CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 17.01.2021
By K' Abel in Thanh niên on 12 Tháng Một, 2021
Chúa nhật 17.01.2021.
- Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA VÌ BIẾT ƠN CHÚA.
- Kinh Thánh: Mác 5:1-20.
- Câu gốc: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).
- Đố Kinh Thánh: 1 Giăng 1-5.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền (Mác 5:1-20), và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất là 4 câu hỏi cho các nhóm trong giờ học Kinh Thánh:
– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng hoặc dùng để tham khảo.
(1.1) Câu hỏi suy luận: Đời sống người bị quỉ ám đau khổ như thế nào?
(1.2) Câu hỏi áp dụng: Đời sống của bạn có từng hay đang bị trói buộc, đau khổ dưới quyền lực của sự tối tăm không? Xin dẫn chứng.
(2.1) Câu hỏi suy luận: Khi thấy người bị quỉ ám, Chúa Giê-xu đã làm gì?
(2.2) Câu hỏi áp dụng: Ngày hôm nay, khi gặp người bị quỉ ám, bạn sẽ làm gì?
(3.1) Câu hỏi suy luận: Sau khi được Chúa Giê-xu đuổi quỉ ra khỏi, đời sống người đàn ông này thay đổi thế nào?
(3.2) Câu hỏi áp dụng: Sau khi tin Chúa, đời sống bạn đổi mới như thế nào?
(4.1) Câu hỏi suy luận: Vì sao Chúa Giê-xu không cho người được chữa lành đi theo Ngài?
(4.2) Câu hỏi áp dụng: Có phải ngày nay Chúa cũng muốn bạn làm như thế không? Bạn đã thực hiện như thế nào?
Bạn cũng có thể dùng các câu hỏi ở cuối Tài Liệu Tham Khảo.
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
- Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút học Kinh Thánh.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
- Chia nhóm: Chia thành 3 nhóm.
- Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Một trong những điều tệ hại của con người sa ngã là sự vong ơn Chúa. Còn sự biết ơn Chúa là một đặc điểm của người được cứu chuộc. Đây không phải là lời cám ơn suông, nhưng bằng sự đáp ứng của đời sống. Tác giả Thi-thiên 116 nhắc nhở chính mình: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va, về các ơn lành mà Ngài làm cho tôi?” (c.12).
Trong bài học này, chúng ta sẽ tìm hiểu lý do phải biết ơn Chúa và vì sao chúng ta cần đáp lại ơn Ngài?
- LÝ DO CHÚNG TA BIẾT ƠN CHÚA.
- Đấng ban ơn lành: Trong Kinh Thánh, Thi-thiên có thể gọi là sách của sự ngợi ca và cảm tạ. Qua các bài thơ được viết trong những hoàn cảnh khác nhau, các tác giả dâng lên lời tạ ơn Đức Chúa Trời vì những lý cớ sau đây (Thi-thiên 100:4-5; 107:1-2; 118:1;138:1-2; 103:1-12):
– Sự thiện lành của Chúa.
– Sự thành tín và chân thật của Chúa.
– Sự công nghĩa của Chúa.
– Sự nhân từ và thương xót của Chúa.
– Sự tha thứ của Chúa.
– Sự chữa lành của Chúa.
Qua những lý do cảm tạ trên, chúng ta học biết Đức Chúa Trời là Đấng toàn chân, toàn mỹ và toàn thiện, Đấng nhân từ và đầy lòng thương xót. Trong sự toàn chân, Đức Chúa Trời thi hành sự công nghĩa Ngài, giải cứu người công bình khỏi tay kẻ ác. Trong sự toàn mỹ toàn thiện của Ngài, Đức Chúa Trời làm điều tốt lành cho loài người. Trong sự nhân từ và thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời thi ân cho mọi người. Trong sự thành tín, Đức Chúa Trời không bao giờ quên gia ơn cho kẻ kính sợ Ngài. Dù cho núi dời đồi chuyển, Đức Chúa Trời vẫn hằng hữu, tình yêu thương bất diệt của Ngài như nguồn suối mãi tuôn tràn, bao trùm trên muôn loài vạn vật trong ơn sủng chẳng hề dứt của Ngài. Ngài thật là Đấng cho chúng ta cảm tạ, chúc tụng không thôi. Như trong lời ca ngợi của Đa-vít: “Người ta sẽ truyền ra kỷ niệm về sự nhân từ của Chúa, và hát lớn lên sự công bình Chúa. Đức Giê-hô-va hay làm ơn, có lòng thương xót, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi-thiên 145:7-9).
- Công việc tốt lành của Đức Chúa Trời.
- Đối với loài người.
