Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 04.12.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 04.12.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 29 Tháng Mười Một, 2022

Chúa nhật 04/12/2022

  1. Đề tài: SỐNG KHIÊM NHƯỜNG.
  2. Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 5:1-11.
  3. Câu gốc: Cũng vậy, các thanh niên hãy thuận phục các trưởng lão. Mọi người hãy mặc lấy sự khiêm nhường mà đối đãi với nhau; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường (1Phi-e-rơ 5:5 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 22-24.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04/9/2022).

Đề tài 1: Khiêm nhường là im lặng trước mọi lời khen.

Đề tài 2: Khiêm nhường là nhận biết tất cả mọi người khác đều đáng tôn trọng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khiêm nhường không phải là phủ nhận giá trị hoặc tài năng của chính mình, mà là nhận biết người khác cũng được Chúa ban cho giá trị cùng tài năng như vậy và cũng đáng quí trọng. Đó là ý thức rằng chúng ta là những tạo vật, sự sống của ta là quà tặng không dứt của Đức Chúa Trời và mọi ý định của chúng ta đều phải tuân phục ý định của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, khiêm nhường bao gồm việc hành động theo ý thức song hành này, để cho thái độ cùng hành vi của chúng ta đối với người khác phản ánh lời khẳng định của chúng ta về giá trị cá nhân của họ cùng sự tôn kính của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng tất cả chúng ta.

  1. LÃNH ĐẠO VỚI KHIÊM NHƯỜNG (5:1-4).

Tập thể môn đồ và cộng đồng đích thực có được giá trị vì đã biết lấy khiêm nhường làm khẩu hiệu (Phi-líp 2:3, 4). Cấp lãnh đạo trong Hội Thánh phải có trách nhiệm khởi đầu bằng cách dùng vị trí của mình làm cơ hội để ban phát, chứ không phải để thu lợi; phục vụ, chứ không phải để kiếm địa vị (c.2, 3). Như vậy, họ sẽ thi đua theo gương chính Chúa Giê-xu, là Đấng đã đến không phải để người ta phục vụ mình, mà để phục vụ người ta, là gương mẫu mọi tín hữu đều được mời gọi noi theo (c.5). Phần thưởng của sự khiêm nhường không chỉ là niềm vinh dự khi Đấng Christ trở lại (c.4, 6), mà bao gồm niềm vui trong hiện tại giữa vòng những cộng đồng Cơ đốc biết khích lệ, yêu thương, phục vụ và cộng tác với nhau.

Một số người cho rằng lãnh đạo là khống chế người khác. Trái lại, con cái Chúa trong vai trò lãnh đạo là những kẻ sẵn sàng hầu hạ và làm gương tốt để lãnh đạo người khác.

Trong thương trường và tại các công trình lớn tại Hoa Kỳ, giới quản trị các xí nghiệp đề cao nguyên tắc “Lãnh Đạo Là Phục Vụ”. Nguyên tắc nầy thật ra đã được Chúa Giê-xu nhắc nhở các môn đệ Ngài phải tuân theo.

Giới quản trị xí nghiệp đề cao nguyên tắc “Lãnh đạo là phục vụ” vì thấy mang lại kết quả và lợi ích nhiều hơn cho công việc. Tuy nhiên, người lãnh đạo trong Hội Thánh của Chúa thì phục vụ không phải vì tham “lợi dơ bẩn” hoặc để nắm quyền kiểm soát ảnh hưởng trên người khác.

  1. ĐI ĐÔI VỚI KHIÊM NHƯỜNG (Hê 5:5-7).

Tuổi trẻ tài cao dễ sinh lòng kiêu ngạo, ít khi chịu thuận phục người lớn tuổi. Người Việt có câu: “Già chớ khoe khỏe, trẻ chớ khoe khôn”. Một tổ chức muốn được lớn mạnh cần phải có tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới.

