Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.10.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.10.2022

By H'Dên in NAM GIỚI on 20 Tháng Mười, 2022

Chúa nhật 23.10.2022

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI LÀM CHỦ.
  2. Kinh Thánh: Lê-vi Ký 25.
  3. Câu gốc: “Đất không được đoạn mãi, vì đất thuộc về Ta, các ngươi ở cùng Ta như kẻ khách ngoại bang và kẻ kiều ngụ” (Lê-vi Ký 25:23).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 17-20.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 03.07.2022.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Thả diều giấy là một thú vui thường dành cho giới trẻ. Riêng tại Nhật Bản, thả diều là một phong tục bắt nguồn từ thế kỷ mười sáu và là một kỳ hội linh đình.

Ký giả John Elliot của Nguyệt San National Geo-Graphic tháng 4/1977 có tường thuật tục thả diều giấy này. Ông cho biết rằng hằng năm, đầu tháng 5 người ta dành riêng ba ngày để mừng những người con trưởng nam trong nước bằng cuộc thi đua thả diều. Cuộc thi này được tổ chức tại Hamarnatsu, một thị xã cách thủ đô Tokyo chừng 130 dặm về hướng Tây Nam đã thu hút khoảng hai triệu người đến xem mỗi năm. Mỗi con diều tượng trưng cho một xóm. Những người thả diều nỗ lực hạ diều nhau, khiến bầu trời trở thành một bãi chiến trường rộng lớn. Cuộc thi đua nhằm mục đích gây sự hào hứng cho ngày hội chớ không phải định thắng bại cho phe nào.

Con diều giấy chỉ là một vật mong manh nhưng có thể vươn lên rất cao nhờ vào hai yếu tố cần thiết. Một là phải có gió thì diều mới có thể bọc gió lên cao. Hai là diều cần phải có dây giữ nó, nếu không có dây, diều giấy sẽ không tài nào cất cánh bay lên được.

Đại tộc Do Thái cũng không khác nào con diều giấy kia. Họ phải đương đầu với nhiều trở lực và nghịch cảnh thì mới vươn lên được. Còn luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho họ có nhiệm vụ như dây đối với con diều. Chúa dùng luật pháp ấy để chỉ dạy dân sự nhận biết chủ quyền của Ngài trên họ.

  1. CHÚA TRUYỀN NĂM HÂN HỈ (25:8-10).

Người dân Do Thái được Chúa truyền dạy qua Mười Điều Răn là phải giữ ngày Sa-bát tức là ngày thứ bảy của một tuần lễ. Sáu ngày Đức Chúa Trời dành cho họ để làm việc nuôi thân. Đến ngày thứ bảy họ phải ngưng mọi công việc sinh nhai để kỷ niệm ngày ngơi nghỉ thánh của Chúa. Trong ngày Sa-bát, Chúa cũng không ban bánh ma-na từ trời xuống cho họ. Ngày thứ sáu, họ phải lượm gấp đôi số lượng bánh hằng ngày để dành trong ngày Sa-bát.

Danh từ Sa-bát cũng còn được áp dụng cho năm đất được ngơi nghỉ theo lệnh Đức Chúa Trời. Trong sáu năm dân sự trồng tỉa trên đất mình. Đến năm thứ bảy họ không được phép làm mùa nào cả. Nguyên tắc này rất có lợi cho đất được bồi dưỡng với những nguyên tố thiên nhiên và sẽ màu mỡ trở lại cho mùa kế tiếp. Những người sống bằng nghề nông đã có thói quen chia đất mình thành nhiều thửa ruộng. Một số thửa được canh tác, còn một số khác cứ để cỏ mọc đặng rút chất ni-trô trong không khí. Nhờ vậy đất không bị chai nên năng suất cây trồng trên ruộng không bị giảm thiểu. Trong khi truyền dạy năm Sa-bát này, Đức Chúa Trời đảm bảo với dân sự rằng Ngài sẽ ban phước cho năm thứ sáu được hoa lợi nhiều để họ có đủ dùng trong năm Sa-bát (Lê-vi Ký 25:20).

Đủ “bảy tuần năm” tức là bốn mươi chín năm, họ có thêm một năm nghỉ nữa. Năm thứ năm mươi đó gọi là năm “Hân Hỉ” (Jubilee year). Chữ này ra từ tiếng Do Thái, “Yobel” có nghĩa là còi làm bằng sừng dê mà các thầy tế lễ dùng để thổi báo hiệu năm hân hỉ trong toàn lãnh thổ Do Thái. Trong năm đó, một số việc sẽ được giải quyết giữa vòng người Do Thái với nhau. Năm đó sẽ tổ chức Lễ Chuộc Tội cho toàn dân vào ngày mùng mười tháng bảy.

