Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 30.10.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 30.10.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 24 Tháng Mười, 2022

Chúa nhật 30/10/2022 (KỶ NIỆM NGÀY CẢI CHÁNH)

  1. Đề tài: NGÀY CẢI CHÁNH GIÁO HỘI.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 1:16-17.
  3. Câu gốc: Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17c – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 7-9.
  5. Thể loại: Tìm hiểu.

* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.

– Mời diễn giả hoặc một người có trình độ am hiểu trong, hoặc ngoài Hội Thánh nghiên cứu đề tài “NGÀY CẢI CHÁNH GIÁO HỘI” và trình bày cho ban Phụ nữ.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

TÌM HIỂU CUỘC CẢI CHÁNH CỦA MARTIN LUTHER.

Martin Luther sinh ngày 10/11/1483, tại làng Eisleben, Thuringia, tại Đức. Thời niên thiếu, Martin Luther học trường đạo từ tiểu học cho đến khi tốt nghiệp trung học.

Năm 18 tuổi, Martin Luther vào Đại học Erfurt. Năm 22 tuổi, Martin Luther tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân văn khoa. Sau đó, Martin Luther theo học luật khoa để chiều theo ý muốn của cha mẹ.

Vào mùa hè năm 1505, Martin Luther về thăm nhà, trên đường trở lại đại học xá, ông bị sét đánh suýt chết. Sau lần chết hụt này, Martin Luther cảm thấy cuộc đời của con người quá mỏng manh, nên ông quyết định bỏ ngành luật khoa để vào học ở tu viện Augustin tại Erfurt.

Sau hai năm tu học, Martin Luther được truyền chức linh mục khi vừa được 24 tuổi. Đến năm 25 tuổi, Martin Luther được Viện Đại học Wittenberg mời làm giáo sư dạy môn vật lý và triết học.

Qua năm sau, ông đặc trách dạy môn thần đạo và giải nghĩa Kinh Thánh. Đến năm 29 tuổi, Martin Luther đoạt được bằng tiến sĩ thần đạo của Viện Đại học Wittenberg.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần đạo, Martin Luther tiếp tục dạy môn thần đạo tại Viện Đại học Wittenberg. Trong lúc nghiên cứu để giảng dạy các sách của Kinh Thánh như Thi Thiên, Rô-ma và Ga-la-ti, Martin Luther khám phá ra lẽ đạo cứu rỗi là chỉ nhờ cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời thể hiện qua đức tin nơi sự chết chuộc tội của Chúa Giê-Xu trên thập tự giá mà thôi, còn việc làm thánh thiện của tín hữu không cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn. Hơn nữa, Martin Luther quan niệm rằng Kinh Thánh là quyền tối thượng của tín hữu chớ không phải Giáo hoàng. Martin Luther còn cho rằng Kinh Thánh không chỉ dành riêng cho nhóm tăng lữ, nhưng Kinh Thánh phải được phổ biến rộng rãi đến mỗi tín hữu. Các quan điểm của Martin Luther đều hoàn toàn mâu thuẫn với truyền thống của Công giáo La-mã đã có hơn 15 thế kỷ qua, giáo dân đọc Kinh Thánh là phạm tội với Tòa Thánh Va-ti-can.

Đến đời Giáo hoàng Leo X (1513-1521) cần tiền để hoàn tất công tác tái thiết Quảng trường thánh Phê-rô ở La-mã. Giáo hoàng bắt đầu đẩy mạnh việc buôn bán phiếu xá tội để gây ngân quỹ cho công tác này. Giáo hoàng giao việc bán phiếu xá tội ở Đức quốc cho Tổng Giám mục Albert, thuộc giáo phận Mainz. Số tiền thu được trong việc buôn bán Phiếu xá tội chia cho Giáo hoàng phân nửa. Tổng Giám mục Albert được giữ lại phân nửa để trả món nợ mà Tổng Giám mục đã vay mượn của ngân hàng Fugger trước đây để mua chức Tổng Giám mục cho mình. Tổng Giám mục Albert chỉ định tu sĩ Jean Tetzel thuộc dòng tu Dominic làm đại lý bán phiếu xá tội ở giáo phận Mainz, Đức quốc.

