Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.10.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.10.2021

By H'Dên in NAM GIỚI on 11 Tháng Mười, 2021

Chúa nhật 17.10.2021

  1. Đề tài: MƯU KẾ VÀ HÒA ƯỚC.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 9:1-27.
  3. Câu gốc: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; phàm trong các việc làm của con khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm ngôn 3:5-6).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các vua 20-22.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 25.07.2020).

Đề tài thảo luận của 2 nhóm:

Đề tài 1: Dân Y-sơ-ra-ên bị dân Ga-ba-ôn lập mưu lừa dối là do sự thiếu chuẩn bị của dân sự và sự lơ là đối với kẻ thù nghịch.

Đề tài 2: Sự mưu lừa gạt của dân Ga-ba-ôn đối cùng Y-sơ-ra-ên nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Giả dối và mưu kế lừa gạt lẫn nhau là một trong những thảm trạng thường xảy ra trong xã hội sống con người từ xưa đến nay.

Trong cuộc chinh phục xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị nhiều điều, nhưng có một điều họ không mấy quan tâm đến là mưu kế giả dối của dân nghịch! Nhưng trong cách đối phó với mưu lừa gạt của dân Ga-ba-ôn, dân Y-sơ-ra-ên tỏ ra chẳng có kinh nghiệm về vấn đề nầy, và đã vấp phải lỗi lầm! Trong bài học sau đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu: Cách nào dân Ga-ba-ôn lừa gạt Y-sơ-ra-ên? Và dân Y-sơ-ra-ên đáp ứng thế nào? Sự thất bại của dân Y-sơ-ra-ên cho Cơ Đốc nhân chúng ta hôm nay bài học gì?

  1. MƯU KẾ CỦA DÂN GA-BA-ÔN (9:1-6).
  2. Hai cách chống đối.

Chủ chiến và chủ hòa là hai cách dân nghịch đối phó với dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc chinh phục xứ Ca-na-an. Từ c.1-3, chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên đương đầu với lực lượng chống đối rất hùng mạnh của hầu hết dân xứ Ca-na-an; đồng thời phải đương đầu với mưu kế cầu hòa của một dân tộc Ga-ba-ôn. Trong hai cách nầy, mới nghe qua chúng ta có thể nghĩ rằng sự đối phó với lực lượng liên minh mới là điều đáng lo ngại, còn với kẻ chủ hòa, hàng phục thì có chi lo ngại! Nhưng thật ra cả hai cách đều là nguy hiểm, và mưu chủ hòa có thể là càng nguy hơn cho dân Y-sơ-ra-ên. Với cách chủ chiến, dân Y-sơ-ra-ên đánh trận với kẻ thù bên ngoài, nhưng với mưu chủ hòa, dân Y-sơ-ra-ên “tình nguyện” mở cửa rước kẻ thù vào ở giữa họ! Trong Phục truyền 7:1-4, Đức Chúa Trời truyền mạng lệnh cho Môi-se phán dạy dân Y-sơ-ra-ên rằng khi vào đất hứa họ phải hủy diệt các dân của xứ, chớ có xót thương, dung thứ lập hòa với một dân nào tại đó. Lý do là để dân sự Chúa không bị dân tà thần dẫn dụ vào cạm bẫy thờ hình tượng xây bỏ Chúa và bị Ngài hủy diệt chăng! Cho nên, mưu kế lập hòa của dân nghịch xem như vô hại trên khía cạnh chính trị, nhưng trên khía cạnh niềm tin, sự kết ước với kẻ thờ thần tượng đều nguy hiểm vô cùng! Đánh bại với kẻ chủ chiến, dân Y-sơ-ra-ên thấy sự chết trước mắt. Nhưng lập hòa với kẻ nghịch, chẳng nguy hiểm gì lúc đó nhưng hậu quả sẽ vô cùng tai hại về sau mà ít ai nghĩ đến. Vì vậy Kinh Thánh nhắc khuyên con dân Chúa rằng, chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin (2Cô-rinh-tô 6:14).

