Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 21.08.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 21.08.2022

By H'Dên in Thanh niên on 15 Tháng Tám, 2022

Chúa nhật 21.08.2022

  1. Đề tài: CHÚA GIÊ-XU, VỊ GIÁO SƯ VĨ ĐẠI.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 23:8; 26:25,35,49; Mác 4:1-2; Lu-ca 9:38; 18:18; Giăng 1:38; 8:25.
  3. Câu gốc: “Mọi người đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài; vì Ngài dùng quyền phép mà phán” (Lu-ca 4:32).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 16-21.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “CHÚA GIÊ-XU, VỊ GIÁO SƯ VĨ ĐẠI”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong ba năm chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất, Ngài dùng phần lớn thời gian để giảng dạy về nước Trời. Ngài thường xuyên chuyện trò với những người theo Ngài. Ngay cả khi Chúa từ giã đám đông Ngài vẫn dạy dỗ riêng các môn đồ của Ngài. Ngài thường xuyên giao tiếp với người khác. Chúa giảng dạy từ hừng sáng cho đến hoàng hôn. Phần lớn sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu là ở ngoài trời, giữa chỗ công cộng. Ngài giảng cho đoàn dân đông ngồi nghe Ngài suốt nhiều ngày. Chúa chắc hẳn phải kiên nhẫn mới có thể dạy dỗ nhiều người trong một thời gian dài như vậy. Những người nghe Ngài không phải lúc nào cũng sẵn sàng tiếp thu. Đôi khi họ tỏ thái độ chống đối. Thông thường họ tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài vẫn thu hút và giữ sự chú ý của những người nghe Ngài hơn bất cứ người nào.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
  2. CHÚA GIÊ-XU, NHÀ GIÁO DỤC.
  3. Chúa Giê-xu Được Công Nhận.

– Chúa Giê-xu được dân chúng xưng là Thầy (Ra-bi) (Ma-thi-ơ 26:25,49; Mác 9:5; 11:21; 14:45; Giăng 1:38).

– Các sách Phúc âm mô tả chức vụ Ngài là giảng dạy (Mác 4:1-2; 6:26; 8:31; 12:35).

– Các môn đồ thừa nhận Chúa là Giáo sư. Chữ “môn đồ” có nghĩa là học trò được dùng 200 lần trong các sách Phúc âm.

  1. Chúa Giê-xu Có Đủ Tư Cách Và Thẩm Quyền.

Chúa có đủ tư cách và thẩm quyền để dạy dỗ vì: Ngài là Chân Lý (Giăng 14:6); Ngài có thẩm quyền (Ma-thi-ơ 7:28-29); Ngài biết Kinh Thánh (Chúa Giê-xu trích dẫn ít ra 20 sách trong Cựu ước); Chúa hiểu biết con người/học trò (Ma-thi-ơ 9:4; Giăng 1:47; 2:25; 4:17-18); Ngài tin điều mình dạy (Giăng 13:13); Ngài biết nghệ thuật dạy dỗ; Ngài quen thuộc với sinh hoạt tôn giáo: Nhà Hội (Lu-ca 4:16), đền thờ (Lu-ca 2:46,47).

Chúa có thẩm quyền và Ngài cũng ban cho chúng ta thẩm quyền của Ngài (Ma-thi-ơ 10:1). Điều này có nghĩa là chúng ta rao giảng, dạy dỗ, cầu nguyện cho người bệnh, làm báp-tem, đuổi quỷ, tất cả đều nhân Danh Chúa Giê-xu, nghĩa là trong thẩm quyền Ngài ban cho chúng ta (Lu-ca 9:1-2). Trong Công vụ các sứ đồ cho thấy khi “Nhân Danh Chúa Giê-xu” sẽ được giải cứu, được tha thứ tội lỗi, được chữa lành, đuổi được quỷ… (Công Vụ 2:21,38; 3:16; 4:12,18; 16:18).

  1. Chúa Giê-xu Có Chủ Đích Rõ Ràng.

Nhằm đem người nghe quay lại với Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:3; Giăng 3:3); nhằm giúp người khác sống hài hòa với nhau (Mác 12:31); giúp học trò (người nghe) hiểu đúng (Ma-thi-ơ 5:48); giúp học trò có niềm tin sâu sắc, tin quyết (Giăng 21:15-17); huấn luyện để ra đi rao truyền Phúc âm.

