Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 07.08.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 07.08.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 4 Tháng Tám, 2022

Chúa nhật 7/8/2022

  1. Đề tài: THẦY THƯỢNG TẾ TỐI CAO.
  2. Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 4:14-16; 5:7-10.
  3. Câu gốc: Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời” (Hê-bơ-rơ 4:16 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 7-10.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Ai là Thầy tế lễ thượng phẩm?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Thầy tế lễ thượng phẩm đó đã cảm thông với chúng ta như thế nào?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Qua bài học nầy chúng ta học được điều gì?

(2.1) Chúa Giê-xu khi Ngài còn ở trong xác thịt thì Ngài đã làm gì với Đức Chúa Cha giống như chúng ta?

(2.2) Vì sao mà Ngài phải như vậy?

(2.3) Chúng ta học được gì qua gương của Chúa Giê-xu?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngay đầu thư Hê-bơ-rơ, Chúa Giê-xu được bày tỏ như là thầy thượng tế. Nhưng tại đây Ngài được coi như thầy thượng tế lớn. Với địa vị nầy chúng ta thấy Ngài cao hơn bất cứ một thầy thượng tế nào… Ngài đã trải qua các từng trời. Sau khi chịu chết trên thập tự giá và sống lại từ cõi chết. Ngài được cất lên trời và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời và được xưng tụng Danh trên hết mọi danh. Đức Chúa Giê-xu Christ, Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Hôm nay chúng ta cùng nhau học về chức vụ thầy thượng tế lớn. Bài học giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự cứu rỗi lớn lao của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Bài học bao gồm năm phần:

  1. Thầy Thượng Tế (Hê-bơ-rơ 4:14-16).
  2. Nhu Cầu Phải Có Thầy Thượng Tế (Hê-bơ-rơ 5:1-3).
  3. Sự Lập Chức Thầy Thượng Tế (Hê-bơ-rơ 5:4-6).
  4. Thầy Thượng Tế Dâng Lễ Hy Sinh (Hê-bơ-rơ 5:7-10).
  5. Sự Cao Trọng của Thầy Thượng Tế (7:1-28).
  6. THẦY THƯỢNG TẾ (Hê-bơ-rơ 4:14-16).

Đức Chúa Giê-xu Christ đã từng ở địa vị cao sang, hạ mình trở thành người nơi dương thế để cảm thương con người khốn khổ trong tội lỗi nơi trần gian.

Lòng yêu thương của Thượng đế là gì mà xã hội thời đó biết rất ít. Đối với người Do-thái, Đức Chúa Trời là Đấng cao quý, thánh khiết và công bình. Họ không hiểu về lòng nhân từ, thương xót, tình yêu lớn lao cả thể của Ngài là dường nào. Họ nghĩ Ngài là Đấng công bình, luôn thi hành những hình phạt cho những kẻ phạm tội, không cảm thông thương xót. Vì vậy, Chúa Giê-xu đã sống giữa họ bày tỏ lòng nhân từ và tình thương của Thượng đế cho họ như một người cha yêu dấu (c.15).

Ngài đến giữa họ như một con người, chia sẻ đời sống, chịu sự cám dỗ, nhưng Ngài đã không phạm tội. Ngài kinh nghiệm những áp lực trong đời sống, từng trải các sự cô đơn, buồn chán, thất vọng và ngã lòng cho nên Ngài cảm thương được những nếm trải mà con người phải chịu.

Làm thế nào chúng ta có thể đến gần ngôi ơn phước được? Dù cuộc chiến đấu có mãnh liệt hơn, có khó khăn đến đâu đi nữa chúng ta cũng không sờn lòng, bỏ cuộc đầu hàng. Chúng ta xác quyết có sự giúp đỡ, có những phương sách, có những hậu thuẫn mạnh từ ngôi ơn phước của Đức Chúa Trời. (c.16 – BHĐ) “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời”.

Khi chúng ta cầu nguyện, hãy bước đến với lòng xác quyết. Vì chúng ta tin chắc rằng thầy thượng tế của chúng ta hiểu và yêu chúng ta mọi bề.

  1. NHU CẦU PHẢI CÓ THẦY THƯỢNG TẾ (Hê 5:1-3).

Chức vụ của thầy tế lễ là dâng của lễ hi sinh vì tội lỗi. Thầy tế lễ và của lễ phải đi đôi với nhau, sinh tế là để chuộc tội lỗi. Thầy thượng tế cũng là con người như anh em mình, biết rõ được sự yếu đuối của mình do đó thầy tế lễ phải dâng của lễ hi sinh cho chính bản thân mình cũng như cho dân sự.

Sự kiện ấy nhắc chúng ta liên hệ đến thầy thượng tế lớn của chúng ta. Ngài không cần dùng của lễ dâng cho chính mình. Nhưng Ngài dùng chính thân mình làm của lễ hy sinh để cứu lấy mọi người. Đức Chúa Giê-xu Christ là thầy thượng tế cao trọng nhất trong tất cả các thầy thượng tế trên đất.

Do đó thầy thượng tế phải:

– Được chọn từ loài người.

– Được chọn vì con người.

– Thay mặt Chúa cho dân sự và cũng đại diện dân sự đến với Chúa.

– Luôn gắn liền với Đức Chúa Trời.

– Dâng của tế lễ và sinh tế vì tội lỗi.

Thầy tế lễ từ trong loài người phải biết rằng mình là con người có những giới hạn và có những lỗi lầm trong cuộc sống. Do đó trong ngày lễ chuộc tội đã nhấn mạnh đến sự cần tha thứ của cả thầy tế lễ và dân sự.