Để bắt đầu công việc buôn bán, tu sĩ Tetzel vào các giáo đường, nhân danh Giáo hoàng hứa rằng hễ ai mua phiếu xá tội sẽ được tha tội, tội lớn lẫn tội nhỏ đã phạm và sẽ phạm trong tương lai. Ai mua phiếu xá tội cho thân nhân quá cố thì linh hồn của họ đang bị đọa đày ở Luyện ngục được lên thiên đàng ngay. Để cho việc buôn bán có thêm nhiều lợi nhuận, tu sĩ Tetzel quảng cáo rầm rộ khắp đường phố là ai mua phiếu xá tội của ông bán thì linh hồn của thân nhân ở Luyện Ngục được bay lên thiên đàng ngay, như bài thơ được truyền tụng trong thời đó là: “Tiền vàng rơi xuống thùng đây. Hồn trong hỏa ngục bay ngay thiên đàng” (As the coin into the coffer rings, the soul from purgatory springs).

Việc buôn bán phiếu xá tội và những lời quảng cáo láo khoét của tu sĩ Tetzel đến tai Linh mục Martin Luther, người đang cai quản một họ đạo giáp ranh với vùng Mainz. Linh mục Martin Luther vốn đã từng chống đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng, vì người cho đó là việc làm ăn bất chính. Linh mục Martin Luther càng công phẫn hơn khi nghe tu sĩ Tetzel quảng cáo phiếu xá tội có tính cách lừa bịp giáo dân, để thu lợi bất chính trên mồ hôi nước mắt của con chiên nghèo khổ. Ông liền viết một kháng nghị gồm có 95 luận đề. Đến ngày 31/10/1517, ông đem dán kháng nghị đó trên bản yết thị của đại thánh đường Wittenberg để phản đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng. Đại ý của kháng nghị nói rằng Giáo hoàng là người giàu nhất của những người giàu, nên dùng tiền của mình để tái thiết công trường Thánh Phê-rô, thay vì đi bán phiếu xá tội lấy từng đồng, từng cắc của con chiên nghèo khổ để tái thiết công trường này. Giáo hoàng phải hoàn lại số tiền mà con chiên đã bị dụ dỗ mua phiếu xá tội. Việc buôn bán phiếu xá tội là việc làm ăn bất chính. Phiếu xá tội của Giáo hoàng chẳng có quyền bôi xóa dầu một tội nhỏ xíu nào mà người ta đã phạm cùng Đức Chúa Trời. Giáo hoàng cũng không có quyền tha tội. Người nào giảng dạy dùng phiếu xá tội để chuộc tội là sai lầm. Ai đặt niềm tin nơi phiếu xá tội là đặt niềm tin vào một tà thuyết vô ích. Người có tiền mà không dùng tiền mình để giúp người nghèo khổ mà lại dùng tiền đó để mua phiếu xá tội của Giáo hoàng là mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời về cho mình.

Martin Luther gởi bản kháng nghị nói trên đến Tổng Giám mục Albert. Tổng Giám mục Albert liền chuyển bản kháng nghị đó đến Giáo hoàng ở La-mã để xin Giáo hoàng có biện pháp thích nghi đối phó với tu sĩ Martin Luther.

Đến năm 1518, quan tư pháp của Giáo hoàng (papal inquisitor) là Silvester Prierias ban trác lệnh đòi Martin Luther qua La-mã hầu tòa, để chịu xét xử về tội phổ biến và giảng dạy tà thuyết.

Martin Luther bác bỏ trác lệnh đòi hầu tòa đó vì quan niệm rằng Kinh Thánh không bao giờ sai lầm, chỉ có Giáo hoàng mới có thể sai lầm mà thôi.

Đến ngày 15/6/1520, Giáo hoàng Leo X ban hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Giáo lệnh này trưng ra 41 điều để cáo buộc Martin Luther dạy tà thuyết. Giáo lệnh bắt buộc Martin Luther phải thiêu hủy các sách mà ông đã viết để quảng bá lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin. Giáo lệnh cho Martin Luther 60 ngày để ăn năn. Nếu Martin Luther không ăn năn nội trong 60 ngày thì giáo lệnh đương nhiên có hiệu lực. Giáo lệnh còn cho phép chính quyền bắt Martin Luther giải giao về La-mã để Giáo hội trị tội. Giáo lệnh khuyến cáo ai chứa chấp Martin Luther sẽ bị họa lây vào thân. Giáo hoàng còn cho rằng: “Martin Luther là con heo rừng đang phá hoại vườn nho của Chúa”.

Để đối phó với giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng Leo X, Martin Luther đem giáo lệnh dứt phép thông công ra đốt trước đám đông gồm có các giáo sư, sinh viên và dân chúng.

Martin Luther cho rằng: “đó là giáo lệnh khả ố của Antichrist”.