  1. SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Chúng ta đã ghi nhận rằng Chúa Giê-xu được lớn lên trong bối cảnh hệ thống giáo dục Do-thái. Tuy nhiên, nếu chỉ biết bối cảnh giáo dục của Chúa Giê-xu thì chưa đủ để cắt nghĩa tính độc đáo của sứ điệp cũng như tư cách, mục đích và các phương pháp của Ngài. Khuôn mẫu giảng dạy của Chúa Giê-xu nghiên cứu kỹ càng và Hội Thánh càng theo sát khuôn mẫu của Ngài bao nhiêu thì sẽ thành công bấy nhiêu trong công tác Giáo dục Cơ đốc. Công tác dạy dỗ người khác được Chúa Giê-xu giao lại cho Hội Thánh qua Đại Mạng Lệnh của Ngài, ấy là dạy dỗ để đem người ta đến sự giao thông với Đức Chúa Trời và dạy đường lối của Chúa cho những người đã có mối thông công với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 28:19-20).

  1. TƯ CÁCH CỦA CHÚA GIÊ-XU.
  2. Chúa Giê-xu Quan Tâm Đến Cả Nhân Loại.

Chức vụ của Ngài bao gồm cả thế giới. Mặc dầu mối quan tâm chính của Ngài hướng về những chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 10:6), nhưng Ngài cũng nói đến “những chiên khác” (Giăng 10:16).

  1. Chúa Giê-xu Quan Tâm Đến Nhu Cầu Thuộc Linh Của Nhân Loại.

Ngài biết rõ những điều ở trong lòng môn đồ cũng như trong lòng con người và những nhu cầu của họ (Ma-thi-ơ 9:4; Giăng 1:47; 2:25; 4:17-18; 6:61,64), do đó Ngài không cần người khác nói cho biết điều gì. Chúa Giê-xu luôn luôn quan tâm đến phương diện thuộc linh của bản chất con người. Trong câu chuyện giữa Chúa Giê-xu với Ni-cô-đem (Giăng 3:1-21) và với người đàn bà Sa-ma-ri (Giăng 4:1-42) Ngài đã đổi hướng câu chuyện và tập trung sự chú ý đến nhu cầu thuộc linh của họ. Với tư cách là những người lãnh đạo và là giáo viên trong chương trình Cơ đốc Giáo dục, chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu thuộc linh của các học viên. Nếu không, việc dạy dỗ của chúng ta không khác gì việc dạy học trong các trường phổ thông.

  1. Chúa Giê-xu Sử Dụng Kinh Thánh.

Chúa Giê-xu sử dụng Kinh Thánh nhiều hơn chúng ta tưởng. Ngài trưng dẫn ít nhất 20 sách trong Cựu ước, có không dưới 33 câu trưng dẫn trực tiếp (Chẳng hạn như Ma-thi-ơ 2:44 liên hệ với Thi Thiên 110:1). Thêm vào đó có ít nhất 45 đoạn mà trong đó chứa đựng từ ngữ giống hệt như từ ngữ trong Cựu ước (so sánh Ma-thi-ơ 5:8 với Thi Thiên 24:4-5). Chúng ta thấy rằng Chúa Giê-xu đã sử dụng Cựu ước để nuôi dưỡng tâm linh của chính Ngài. Điều này cho thấy rằng Chúa Giê-xu đã thấm nhuần ngôn ngữ và tư tưởng của Cựu ước. Sự hiểu biết Kinh Thánh của Chúa Giê-xu là một thách đố đối với mỗi giáo viên giảng dạy Lời Chúa. Chúng ta phải biết rằng Kinh Thánh sẽ giúp cho người ta khôn ngoan để được cứu bởi đức tin (2Ti-mô-thê 3:15).

  1. Chúa Giê-xu Là Hiện Thân Sống Động Của Chân Lý.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc giảng dạy của Chúa là đời sống gương mẫu của Ngài. Chúa Giê-xu là gương mẫu của những điều Ngài dạy. Lời giảng, đời sống và hành vi của Ngài đi đôi với nhau. Ngài phán cùng môn đồ rằng: “Hãy học theo ta” (Ma-thi-ơ 11:29). Đời sống gương mẫu của Chúa Giê-xu thể hiện rõ nét khi Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện, Ngài đưa ra các hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề (Lu-ca 11:1-13). Ngài dạy họ về việc cầu nguyện trước đám đông (Ma-thi-ơ 26:26; Giăng 6:11; 17:1-26), cũng như cầu nguyện riêng tư (Lu-ca 5:18; 6:12; 9:18,28; 11:1; 22:39-46). Một gương sáng khác của Chúa Giê-xu nữa là khi Ngài rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:1-17). Ngài đã trình bày gương mẫu về sự hạ mình qua lời nói và việc làm của Ngài.