Hai cách dân nghịch chống đối Y-sơ-ra-ên cho chúng ta nghĩ hai cách Sa-tan dùng tấn công con cái Đức Chúa Trời. Về mưu dối gạt của dân Ga-ba-ôn trong khía cạnh thuộc linh, dân nầy có thể chỉ bóng về ma quỷ, là nói lừa dối (Giăng 8:44).

Kinh Thánh cảnh tỉnh chúng ta rằng, ma quỷ có tấn công con cái Chúa như “sư tử rống”, hoặc “thiên sứ sáng láng” (1Phi-e-rơ 5:8; 2Cô-rinh-tô 11:3). Sa-tan có thể dùng quyền lực thế gian bắt bớ làm hại mạng sống thân thể con cái Chúa; hoặc có thể đưa đến những tiên tri giả đội lốt thiên sứ để đánh mất niềm tin chân thật chúng ta trong Đấng Christ, và giết chết linh hồn chúng ta!

  1. Cách lừa gạt của dân Ga-ba-ôn (c.3-6).

Ga-ba-ôn cũng được gọi là thành đồi núi, một trong những thành của dân Hê-vít, là dân bị đặt dưới sự hủy diệt trong danh sách kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. So với các dân xứ Ca-na-an, phải nhận rằng những nhà lãnh đạo Ga-ba-ôn là người khôn ngoan. Họ không “hùa” theo liên minh chủ chiến để tử thủ, nhưng dám tách rời ra và tìm đường cứu mạng sống dân mình. Mặc dầu mưu lừa gạt của họ là cách sai lầm!

Họ biết rõ theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên không có phép lập hòa ước với các dân bản xứ, nhưng có thể lập hòa với các dân ở xa (Phục truyền 7:1-6; 20:10-15). Do đó các sứ giả Ga-ba-ôn trá hình, ăn vận và hành trang như những lữ khách vừa trải qua một cuộc hành trình dài. Họ chất bao cũ trên lừa, con vật tiêu biểu cho sự hòa bình, dùng bầu rượu cũ rách vá lại; chân mang giày cũ và mặc quần áo cũ mòn, cùng lương thực mang theo là thứ bánh khô vụn. Thường thức ăn của kẻ lữ hành thời ấy là thứ bánh khô hình tròn dày khoảng 2,5 cm, và đường kính khoảng 8-10 cm. Trước khi ăn, người ta ngâm bánh trong nước, vì bánh nướng có chỗ còn sống, nên dễ bị mốc và bể vụn khi lưu trữ nhiều ngày. Vậy những người trá hình ấy đến ra mắt Giô-suê tại Ghinh-ganh, tự giới thiệu mình là những sứ giả từ phương xa, và yêu cầu được lập hòa ước với dân Y-sơ-ra-ên.

Sự khôn ngoan chỉ về tri thức, sự hiểu biết của lý trí chung. Tuy nhiên trong sự khôn ngoan kèm theo hoặc với thông minh gọi là khôn sáng, hoặc với khéo léo hay quỷ quyệt gọi là khôn khéo, khôn lanh. Trong Kinh Thánh nói đến hai thứ khôn ngoan, một là sự khôn ngoan của đời. Sự khôn ngoan không thể thiếu sự xảo trá và mưu mô. Và hai là khôn ngoan từ trời, là sự khôn ngoan được ban cho con cái Chúa, đặc điểm của sự khôn ngoan nầy là thánh sạch, hòa bình và chân thật, không có sự giả dối, hai lòng (1Cô 2:13; Gia-cơ 3:14-17).

Sự khôn ngoan của dân Ga-ba-ôn là thứ khôn khéo, khôn lanh của đời. Vì Cơ Đốc nhân là người được gọi đến nếp sống hiền hòa và chân thật, cho nên đối với việc đời, con cái thế gian khôn lanh hơn con cái sáng láng! (Lu-ca 16:8). Bởi vậy trong những khôn lanh xảo trá của đời, người con cái Chúa rất dễ bị lừa gạt! Khi sai các môn đồ đi giảng đạo, Chúa Giê-xu đã cảnh cáo họ rằng “hãy khôn ngoan như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16). Thế nào chúng ta vẫn giữ được tính chất đơn thuần hiền lành của con chiên, mà không bị rơi vào bầy muông sói? Chúng ta cần có sự khôn ngoan của Chúa và sự soi sáng của Đức Thánh Linh là Thần của Lẽ thật (Gia-cơ 1:5).

