CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 7.7.2019
By Lee Vi in Thanh niên on 7 Tháng Bảy, 2019
Chúa nhật 7.7.2019
- Đề tài: LUẬT PHÁP DẪN ĐẾN ĐẤNG CHRIST.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 3:19-25.
- Câu gốc: “Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình” (Ga-la-ti 3:24).
- Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 21-25.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ hai tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo, trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của Ban thanh niên. Nếu người ấy cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Chúng ta biết rằng sự xưng nghĩa không bởi luật pháp, như thế câu hỏi được nêu lên là: Luật pháp được ban cho với mục đích gì? Tiếp theo sự giải luận giáo lý xưng nghĩa bởi đức tin trong Ga-la-ti 3:19-25, Phao-lô bày tỏ luật pháp đóng vai trò gì trong việc đưa con người đến với Đấng Christ?
- GIAO ƯỚC VÀ LUẬT PHÁP.
Theo Xuất 19:16-21, luật pháp được ban cho Y-sơ-ra-ên trong khung cảnh Đức Giê-hô-va giáng lâm trên núi Si-nai, với sự rung chuyển của đất cùng với sấm sét vang rền khiến dân sự vô cùng sợ hãi trước sự hiện diện oai nghiêm của Đấng Chí Thánh. Theo Ga-la-ti 3:19 thì “luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo”. “Các thiên sứ” chỉ về các thần hầu việc Đức Chúa Trời (Hêb 1:14), được làm đại diện Ngài để truyền luật pháp cho một người trung bảo tức là Môi-se (Phục 33:2; Công 7:53; Hêb 2:2). Chữ “trung bảo” có nghĩa là chính giữa. Như thế, Môi-se là người trung bảo giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên, luật pháp được ban có tính cách của một giao kết. Trong đó phần Đức Chúa Trời hứa ban phước và điều kiện ở phần dân sự là vâng giữ (Xuất 19:5,8). Cho nên luật pháp hữu hiệu khi cả hai cùng giữ giao kết của mình. Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời không phải giữ lời hứa trong khi dân sự xúc phạm luật pháp của Ngài.
Trái lại, giao ước được ban cho Áp-ra-ham bốn trăm năm trước đó cách trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham (Sáng 13:15; 17:18), với lời hứa vô điều kiện về sự ban phước cho dòng dõi
Áp-ra-ham, tức là sự cứu rỗi trong Đấng Mê-si. Trong hai khung cảnh khác nhau của việc ban giao ước và luật pháp, chúng ta thấy rõ tính chất và mục đích khác nhau của mỗi sự ban cho.
Trong giao ước, sự ban cho có tính cách vĩnh cửu, không thay đổi với lời hứa ân điển, không đòi hỏi điều kiện, để người có đức tin như Áp-ra-ham tìm thấy được hy vọng phước hạnh trong Đấng Christ. Nhưng trong luật pháp với vai trò tạm thời, không có tính chất của sự sống, chỉ có sự định tội và đoán phạt (c.21,24; Rô-ma 10:4), để loài người thôi cậy mình và tìm ơn thương xót của Đức Chúa Trời. Như vậy luật pháp không trái với giao ước, nhưng là một bổ túc của giao ước để dọn đường cho tội nhân đến sự cứu rỗi và tự do trong Đấng Christ.
- VAI TRÒ CỦA LUẬT PHÁP.
Với mục đích trên, vai trò của luật pháp được Phao-lô nói đến trong những điểm sau đây:
- Luật pháp bày tỏ tội lỗi (c.19-20).
Chữ “tội lỗi” chỉ chung về sự sai lạc đối với đường lối của Đức Chúa Trời. Sự sai lạc này bắt đầu từ sự sa ngã của A-đam, và tiếp diễn trong dòng dõi loài người khiến tâm tánh họ bại hoại và chết mất (Rô-ma 3:23; 5:12,19). Chữ “phạm phép” chỉ về sự quá mức giới hạn, ám chỉ sự gia tăng của tội lỗi; chẳng những là sự bại hoại bên trong mà còn biểu lộ đầy dẫy bên ngoài, lan tràn đến nỗi không còn đường ranh giữa thiện và ác. Bởi lẽ đó, luật pháp đến với vai trò của một tấm gương soi, chiếu tiêu chuẩn đạo đức công nghĩa của Đức Chúa Trời để cho loài người nhận biết tội lỗi của mình kinh khủng là dường nào (Rô-ma 3:19).
- Luật pháp lên án tội (c.21).
Luật pháp không cất tội lỗi đi, không ban sự sống, nhưng định tội kẻ xúc phạm. Vì vậy, dưới sự định tội của luật pháp, con người mới nhận biết sự bất lực của mình và ý thức được nhu cầu của sự xưng nghĩa bởi đức tin (Rô-ma 3:20).
- Luật pháp nhốt người dưới tội lỗi (c.22-23).
Chữ “nhốt” có nghĩa là đặt dưới sự canh giữ. Phao-lô mô tả luật pháp như người canh giữ phạm nhân. Khi đức tin chưa đến, luật pháp đặt mọi người trong sự “nhận tội mình trước mặt Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:19). Sự canh giữ này không phải để đoán phạt nhưng để chờ ân điển. Thời gian bị giam giữ này khiến tội nhân nhận thức được lẽ cần của sự tự do, vì không ai mong được tự do và quí tự do cho bằng kẻ bị tù.
- Luật pháp như người dẫn đường (c.24-25).
Chữ “thầy giáo” chỉ về người dẫn trẻ hay người bảo vệ trẻ. Đó là người có phận sự dẫn trẻ từ 6 – 16 tuổi đến trường và trông coi hạnh kiểm của trẻ chớ không phải là thầy giáo sửa dạy trẻ. Cũng vậy, sự bày tỏ cho người ta biết tội, cảnh cáo tội và dẫn tội nhân đến Đấng Christ để được tha tội là sứ mạng của luật pháp.
- ĐẤNG CHRIST LÀ CỨU CÁNH CỦA LUẬT PHÁP.
Qua các vai trò trên, cho thấy mục đích cuối cùng của luật pháp là đưa con người đến Đấng Christ. Vì thế, vai trò của luật pháp cũng chấm dứt với Chúa Giê-xu (c.25). Chấm dứt vì cớ mọi sự đòi hỏi của luật pháp đã được trọn trong Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:17-20). Đã có một bước chuyển mới quan trọng từ Môi-se, người đại diện luật pháp đến Chúa Giê-xu, Người đại diện ân điển (Giăng 1:17). Với Chúa Giê-xu, không còn có sự buộc tội của luật pháp, nhưng chỉ có sự yêu thương và tha thứ. Tóm lại, Đấng Christ là cứu cánh của sự cứu rỗi chúng ta chớ không phải luật pháp.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. So sánh hai khung cảnh, hai cách Đức Chúa Trời ban giao ước cho Áp-ra-ham và ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên (c.15-16, 19-20; Sáng 13:15, 17:8; Xuất 19:16-21).
- Sự so sánh này cho thấy giữa giao ước và luật pháp có tính chất và mục đích khác nhau thế nào?
- a. Trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, luật pháp đóng vai trò gì? (c.19-24).
- Vai trò luật pháp chấm dứt khi nào? Tại sao? (c.25).
- Luật pháp có trái nghịch với giao ước không? Tại sao?
- Qua sự học biết về vai trò của luật pháp, ai là cứu cánh của sự cứu rỗi chúng ta? Chúng ta cần có thái độ nào đối với Ngài?