Martin Luther đốt giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng là có mục đích để nói lên rằng Martin Luther hoàn toàn phủ nhận quyền hạn và chức vụ Giáo hoàng, và cũng là một hành động để nói lên sự chấm dứt mối liên hệ giữa Martin Luther với Giáo hội Công giáo La-mã.

Trước hết, nên biết thêm là trong thời cải chánh của Martin Luther, nước Đức đang bị chia ra gần 300 tiểu quốc. Ở mỗi tiểu quốc do một tiểu vương cai trị. Mỗi tiểu vương có một nền hành chánh và quân đội riêng của mình, các tiểu vương ở dưới quyền của Hoàng đế của Đế quốc La-mã thánh (Holy Roman Empire). Trong lúc đó, Giáo hội Công giáo La-mã ở dưới quyền kiểm soát và kềm tỏa của Giáo hoàng. Trong thời cải chánh, Charles V là Hoàng đế đương nhiệm của Đế quốc La-mã thánh. (Đế quốc La-mã thánh do vua nước Đức là Otto I cấu kết với Giáo hoàng thành lập vào năm 962, bằng cách kết hợp nước Đức và nước Ý thành một khối. Đế quốc La-mã thánh bị Nã-phá-luân phá hủy năm 1806).

Giáo hoàng Leo X không ngớt yêu cầu Hoàng đế Charles V thi hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Để thi hành giáo lệnh dứt phép thông công, Hoàng đế Charles V muốn nghe đôi bên tường trình quan điểm của mình. Đến ngày 17 tháng 4 năm 1521, Hoàng đế Charles V triệu tập hội nghị tại tỉnh Worms ở Đức quốc, để nghe Martin Luther và viên tư pháp của Giáo hoàng tường trình các quan điểm của đôi bên. Hội nghị này có nhiều thành phần tham dự, Hoàng đế Charles V ngồi ở giữa phòng họp, xung quanh hai bên là những hàng ghế của các Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, các sứ thần của Giáo hoàng và các khâm sai cùng đại biểu của các nước Âu châu phái đến tham dự.

Để mở đầu hội nghị, viên tư pháp của Giáo hoàng đứng lên chỉ tay vào hơn 20 quyển sách của Martin Luther để trên bàn, rồi hỏi Martin Luther rằng: “Có phải ngươi là tác giả của các sách này không? Ngươi có bằng lòng thủ tiêu các quyển sách đó cùng các quan điểm chứa đựng trong các sách đó không?”

Martin Luther đứng lên giữa phòng hội dõng dạc công nhận ông là tác giả của các sách đó.

Rồi ông bình tĩnh đưa ra các lý do khiến ông không thể thủ tiêu các sách đó được vì nghĩ rằng ông không thể để cho Giáo hoàng hay là các Giáo hội nghị có quyền xét đoán niềm tin của mình. Nếu ai muốn thay đổi quan điểm của ông thì phải chỉ cho ông biết điểm nào sách ông nói không đúng với Kinh Thánh.

Qua ngày sau, hội nghị tái nhóm và biểu quyết nghiêm cấm lưu hành các sách của Martin Luther, thu hồi quyền công dân của Martin Luther và đặt Martin Luther ra ngoài vòng pháp luật. Bởi cấm lệnh này, số phận của Martin Luther như chỉ mành treo chuông, vì phe phái của Giáo hoàng có thể ra tay sát hại Martin Luther bất cứ lúc nào.

Trong nhóm người ủng hộ Martin Luther có tiểu vương Frederick, vị tiểu vương này nhận thấy Martin Luther không thể sống an toàn với cấm lệnh của hội nghị Worms nên tiểu vương Frederick tổ chức bắt cóc Martin Luther đem giấu trong lâu đài Wartburg ở gần Eisenach, Đức quốc.

Trong lúc Martin Luther đang ẩn náu ở lâu đài Wartburg thì bên ngoài có giáo sư Philip Melanchthon và Andreas Carlstadt thay thế Martin Luther tiếp tục lãnh đạo và đẩy mạnh cuộc cải chánh lan tràn trên khắp nước Đức.

