Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.03.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.03.2023

By H'Dên in PHỤ NỮ on 14 Tháng Ba, 2023

Chúa nhật 19/03/2023.

  1. Đề tài: CHÚA BỊ ĐÓNG ĐINH.
  2. Kinh Thánh: Giăng 19:16b-24, 26-30.
  3. Câu gốc: “Vậy họ giải Đức Chúa Giê-xu đi. Đức Chúa
    Giê-xu vác thập tự giá đi đến một nơi gọi là Đồi Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. Tại đó, họ đóng đinh Ngài. Có hai người khác cũng bị đóng đinh với Ngài, mỗi bên một người, còn Đức Chúa Giê-xu ở giữa”
    (Giăng 19:16b-18 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 20-22.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “SỰ ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-XU” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau phần trả lời mỗi câu hỏi, cần dành ra ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Đóng đinh là một cách xử hình tàn bạo đau đớn và dã man khó tin được. La-mã dành sự đóng đinh cho những kẻ thù quân sự và chính trị của quốc gia, không có quốc tịch La-mã và dành cho những kẻ phạm những tội hình cực kỳ tàn ác khác. Những tên nô lệ chạy trốn cũng phải chịu hình nầy. Sự chú ý của chúng ta tập trung vào Chúa Giê-xu, Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá, chịu sự khinh dể của người đồng thời với Ngài vì tội lỗi của cả nhân loại và chịu cơn thạnh nộ của Cha Ngài.

Những kẻ công nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a không thể làm khác hơn là nghe âm vang của Ê-sai 53 trong suốt cuộc đóng đinh của Chúa Giê-xu. Dàn bài hôm nay có những ý chính lấy từ lời tiên tri của Ê-sai. Lời hứa cho chúng ta cũng được tìm thấy trong lời của vị tiên tri này: “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5). Trong bài học này, chúng ta thấy Chúa Giê-xu phó sự sống mình vì chúng ta.

  1. SỰ ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-XU (Giăng 19:16b-27).
  2. Địa điểm (19:16b-17).

Sau khi đánh đòn Chúa Giê-xu, bọn lính chịu trách nhiệm về sự đóng đinh điệu Chúa Giê-xu đi (Mác 15:16). Đội hành quyết này thường có bốn tên lính và một đội trưởng, dẫn Chúa Giê-xu đi “đặng đóng đinh trên thập tự giá”(Giăng 19:16). Đóng đinh là một phương tiện để hành hạ và xử tử được lập ra ở Đông Phương và người La-mã sử dụng cho người nô lệ và người thuộc giai cấp thấp.

Chúa Giê-xu được dẫn đến một địa điểm gọi là “chỗ Sọ” (Giăng 19:17), tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “Gô-gô-tha” vị trí chính xác của nó không ai rõ mặc dù câu 20 có nói rằng chỗ này ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ mang tên ấy vì nơi đó tương tự như một cái sọ người hoặc có nhiều cuộc hành quyết đã xảy ra nơi đó.

Người chịu án bị đóng vào cây thập tự bằng những cây đinh xuyên qua cổ tay và bàn chân. Thân tử tội hướng về phía trước, bàn chân đôi khi bị đóng chéo nhau, vì vậy hông thường bị vặn vẹo. Một sợi dây thừng được dùng buộc xung quanh ngực của nạn nhân, thắt gút giữa hai vai, buộc vào cây đòn ngang để không cho thân thể ngã về phía trước khi các cơ bắp yếu đi.

  1. Sự thương khó của Chúa Giê-xu (19:18).

Ê-sai đã nói tiên tri rằng Đấng Mê-si-a sẽ bị “kể vào hàng kẻ dữ” (Ê-sai 53:12) trong sự thương khó của Ngài. Để ứng nghiệm điều này, hai tên cướp đã bị đóng đinh với Chúa Giê-xu (Giăng 19:18). Đấng Thánh bị liệt vào hàng kẻ dữ thì càng đau đớn hơn là nỗi đau thân xác.

