Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 28.08.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 28.08.2022

By H'Dên in Thanh niên on 26 Tháng Tám, 2022

Chúa nhật 28.08.2022.

  1. Đề tài: PHẦN THƯỞNG CỦA CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 19:1-48.
  3. Câu gốc: “Ta nói cùng các ngươi, ai có, thì sẽ cho thêm; song ai không có, thì sẽ cất luôn của họ đã có nữa” (Lu-ca 19:26).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

CHỦ ĐỀ: PHẦN THƯỞNG CỦA CHÚA.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).

Thời gian: 90 phút.

  1. CHUẨN BỊ.

– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…

   – Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

     Ôn chữ.                                                         Các dấu.

     Â = AA                      Ê = EE                          – Sắc = S

     Ă = AW                     Ư = UW = W                 – Huyền = F

     Ô = OO                    Đ = DD                          – Hỏi = R

     Ơ = OW                   ƯƠ = UOW                  – Ngã = X

                                                                            – Nặng = J

   – Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

   – Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.

   – Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên đọc trước Lu-ca 19:1-48.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

  1. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên)…………… 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………………. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất………………………………………. 10 điểm.

– Thực hiện tốt nội dung thảo luận……………………. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  2. Mở đầu.

   Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: PHẦN THƯỞNG CỦA CHÚA.

Thưa các bạn, từ khi nhận biết Chúa yêu và cứu chuộc chúng ta thì mỗi người chúng ta luôn muốn đi theo Chúa và phục vụ Ngài. Dầu trong sự phục vụ đó chúng ta chỉ muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình đối với Chúa, nhưng Kinh Thánh cho biết Chúa sẽ ban thưởng cho người trung tín phục vụ Ngài. Vì vậy, ước mong qua bài học này mỗi người chúng ta thể hiện lòng biết ơn Chúa qua sự phục vụ Ngài và sẽ là người phục vụ đắc lực trong nhà Chúa để được nhận phần thưởng xứng đáng từ nơi Chúa.

  1. Xuất phát.

Cho các nhóm tập trung tại điểm xuất phát, ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và phát cho mỗi nhóm một câu đố Kinh Thánh. Nhóm nào giải trước thì sẽ được nhận mật thư trước và được số điểm cao nhất.

Câu đố Kinh Thánh: Xin cho biết, khi Chúa trở lại thế gian, Ngài sẽ đem theo điều gì cho chúng ta? (Đáp án: Khải Huyền 22:12).

* Mật thư 1: GIF DDIEEUF VEEF TINS TRUNG TA CHUNGS MUOONS CHUAS BIEETS CHO HAYX.

Ñ: Cá lội ngược dòng.

Ö Trạm 1.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời bằng cách viết ra giấy:

  1. So sánh điểm tương đồng và điểm khác biệt của ví dụ về các ta-lâng giữa Lu-ca 19:12-14 với Ma-thi-ơ 25:14-30.
  2. Phần Kinh Thánh nầy cho biết hạng người nào sẽ nhận được phần thưởng của chủ?

Sau khi hoàn tất câu hỏi ở trạm 1, nhóm thực hiện tốt sẽ được nhận mật thư 2 và giải mật thư để tìm đến trạm 2.

* Mật thư 2: KHI MAF CHUNGS TOOI TA CUWS TRUNG VAF TINS VAANG PHUCJ DDEER VUJ CHUR CHUAS VAAYJ THIF BANJ SEX COS NHAANJ LANHX DDUOWCJ CACS DDIEEUF NAOF GIF.

Ñ: Ăn miếng nhả miếng.

Ö Trạm 2.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

  1. Xin mô tả 3 thái độ vụ của 3 hạng người được nhắc đến trong ví dụ (Lu-ca 19:15-19).
  2. Bạn học được điều gì qua sự ban thưởng của Chúa?

* Mật thư 3:   3 8 15    2 9 5 5 20 19     20 1 9     8 1 9 10     3 21 1 18   19 21 23 10    2 1 1 20 19   20 18 21 14 7   22 1 6    2 1 1 20 19     20 21 1 1 14

Ñ: A! Cô ấy luôn đứng đầu.

            (Bật mí: Dùng mã chữ số thế mật thư trên theo thứ tự bảng chữ cái: A=1, B=2, C=3, D=4, E=5, F=6, G=7, H=8, I=9, J=10, K=11, L=12, M=13, N=14, O=15, P=16, Q=17, R=18, S=19, T=20, U=21, V=22, W=23, X=24, Y=25).

