Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT.10.11.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT.10.11.2019

By H'Dên in Thanh niên on 4 Tháng Mười Một, 2019

Chúa nhật 10.11.2019.

  1. Đề tài: TIẾT CHẾ LÒNG HAM MUỐN.
  2. Kinh Thánh: Ga-la-ti 5:19-21; Rô-ma 13:12-14.
  3. Câu gốc: “nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô 13:14).
  4. Đố Kinh Thánh: Na-hum 1-3.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.7.2019).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trong thời đại văn minh hiện nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, người ta say sưa khám phá và chế ngự cõi thiên nhiên. Nhưng không có sự chế ngự nào lớn hơn là sự chế ngự tấm lòng của mình. Vì lòng tham không đáy, đã lôi cuốn con người vào băng hoại của tội lỗi, ngày càng lún sâu trong bóng tối tăm của sự hư mất.

Cho nên, một trong những vấn đề thách thức người Cơ Đốc là tiết chế lòng ham muốn của xác thịt. Sự tiết chế nầy có phá hủy sự tự do của con người không?

  1. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾT CHẾ.

Là người mang thân xác, ai cũng có dục vọng. Dục vọng là một phần trong tình cảm con người, chính nó chẳng có gì sai trật. Nhưng sai hay không là ở chỗ đối tượng của nó. Vì thế, dục vọng cần được sự hướng dẫn của Thánh Linh. Vì trong con người sa ngã, dục vọng chỉ xu hướng về điều ác hơn là điều thiện, như sự bày tỏ của Kinh Thánh: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa” (Giê-rê-mi 17:9). Do đó tấm lòng là nơi chất chứa bao điều thèm khát buông lung của sự ham muốn xác thịt và dẫn con người đến chỗ hư hoại như điều Phao-lô mô tả trong câu 19. Đó là:

  1. Gian dâm: Chữ gian dâm chỉ về sự vô luân, bao gồm cả sự ngoại tình và tà dâm.
  2. Ô uế: Chỉ về sự không trong sạch trong tâm hồn.
  3. Luông tuồng: Chỉ về sự phóng đãng, dâm ô vô độ, gồm cả sự làm nhục thân thể như điều Phao-lô nói đến trong Rô 1:24-28.
  4. Say sưa, mê ăn uống: Chỉ về sự vô độ cho thỏa mãn xác thịt. Những sự ham muốn luông tuồng như nói trên đã khiến người ta càng lún sâu trong tội lỗi, phục dịch sự tối tăm, phạm đủ thứ tội không biết chán, và cuối cùng là sự chết.

Nhưng trái với sự buông tuồng của người sống theo xác thịt, người sống theo Thánh Linh có bông trái của sự tiết độ. Chữ tiết độ chỉ về sự tự kiềm chế hay sự cầm giữ chính mình đối với sự ham muốn của xác thịt. Tự chế là điều cần cho Cơ đốc nhân, vì:

  1. Kết quả của sự buông tuồng theo xác thịt là nô lệ và sự chết; như sự ngã chết của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng vì cớ thèm khát vật chất, và dâm dục là bài học cảnh tỉnh chúng ta ngày nay (Dân 11:31-34; 1Côr 10:8-9).
  2. Tiết chế là chiếc phao an toàn cho sự tự do của Cơ đốc nhân để không rơi vào ách nô lệ của tội lỗi.
  3. Tiết chế là dấu hiệu của người trưởng thành thuộc linh.
  4. BÍ QUYẾT ĐỂ TIẾT CHẾ.
  5. Vâng phục Thánh Linh: Trong thời Cựu ước, dân Y-sơ-ra-ên bị đặt dưới sự canh giữ của luật pháp, như chiếc hàng rào gìn giữ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn xu hướng về xác thịt, vẫn còn ở trong tình trạng ấu trĩ thuộc linh (Dân 11:4-6). Nhưng trong thời Tân ước, nhờ ân điển Chúa, Thánh Linh ở trong lòng kẻ tin, ban cho họ năng lực để hướng về điều thiện. Không cần sự canh giữ của kỷ luật bên ngoài vì có kỷ luật bên trong bởi Thánh Linh (2Côr 3:3-6). Nhờ đó, Cơ đốc nhân có được sự tự kỷ luật, với ý thức trách nhiệm và có thể lựa chọn điều tốt lành theo ý Chúa. Vì vậy, vâng phục Thánh Linh là điều cần cho Cơ đốc nhân trong sự tự chế mình (Ga-la-ti 5:16,18).
  6. Mặc lấy Đấng Christ (Rô-ma 13:13-14): Chỉ về sự dứt khoát với người cũ của xác thịt, để liên hiệp với Đấng Christ, và được trở nên giống như Ngài trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24).
  7. Những nguyên tắc trong sự tiết chế: Có ba nguyên tắc có thể gọi là nguyên tắc tam diện giúp cho Cơ đốc nhân biết lựa chọn điều nên làm trong sự tiết chế của mình:

(1) Nguyên tắc làm gương: Điều nầy có phải đến từ tình yêu thương, làm gương tốt để gây dựng kẻ khác không? (1Côr 8:1).