Martin Luther ẩn náu trong lâu đài Wartburg được 10 tháng – từ tháng 4/1521 đến tháng 2/1522. Trong thời gian này, Martin Luther viết nhiều sách nhỏ để phổ biến quan điểm cải chánh khắp nơi trong nước Đức. Ông cũng dùng thời gian này để dịch Kinh Thánh Tân Ước từ tiếng Hy-lạp qua Đức ngữ. Nhờ bản dịch này, dân chúng Đức biết được lẽ thật của Lời Chúa mà gia tăng lòng ủng hộ và mong sao cho cuộc cải chánh sớm thành công. Cũng trong thời gian này, ở Wittenberg có một số người theo cải chánh quá khích, muốn chấn chỉnh Giáo hội Công giáo La-mã bằng bạo động. Họ xúi giục sinh viên xông vào các giáo đường đang lúc hành lễ Mi-sa, đập bể hình tượng, dẹp bỏ các bàn thờ, bài xích việc làm lễ báp-têm cho trẻ sơ sanh. Khi Martin Luther hay sự việc xảy ra ở Wittenberg thì lo sợ việc dùng bạo lực để cải chánh sẽ làm cho chính quyền và giáo quyền có duyên cớ dùng vũ lực đàn áp thì phong trào cải chánh sẽ bị tiêu diệt, khó thành công được. Martin Luther liền tức tốc rời lâu đài Wartburg để trở về Wittenberg ngay. Martin Luther vẫn biết rằng ông có thể bị giáo quyền và chánh quyền bắt ông ở Wittenberg để thi hành bản án của hội nghị Worms. Nhưng Martin Luther nương cậy vào sự bảo vệ của cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời nên ông không ngần ngại trở lại Wittenberg. Martin Luther về đến Wittenberg nhằm ngày Chúa nhật. Ông vào giáo đường giảng dạy tám ngày liên tiếp. Ông bài bác các bạo động quá khích có phương hại đến cuộc cải chánh ôn hòa mà ông đang chủ trương. Lời giảng dạy của Martin Luther có sức mạnh cảm hóa được thành phần quá khích, lập lại được trật tự và chấn chỉnh lại các nghi thức thờ phượng thích hợp với chiều hướng mới của công cuộc cải chánh.

Vào năm 1521, Giáo hoàng Leo X qua đời, đến năm 1522 Giáo hoàng Hadrian VI lên kế vị.

Giáo hoàng Hadrian VI lên ngôi được một năm rồi cũng qua đời. Đến năm 1523, Giáo hoàng Clement VII lên kế vị.

Vào tháng 12/1524, Martin Luther cởi áo thầy tu trả lại nhà dòng để trở lại đời sống “phàm tục”. Đến ngày 27/6/1525, Martin Luther thành hôn với nữ tu sĩ hồi tục tên Catherine von Vora. Hôn lễ cử hành tại thánh đường Wittenberg dưới sự chủ lễ của Mục sư Pomeranus. Ông bà Martin Luther chung sống với nhau có được 2 người con trai và 3 người con gái, và còn nuôi thêm 11 em cô nhi trong nhà.

Trong thời gian trở lại sống ở Wittenberg, Martin Luther tiếp tục làm giáo sư và giảng sư ở Viện Đại học Wittenberg. Ông vẫn tiếp tục viết sách để phổ biến quan điểm cải chánh của mình. Hơn nữa, Martin Luther đã hoàn tất việc phiên dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra Đức ngữ.

Trong thời gian này, Giáo hoàng không ngớt gây sức ép để bắt buộc Hoàng đế La-mã thi hành cấm lệnh Worms là thiêu sống Martin Luther như Giáo hội Công giáo La-mã đã từng làm đối với những người dám lên tiếng chống lại những giáo lý bất hợp kinh của Giáo hội Công giáo La-mã. Trong số người bị thiêu sống đó có tu sĩ John Huss (1369-1415) đã bị Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng kết án tử hình bằng cách thiêu sống vì đã dám chỉ trích những sai lầm của Giáo hội Công giáo trước đó hơn một thập niên. Sở dĩ, Hoàng đế Charles V không thể thực hiện được lời yêu cầu của Giáo hoàng về việc thi hành cấm lệnh Worms đối với Martin Luther. Vì trong thời gian này, Hoàng đế La-mã thường có chiến tranh với các nước lân bang nên ngài rất cần các tiểu vương cải chánh ở Đức hỗ trợ về mặt quân sự khi gặp cơn nguy biến. Hơn nữa, việc thi hành cấm lệnh Worms cũng có thể gây ra sự chia rẽ giữa nhóm giáo dân theo phong trào Cải chánh và nhóm giáo dân theo Giáo hội Công giáo La-mã. Hoàng đế e rằng sự chia rẽ có thể đưa đến một cuộc nội chiến khó tránh khỏi. Nhờ vào tình huống này mà Martin Luther khỏi bị thiêu sống. Ông sống thêm 25 năm nữa ở Wittenberg để lèo lái công cuộc cải chánh.

