Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.09.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.09.2022

By H'Dên in NAM GIỚI on 13 Tháng Chín, 2022

Chúa nhật 18.09.2022

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN SỰ VÂNG PHỤC.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 19; 20:1-17.
  3. Câu gốc: “Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta, vì cả thế gian đều thuộc về Ta” (Xuất 19:5).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 1-4.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 17.07.2022.

Đề tài 1: Ngày hôm nay, chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là đủ, không cần giữ giao ước Ngài.

Đề tài 2: Tiếp nhận Chúa Giê-xu thì được cứu rỗi, còn nếu chúng ta làm theo điều răn và luật lệ của Chúa, giữ giao ước của Đức Chúa Trời thì nhận được phước hạnh.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một chiếc xe chạy trên đường vắng buổi chiều nọ với tốc độ khá nhanh. Bảng giới hạn tốc độ trên con đường đó ghi là 35 dặm một giờ. Người lái xe vẫn tiếp tục lái quá tốc độ ấn định. Khi đến gần dạ cầu bỗng người ấy rà thắng, giảm tốc độ xe lại, nhưng quá trễ. Một cảnh sát tuần tra đang đậu xe và đã bắt gặp người lái xe vi phạm này. Đèn xanh đỏ của cảnh sát bật lên, buộc xe của người kia tấp vào lề đường và dừng lại. Quý vị có thể đoán được điều gì xảy ra sau đó.

Người ấy thấy xe cảnh sát thì tự động giảm tốc độ của xe không phải vì tôn trọng luật pháp, cũng không phải vì sợ cảnh sát, mà vì sợ bị phạt thì hao tốn tiền bạc lẫn thì giờ. Trong thâm tâm, con người có lẽ đã xem luật pháp như một thứ xiềng xích ràng buộc làm cho họ mất đi sự tự do cá nhân. Vì vậy mà khuynh hướng vi phạm luật pháp rất khó tránh khỏi. Luật pháp cũng nhằm mục đích ngăn ngừa tội ác và để giúp người ta phân biệt phải và trái. Luật pháp sẵn sàng hình phạt người nào vi phạm pháp luật.

Còn luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban cho dân Do Thái là một giao ước giữa Ngài và dân sự Ngài. Trong giao ước ấy, một số điều dân sự không được phép làm và nếu bất tuân thì sẽ chịu hình phạt. Trái lại người nào tuân theo lời dạy của Ngài sẽ được ban phước đến nhiều đời.

  1. CHÚA LẬP GIAO ƯỚC VỚI DÂN DO THÁI (19:4-6a).

Dân Do Thái được Đức Chúa Trời đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Họ cần phải có những luật lệ chỉ đạo cho đời sống. Ông gia của Môi-se đã khuyên rằng: “Hãy lấy mạng lệnh và luật pháp mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào phải đi và điều chi phải làm” (Xuất 18:20).

Đức Chúa Trời nhắc cho Môi-se và dân sự Ngài những hình phạt nặng nề, mà Ngài đã giáng trên dân Ê-díp-tô khi họ không tuân theo mạng lệnh Chúa. Vậy, dân Do Thái cũng không được quên rằng Ngài có thẩm quyền buộc họ phải tôn trọng những luật lệ của Ngài. Trước kia họ chưa quen tuân phục Chúa và cũng chẳng có Chúa làm chủ họ, vì vậy họ cần phải tập ghép mình vào một khuôn khổ kỷ luật của Chúa.

Trong thiên nhiên, chim ưng là loài biết huấn luyện và che chở chim con của mình. Chúng ta có thể so sánh việc Đức Chúa Trời dạy dỗ dân Do Thái với chim ưng dạy con. Chim ưng là loài trên cao, xây tổ trên ngọn cây, nơi đỉnh núi chớ không xây tổ nơi đồng bằng như các loài chim khác. Khi chim con đến tuổi phải tập bay và tự săn mồi, chim cha và mẹ mang con ra khỏi tổ, khuyến khích chúng đập cánh tập bay. Cha mẹ chúng biết là chim con sẽ không bay lâu được nên lượn mình phía dưới chim con để con đáp lên và chở chúng về tổ. Cứ thế mà tập mãi đến khi chúng bay thật giỏi mới thôi.

Đức Chúa Trời cũng nâng đỡ, che chở và huấn luyện dân sự Ngài khác nào chim ưng đối với con mình vậy. Sự vâng theo luật pháp của Chúa có lợi cho dân sự nhiều vì họ sẽ biết rõ ý muốn của Chúa đặng làm đẹp lòng Ngài. Dân Do Thái tuân hành luật pháp của Chúa là dấu hiệu xác nhận họ được thuộc riêng về Chúa.

