Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 21.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 21.03.2021

By H'Dên in PHỤ NỮ on 15 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 21.03.2021

1. Đề tài: SỰ KHẢI THỊ.

2. Kinh Thánh: Cô-lô-se 1:24-2:5.

3. Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển” (Cô-lô-se 1:27).

4. Đố Kinh Thánh: Các quan xét 16-18.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 10.01.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có một cô bé bị mù từ khi còn nhỏ, mỗi ngày mẹ cô thường dẫn cô ra trước cửa nhà, chỉ cho cô những hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng, bà nói về mặt trời, mặt trăng, dòng sông, ánh nắng cho cô nghe. Cô lắng nghe một cách chăm chú và cố hình dung ra những sự đẹp đẽ ấy. Ngày kia cô được đưa đến một bác sĩ chữa bệnh, người ta mổ mắt cho cô. Đến ngày cô tháo băng mắt, người ta cho cô đứng trước cửa sổ phòng trong bệnh viện, khi băng từ từ được mở ra, cô thấy mọi vật lờ mờ hiện ra trước mắt rồi dần dần mọi sự rõ hơn. Cô nhìn thấy ánh sáng mặt trời trải trên thảm cỏ xanh mượt như nhung, những bông hoa đủ màu sắc và những con bướm xinh đẹp bay lượn trên những khóm hoa, dòng sông bên kia bệnh viện đang trôi lững lờ trong nắng, lấp lánh ánh bạc. Cô kinh ngạc kêu lên “ồ, thật là kỳ diệu”, và quay sang mẹ, cô nói “vạn vật đẹp đẽ thế này mà lâu nay mẹ không nói cho con biết?”. Mẹ cô mỉm cười “con ơi, mẹ đã cố công nói cho con biết điều đó từ khi con còn nhỏ nhưng con có thấy gì đâu, cho đến khi Đức Chúa Trời mở đôi mắt cho con thì con mới tự nhìn thấy tất cả những vẻ đẹp đó”.

            Con người từ bao đời bị che kín bởi những bức màn tăm tối không thấy huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, cho đến khi Chúa Giê-xu đến và vén bức màn đó ra thì con người mới có thể biết về Ngài. Phao-lô cho chúng ta biết điều này qua bài học hôm nay.

  1. CHẤP NHẬN CÁCH VUI MỪNG (Cô-lô-se 1:24-27).

            Một lần nữa Phao-lô nhấn mạnh cho các tín hữu Cô-lô-se biết về hoàn cảnh và tinh thần của ông. Hoàn cảnh của ông là đang ở trong vòng tù tội, đang chịu đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần, không chỉ trong vòng tù tội, chức vụ của Phao-lô là một chức vụ đầy gian khổ và nguy hiểm như ông đã từng mô tả hầu như đầy đủ trong 2Cô-rinh-tô 11:23-28. Thế mà ông lại nói “Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ vì anh em”. Anh em đó là ai? Đó là “thân thể Đấng Christ, là Hội Thánh”. Vì Hội Thánh đó mà ông “đem xác thịt mình chịu hết điều còn lại trong sự thương khó của Ngài”.

            Nói một cách khác hơn, Phao-lô vui mừng chấp nhận gian khổ bởi vì ông đang phục vụ cho Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, mà ông cũng là một phần trong thân thể đó, phục vụ cho Hội Thánh cũng có nghĩa là phục vụ cho Đấng Christ, Đấng mà ông yêu mến. Ngài đã chịu biết bao thương khó cho Hội Thánh, là những người đã được cứu chuộc, thế thì tại sao ông lại buồn bã, đau khổ vì sự đau khổ mà ông đang gánh chịu. Không, ông muốn chia xẻ sự thương khó với Ngài, Đấng đã chịu đau đớn vì ông, ông cũng vì Ngài mà chịu đau đớn cho Hội Thánh của Ngài. Đối với Phao-lô, chịu khổ với Chúa không phải là một sự việc đau khổ, nhưng là một vinh dự, không phải ai cũng có tư cách tham dự và chia xẻ sự thương khó của Chúa Cứu Thế, chỉ có “thân thể Ngài”. Là Hội Thánh mới có thể dự phần. Ông nói điều đó trong Phi-líp 1:29 “Ngài nhơn Đấng Christ ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa”.

