Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.10.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.10.2022

By H'Dên in NAM GIỚI on 12 Tháng Mười, 2022

Chúa nhật 16.10.2022

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI NGỰ CÙNG.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô 25:1-9; 29:38-46; 40:16-38.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ ở giữa dân Y-sơ-ra-ên, làm Đức Chúa Trời dân ấy” (Xuất 29:45).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 13-16.
  5. Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04.09.2022.

(Người phụ trách chương trình tự đặt các cụm câu hỏi căn cứ trên phân đoạn Kinh Thánh được chọn trong bài học để hướng dẫn học Kinh Thánh).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chỉ trong vòng vài tháng nữa các Hội Thánh Cơ Đốc khắp nơi trên thế giới sẽ cử hành lễ Giáng Sinh. Người Pháp gọi lễ nầy là Noel, một tiếng lấy từ Emmanuel có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ê-sai 7:14). Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sanh giữa nhân loại là bằng cớ sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai rao truyền cho họ rằng: “Đức Chúa Trời của các ngươi phán rằng: “Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân Ta” (Ê-sai 40:1). Chúa yên ủi dân Ngài bằng sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Chúng ta được biết nguyên nghĩa của chữ “an ủi” (Paraléo) là “Gọi đến bên cạnh mình”.

Trong cơn nguy nan, khốn khổ, đau buồn, hoặc vô vọng, mà có một người đến ở bên cạnh thì chắc chắn sẽ cảm thấy được yên ủi lắm. Đức Chúa Trời đã có cách cho dân sự Ngài được yên ủi khi họ mới tập bước theo Ngài. Chúa đích thân dẫn dắt bằng trụ mây lúc ban ngày và bằng trụ lửa khi ban đêm. Ngài còn ban cho họ hai tảng đá khắc ghi luật pháp của Ngài để họ biết và làm theo ý muốn của Ngài. Ngài truyền lịnh cho Môi-se dựng một Đền Tạm làm nơi hội ngộ giữa Ngài với dân sự.

  1. NHỮNG NHU LIỆU CHO ĐỀN TẠM (25:1-8).

Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật trên đất. Ngài ở khắp mọi nơi thì chắc chắn không cần phải có một Đền Thánh nào để Ngài ngự. Vua Sa-lô-môn đã nói lời ấy trong lễ cung hiến Đền Thờ mà ông xây cất cho Chúa (1Các Vua 8:27). Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Đức Chúa Trời là thần, nếu ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).

Tuy nhiên, tuyển dân của Chúa cần Đền Tạm làm một nơi biệt riêng ra cho Chúa. Nơi đó làm chứng với dân sự về sự hiện diện của Ngài. Đó cũng là trung tâm sinh hoạt thuộc linh của họ, là nơi mà năm giác quan của họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời bên cạnh họ.

Chúa dạy rằng chính họ phải thành tâm mang lễ vật cho Ngài để dùng cho việc dựng Đền Tạm này. Dân sự có tự nguyện góp công, góp của vào và họ mới biết quý mến tài sản của mình. Tất cả những vật liệu dân sự phải dâng là những vật tốt và giá trị mà họ sẵn có. Chúa không đòi hỏi vật gì quá hiếm hoặc quá tầm thường cho Đền Tạm của Ngài.

Hai điều chúng ta học được trong lời dạy của Chúa ở đây là:

– Khi chúng ta dâng hiến cho Chúa thì dâng với tất cả lòng thành của chúng ta (Xuất 25:2) không phải vì bị buộc nên dâng, nhưng vì lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

– Khi chúng ta dâng hiến cho Chúa thì dâng những gì tốt nhất. Dân Y-sơ-ra-ên dâng vàng, bạc, bửu thạch… cho công việc xây cất Đền Tạm. Ngày nay, chúng ta “Mau dâng cho Chúa bao điều tốt nhất” như lời của một bài Thánh ca đã nhắc nhở chúng ta vậy. Sự dâng hiến của chúng ta đo lường mức độ tăng trưởng tâm linh của mình đối với Chúa.

  1. NHỮNG ĐÒI HỎI VỀ CỦA LỄ DÂNG (29:42-44).

Đức Chúa Trời cũng chỉ dạy dân sự về việc dâng của lễ cho Ngài khi họ ra mắt Ngài. Mỗi ngày họ phải chọn hai con chiên một tuổi, một con dâng vào buổi sáng và một con dâng vào buổi chiều (Xuất 29:38-39). Ngoài hai con chiên, họ còn phải dâng một ít bột mì mịn, nhồi với dầu và dâng một ít rượu nho. Ngài dạy họ dâng những của lễ này mỗi ngày khi Đền Thánh của Ngài còn ở giữa họ. Dân Do Thái tiếp tục dâng như vậy từ đó cho đến năm 70 sau Chúa, là năm quân La-mã phá hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Dân Do Thái đã phạm tội trước mặt Ngài nhiều lần và đã bị trừng phạt, có khi phải chết. Là một tội nhân thì không thể nào đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết được. Cho nên của lễ dâng lên Chúa tượng trưng sự thế mạng cho tội nhân. Mặc dầu của lễ thiêu không chuộc tội lỗi của họ được nhưng cũng đủ để nhắc cho họ nhớ rằng vì tội của họ mà có chiên con vô tội phải chịu chết. Họ cần phải ăn năn và từ bỏ tội mình.