  1. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN BỊ LỪA GẠT (9:7-15).
  2. Lời cầu hòa của dân Ga-ba-ôn.

Các sứ giả Ga-ba-ôn chẳng những khéo trong mưu kế, mà khéo trong lời đối đáp. Trước lời cầu hòa của họ, các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đã đặt nghi vấn: “Có lẽ các ngươi ở giữa chúng ta chăng; vậy làm thế nào lập giao ước đặng?” (c.7). Từ nghi vấn đến câu hỏi khẳng định của Giô-suê: “Các ngươi là ai? Ở đâu đến?” Ba câu hỏi trên tỏ rằng dân Y-sơ-ra-ên cũng có lưu ý đến vấn đề kết ước kẻ thù ở gần. Tuy nhiên, các sứ giả Ga-ba-ôn, đã khôn khéo đánh lạc hướng những câu hỏi trên bằng câu trả lời gián tiếp. Họ không nói rõ danh tánh mình, cũng không xác định nơi xuất xứ của họ. Và khỏa lấp chỗ trống đó bằng cách lừa dối dân Y-sơ-ra-ên bốn điều (c.9-13).

Nói rằng: “Chúng tôi là tôi tớ ông”, nhưng thực ra họ trong danh sách kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Nói rằng “chúng tôi đến để tôn trọng Danh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của các ông”, nhưng thực ra họ xúc phạm Danh Thánh Chúa. Nói rằng họ là kẻ đến từ phương xa, nhưng thực ra họ chỉ ở cách nơi Y-sơ-ra-ên khoảng 25 dặm! Nói rằng, thức ăn bị bể vụn và quần áo bị cũ mòn vì đường xa, nhưng thực ra đây chỉ là sự trá hình.

Trong bốn điều lừa dối trên, tưởng không có điều nào kinh khủng cho bằng sự lạm dụng Danh Đức Chúa Trời để che đậy mưu kế của họ! Họ đã khéo mượn Danh Chúa để làm cái “móc nối” gây thiện cảm với dân Y-sơ-ra-ên. Bởi vì là người có cùng chí hướng với mình thờ phượng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, làm thế nào dân sự không tiếp rước? Như trường hợp chúng ta gặp một người lạ từ một xứ xa xôi, nhưng khi nghe người ấy nói mình là một Cơ Đốc nhân, bỗng nhiên chúng ta cảm thấy có sự gần gũi thân mật với người anh em, chị em xa lạ có cùng niềm tin ấy! Trong xã hội xưa nay, luôn có những dối gạt tôn giáo mà chúng ta thường nghe thấy, hoặc gặp phải. Có người đến cộng đồng dân sự Chúa xem như là kẻ tìm kiếm Chúa, nhưng thật ra chỉ là người lẻn vào để trộm vụng cái gì đó cho lợi ích riêng của họ mà thôi!

  1. Sự kết ước với dân Ga-ba-ôn (c.14-15).

Trước sự khôn khéo lừa gạt của người Ga-ba-ôn, đáp lại các trưởng lão Y-sơ-ra-ên tỏ ra người nhẹ dạ dễ tin là dường nào! Chỉ nghe lời họ nói có vẻ là người kính sợ đầu phục Đức Giê-hô-va, và thấy hành trang họ là bằng chứng cho kẻ ở xa. Hai điều nầy đủ cho họ để lập hòa ước với một dân mà họ chẳng biết đích danh, cũng không rõ nơi chốn!

Trong câu 14-15, một buổi lễ lập ước được diễn tả như sau: “Người Y-sơ-ra-ên bèn nhận lương thực chúng nó, không cầu hỏi Đức Giê-hô-va. Giô-suê lập hòa cùng chúng nó, và kết ước cho chúng nó sống; rồi các trưởng lão của hội chúng bèn thề cùng chúng nó”. Sự nhận bánh là dấu hiệu của sự bằng lòng. Theo nghi thức lập ước hòa bình trong xã hội Đông phương ngày xưa, thường được tổ chức dưới hình thức của một bữa ăn thông công, rồi sau đó là lời thề hứa. Một điểm mâu thuẫn trong sự lập ước nầy là không cần hỏi Đức Giê-hô-va, mà nhân danh Đức Giê-hô-va để lập ước!