(2) Nguyên tắc lợi ích: Điều nầy có đem ích lợi cho kẻ khác không? (1Côr 6:12; 10:23).

(3) Nguyên tắc vinh danh Chúa: Điều nầy có làm sáng Danh Chúa không? (1Côr 10:31).

Tóm lại: Tiết chế không phải là sự cố gắng bởi sức mình, nhưng là do sự nương cậy quyền năng của Thánh Linh, mà sự lựa chọn và đầu phục Ngài là trách nhiệm ở chúng ta.

  1. ĐỜI SỐNG TIẾT CHẾ.

Trong Châm ngôn 16:32, vua Sa-lô-môn thách thức chúng ta điều nầy: “Ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành”. Thật vậy, khắc phục lòng ham muốn là lẽ cần cho mỗi Cơ đốc nhân. Trong nếp sống đạo hằng ngày thì thế nào là đời sống tiết chế? – Về sự dâm dục, với đời sống tiết độ, tình dục chỉ trong hôn nhân. Về tiền bạc, với đời sống tiết độ, đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng. Về sự ham thích, với đời sống tiết độ, chỉ ham thích điều Chúa đẹp lòng. Về sự ăn uống, với đời sống tiết độ, ăn để sống, và sống vì danh Chúa, chớ không phải sống để ăn (1Ti 6:6-10; 1Côr 6:12-20;10:31).

Vì vậy, đời sống tiết chế thách thức Cơ đốc nhân lựa chọn một đời sống trong khuôn khổ của Chúa để sống trong lý tưởng cao đẹp nhất của người công nghĩa, đó mới thật là tự do. Như điều Platon nói: “Tự do không phải là vấn đề luật pháp và hiến pháp. Chỉ có tự do, khi nào kẻ thực hiện được trật tự thiêng liêng và chấp nhận làm của mình những quy luật chính xác làm cho con người có thể tự mình chế ngự được mình. Nghĩa là con người có tự do khi nào chịu theo cái định luật tinh thần gồm có: Nhân đạo, lòng trắc ẩn, vị tha và nhiều tính khác không từ ngoài bắt buộc phải có, nhưng mà do cá nhân mình lựa chọn, những đức tính có thể giúp cho loài người có thể sống chung”.

Tóm lại, đời sống tiết chế là đặc điểm của người tự do, và dấu hiệu của người trưởng thành.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. a. Việc làm của xác thịt được bày tỏ ra trong những điều nào? (c.19,21).
  3. Những việc làm của xác thịt đến từ đâu?
  4. Chữ “tiết độ” có nghĩa gì? (c.22).
  5. a. Công việc xác thịt chuốc lấy hậu quả nào? (c.21b, Rô 8:6).
  6. Vì sự thèm khát của xác thịt và sự ham muốn của tình dục, dân Y-sơ-ra-ên đã gặt lấy hậu quả nào? (Dân 11:31-34; 1Côr 10:6-8).
  7. Những hậu quả trên cho chúng ta học biết gì về sự tiết chế trong đời sống tự do của Cơ đốc nhân?
  8. a. Đức Thánh Linh có vai trò gì trong sự tiết chế lòng ham muốn? (Gal 5:16,18,24; Rô-ma 13:13-14; 1Côr 10:23,24,31).
  9. Về phần chúng ta phải có hành động thế nào?
  10. Tiết chế được đặt trên những nguyên tắc nào?
  11. Theo những nguyên tắc ấy, thế nào là đời sống tiết độ so với công việc làm của bản tánh xác thịt mô tả trong c.19,20?
  12. Bí quyết nào giúp Cơ đốc nhân trong sự tiết chế lòng ham muốn?
  13. Bạn đang sống trong sự tiết độ hay luông tuồng? Qua bài học nầy, có điều nào bạn cần phải tiết chế không?

 

 

Post CommentLeave a reply