Trong công cuộc Sáng-thế Ký tạo của Đức Chúa Trời, loài người là một công trình tuyệt tác của Ngài, được Ngài yêu thương và đặc biệt chăm sóc. Từ hơi thở đến mọi nhu cầu của cuộc sống thể chất lẫn tâm linh đã được Ngài sắm sẵn cách chu đáo trước khi đưa con người vào trong thế giới. Sự sống con người tùy thuộc vào Chúa, như sự bày tỏ của Lời Kinh Thánh: “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có…” (Công-vụ 17:28). Mặc dầu tưởng mình sống không cần đến Chúa, nhưng con người phải thọ ơn Ngài. Họ không thể nào sống thiếu nguồn nguyên liệu dồi dào mà Đấng Tạo hóa khôn ngoan đã cất giấu cho nhu cầu con người khi hữu sự. Họ không thể nào từ chối không hit thở bầu không khí mà Đấng Sáng-thế Ký tạo yêu thương bao phủ cho sự sống con người (Thi-thiên 115:15-16; 145:15-16).
Nhưng buồn thay, với sự thi ân của Chúa, loài người đáp lại bằng sự bội ơn: “Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm Sáng-thế Ký danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa… vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kinh thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! Amen” (Rô-ma 1:21,25). Dầu vậy Đức Chúa Trời vẫn làm lành cho mọi người. Ơn mưa móc của Ngài chẳng dứt giáng trên người công bình lẫn kẻ gian ác (Ma-thi-ơ 5:44-45).
- Đối với dân Y-sơ-ra-ên.
Ơn lành của Đức Chúa Trời thi thố trên tuyển dân Y-sơ-ra-ên thật lớn lao bởi quyền năng cao cả của Ngài trong sự sai Giô-sép bảo tồn dòng dõi Áp-ra-ham; trong sự sai Môi-se giáng mười tai vạ kinh khiếp trên Pha-ra-ôn để giải cứu dân sự ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập; trong việc chăm sóc dân sự, ban mana mỗi ngày suốt mười năm trong cuộc hành trình, khiến nước chảy từ hòn đá; trong sự chiến thắng quân nghịch và ban đất hứa Ca-na-an cho dân sự như giao ước Ngài đã lập cùng Áp-ra-ham. Nhưng đáp lại, dân Y-sơ-ra-ên xây bỏ Đấng giải cứu họ, và đi thờ lạy, hầu việc tượng bò vàng! (Thi-thiên 106:19-21). Dầu vậy, Đức Chúa Trời thành tín vẫn gia ơn trên họ vì cớ Áp-ra-ham, tôi tớ trung thành của Ngài.
- Đối với Cơ Đốc nhân.
Cơ Đốc nhân là người được hưởng nhiều đặc ân của Đức Chúa Trời như sứ đồ Pha-lô bày tỏ trong thơ Ê-phê-sô 1:2-14; 2:1-7. Đó là:
(1) Được Chúa lựa chọn làm con cái Ngài.
(2) Được Chúa cứu chuộc bởi huyết Ngài.
(3) Được tự do khỏi quyền lực của tội lỗi.
(4) Được dự phần kế nghiệp trong nước Chúa.
(5) Được bảo đảm bởi ấn chứng của Chúa Thánh Linh trong lòng.
(6) Được hưởng phước hạnh, giàu có thuộc linh vô hạn trong Đấng Christ.
- SỰ ĐÁP LẠI ƠN CHÚA.
So sánh các công việc Chúa làm cho loài người nói chung và cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta nhận thấy không có ơn phước nào lớn lao, quí báu cho bằng ơn phước Đức Chúa Trời ban cho Cơ Đốc nhân, đến nỗi phải hy sinh chính Con Một của Ngài. Vì thế khi nhắc đến ơn Chúa, sứ đồ Pha-lô đã nói lên lời cảm ơn sâu xa: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể” (2 Cô-rinh-tô 9:15). Và ông cũng khuyên các tín hữu hãy biết ơn Chúa, không phải chỉ bằng lời ngợi ca trên môi miệng, nhưng bằng chính sự dâng hiến, phục vụ Ngài như một của lễ cảm tạ sống và thánh đẹp lòng Ngài (Rô-ma 12:1; Cô-lô-se 3:16-17).
Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời dạy dân Y-sơ-ra-ên dâng của lễ chuộc tội để được tha thứ, và dâng của lễ thù ân để tỏ lòng biết ơn Ngài (Lê-vi Ký 7:1-15; 9:22). Điều nầy cho thấy nguyên tắc đòi hỏi của luật đạo đức là người thọ ơn phải biết đáp ơn. Vì vậy, đối với ơn cứu chuộc lớn lao của Chúa, sự tận hiến cuộc đời chúng ta trong sự hầu việc Ngài là điều phải lẽ. Như Issac Watts với tấm lòng cảm nhận sâu xa ơn Chúa đã viết lên những dòng thơ cảm động như sau:
“Tuy lệ tuôn rơi tôi nào trả nổi, bao nợ tình yêu Chúa tôi; hỡi Chúa tôi dâng cả nhứt sinh tôi, thảy thảy dâng Cứu Chúa thôi”.