Sự lập ước là một quyết định sai lầm của các cấp lãnh đạo Y-sơ-ra-ên. Nguyên nhân của sự sai lầm nầy cho thấy những điểm sau đây:

– Quyết định vội vàng, không tra xét lịch sử cầu hòa cách kỹ càng như đáng phải có.

– Quyết định chỉ căn cứ vào sự mắt thấy tai nghe, theo sự phán đoán của lý trí.

– Quyết định thiếu sự cầu hỏi ý Chúa, là yếu tố quan trọng không thể thiếu sót. Mặc dầu trong quyết định, sự quan sát các sự kiện bên ngoài là điều cần có, nhưng sự cầu hỏi ý Chúa và nương cậy Ngài phải là điều ưu tiên trên hết.

Trong mọi quyết định của đời sống, chúng ta nương cậy vào sự khôn ngoan riêng của mình, hay nương cậy vào Chúa? (Châm ngôn 3:5-6).

III. SỰ TRÁCH PHẠT DÂN GA-BA-ÔN (9:16-27).

  1. Sự lằm bằm của dân Y-sơ-ra-ên (c.16-18).

Sự dối trá rốt cuộc chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị phơi bày. Chúng ta không rõ cách nào dân Y-sơ-ra-ên phát giác ra mưu gạt của dân Ga-ba-ôn. Câu 16 ghi rằng: “Ba ngày sau khi lập giao ước, dân Y-sơ-ra-ên hay rằng các sứ giả kia không ai xa lạ, mà chính là dân Ga-ba-ôn đang ở giữa họ!”.

Theo câu 17 và các tài liệu về khảo cổ học cho biết, Ga-ba-ôn là một tứ hợp thành, gồm có; Ga-ba-ôn, Kê-phi-ra, Ki-ri-at Giê-a-rim, và Bê-ê-rốt. (1) Thành Ga-ba-ôn cách A-hi khoảng 7 dặm về phía Tây Nam, và 6 dặm về phía Tây Bắc Giê-ru-sa-lem. Ngày nay, các nhà khảo cổ thấy trong các dấu vết hoang tàn của thành Ga-ba-ôn có nhiều chậu, keo khắc chữ “Ga-ba-ôn”. Các chậu, chai ấy được dùng trong thành phố kỹ nghệ, tỏ rằng Ga-ba-ôn là một thành phố trù phú được xây trên ngọn đồi phì nhiêu của miền thung lũng Giô-đanh. (2) Rô-phi-ra: Thành khá vững bền, có diện tích 5 mẫu Anh, nhỏ hơn các thành kia. (3) Ki-ri-át Giê-a-rim: có diện tích 6 mẫu Anh. (4). Bê-ê-rốt, được biết là Tell Êlisê Nasbel, một trong các thành kiên cố nhất, có tường thành dày 6 thước và 10 thước chiều cao, chiếm diện tích lớn nhất so với ba thành kia (8 mẫu Anh). Tìm lại tứ hợp thành Ga-ba-ôn chiếm diện tích khoảng 30.000 mẫu Anh, với dân số chừng 10.000 người. Ga-ba-ôn có thể xem là một căn cứ trung tâm quan trọng của các liên minh xứ Ca-na-an. Và sau đó Ga-ba-ôn còn là địa điểm lịch sử được Kinh Thánh nhiều lần nói đến (Giô-suê 21:17; 1Các vua 3:4; 1Sử ký 16:39).

Phản ứng trước nhất của dân sự là lằm bằm các trưởng lão. Có thể vì hai lý do:

(1) Dân Y-sơ-ra-ên bị mất đi nguồn lợi trước mắt, 4 thành trù phú của Ga-ba-ôn, mà lại còn có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho họ!

(2) Sự lập ước như vậy là trái mạng lệnh Chúa, lo sợ Ngài nổi cơn thạnh nộ trên họ chăng!