Chúng ta ngày nay không phải nhờ tuân giữ luật pháp của Cựu ước mà được cứu rỗi, nhưng nhờ tin Chúa Giê-xu. Bởi cớ đó, chúng ta được làm con cái Đức Chúa Trời, và thuộc riêng về Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 2:5-9).

  1. GIỚI RĂN LIÊN HỆ ĐẾN CHÚA (20:2-4, 7-11).

 Đức Giê-hô-va vốn có từ trước khi sáng thế và còn đến đời đời. Ngài lập giao ước với tổ phụ của dân Do Thái, nay Ngài lập giao ước với tuyển dân Do Thái vừa ra khỏi Ê-díp-tô, nhà nô lệ. Ngài đơn phương thiết lập giao ước ấy không cần phải hỏi ý kiến của người nào. Khi truyền cho họ các điều răn của Ngài, Ngài tái xác nhận với họ những điều kiện trừng phạt hay khen thưởng trong giao ước và những yêu cầu rõ ràng của Ngài nữa. Dân sự của Chúa cứ chiếu theo đó mà nhận biết những điều Ngài ưa thích và những điều Ngài gớm ghiếc. Những điều răn của Chúa cho họ giống như những bản chỉ đường với mục đích bảo vệ và xây dựng dân Ngài.

Lúc lái xe trên đường mà thấy một bảng “Đường Cấm” thì điều tốt nhất và an toàn nhất là đừng đi vào trong đó, mà phải quay xe lại để tránh gây tai nạn cho chính mình và người khác. Bản Mười Điều Răn dùng để chỉ dẫn như thế.

Bốn điều đầu tiên trong Mười Điều Răn quy định mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời.

– Điều thứ nhất, nói đến thứ tự ưu tiên của Chúa trong lòng dân sự. Ngài phải được họ đặt trên hết mọi sự khác.

– Điều thứ hai, nói đến lòng tôn trọng sự cao cả của Chúa trên muôn loài vạn vật. Họ không thể nắn được Ngài.

– Điều thứ ba, nói đến lòng kính mến và thái độ của người tin Danh Chúa.

– Điều thứ tư, nói đến sự thánh thiện khi dân sự dành riêng thì giờ thông công cùng Chúa.

Chúa Giê-xu cho biết căn bản của bốn điều răn trên đây là lòng yêu mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngài cũng tóm lược sáu điều còn lại trong tình yêu tha nhân.

III. GIỚI RĂN LIÊN HỆ ĐẾN NGƯỜI (20:12-17).

 Có yêu mến Chúa hết lòng thì mới vâng giữ mạng lệnh Chúa hết lòng. Cùng một lẽ đó, có yêu mến người thì mới tôn trọng người được. Sứ đồ Giăng viết như vậy: “Ai tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, và ai yêu Đức Chúa Trời là Đấng đã sanh ra, thì cũng yêu kẻ đã sanh ra bởi Ngài” (1Giăng 5:1-2). Vậy sáu điều răn sau trong luật pháp “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời” ban cho dân Do Thái nói lên mối liên hệ giữa người với người trong cộng đồng con dân của Chúa.

– Điều thứ năm dạy cho con cái biết rằng cha mẹ đáng được yêu mến và hiếu kính vì là những bậc sinh thành ra mình. Đây là một trong hai điều răn có kèm theo lời khen thưởng mang tính cách tích cực.

– Điều thứ sáu dạy chúng ta trách nhiệm tôn trọng sinh mạng của người khác giống như sinh mạng của chính mình. Chúng ta không ban được cho ai sự sống, bởi thế chúng ta cũng không có quyền cất lấy sự sống của mình hay của người khác.

– Điều thứ bảy dạy chúng ta phải kính trọng sự thánh khiết trong hôn nhân. Vợ chồng yêu thương nhau thì phải chung thủy với nhau, không làm hoen ố hôn nhân của mình và của người lân cận mình.

– Điều thứ tám dạy ta sự thành thật trong đời sống hằng ngày. Hễ yêu thương người thì không tìm cách để sang đoạt của người đem về cho mình. Vì “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công Vụ 20:35).

– Điều thứ chín dạy sự ngay thẳng trong lời nói giao tiếp với nhau. Lời nói của chúng ta sẽ đánh giá con người chúng ta. Nói dối hay làm chứng dối biểu lộ bản chất tội lỗi tiềm ẩn bên trong con người mình.

– Điều thứ mười dạy về thái độ của chúng ta hơn là hành động. Lòng tham nói lên trong điều răn này ngăn cản một sự tham muốn ích kỷ, là căn nguyên của những hành động gian ác xấu xa.

Người tín hữu Cơ Đốc tôn trọng và vâng theo luật pháp của Chúa vì yêu mến Ngài. Chúa Giê-xu dạy rằng: “Nếu ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:23). Lời Chúa là luật pháp cho chúng ta vâng theo.

Post CommentLeave a reply