            Sự vui mừng của Phao-lô có lẽ đến từ c.25, ông được Chúa chọn như là một sứ giả để rao truyền đạo Chúa cho thế giới ngoại đạo và phục vụ Hội Thánh. Đây không phải là một công việc tầm thường như các công việc khác mà là một chức vụ thiêng liêng. (c.26) nhấn mạnh tính cách của chức vụ thiêng liêng đó, trải qua các đời, thế gian vẫn rất mù mờ trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời vì những huyền nhiệm về Ngài vẫn được giữ kín. Người ta biết có một Đức Chúa Trời sáng tạo và kỳ diệu, nhưng không biết Ngài là ai, như thế nào và tại sao? Những người dân trong thành phố A-thên đã thờ một vị thần mà họ gọi là THỜ THẦN KHÔNG BIẾT (Công vụ 17:23). Chức vụ của Phao-lô là bày tỏ ra tất cả những sự huyền nhiệm kín giấu đó cho mọi người. Huyền nhiệm đó là “Chúa Cứu Thế ở trong anh em là nguồn hy vọng về vinh quang”.

            Có bao nhiêu người ngày hôm nay “vui mừng” chịu khổ vì danh Chúa, hy sinh cho Hội Thánh của Chúa?

  1. MỤC ĐÍCH TỐI HẬU (Cô-lô-se 1:28-29).

            Phao-lô đã nói rất nhiều về mục đích của ông trong 1Cô-rinh-tô 24-27 và Phi-líp 3:12-16, nhưng có lẽ đây là nơi mà ông nhấn mạnh về mục đích chức vụ mình hơn hết. Đức Chúa Trời đã chọn ông để làm một sứ giả rao truyền sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời và ông nói: “ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng”. Mục đích duy nhất và rõ ràng nhất của chức vụ ông là rao giảng sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời và trọn cuộc đời ông, ông chỉ làm một điều mà Ngài đã khải thị cho ông và cho tất cả mọi người. Sự huyền nhiệm này được mô tả “đã giấu kín trải qua các đời các kiếp”, mà hôm nay, Đức Chúa Trời muốn cho họ biết. Đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã từ bỏ ngôi vị trời cao đến thế gian để chết chuộc tội cho loài người đang chìm ngập trong tội lỗi.

            Mục sư Rick Warren nói rằng nếu bạn tìm ra được một phương pháp chữa được bệnh ung thư, chắc chắn bạn phải vui mừng đi ra và tìm đủ mọi cách để thông báo cho nhiều người biết hầu cho họ được chữa lành. Tin mừng về sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu có phải chăng còn quan trọng và vui mừng hơn phương pháp chữa bệnh ung thư để chúng ta sốt sắng ra đi thông báo cho cả thế gian được biết hầu qua đó họ tìm được sự sống đời đời?

            Rao giảng sự huyền nhiệm của Chúa đối với Phao-lô có hai phần: Răn bảo mọi người và dạy dỗ mọi người. Chữ răn bảo còn có nghĩa là cảnh cáo và chữ dạy dỗ còn có nghĩa là huấn luyện. Chức vụ của Phao-lô là trước hết rao giảng cho những người ngoại đạo về Tin Lành cứu rỗi của Chúa Cứu Thế, cho họ biết rằng họ là những tội nhân đang cần sự cứu rỗi, và sự cứu rỗi chỉ có qua sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi họ tin nhận Chúa, thì ông huấn luyện họ để họ được trở nên “trọn vẹn”. Phao-lô đã làm điều đó khi ông đến giảng đạo tại các thành phố, khi có người tiếp nhận Chúa, ông dạy đạo cho họ, chăm sóc cho họ lớn lên, giúp đỡ thiết lập Hội Thánh, giao lại cho những người lãnh đạo và rồi lại ra đi để tiếp tục đem Tin Lành của Chúa đi đến những miền xa.

            Công tác truyền giáo không phải là một công tác dễ dàng. Phao-lô nói rằng ông không làm việc này bằng sức của ông, nếu ông làm bằng sức của ông chắc ông đã ngã quỵ từ lâu vì những khó khăn nguy hiểm, ông nói: “nhờ sức Ngài giúp đỡ mà chiến đấu”, sức đó là “sức hành động cách có quyền trong tôi”.

            Có biết bao nhiêu giáo sĩ sau đó đã noi gương Phao-lô ra đi để ngày nay Tin Lành lan rộng trên toàn thế giới. Những giáo sĩ đó đã chịu muôn vàn đắng cay, cực nhọc, có kẻ đã bỏ mình vì Chúa trong những vùng hoang dã xa xôi, nhưng họ đã “nhắm mục đích mà chạy”, rao truyền đạo Chúa cách trung thành. Đó cũng phải là mục đích cho tất cả chúng ta ngày hôm nay.