Sự lằm bằm của dân chúng cho chúng ta ghi nhận hai điều nầy:

(1) Về phần trách nhiệm của người lãnh đạo, cần có sự thận trọng trong mỗi quyết định.

(2) Về phần dân chúng, nên biết rằng một quyết định sai của người lãnh đạo là chuyện đã rồi. Sự lằm bằm cũng vô ích. Nếu không nói được lời xây dựng, thì yên lặng học hỏi lỗi lầm chung ấy để tránh lỗi lầm về sau thì hơn!

  1. Một cách trách phạt (c.19-27).

Đáp lại mưu gạt của Ga-ba-ôn, các trưởng lão Y-sơ-ra-ên có một đáp ứng tương xứng gồm những điểm như sau:

(1) Không rút hòa ước với Ga-ba-ôn, để cho họ sống vì lời thề nhân danh Đức Giê-hô-va. Mặc dầu đối với Chúa, các trưởng lão dân sự đã lầm lỗi lập giao ước với dân đáng diệt. Nhưng sự rút lại lời hứa nhân danh Đức Giê-hô-va làm sỉ nhục Ngài giữa dân ngoại là một lỗi lầm nặng hơn! Trong 2Sa-mu-ên 21, Đức Chúa Trời đã có lần phạt dân Y-sơ-ra-ên bằng cơn đói kém lớn, và đòi huyết báo thù của các con trai Sau-lơ, vì cớ vua nầy ái quốc nên bội ước sát hại dân Ga-ba-ôn. Vì vậy quyết định của các trưởng lão là một quyết định sáng suốt và hợp lẽ. Người bị lừa gạt thường có sự “trả đũa” quá đáng, nhưng các trưởng lão cầm được cơn giận trong sự kính sợ Đức Chúa Trời.

(2) Bắt phạt dân Ga-ba-ôn làm kẻ phục dịch Y-sơ-ra-ên trong công việc đốn củi, xách nước cho hội chúng và nhà Đức Chúa Trời. Sự biến dân ngoại trở thành nô lệ là cách ngăn ngừa dân Y-sơ-ra-ên không bị đồng hóa trong nếp sống ô uế hình tượng của họ, nhưng đồng hóa họ trong nếp sống đạo thánh thiện của Y-sơ-ra-ên, tôn thờ Đức Chúa Trời, Đấng chân thần duy nhất.

Tóm lại, lầm lỗi là điều không ai tránh khỏi, và nhất là người lãnh đạo trong các quyết định quan trọng. Nhà văn J.Conrad nói rằng: “Chỉ những người nào không có làm gì cả, mới không có lầm lỗi”. Trong việc xử trí của các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đối với lầm lỗi của họ, chúng ta học được điều nầy: Khi sai lầm hãy nhận lỗi ấy, đừng bào chữa cho mình cũng đừng đổ thừa cho ai. Hãy cầm cơn giận, chớ tính chuyện trả thù, tránh sự phản ứng quá trớn, chớ gây thêm một lầm lỗi thứ hai tệ hại hơn; nhưng hãy khiêm nhường học từ lầm lỗi ấy và biến nó làm kẻ hầu việc mình!

  1. Thái độ của dân Ga-ba-ôn trước sự trách phạt.

Với tư cách của nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, Giô-suê gọi dân Ga-ba-ôn đến mà quở trách sự lừa gạt của họ và rao sự rủa sả trên họ. Dưới sự rủa sả ấy, dân Ga-ba-ôn bị trở thành là kẻ tôi tớ đốn củi, xách nước cho hội chúng Y-sơ-ra-ên và đền thờ Đức Chúa Trời kể từ đó (c.21-23).

Trong Sáng thế ký 10:17 cho biết dân Hê-vít (dân Ga-ba-ôn) là con cháu Ca-na-an, thuộc dòng dõi Cham. Nên sự rủa sả nầy còn có thể xem là điều ứng nghiệm lời chúc tiên tri của Nô-ê rằng: “Ca-na-an đáng rủa sả! Nó sẽ làm tôi cho các tôi tớ của anh em nó” (Sáng 9:25).