Ö Trạm 3.

² Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

  1. Đọc Lu-ca 19:24-27 và cho biết cách Chúa đối xử với người thứ ba thế nào?
  2. Vì sao người thứ ba được Chúa đối xử như vậy?
  3. Bạn học được điều gì qua cách Chúa đối xử với người thứ ba nầy?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD tóm lược bài học về sự ban thưởng của Chúa và kêu gọi ban viên trung tín phục vụ Ngài để được Chúa ban thưởng.  

            – Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

   Nhiều người Việt chúng ta bị mắc một căn bệnh trầm kha là bệnh “kiêu ngạo ngầm”. Một bà mẹ khoe về con mình như sau: “Trong gia đình tôi có hai con là bác sĩ, hai dược sĩ, một nha sĩ, một luật sư và một kỹ sư, nhưng đứa kỹ sư thì lại làm nhiều tiền nhất trong các anh chị em”. Bà cũng kể rằng đứa con kỹ sư khi làm việc thì rất hăng hái, lúc nào cũng làm vừa lòng chủ và hoàn tất các công việc nên mỗi năm đều được lên lương, lên chức và bổng lộc rất nhiều. Tiếc rằng khi hỏi tại sao không khích lệ con đi học thần học để làm mục sư, bà bĩu môi nói: “Học làm mục sư thì cực khổ mà chẳng được ăn cái giải gì cả!” Điều này cho thấy phần lớn chúng ta có một cái nhìn sai lầm về Chúa và đạo của Ngài. Chúng ta luôn tìm kiếm các phần thưởng của thế gian này bằng tiền bạc, danh vọng và địa vị, nhưng chúng ta lại né tránh phục vụ Chúa vì không thấy phần thưởng cụ thể ngay trước mắt. (Cũng có thể là vì chúng ta ngại khổ chăng?) Thêm vào đó, một số con cái Chúa quan niệm sai lầm rằng phục vụ Chúa thì đừng tìm kiếm phần thưởng gì cả, chỉ làm vì yêu mến Chúa mà thôi. Điều này đi ngược lại với lời Chúa dạy trong bài học mà chúng ta sẽ nghiên cứu dưới đây. Dĩ nhiên là khi được Chúa yêu và cứu chúng ta, thì chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Chúa bằng cách phục vụ Ngài một cách vô vụ lợi. Dẫu vậy, tìm kiếm phần thưởng Chúa hứa cho những người trung tín phục vụ Ngài là điều tốt và hợp với Kinh Thánh.