Về mặt xã hội có hai việc nổi bật, thứ nhất là sự hoàn trả cho nguyên chủ phần đất nào bị mất vào tay người khác. Thứ hai là việc trả tự do cho người Do Thái nào làm tôi mọi cho người khác.

Họ đã được Chúa hứa ban cho đất để làm cơ nghiệp, và một lần nữa các mạng lệnh định rằng Chúa là sở hữu chủ của đất. Họ là những quản gia cho Chúa, có nhiệm vụ giữ gìn vật gì Chúa giao phó trong tay họ.

  1. ĐẤT THUỘC VỀ CHÚA (25:23-24).

Thi Thiên 24:1 có viết: “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ trong đó đều thuộc về Đức Giê-hô-va”.

Nếu vì một lý do nào mà người thừa hưởng đất không thể khai thác hoặc phải bán đất lại cho người khác, thì sau đó người ấy có quyền chuộc đất lại. Nếu không đủ khả năng chuộc thì một người bà con có tiền của phải chuộc đất về cho gia tộc. Bằng không thì phải đợi đến năm Hân Hỉ họ mới nhận lại đất mình được.

Người mua đất cũng không có quyền mua vĩnh viễn vì phải hoàn trả đất về nguyên chủ vào năm Hân Hỉ. Người ta tính số mùa màng thu hoạch kể từ ngày mua đất đến năm Hân Hỉ mà định giá đất. Theo cách nầy, người mua đất là người thực tế mua quyền khai thác đất hay mướn đất để canh tác vậy.

Chúng ta phải sử dụng của cải mình đúng với mục đích Chúa muốn để làm ích lợi cho bản thân mình và cho người khác. Càng cho thì càng nhận được thêm để cho nhiều hơn nữa.

III. GIÚP ĐỠ KẺ NGHÈO TÚNG (25:25-28).

Hưởng được đất để làm cơ nghiệp và sinh sống là một phước hạnh của Chúa ban cho người dân Do Thái nào biết tuân theo luật lệ của Ngài (Xuất 20:12). Tác giả Thi Thiên cũng xem người hưởng được phước Chúa là người công bình: “Người công bình sẽ nhận được đất và ở tại đó đời đời” (Thi Thiên 37:29). Người hưởng được đất sẽ không mất quyền lợi của mình nhưng phải canh tác phần đất được giao phó cho. Đất của họ không được để không ngoại trừ năm Sa-bát và năm Hân Hỉ. Chủ đất hoặc người mua đất phải canh tác nó. Người mua giúp đỡ tiền bạc, vật chất cho người nghèo mà bán đất, nhưng phải cho người nghèo đó có cơ hội chuộc đất lại.

Đối với chúng ta ngày nay, việc gì Chúa đã giao phó là việc Ngài muốn chính chúng ta thực hiện cho Ngài. Con cái Chúa không nên lợi dụng sự bất lợi của người để thu riêng cho cá nhân mình, vì “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công Vụ 20:35).

  1. TRỌNG NGƯỜI NHƯ MÌNH (25:39-42).

Người nghèo khó bất hạnh được Đức Chúa Trời để ý và thương xót đến. Người dân Do Thái nào nghèo đến nỗi phải đi làm thuê cho người khác cũng được sự an ủi của Chúa. Chúa truyền lệnh cho chủ nhân không được đối với người đồng tộc Do Thái mình cùng cách với người tôi mọi khác. Chủ nhân phải xem người Do Thái làm công cho mình khác nào người ở trọ nhà mình vậy.

Qua mệnh lệnh nầy, chúng ta thấy Chúa không xem thường người đi làm công cho kẻ khác để mưu sinh. Ngài đã phán với A-đam phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn (Sáng 3:3-19).

Nhưng người chủ đối đãi người làm công cho mình như những nô lệ bị bóc lột quá sức, quá khả năng và không được lương hướng thích nghi thì trở thành người nghịch lại với Chúa vậy (Ê-phê-sô 6:5-9).

Về phần những người nghèo tuy phải chịu cảnh làm thuê nhưng vẫn có một hy vọng. Ấy là mình sẽ được trả tự do vào năm Hân Hỉ. Vợ con mình cũng sẽ được tự do với mình. Người còn nhận được phần gia sản mình đã bị mất trước kia. Đối với người Việt Nam, Hân Hỉ là năm đáng mong chờ và đáng mừng đón vì là thời kỳ tái lập quyền sở hữu của mình.

Năm Hân Hỉ làm hình bóng đời đời cho thời kỳ Đức Chúa Giê-xu trở lại trần gian, và một ngàn năm thanh bình và thịnh trị tiếp theo sau đó. Lúc ấy mọi sự mua bán đổi chác, gian lao, khổ cực sẽ không còn nữa. Là lúc con người thuộc về Chúa vĩnh viễn thoát vòng kềm tỏa của xác thịt và ma quỷ.

Post CommentLeave a reply