  1. Chúa Giê-xu Giảng Dạy Có Phương Pháp.

Chúa Giê-xu không những được đầy dẫy và được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, mà Ngài còn nắm được nghệ thuật giảng dạy nữa. Chúng ta cần nhìn hai đặc tính này chung với nhau. Không có thầy giáo nào được Đức Thánh Linh hướng dẫn hoàn toàn như Chúa Giê-xu, và không có ai giảng dạy đúng nguyên tắc sư phạm hơn Chúa Giê-xu. Mặc dù Chúa Giê-xu không dạy các phương pháp sư phạm cho môn đồ Ngài, nhưng những con cái Chúa nào để tâm tìm kiếm những chỉ dẫn về lĩnh vực này trong các sách Phúc âm sẽ gặt hái được nhiều ích lợi. Nên nhớ rằng, việc giáo dục tôn giáo chủ yếu là một công tác thuộc linh. Đây là lý do tại sao chúng ta phải nương dựa vào Đức Thánh Linh để thực hiện việc giáo dục.

  1. MỤC TIÊU GIẢNG DẠY CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Nhiều câu Kinh Thánh chứng tỏ rằng Chúa Giê-xu là một Người có kế hoạch, có mục tiêu. Ngài là của lễ chuộc tội đã được Đức Chúa Trời dự bị sẵn từ buổi sáng thế (Khải Huyền 13:8). Điều này cho thấy mục tiêu của Ngài là vĩnh cửu. Sự chết của Ngài trên thập tự giá là một điều bi thảm nhưng không phải là ngẫu nhiên mà là sự định trước của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều đó trong chương trình đời đời của Ngài.

Trong Lu-ca 4:18-21, Chúa Giê-xu đã tuyên bố các mục tiêu trong chức vụ của Ngài. Ngài đến “đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo… để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do và để đồn ra năm lành của Chúa”. Nhiều khúc Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của Chúa Giê-xu là huấn luyện, tấn phong, và sai phái các môn đồ ra đi thi hành công tác mà Ngài giao phó (Lu-ca 11:1; 24:45-47; Ma-thi-ơ 28:16-20; Giăng 14:12; 20:21). Mục đích chính yếu của Ngài là tìm những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 10:6; 15:24; 23:37-39).

  1. PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CỦA CHÚA GIÊ-XU.
  2. Nguyên Tắc Chung.

– Không áp đặt ý tưởng đối với người nghe (Giăng 6:60-69).

– Tự môn đồ lựa chọn để cam kết theo Chúa (Mác 6:1-6).

– Áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể, người nghe là khởi điểm cho sự giảng dạy.

– Khuyến khích người nghe suy nghĩ (Giăng 6:60-69).

– Chúa đặt những câu hỏi hoặc cho phép người nghe hỏi.

– Chúa Giê-xu yêu thương người mình dạy (Giăng 13).

– Sống với điều mình dạy (Giăng 13:12-17,35).

– Chúa Giê-xu dùng ẩn dụ (Ẩn dụ có tác dụng kích thích suy nghĩ).

  1. Nghệ Thuật Giảng Dạy.

– Chúa Giê-xu luôn luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Ngài tạo sự chú ý bằng cách yêu cầu mọi người chú ý (Mác 4:9,24). Ngài gợi chuyện, gọi đích danh, kêu gọi người nghe quan sát (hãy xem hoa huệ ngoài đồng…). Ngài sử dụng những từ ngữ “Hãy nghe”; “Hãy lắng nghe”; “Nầy”; “Ai có tai hãy nghe”; “Quả thật”…

– Ngài tạo chú ý bằng cách quan tâm đến mọi người. Chúa để ý đến những điều người khác làm, nói và nhu cầu của họ. Ngài đặt những câu hỏi cho họ (Ma-thi-ơ 16:13).

– Ngài tạo sự chú ý bằng những sứ điệp thích thú. Ngài dạy về việc giữ ngày Sa-bát (Mác 2:27), về vấn đề dâng của lễ (Ma-thi-ơ 9:13).

– Ngài thu hút người ta bởi những phép lạ Ngài thực hiện. Không có gì thu hút người khác bằng quyền năng của Đức Chúa Trời và không có gì khiến người ta chú ý hơn là những phép lạ và việc chữa lành bệnh.