III. SỰ LẬP CHỨC THẦY THƯỢNG TẾ (Hê 5:4-6).

Thầy thượng tế là người được tôn trọng, được sự kêu gọi bởi Chúa như A-rôn ngày xưa (c.4), nắm giữ chức vụ tế lễ như A-rôn được Đức Chúa Trời kêu gọi và chỉ định (Xuất 28:1). Đó là một đặc quyền và là một chức vụ thánh mà Ngài được ban cho chứ không phải mình tự chọn (c.5).

Từ đó, tác giả Hê-bơ-rơ cho thấy làm thế nào Đấng Christ được lập thành chức thầy thượng tế. Chúa Giê-xu không tự tôn mình làm chức thầy tế lễ, nhưng Đức Chúa Trời đã chọn. Vì vậy khi Đức Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem tại sông Giô-đanh thì có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn(Ma-thi-ơ 3:17b – BHĐ).

Thầy thượng tế đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc, điều nầy được xác định trong Thi Thiên 10:4. Sự bày tỏ rõ ràng quan trọng của ban Mên-chi-xê-đéc thấy được trong Hê-bơ-rơ 7. Theo đây, chúng ta thấy không có nghĩa là phải theo thứ tự ban Mên-chi-xê-đéc, nhưng Chúa Giê-xu được xếp cùng hạng như thầy thượng tế Mên-chi-xê-đéc và dĩ nhiên có sự khác biệt với chức tế lễ dòng A-rôn. Chức tế lễ đời đời của Đấng Christ vượt quá thứ tự dòng Lê-vi vì nó là kiểu mẫu từ Mên-chi-xê-đéc, thầy thượng tế vua của Sa-lem. Và dòng Mê-si-a vì thế hiệp nhất trong chính Ngài với hai chức vụ đó (Sáng Thế Ký 14:18).

  1. THẦY THƯỢNG TẾ DÂNG LỄ HY SINH (Hê 5:7-10).

Chúa Giê-xu đã trải qua nhiều đắng cay nhọc nhằn trong thân xác con người và cảm thông được lúc yếu kém cũng như lúc mạnh mẽ.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ đưa ra bốn điều lớn về Chúa Giê-xu:

* Nhớ lại lời cầu nguyện của Chúa tại vườn Ghết-sê-ma-nê, kêu lớn tiếng khóc lóc, bày tỏ một sự căng thẳng đau thương tột độ mà Chúa phải đối diện.

* Chúa đã kinh nghiệm được những ngày khổ nạn. Ngài phải học tập phục vụ Đức Chúa Trời.

* Chúa đã vượt thắng mọi sự khốn khổ và nên trọn vẹn. Ngài trở thành Đấng cứu rỗi đời đời cho mọi người.

* Sự cứu rỗi đời đời là bảo chứng chắc chắn cho đời nầy và đời sau. Không có gì có thể làm mất đi ơn phước cứu rỗi mà Chúa ban cho chúng ta (c.9).

Tác giả muốn cho chúng ta thấy rõ hình ảnh của một sự hy sinh, thuận phục Đấng Christ.

Mặc dù Ngài là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời, đã sẵn sàng xuống thế gian để gánh vác tội lỗi của nhân loại. Trong giờ phút đau thương thống hối, Đức Chúa Cha phải lìa bỏ Ngài, bởi vì tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên Ngài. Ngài cầu nguyện xin chén đau thương cất khỏi Ngài, “nhưng không theo ý muốn của con nhưng theo ý muốn của Cha” (Ma-thi-ơ 26:39; Mác 14:36; Lu-ca 22:42). Và chính sự hy sinh thuận phục đó đã giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta sự cứu rỗi đời đời.

  1. THẦY THƯỢNG TẾ (7:1-28).

Thầy thượng tế Giê-xu xuất hiện giống như Mên-chi-xê-đéc, Đấng hoàn toàn khác hẳn với những thầy tế lễ dòng A-rôn.

Ngài được Là thầy tế lễ không theo luật của điều răn loài người, mà theo quyền năng của sự sống bất diệt (Hê-bơ-rơ 7:16 – BHĐ). Ngài là Chúa của sự sống, không có sự tận cùng (Công Vụ 3:15). Tác giả nhắc lại trong Thi Thiên 110:4 nhấn mạnh đến điểm Đấng Christ là thầy thượng tế đời đời. (c.18) điều răn trước kia theo thời Cựu Ước, thầy tế lễ và của lễ giúp dân chúng theo điều buộc của Chúa. Tuy nhiên nó không đáp ứng được nhu cầu sâu xa của linh hồn và cuộc sống tâm linh họ.

Chúa Giê-xu Christ là thầy thượng tế cao trọng vì Ngài hằng có đời đời (c.24). Ngài đang ở bên hữu ngai Đức Chúa Trời, cầu thay cho chúng ta.

Đấng Christ là thầy tế lễ cao trọng vì của lễ hi sinh tốt nhất của Ngài. Thầy tế lễ phải dâng sinh tế cho chính mình trước khi dâng lễ cho kẻ khác (c.27). Dầu là thầy tế lễ họ cũng là tội nhân cần phải được thanh tẩy trước. Nhưng Đấng Christ trái lại, Ngài không cần dâng của lễ cho chính mình, nhưng Ngài dâng thân mình làm của lễ một lần là đủ cả (Hê 9:12, 26, 28; 10:10). Của lễ chuộc tội của Đấng Christ có hiệu lực cất bỏ mọi tội lỗi và không cần lập lại nhiều lần nữa.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Chữa vết bỏng: Khi bị phỏng, hãy cắt một khoanh khoai tây đắp lên đấy, để yên một lúc lâu, nên nhớ là trước khi đắp, không được rửa vết phỏng.

Post CommentLeave a reply