Vào những năm cuối của cuộc đời, Martin Luther thường đau ốm luôn, nên qua đời vào ngày 18/02/1546 tại quê nhà. Martin Luther hưởng thọ được 63 tuổi.

Trong thời gian từ hội nghị Worms (1521) cho đến khi Martin Luther qua đời (1546), Hoàng đế La-mã Charles V đã triệu tập nhiều hội nghị để nhóm Cải chánh của Martin Luther và Giáo hội Công giáo La-mã hòa giải các dị biệt về niềm tin của đôi bên. Mục đích của Hoàng đế là lôi kéo phe Cải chánh quay trở lại Giáo hội Công giáo La-mã và thuận phục Giáo hoàng. Nhưng các hội nghị đó chẳng mang lại kết quả cụ thể nào. Hai bên càng tranh luận càng cách biệt nhau nhiều hơn.

Hoàng đế Charles V nhận thấy nghị đàm không thuyết phục được phe Cải chánh, nên ngài quyết định dùng binh lực hùng mạnh của mình để tiêu diệt phe Cải chánh ở Đức. Đến năm 1550, Hoàng đế La-mã xua quân qua Đức, đánh chiếm và triệt hạ các thành trì của các tiểu vương theo phe Cải chánh. Trong vòng một năm đầu mà chỉ có thành Magdebourg còn đứng vững trước các cuộc tấn công của quân Hoàng đế Charles V. Sau nhiều cuộc tấn công thành Magdebourg thất bại, Hoàng đế Charles V bèn giao việc bao vây và triệt hạ thành Magdebourg cho Maurice, một tiểu vương của nước Đức, trước đó có lần đã theo phe Cải chánh.

Trong lúc bao vây thành Magdebourg, tiểu vương Maurice cảm thấy mình không nên tiếp tục ủng hộ Hoàng đế La-mã để cho quân ngoại quốc giày xéo đất nước mình và chà đạp lên quyền tự do tín ngưỡng của dân tộc mình. Nên tiểu vương Maurice quyết định quay lại đánh Hoàng đế La-mã. Với sự hỗ trợ của Hoàng đế Pháp là Henry II và tàn binh của phe Cải chánh. Tiểu vương Maurice tiến đến vây đánh Hoàng đế La-mã Charles V làm cho Hoàng đế phải thua chạy trốn qua nước Áo. Sau đó, quân Cải chánh làm chủ được tình hình của toàn thể nước Đức. Đến năm 1552, tiểu vương Maurice và đồng minh Cải chánh nhận thấy thế lực của Hoàng đế La-mã càng ngày càng suy yếu. Nên họ gởi văn thư yêu cầu Hoàng đế phải bãi bỏ các cấm lệnh, cho họ được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời theo lời dạy trong Kinh Thánh và cho Giáo hội Cải chánh được bình đẳng với Giáo hội Công giáo La-mã. Vì yếu thế, Hoàng đế Charles V đành phải ưng thuận ký hòa ước tại Passau, cho Giáo hội Cải chánh được các quyền lợi theo như lời yêu cầu.

Đến năm 1555, một hội nghị được triệu tập tại Augsburg. Trong hội nghị này phe Cải chánh yêu cầu Hoàng đế Charles V cho họ được tự do tín ngưỡng vô điều kiện, thừa nhận Giáo hội Cải chánh là hợp pháp và được bình đẳng với Giáo hội Công giáo La-mã trên mọi phương diện. Hoàng đế Charles V nhận thấy uy quyền của mình không còn hùng mạnh như xưa nữa, nên Hoàng đế phải hạ bút ký hòa ước vào ngày 25/9/1555, theo như sự đòi hỏi của Giáo hội Cải chánh. Hòa ước này thường được gọi là Hòa ước Augsburg.

Hội nghị Augsburg cũng đưa ra một biểu quyết chung cho Giáo hội ở Đức là tiểu vương nào theo Giáo hội Cải chánh thì toàn dân của tiểu quốc đó phải theo Giáo hội Cải chánh. Tiểu vương nào theo Giáo hội Công giáo La-mã thì toàn thể dân chúng của tiểu quốc đó phải theo Giáo hội Công giáo La-mã. Người dân có quyền di cư qua vương quốc mà mình chọn lựa để sinh sống thích hợp với tín ngưỡng của mình. Giáo hội Cải chánh được thật sự tự do hành đạo từ khi có hòa ước Augsburg này.

Diệp Dung (Đuốc Thiêng 103/11/2010)

Post CommentLeave a reply