– Chúa Giê-xu thu hút người khác qua những hành động độc đáo. Ngài hòa đồng với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ăn chung với họ và tiếp nhận họ. Ngài chữa bệnh cho người ta trong ngày Sa-bát và biểu họ vác giường đi về nhà (Giăng 5:8-10).

  1. Phương Pháp Đặt Câu Hỏi Và Trả Lời.

Đặt câu hỏi là cách thức tốt nhất để thu hút học viên. Chúa Giê-xu dùng phương pháp đặt câu hỏi nhằm: Gợi thích thú, tò mò (Ma-thi-ơ 16:13); làm sáng tỏ ý tưởng (Mác 10:3); bày tỏ tình cảm (Ma-thi-ơ 12:34); giới thiệu hay dẫn vào một câu chuyện (Lu-ca 11:5-6); nhấn mạnh một chân lý (Ma-thi-ơ 16:26); nhằm áp dụng lẽ thật (Lu-ca 10:36); để xác quyết (Mác 2:25); để tra xét (Giăng 21:15-17)…

Còn những câu trả lời của Chúa Giê-xu có thể được xếp vào những loại sau: Câu trả lời cung cấp thông tin (Giăng 13:25-26); Câu trả lời sâu nhiệm (Giăng 6:28-33); Câu trả lời gián tiếp (Ma-thi-ơ 18:1-6); Câu trả lời thực tiễn (Lu-ca 13:23-24); Câu trả lời không giống như người ta mong đợi (Ma-thi-ơ 22:21; 29:30)…

  1. Phương Pháp Kể Chuyện.

Chúa Giê-xu rất thường kể chuyện, những chuyện Chúa Giê-xu kể được gọi là ẩn dụ hay dụ ngôn. Ẩn dụ tức là đem so sánh những chân lý thông thường với những chân lý cao xa hơn. Từ “ẩn dụ” xuất hiện 50 lần trong các sách Phúc âm. Dĩ nhiên không phải mọi chuyện Chúa Giê-xu kể đều là “ẩn dụ”. Trong một vài câu chuyện Ngài đã dùng những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để làm minh họa (Lu-ca 10:30).

Những chuyện kể đóng vai trò rất lớn trong việc giảng dạy. Theo C.B. Eavey, thì ở bất cứ độ tuổi nào, nếu thầy giáo không sử dụng việc kể chuyện coi như đã bỏ mất một phương thức quan trọng nhất để trình bày chân lý. Những câu chuyện giúp minh họa ý tưởng. Giảng dạy mà không kể chuyện giống như ngôi nhà không có cửa sổ. Kể chuyện tạo nên và duy trì sự hứng thú cũng như giúp cho người ta dễ nhớ.

  1. Phương Pháp Giảng Thuyết.

Giảng thuyết là trình bày chân lý cách hệ thống. Chúa thường giảng trong đền thờ, nhà hội, thành phố, nhà quê, núi, biển, hồ… Có khoảng 60 bài diễn thuyết được ghi trong các sách Phúc âm, trong đó có ba bài giảng thuyết quan trọng và nổi tiếng: Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5-7); bài giảng trên núi Ô-li-ve (Ma-thi-ơ 24-25); bài giảng trên phòng cao (Giăng 14-16).

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Chủ đề chính mà Chúa Giê-xu giảng dạy là gì? Cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ đề này.
  2. Sự dạy dỗ của Chúa Cứu Thế bao gồm nhiều đề tài. Hãy đọc những khúc Kinh Thánh sau đây và nói lên đề tài của mỗi khúc Kinh Thánh này bằng lời riêng của bạn: (Ma-thi-ơ 5:45; 7:11; 19:17; 6:26,30,32; 16:13-20; 19:3-12; Mác 11:22-24; Lu-ca 5:33-39; 7:36-50; 11:1-13,14-26; 14:25-27; 24:45-47,49; Công Vụ 1:4-5; Giăng 3:14-16; 5:19-47; 12:20-26).
  3. Tại sao cần phải thu hút sự chú ý của học viên? Tại sao đôi khi việc thu hút sự chú ý của thính giả trở thành khó khăn. Bạn có thể áp dụng như thế nào những phương thức Chúa Giê-xu dùng để thu hút sự chú ý của học viên?
  4. Mỗi câu hỏi trong những câu Kinh Thánh sau đây có mục đích gì? (Ma-thi-ơ 16:13; Mác 10:3; Lu-ca 11:5-6; Ma-thi-ơ 12:34; Ma-thi-ơ 16:26; Lu-ca 10:36; Ma-thi-ơ 15:34; Lu-ca 8:45; Ma-thi-ơ 21:25-27).

Post CommentLeave a reply