Hội Thánh của Chúa áp dụng nguyên tắc nầy không phải chỉ vì yếu tố hợp lý của nó. Nhưng quan trọng hơn hết, con cái Chúa tin rằng Hội Thánh là thân thể của Chúa. Ngài sẽ chăm sóc, lo liệu, chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường. Nếu bạn không phải ở trong vai trò lãnh đạo, bạn hãy tin rằng Chúa có cách để uốn nắn sửa trị những lầm lỗi của người lãnh đạo Hội Thánh của Ngài.

Khi Phi-e-rơ kêu gọi tất cả mọi người hãy “mặc” (trang sức) lấy sự khiêm nhường để đối xử với nhau, có lẽ ông nghĩ đến hình ảnh Chúa Cứu Thế năm xưa. Ngài đã cởi áo, “mặc” lấy chiếc khăn yếm (apron) của người đầy tớ, để rửa chân cho các môn đệ. Lãnh đạo hoặc không ở trong vai trò lãnh đạo Hội Thánh, mỗi con cái Chúa cần phải cư xử với nhau trong tinh thần khiêm nhường. Đây không phải là một thái độ yếu hèn, nhưng thật ra, khiêm nhường đúng cách (không ngầm ý khoe khoang) bày tỏ sự an tâm vững vàng của người có thần quyền của Chúa.

III. TIN CẬY CHÚA VỚI KHIÊM NHƯỜNG (Hê 5:8-11).

Một người hỏi: Ba đức tính quan trọng nhất để sống là gì? Một tu sĩ lớn tuổi, học rộng đáp: “Khiêm nhường, khiêm nhường và khiêm nhường”. Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta mặc lấy sự khiêm nhường để đối xử với nhau (c.5) và với Đức Chúa Trời (c.6). Thay vì kéo sự chú ý của chúng ta xa rời những thời trang của đời, Kinh Thánh cống hiến cho chúng ta một tủ trang phục đẹp hơn: Chúng ta được Phao-lô khuyên hãy mặc lấy chính Chúa Giê-xu, để chúng ta không còn phải đối phó với những ham muốn tội lỗi nữa; chỗ khác thì khuyên chúng ta mặc lấy “lòng thương xót, nhân ái, khiêm nhường, dịu dàng và kiên nhẫn” và cuối cùng là với “tình yêu” để hoàn chỉnh một tổng thể (Cô-lô-se 3:12-14); chúng ta cũng được bảo phải trang phục để ra trận bằng chân lý, công chính, lời chứng và đức tin (Ê-phê-sô 6:10-18). Phi-e-rơ bảo đảm với chúng ta, y phục khiêm nhường không bao giờ lỗi thời.

Tinh thần quả cảm tự tin là một đức tính rất tốt. Tuy nhiên, khi một người tự tin quá mức đến chỗ nghĩ rằng tự mình có thể đương đầu và giải quyết được mọi nghịch cảnh, người đó quên rằng “sức người có hạn”. Nhất là, khi con cái Chúa có khuynh hướng quá tự tin như vậy, con sư tử ác ma rình mò xung quanh sẽ sẵn sàng xông vào cấu xé niềm tin của con dân Chúa. Trái lại, người theo Chúa phải biết rằng có khôn ngoan tài giỏi tới đâu cũng cần phải nhờ đến ơn phước của Chúa

Lạy Chúa, con xin giao nạp cho Ngài sự kiêu căng ngu xuẩn đã gây tổn thương cho tình thông công giữa con với gia đình Cơ đốc của mình. Xin giúp con vui mừng về những tài năng Ngài ban cho anh chị em con.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

LÀM CHO GẠO HẾT HÔI MỐC

Nếu gạo để lâu ngày bị ẩm và có hôi mốc, đừng bao giờ đem gạo đó ra phơi nắng vì làm như thế khi nấu cơm sẽ có mùi khét. Hãy rải gạo ra một cái nong bằng tre, đặt nơi thoáng mát cho đến khi gạo khô là được.

Post CommentLeave a reply