Với các ơn lành Chúa ban cho, vua Đa-vít đã bày tỏ lòng biết ơn chẳng những bằng sự dâng hiến của cải cho công việc xây cất đền thờ Đức Giê-hô-va, mà Đa-vít còn dâng hiến cả đời sống mình trong sự tôn thờ Ngài: “Hễ tôi sống bao lâu, tôi sẽ hát xướng cho Đức Giê-hô-va bấy lâu; hễ tôi còn chừng nào, tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời tôi chừng nấy” (Thi-thiên 104:33; 1 Sử ký 29:1-5).
Trước ơn kêu gọi của Chúa, sứ đồ Pha-lô cảm thấy ân điển Ngài quá lớn. Vì thế, việc từ bỏ mọi sự vì danh Chúa, đối với Pha-lô là điều quá nhỏ, chẳng xứng đáng chi (1 Cô-rinh-tô 15:9-11; Phi-líp 3:7-8). Đáp lại ơn giải cứu của Chúa, người bị quỉ ám, người mù được chữa lành tự nguyện đi theo phục vụ Chúa. Trái lại, trong mười người phung được lành bệnh chỉ có một người trở lại cảm ơn Ngài (Mác 5:17-20; 10:52-53; Lu-ca 17:11-19). Câu hỏi của Chúa Giê-xu: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu?” Điều này nhắc nhở Cơ Đốc nhân chớ quên ơn Đấng Cứu Chuộc mình. Trong cách xử thế, người ta còn biết nhắc nhở nhau “ăn trái nhớ kẻ trồng cây; uống nước nhớ người đào giếng”. Trong lãnh vực đạo đức, quên ơn người đã là điều tệ bạc, huống chi là quên ơn Đấng Tạo Hóa! Vì thế, vua Đa-vít nhắc nhở mình trong sự biết ơn Chúa: “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va… Chớ quên các ân huệ của Ngài” (Thi-thiên 103:1-2). Cũng như trong lời ca, ông O-at-man khuyến khích chúng ta nhớ ơn Chúa bằng sự ôn lại các ơn phước của Ngài:
“Xin anh đếm các phước lành Cha luôn ban.
Xin anh hãy kể ra ơn lành từng tên.
Hãy đếm ơn trên, hãy kể tên linh ân.
Chắc chắn anh sẽ thấy các công tác Cha đang làm”.
Tóm lại, đối với Đấng ban ơn:
- Người thọ tạo phải biết ơn Đấng Sáng Tạo. Người được cứu phải biết ơn Đấng Cứu Chuộc mình.
- Người thực sự biết ơn Chúa không phải chỉ bằng lời nói cám ơn, nhưng bằng đời sống dâng hiến phục vụ Chúa.
- Mức độ hầu việc Chúa tùy ở mức độ cảm nhận ơn Chúa.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc Thi-thiên 100:4-5; 103:1-12; 107:1-2; 111:4; 118:1; 138:1-2; 145:8-9.
- Nêu ra những lý do các tác giả Thi-thiên cảm tạ Đức Chúa Trời.
- Qua các lý do trên, chúng ta học biết Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
- a. Ngài làm điều tốt lành nào cho loài người Ngài dựng nên? (Thi-thiên 115:15-16; 145:15-16; Ma-thi-ơ 5:44-45; Công-vụ 17:25-28).
- Loài người đáp lại ơn Ngài thế nào? (Rô-ma 1:21-25).
- Ngài làm điều tốt lành nào cho dân Y-sơ-ra-ên? (Thi-thiên 105).
- Dân Y-sơ-ra-ên đáp lại ơn Ngài thế nào? (Thi-thiên 106:19-21).
- Ngài làm điều tốt lành gì cho Cơ Đốc nhân? (Ê-phê-sô 1:2-14; 2:1-7).
- Đối với ơn lành Chúa ban, Cơ Đốc nhân được sự khuyến khích gì? Tại sao? (Rô-ma 12:1; I1 Cô-rinh-tô 9:13-15; Cô-lô-se 3:16-17;).
- Lý do nào cho chúng ta biết ơn Chúa và hầu việc Ngài.
- a. Hiện nay, bạn đang biết ơn Chúa hay quên ơn Ngài?
- Sự biết ơn Chúa của bạn chỉ bằng lời nói suông hay bằng đời sống hầu việc Ngài?