  1. Tấm bảng (19:19-22).

Một việc mà đội hành quyết thường làm là dựng tấm bảng nói lên tội của nạn nhân bị đóng đinh. Tấm bảng này hoặc được treo lên cổ của nạn nhân hoặc được đóng vào phần gỗ trên đầu của nạn nhân. Nội dung của tấm bảng và sự hành quyết công khai nhằm để ngăn ngừa người khác phạm tội.

Trường hợp của Chúa Giê-xu, Phi-lát truyền rằng tấm bảng được ghi, “GIÊ-XU NGƯỜI NA-XA-RÉT, LÀ VUA DÂN GIU-ĐA” (Giăng 19:19). Câu này được viết bằng chữ “Hê-bơ-rơ, chữ La-tin và chữ Gờ-réc” (Giăng 19:20) để nhiều cư dân Giê-ru-sa-lem có thể đọc được. Chúa Giê-xu bị hành quyết là vì Ngài tự nhận Ngài là vua dân Do-thái (Mác 15:26). “Các thầy tế lễ cả của dân Giu-đa” (Giăng 10:21) phàn nàn với Phi-lát về lời viết trên tấm bảng; dù vậy, vị tổng đốc không thay đổi nó (Giăng 19:22).

Sự đóng đinh trên thập tự giá là một trong những hình phạt tàn ác và hèn hạ nhất đã từng được đặt ra. Sự chết đến cách chậm chạp, đau đớn và đổ nhiều máu, nạn nhân bị lõa lồ phơi giữa sức nóng tàn bạo ban ngày của mặt trời và ban đêm nhiệt độ hạ xuống từ 5-10oC vào mùa xuân ở Palestine.

Người bị đóng đinh sẽ trì xuống dưới sức nặng của thân thể mình cho đến khi cơ hoành không còn hoạt động được nữa. Lúc ấy, bằng tất cả sức lực, tử tội cất người lên để hít lấy không khí, rồi chùn xuống lại một lần nữa. Người bị đóng đinh có thể sống trên thập tự giá đến 36 giờ, từ từ tắt thở khi phổi đầy dịch lỏng do vị trí của hai cánh tay đã ngăn cản sự hít thở. Vì vậy, nạn nhân bị đóng đinh chết là do ngạt thở chậm.

Nếu đội hành quyết muốn nạn nhân sống lâu hơn, trước hết họ trang bị một khúc gỗ để làm chỗ ngồi hay chỗ đặt chân. Khúc gỗ này sẽ cho nạn nhân một chỗ tựa để giúp máu tuần hoàn. Nếu đội hành quyết muốn rút ngắn sự sống của nạn nhân, họ sẽ đánh gãy chân của nạn nhân bằng một cây dùi để cất đi khả năng chống đỡ bằng đôi chân.

  1. Lời tiên tri (19:23-24).

Được La-mã chấp nhận, những tên lính thi hành sự hành quyết thường chia nhau tài sản của người bị đóng đinh. Vì vậy, đội hành quyết Chúa Giê-xu chia áo ngoài của Ngài ra thành “bốn phần” (19:23) để mỗi người có thể nhận một mảnh của mình. Nhưng họ không làm điều này đối với áo dài của Chúa Giê-xu, tức chiếc áo Ngài mặc bên trong chiếc áo khoác. Chiếc áo này không có đường may, được dệt thành một tấm “từ trên chí dưới”. Vì giá trị của nó, bọn lính quyết định bắt thăm để lấy nó (19:24).

  1. Mẹ của Chúa Giê-xu (c.25-27).

Một số bà đi theo Chúa Giê-xu trong chức vụ trên đất của Ngài đứng gần thập tự giá (Giăng 19:25). Vừa nhận ra Ma-ri – mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu (có lẽ là sứ đồ Giăng), Chúa Giê-xu nói với Ma-ri: “Hỡi người đàn bà kia, đó là con của ngươi!” (Giăng 19:26). Đây là cách lịch sự thông thường mà Chúa Giê-xu dùng gọi phụ nữ thời đó. Sau đó, Ngài nói với Giăng: “Đó là mẹ ngươi!” (19:27). Từ đó trở đi, Giăng rước Ma-ri “về nhà mình”.