  1. CHÚA MUỐN CHÚNG TA TRUNG TÍN PHỤC VỤ NGÀI (Lu-ca 19:12-14).

   Câu 11 cho chúng ta biết cách diễn dịch ví dụ này đúng theo ý Chúa muốn. Sau khi Chúa tuyên bố: “Hôm nay, sự cứu đã vào nhà này”, người nghe hiểu lầm rằng nước Chúa đã đến rồi, “tưởng rằng nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay”. Qua ví dụ này, Ngài cho họ biết là nước Chúa sẽ hoàn tất trong tương lai khi Ngài trở lại thế gian lần thứ hai. Vì thế, những ai tin Chúa cần phải biết Chúa muốn họ làm gì cho đến khi Ngài trở lại. Ví dụ này tuy rằng có một vài điểm tương đồng với ví dụ về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25:14-30 nhưng lại có một vài điểm khác biệt rất quan trọng. Ví dụ trong Ma-thi-ơ nói đến các sự ban cho khác nhau nhưng phần thưởng thì giống nhau, còn ví dụ trong đoạn này nói đến các sự ban cho giống nhau nhưng phần thưởng thì khác nhau. Thêm vào đó, ví dụ trong Ma-thi-ơ nói đến các ân tứ và khả năng Chúa ban cho chúng ta nhiều hay ít tùy theo mỗi người, nhưng nếu chúng ta trung tín sử dụng những ân tứ này thì Chúa sẽ tưởng thưởng cho chúng ta. Chúng ta có thể dùng hình ảnh nào để diễn tả ví dụ trong đoạn này khi Chúa ban cho mỗi người chúng ta một thứ giống nhau? Có thể là thì giờ chăng? Vì tất cả chúng ta đều có 24 tiếng một ngày, 365 ngày một năm. Có thể đó là Tin Lành mà Chúa ban cho chúng ta và tùy theo cách chúng ta chia sẻ hay giấu kín Tin Lành Chúa giao chăng? Câu chuyện Chúa Giê-xu dùng ở đây cũng có liên quan đến một vài sự kiện mà người nghe đều biết rõ lúc bấy giờ. Số là khi Đại đế Hê-rốt qua đời năm thứ 4 T.C, ông để lại xứ Giu-đa cho con trai là Achêlau (Archelaus). Theo thủ tục hành chánh La-mã, Achêlau phải đến thủ đô La-mã để được hoàng đế La-mã là Sê-sa Au-gút-tơ phê chuẩn điều này. Lịch sử ghi lại là có một phái đoàn 50 người lãnh đạo dân Do-thái cũng đi đến La-mã để thỉnh nguyện xin Sê-sa Au-gút-tơ đừng chấp thuận Achêlau làm vua dân Do-thái. Đứng trước tình hình này, hoàng đế La-mã quyết định cho phép Achêlau làm vua chư hầu vùng Giu-đê nhưng không có sự phê chuẩn chính thức của hoàng đế Sê-sa Au-gút-tơ. Qua ví dụ này, Chúa mượn một sự kiện lịch sử đã xảy ra để ám chỉ về Ngài và việc Ngài sẽ trở lại sau này. Vị thế tử này giao cho 10 đầy tớ mỗi người một nén bạc là một số tiền tương đối nhỏ (tương đương với ba tháng lương lúc bấy giờ) để họ đầu tư và kiếm lợi cho chủ mình. Chỉ thị của chủ rất rõ ràng, “Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về”. Điều này nói lên việc Chúa giao cho tất cả chúng ta một số lượng như nhau (ví dụ như thì giờ hay Tin Lành của Chúa) và chúng ta có bổn phận đầu tư những điều này, kiếm lợi cho Chúa trong khi chờ đợi Chúa trở lại. Chúa muốn chúng ta trung tín phục vụ Ngài chứ không phải ngồi chờ “sung rụng” hay không làm gì cả.

  1. CHÚA SẼ BAN THƯỞNG CHO SỰ TRUNG TÍN CỦA CHÚNG TA (Lu-ca 19:15-19).

   Trong 10 người đầy tớ, Chúa Giê-xu nêu lên 3 người và 3 thái độ khác nhau để dạy chúng ta bài học về sự vâng lời và sự trung tín hầu việc Ngài.

   Người đầu tiên đã vâng lời chủ mình và trung tín trong sự phục vụ với kết quả là một lời mười (câu 16) nên được gọi là “ngay lành”, “được lắm” và được thưởng 10 thành để cai trị. Người kế tiếp cũng trung tín phục vụ với kết quả là một lời năm (câu 18) nên được giao cho 5 thành để cai trị. Chúng ta rút tỉa được điều gì qua lời Chúa dạy trong phân đoạn này? Trước hết, chúng ta thấy Chúa giao việc nhỏ để thử chúng ta (mỗi người 1 nén bạc) nhưng phần thưởng cho sự trung tín thì rất lớn (cai trị 10 thành hay 5 thành). Điều thứ hai là khi chúng ta làm việc Chúa trung tín trong việc nhỏ thì Chúa giao thêm việc lớn cho chúng ta làm. Có người hiểu lầm là Chúa thưởng chúng ta bằng sự nghỉ ngơi thay vì giao thêm việc cho chúng ta làm. Chúa đối với chúng ta giống như chúng ta đối với con cái mình vậy. Khi con còn nhỏ, chúng ta giao việc nhỏ và đơn giản để con chúng ta tập làm. Khi con lớn hơn, chúng ta giao việc lớn hơn và cứ như thế cho đến khi con chúng ta làm được nhiều điều lớn hơn chúng ta nữa. Có vị mục sư kia có nhiều con trai. Khi các con còn nhỏ, ông hay chở các con đi chơi, đi câu cá, cắm trại. Khi các con đang học trung học, ông tập các con mình lái xe và hay cho các con có cơ hội lái khi ông ngồi kế bên góp ý kiến. Đến khi các con ông trưởng thành, vị mục sư này đi đâu cũng khỏe vì các con ông dành lái xe, không cho ông lái nữa để ông nghỉ ngơi, ngắm cảnh bên ngoài. Điều thứ ba chúng ta học được trong phân đoạn này là hai đầy tớ này vẫn trung tín phục vụ dù chủ không hứa hẹn thưởng gì cả và ngay việc chủ trở lại cũng không có gì chắc chắn. Như thế, lời Chúa hứa sẽ ban thưởng cho ai trung tín phục vụ Ngài là chắc chắn. Khải Huyền 22:12 nói như sau, “Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm”.

