trí thức, ông vẫn có tinh thần chịu học hỏi, không tự cao, kiêu ngạo nên Tin lành của Chúa đã thấm nhuần vào ông và ông trở nên một người kết quả cho Chúa.

III. KẾT QUẢ CỦA SỰ HỌC HỎI (Công vụ 18:27-28).

Sau khi A-bô-lô hiểu rõ sứ điệp của Cơ Đốc giáo, ông đi đến
A-chai. Có thể A-bô-lô đã nghe nhiều lần về vùng đất này, nên ông quyết định đến đó để giảng dạy. Khi đến A-chai, việc đầu tiên mà ông làm là giúp anh em tín hữu tại đó. Ông đã nhờ Chúa mà “bổ ích cho kẻ đã tin theo” (c.27).

Từ thư thứ nhất của Phao-lô cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, chúng ta được biết A-bô-lô đã ở lại Cô-rinh-tô một thời gian. Phao-lô nhắc lại công tác của A-bô-lô như sau: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới…” (1Cô-rinh-tô 3:6). Một công tác quan trọng khác của A-bô-lô tại Cô-rinh-tô là hầu việc Chúa giữa những người chưa biết Ngài. Cũng như tại Ê-phê-sô, A-bô-lô đến nhà hội của người Do-thái và “bẻ bác” người Do-thái về sự cứng lòng của họ.

Một trong những ân tứ Chúa ban cho A-bô-lô là tài hùng biện trước công chúng. Ông đã dạn dĩ trình bày minh bạch Tin lành của Chúa trong các nhà hội Do-thái. Ông hiểu rõ Kinh Thánh nên ông đã “bày tỏ” cho người ta thấy rằng: Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ. Có thể ông đã căn cứ vào những lời tiên tri của Cựu Ước để chứng tỏ cho người ta thấy rằng chính Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a mà Cựu ước đã đề cập đến.

  1. TÌM KIẾM NHỮNG NGƯỜI NÀO CẦN HỌC HỎI (Công 19:1-6).

Trong lúc A-bô-lô hầu việc Chúa tại Cô-rinh-tô, Phao-lô đi trở lên phương Bắc rồi trở xuống thành Ê-phê-sô, nơi ông đã từng đến trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Lần nầy Phao-lô quyết định ở lại lâu hơn. Trong những ngày đầu tiên Phao-lô giúp cho các môn đồ của Giăng chịu báp têm nhân danh Đức Chúa Giê-xu. Sau khi
Phao-lô đặt tay trên họ, họ được đầy dẫy Thánh Linh, họ nói tiếng ngoại quốc và nói tiên tri.

Nhờ có tinh thần khiêm nhường học hỏi, các môn đồ của Giăng đã nhận được những ân tứ vô cùng đặc biệt từ Đức Thánh Linh.

Trong hai năm Phao-lô và những bạn đồng lao làm việc ròng rã, siêng năng đến nỗi “Mọi người ở trong cõi A-si, hoặc người Giu-đa hay là người Gờ-réc đều nghe đạo Chúa”. Chúng ta không rõ
Phao-lô đã dùng phương pháp nào trong việc quảng bá Lời Chúa cho dân chúng; nhưng điều chúng ta đọc thấy ở đây là ông đã “dạy dỗ hằng ngày” (Công vụ 19:9). Nhóm lại ở nhà thờ để học Lời Chúa mỗi ngày là điều khó thực hiện đối với những gia đình tín hữu phải làm lụng suốt cả tuần lễ. Tuy nhiên nếu Hội Thánh có nhiều gia đình tín hữu ở rải rác trong thành phố, mỗi gia đình có thể luân phiên tiếp đón bạn hữu đến học Lời Chúa tại nhà riêng của mình. Như vậy, việc học Lời Chúa hằng ngày có thể thực hiện được. Bạn cũng hãy xét xem gia đình bạn có thể mở rộng để đón lớp Kinh Thánh tư gia một tháng một lần hoặc hai tuần lễ một lần chưa? Chắc chắn bạn sẽ được phước lớn từ nơi Chúa và là nguồn phước cho nhiều người khác nữa.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Bảo quản trà: Trà gói kỹ, cất vào tủ lạnh, trà sẽ giữ được mùi trong một thời gian dài. Hoặc cho trà vào lọ thiếc có lót bằng sành sứ, không nên cho vào lọ thủy tinh, để nơi thoáng.

 

Post CommentLeave a reply