Như vậy kết quả mưu gạt của dân Ga-ba-ôn là sự rủa sả! Sự dối gạt không bao giờ đạt đến mục đích tốt đẹp như ta mong muốn. Trước sự trách phạt của Giô-suê, dân Ga-ba-ôn bày tỏ hai điều (c.24-27):

(1) Bào chữa cho mưu kế giả dối vì lý do muốn cứu mạng sống mình. Tuy nhiên họ không thể dùng cứu cánh để biện minh cho phương tiện! Dân Ga-ba-ôn biết họ là kẻ đáng diệt, biết Đức Chúa Trời quyền năng, biết họ không thể chống nổi dân sự Chúa và muốn cứu mạng sống mình. Đây là sự lựa chọn đúng, khôn ngoan, nhưng dùng cách lừa gạt để cứu mạng sống là điều sai. Chúng ta nhận thấy, cùng nghe biết việc quyền năng của Đức Chúa Trời.

– Kỵ nữ bởi đức tin, được cứu thoát và sống tự do giữa Y-sơ-ra-ên.

– Dân Ga-ba-ôn, bởi mưu kế được sống nhưng sống nô lệ.

Cũng vậy đối với sự cứu rỗi của Chúa, chỉ có một cửa để chúng ta vào nhận sự cứu rỗi là Đức Chúa Giê-xu Christ; và chỉ có một cách chúng ta được cứu rỗi là bởi đức tin, chớ không phải cậy vào khôn ngoan riêng của mình (Giăng 10:9; Ê-phê-sô 2:8-9).

(2) Chấp nhận sự rủa sả với sự hài lòng, “Bây giờ chúng tôi ở trong tay ông, hãy đãi chúng tôi tùy ý ông cho là tốt lành…” (c.25). Mặc dù không chấp nhận sự lừa dối của dân Ga-ba-ôn, nhưng hai điểm tốt đáng khen được tìm thấy trong họ là thái độ hạ mình, đầu phục. Và về sau, không có dấu hiệu nào chống đối của dân tộc nầy đối với dân Y-sơ-ra-ên.

Tóm lại, trong câu chuyện kết ước với dân Ga-ba-ôn, chúng ta nhận thấy phía sau lỗi lầm của Y-sơ-ra-ên, và sự dối gạt của dân Ga-ba-ôn, có bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời. Bởi hồng ân của Ngài, lầm lỗi của Y-sơ-ra-ên kết ước với dân nghịch được Ngài đổi thành sự chiến thắng lớn với lực lượng liên minh trong mặt Ga-ba-ôn sau đó. Với thái độ hạ mình, đầu phục Chúa của dân Ga-ba-ôn, mặc dầu sự đốn củi và xách nước cho đền thờ Chúa là một hình thức của sự rủa sả, nhưng đó cũng là một đặc ân cho người dân ngoại được đặt trong hành lang nhà Đức Chúa Trời (Thi thiên 84:10). Người Ga-ba-ôn hầu việc tại đền thờ được gọi là Nê-thi-nim. Chẳng những là người đầy tớ phục dịch, nhưng sau đó họ được nhận vào cộng đồng dân Chúa, và đồng công hầu việc trong nhà Ngài. Họ cùng bị đày với dân Chúa, và cùng được trở về xây sửa lại đền thờ Ngài (1Sử ký 9:2,26; E-xơ-ra 2:43,58; 8:20).

BÀI HỌC ÁP DỤNG

  1. Như sư tử rống hoặc như thiên sứ sáng láng là hai cách Sa-tan hay dùng tấn công làm hại con cái Chúa.
  2. Với người Cơ Đốc, trong mọi quyết định của đời sống, sự cầu hỏi Chúa và chờ đợi ý Ngài phải là điều được nghĩ đến trước tiên.
  3. Sự dối trá rốt lại không giải quyết vấn đề nhưng tạo thêm vấn đề.
  4. Không ai tránh được lầm lỗi, nhưng điểm quan trọng là thế nào biến lầm lỗi ấy đến sự thành công.
  5. Có sự dối trá nào tệ hại cho bằng sự lạm dụng đến Danh Chúa!

Post CommentLeave a reply