III. QUAN TÂM CHÍNH ĐÁNG (Cô-lô-se 2:1-5).

            Phao-lô quay trở lại các tín hữu Cô-lô-se để nói cho họ biết một điều nữa, ông nói rằng “tôi hết sức chiến tranh cho anh em, cho những người Lao-đi-xê, và cho những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác”. Lao-đi-xê là một trong bảy Hội Thánh được nhắc đến trong sách Khải huyền (Khải 3:14-22). Ông đã hết lòng chiến đấu với biết bao gian khổ nhọc nhằn cho tất cả họ, với một mong mỏi “Hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”. Khác với mọi tôn giáo khác, các tín hữu cần phải trang bị lời Chúa một cách sâu nhiệm, những chữ “đầy dẫy, chắc chắn” mô tả một sự trọn vẹn, vững vàng không gì lay động được. Nhờ sự trang bị lời Chúa sâu nhiệm, hiểu Ngài rõ ràng, tín hữu có thể tránh được những tà giáo xung quanh tấn công họ.

(c.4) Phao-lô nói tiếp: “Tôi nói như vậy, hầu cho chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối anh em”. Một lần nữa, Phao-lô nhắc đến một tà giáo đang bắt đầu xâm nhập Hội Thánh (Trí huệ phái) và có thể làm lung lạc đức tin của các tín hữu. Ông đã hết sức chiến đấu bằng tất cả nỗ lực và chấp nhận tất cả gian khổ chỉ để cho các tín hữu Cô-lô-se có sự hiểu biết về Chúa Cứu Thế một cách sâu nhiệm và qua đó họ có thể chống lại tà giáo Trí huệ này. Phao-lô quyết không để cho chân lý của Chúa bị tà giáo xâm phạm, lấy đi những người mà ông đã khổ công để mở mắt cho họ thấy ánh sáng chân lý của Đức Chúa Trời.

Tâm tình của Phao-lô trước sau không hề thay đổi. Ông không sống cho ông nữa, nhưng là cho Chúa và Hội Thánh của Ngài mà Ngài đã mua bằng chính sinh mạng mình. Bằng những lời thật cảm động, Phao-lô cho người Cô-lô-se biết dầu thân thể ông xa cách nhưng lòng ông luôn ở cùng họ, yêu họ, sống với họ và chiến đấu cùng họ cho chân lý muôn đời của Đức Chúa Trời. Ông không màng đến sự đau đớn, gian khổ của bản thân, ông nói: “thấy anh em có thứ tự hẳn hoi, và đức tin vững vàng đến Đấng Christ, thì tôi mừng rỡ lắm”.

Tâm tình của Phao-lô ngày nay có còn thấy trong vòng những người Cơ Đốc chúng ta không? Có một người nói rằng “nếu tôi biết một điều thật sự là chân lý, tôi sẽ sống chết với chân lý đó”. Hàng bao nhiêu năm qua, có biết bao nhiêu tà giáo đã thâm nhập vào Hội Thánh, hoặc là những tà giáo ngoài đời, những tà giáo xưng mình là chân lý, mà có nhiều người cũng đã điên rồ đi theo “chân lý” đó đến nỗi bán hết gia tài điền sản mình để đi theo, thậm chí chết cho “chân lý” đó. Chúng ta biết rõ chỉ có một chân lý duy nhất đó là huyền nhiệm của Đức Chúa Trời giấu kín các đời, nay đã được tỏ ra cho tất cả mọi người biết: Đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Xin Chúa giúp để chúng ta hết lòng theo Ngài, học hỏi lời Ngài cách sâu nhiệm hơn để có thể chống cự các tà giáo ngày càng nhiều trên thế giới này. Thêm vào đó, chúng ta cũng cầu nguyện để Chúa dùng mình như một sứ giả đi ra để rao truyền huyền nhiệm của Chúa đã được khải thị, góp phần đem Tin Lành của Chúa rao truyền khắp nơi, chấp nhận gian khổ, ngay cả nước mắt, đem nhiều linh hồn tội nhân về lại nhà Chúa.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Làm cho quần áo cũ trở nên sáng: Khi xả nước cuối cùng nên pha vào nước một chút muối.

Lụa trắng muốn không bị vàng: Mỗi lần giặt xong, xả với nước lạnh có pha một chút muối ăn. Nếu cứ làm như vậy, hàng lụa dù lâu ngày cũng vẫn giữ được vẻ trắng đẹp của nó.

 

Post CommentLeave a reply