III. TAI HẠI CỦA SỰ BẤT TRUNG VÀ BẤT TUÂN (Lu-ca 19:24-27).

   Cách Chúa đối xử với người thứ ba cần được giải thích kỹ để tránh hiểu lầm lời Chúa dạy. Trước hết, người này bất tuân vì chủ đã bảo “Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về”. Nhưng đầy tớ này lại đem gói giữ trong khăn, bất tuân lời của chủ mình. Có thể vì anh nghĩ chưa chắc gì chủ mình sẽ trở lại chăng? Thứ hai, cách trả lời của anh ta cho thấy anh chưa từng hiểu rõ chủ mình. Khi anh nói anh “sợ chúa, vì chúa là người nghiêm nhặt, hay lấy trong nơi không để, gặt trong chỗ không gieo”, có nghĩa là anh nghĩ xấu về chủ và vì sợ hãi nên trốn tránh, không hoàn thành trách nhiệm chủ giao phó. Đối với đầy tớ này, người chủ ra lệnh lấy lại nén bạc và giao cho người đầu tư thành công nhất. Chúa Giê-xu đã phán về nước Thiên đàng như sau, “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa” (Ma-thi-ơ 13:12). Thật vậy, phần thưởng cho sự trung tín hầu việc Chúa là có nhiều việc hơn để làm cho Chúa. Đây là một vinh dự lớn cho những ai được đồng công với Ngài và phần thưởng Chúa cho họ là lớn lắm. Hậu quả tai hại của người đầy tớ bất trung và bất tuân này là ngay cả cái gì đang có Chúa cũng cất đi luôn. Chúa cho chúng ta ai cũng có cùng một số lượng thì giờ như nhau, nhưng nếu chúng ta không biết cách đầu tư thì giờ mình thì Chúa có thể sẽ cất thì giờ chúng ta luôn. Có người có thể dành nhiều thì giờ cho Chúa, có người không. Nhưng nếu mỗi chúng ta nghiêm chỉnh tự hỏi xem mình có đang lãng phí thì giờ Chúa ban không và nếu có thì tìm cách điều chỉnh, Chúa sẽ ban phước lại cho chúng ta. Điều Chúa ban cho cũng có thể là Tin Lành của Ngài để chúng ta đầu tư. Nếu chúng ta xao lãng làm việc này thì Ngài sẽ dùng người khác hay Hội Thánh khác. Chẳng bao lâu nữa, nếu Chúa không dùng Hội Thánh chúng ta thì chúng ta sẽ trở thành một câu lạc bộ hơn là một Hội Thánh của Ngài. Sự khác biệt giữa một câu lạc bộ và một Hội Thánh là câu lạc bộ hiện hữu để phục vụ các hội viên câu lạc bộ, còn Hội Thánh hiện hữu để phục vụ Chúa, gây dựng tín hữu và phục vụ tha nhân.

   Một Hội Thánh nọ, lúc đầu mới thành lập tuy ít người nhưng ai cũng làm việc siêng năng. Từ từ đông người hơn thì bắt đầu có nan đề. Một vài người có mặt từ lúc đầu, nay cảm thấy bị bỏ rơi vì có nhiều người mới hăng hái đóng góp trong Hội Thánh. Sau đó, họ bỏ đi nhóm vì tự ái và giận mục sư. Một Hội Thánh khác thì các vị lãnh đạo thụ động, không chịu cộng tác với mục sư để phát triển Hội Thánh, lúc nào cũng nói câu, “Thôi, tôi chỉ cần tin Chúa và được cứu là được rồi, được cứu dường như qua lửa cũng không sao”. Chúng ta nên nhớ rằng Hội Thánh chúng ta đang sinh hoạt là Hội Thánh của Chúa và một ngày kia chúng ta sẽ đứng trước mặt Ngài, trả lời về những gì mình đã làm (hay không chịu làm) khi mình đang có trách nhiệm chăm sóc Hội Thánh của Ngài. Hy vọng rằng lúc đó, tất cả chúng ta đều được Chúa ban thưởng vì đã trung tín phục vụ Ngài khi còn ở thế gian này.

Post CommentLeave a reply