Những của lễ chỉ là hình ảnh tượng trưng cho sự chuộc tội, nhưng chúng nó không có khả năng chuộc tội cho con người. Hê-bơ-rơ 10:11 chép: “Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được”. Nhưng Đức Chúa Trời lấy con chiên làm của lễ để chỉ về Chiên Con của Ngài là “Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Bởi vậy như Hê-bơ-rơ có viết về sự hy sinh của Đức Chúa Giê-xu như vậy: “Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi” (Hê-bơ-rơ 9:26b).

“Bột” làm bánh để nuôi thân thể được sống thế nào, thì thân thể của Đấng Cứu Thế chịu hy sinh (1Cô-rinh-tô 11:23b) để ai tin nhận Ngài cũng được sống phần “thân tâm linh” thể ấy.

“Rượu nho” tượng trưng cho huyết của Đức Chúa Giê-xu để làm sạch mọi tội của chúng ta (1Giăng 1:7b). Trong Tiệc Thánh, Chúa đã dùng nước nho tượng trưng cho huyết tha tội của Ngài đã đổ ra cho mọi tội nhân (Mác 14:24).

“Dầu” có hai ý nghĩa: Thứ nhất chỉ về chức vụ của Đức Chúa Giê-xu là Đấng chịu xức dầu, được biệt riêng ra để thi hành sứ mạng cứu chuộc nhân loại. Thứ nhì, dầu cũng tượng trưng cho Đức Thánh Linh nữa. Dầu dùng để xoa dịu vết thương đã được rửa sạch, để nó chóng lành. Người nào được Chúa cứu thì cũng được Đức Thánh Linh thay đổi cuộc đời họ.

III. CHÚA HIỆN DIỆN GIỮA DÂN SỰ (29:45-46).

Đức Chúa Trời hứa với dân sự rằng Ngài sẽ ngự giữa họ. Ngài dạy rằng các chi phái của mỗi đại tộc Do Thái phải đóng trại chung quanh Đền Tạm theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, mỗi khi dân sự dừng lại trong sa mạc. Ngài sẽ ngự vào để ở giữa họ. Họ sẽ làm dân Ngài và Ngài sẽ làm Đức Chúa Trời của họ.

Đền Tạm nằm ở trung tâm của trại quân Do Thái, gợi lại ý nghĩa của sự liên hệ giữa Chúa với dân sự Ngài. Chúa nhắc cho họ rằng Ngài đã giải cứu họ ra khỏi Ê-díp-tô bằng quyền năng Ngài. Điều đó chứng tỏ cho dân sự và con cháu của họ rằng Ngài luôn luôn chăm sóc họ. Nếu họ xây dựng Đền Thánh cho Chúa y như ý Ngài muốn thì Ngài sẽ ngự xuống ở giữa họ. Về phần chúng ta ngày nay, nếu chúng ta dọn lòng mình, ăn năn tội, và mời Đức Chúa Giê-xu ngự vào thì Ngài sẽ biến thân thể hèn mọn chúng ta thành đền thờ của Ngài. Phao-lô cho biết: “Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại ở giữa họ, Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ và họ làm dân Ta” (2Cô-rinh-tô 6:16b). Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng đã ban lời hứa này: “Nếu ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:23).

  1. VINH HIỂN CHÚA TRONG ĐỀN TẠM (40:33c-38).

Đoạn cuối cùng của sách Xuất Ê-díp-tô Ký thuật rằng Môi-se vâng mạng lệnh Chúa làm đủ mọi điều Ngài chỉ thị cho ông. Môi-se chẳng dám chậm trễ trong công việc dựng Đền Thánh cho Đức Chúa Trời (Xuất 40:16-17). Kinh Thánh nhắc đến việc Môi-se vâng mạng lệnh của Chúa tất cả chín lần, mà mỗi lần đều nói: “Môi-se làm y như mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình” (Xuất 40:19-32). Sự vâng lời của Môi-se làm đẹp lòng Chúa và Ngài ngự xuống trong Đền Tạm ấy. Đền Thờ của Chúa là biểu tượng sự hiện diện của Ngài, Đức Chúa Giê-xu phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn Danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20). Một Hội Thánh sống là Hội Thánh có Chúa ngự cùng.

Post CommentLeave a reply