Cần phải có người sớm hôm chăm sóc và cung cấp cho Ma-ri, vì Chúa Giê-xu, con cả của bà, không còn trên đất nữa. Chúa Giê-xu đang tách mình khỏi Ma-ri để Giăng có thể thay thế Ngài, làm người con trên đất của bà. Nếu vậy, Chúa Giê-xu dùng từ “đàn bà” (19:26) để giúp lập một mối liên hệ “mẹ con” mới mẻ giữa Ma-ri và Giăng.

  1. SỨ MẠNG ĐƯỢC HOÀN THÀNH (19:28-30).
  2. Kinh Thánh được ứng nghiệm (19:28).

Vào lúc này, Chúa Giê-xu biết rằng mọi sự về cuộc đời trên đất của Ngài đã được hoàn thành; cũng vào lúc này, thân thể Ngài bị mất nước trầm trọng. Vì vậy, để Kinh Thánh được ứng nghiệm về lời mô tả Đấng chịu khổ được chép trong Thi Thiên 69:21 (Thi Thiên 22:15).

  1. Giấm (19:29).

Sự khát nước của Chúa Giê-xu được đáp ứng bằng một miếng bông đá thấm đầy “giấm” (Giăng 19:29). Loại giấm này là loại thức uống rẻ tiền đã được pha loãng với nước, là thức uống của những nô lệ và lính. Nó được đưa cho những kẻ bị đóng đinh để làm giảm đau đớn trong giây lát.

Một người lính dùng một cây ngưu tất, dài khoảng một mét, để đưa miếng bông đá kề miệng Chúa Giê-xu. Theo Ma-thi-ơ 27:48 và Mác 15:36, một số người cho rằng ngưu tất có thể là một loại sậy. Người lính đang đứng có thể dễ dàng đưa lên miệng Chúa Giê-xu bằng một cây ngưu tất, vì cây đòn ngang của thập tự giá nói chung không bao giờ cao quá ba mét. Giờ đây, Chiên Con của lễ Vượt Qua sắp sửa hoàn tất sự thương khó của Ngài; và qua sự chết của Ngài, Ngài bảo vệ những kẻ được đánh dấu bằng huyết của Ngài bởi đức tin.

  1. Tiếng kêu cuối cùng của Chúa Giê-xu (19:30).

Sự đóng đinh là cách của chính phủ La-mã dùng để sỉ nhục và tiêu diệt những kẻ chống lại sự cai trị của họ; nhưng thập tự giá của Chúa Giê-xu đã không đánh bại Ngài. Ngài đắc thắng mọi điều ác mà thập tự giá tượng trưng cho tại Gô-gô-tha.

Vì vậy, khi Chúa Giê-xu tuyên bố, “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30), Ngài muốn nói rằng công việc cứu chuộc của Ngài giờ đây “đã được trọn” (Giăng 19:28). Cụm từ được ghi lại trong câu 30 vang vọng lời cầu nguyện của Ngài dâng cho Đức Chúa Cha vào đêm trước: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (17:4).

Chúa Giê-xu đã trả nợ tội của chúng ta cho Đức Chúa Trời một cách đầy đủ khi Ngài trở nên “tội lỗi vì chúng ta” (2Cô-rinh-tô 5:21). Biết Chúa Giê-xu và trông cậy vào công việc Ngài hoàn tất tại thập tự giá chúng ta sẽ được một địa vị đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết. Thập tự giá không phải là nơi Chúa Giê-xu trở thành nạn nhân, đó là nơi Ngài đắc thắng mọi điều ngăn cách con người khỏi Đức Chúa Trời.

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Sự đau đớn thuộc thể mà Chúa Giê-xu chịu chỉ là một phần của sự đau đớn khi Ngài bị đóng đinh. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta chỉ tập trung vào sự đau đớn thuộc thể của Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ không cảm kích được sự sỉ nhục khủng khiếp mà Ngài phải chịu trong suốt cuộc thử thách của Ngài. Ngài đau đớn thể xác, Ngài còn chịu sự đau đớn thuộc linh vì bị liệt vào hàng kẻ dữ.

Dù chúng ta đã nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh của bài học tuần này, chúng ta không thể hiểu đầy đủ mức độ chịu khổ của Chúa Giê-xu. Và chúng ta cần phải tìm hiểu thêm sứ mạng cứu rỗi loài người của Chúa Giê-xu bảo đảm cho sự cứu rỗi của chúng ta. Sự cứu rỗi này sẽ thêm sức khi chúng ta chịu khổ vì Danh Chúa.

Trải qua nhiều thế kỷ, con người đã không tự sửa đổi đủ để xứng đáng được cứu rỗi. Đó là lý do tại sao họ quay về với Chúa bằng đức tin. Khi họ đặt đức tin mình vào Chúa Giê-xu thì được Ngài tái tạo từ bên trong qua hành động mầu nhiệm của Đức Thánh Linh, họ được biến cải trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi được Chúa Giê-xu ban cho giúp tái tạo thuộc linh và tấm lòng sẵn sàng vâng lời Chúa.

Khi con người nhận sự sống mới mà Đức Chúa Trời ban cho trong Chúa Giê-xu thì họ có được bảo đảm rằng những hành động tội lỗi cũ của họ sẽ không còn nghịch lại họ nữa. Họ cũng có lòng tin chắc rằng mọi tội lỗi của họ đã được Đức Chúa Trời tha thứ nhờ vào sự hy sinh, sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Dường như quyển sổ trên trời ghi chép mọi tội lỗi của họ đã được tẩy xóa hoàn toàn. Mọi dấu vết của tội lỗi đã bị cất đi, không bao giờ trở lại.

III. CÂU HỎI SUY GẪM.

  1. Chúa Giê-xu được dẫn đến nơi nào để bị đóng đinh?
  2. Việc hai người khác đã bị đóng đinh với Chúa Giê-xu có ý nghĩa gì?
  3. Phi-lát phản ứng thế nào đối với sự phàn nàn của các thầy tế lễ cả Do-thái?
  4. Bọn lính làm gì với chiếc áo của Chúa Giê-xu?
  5. Chúa Giê-xu sắp xếp thế nào cho Ma-ri, mẹ Ngài?
  6. Tại sao Chúa Giê-xu nói, “Ta khát” (Giăng 19:28)?
  7. Chúng ta nên hiểu lời tuyên bố của Chúa Giê-xu, “Mọi việc đã được trọn” (19:30) như thế nào?

* KHÉO TAY HAY LÀM.   

XOÀI TRỘN KHÔ CÁ SẶC.

* Nguyên liệu:

– 1 con khô cá sặc, 2 trái xoài, 1 quả ớt sừng, tỏi, ớt, nước mắm, đường, rau húng lủi.

* Thực hiện:

– Cho khô cá sặc lên vỉ nướng vàng, xé miếng nhỏ vừa ăn.

– Gọt xoài băm sợi. Cho xoài ra đĩa, cho khô cá sặc xé nhỏ lên trên.

– Ớt sừng thái sợi, rau húng lũi thái nhuyễn.

– Nước sốt trộn xoài: Cho tỏi ớt, nước mắm, đường vào tô lớn, khuấy đều.

* Thưởng thức:

 Dọn xoài trộn ra đĩa, rắc rau húng lũi lên trên, cuối cùng rưới nước sốt lên trộn xoài lên dùng ngay.

Post CommentLeave a reply