Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.04.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.04.2022

By H'Dên in NAM GIỚI on 18 Tháng Tư, 2022

Chúa nhật 24.04.2022

  1. Đề tài: LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG BẠN.
  2. Kinh Thánh: Mác 11:27-33; 12:13-34.
  3. Câu gốc: “Cả đoàn dân cảm động sự dạy dỗ của Ngài lắm” (Mác 11:18c).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 8-10.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 30.01.2022).

Câu hỏi học Kinh Thánh:

  1. Đọc Mác 11:27-33:

(1) Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, và các trưởng lão hỏi Chúa Giê-xu điều gì?

(2) Vì sao họ hỏi Chúa Giê-xu điều đó?

(3) Bạn suy nghĩ gì về những việc quyền năng Chúa đã làm cho đời sống bạn?

  1. Đọc Mác 12:13-17:

(1) Người Pha-ri-si và đảng Hê-rốt muốn gài bẫy Chúa nên đến hỏi rằng có nên nộp thuế cho Sê-sa không, thì Chúa đã trả lời với họ thế nào?

(2) Câu trả lời của Chúa nói lên điều gì?

(3) Bạn có thực hiện đúng lời dạy “Vật chi của Sê-sa, trả lại cho Sê-sa; còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời” chưa? Xin minh chứng.

III. Đọc Mác 12:18-27:

(1) Người Sa-đu-sê chất vấn Chúa về điều gì? Lời chất vấn đó cho thấy người Sa-đu-sê tin vào điều gì?

(2) Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho thấy người Sa-đu-sê là người thế nào?

(3) Niềm tin của bạn đặt vào đâu và dựa trên nền tảng nào?

  1. Đọc Mác 12:28-34:

(1) Chúa Giê-xu cho hai điều răn nào là lớn nhất?

(2) Tại sao hai điều răn đó là lớn nhất?

(3) Bạn có tin hai điều răn nầy là lớn nhất không? Bạn bày tỏ hai điều răn nầy thế nào trong đời sống của mình?   

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Nếu chúng ta muốn biết những câu trả lời cho các thắc mắc của đời sống, chúng ta cần học hỏi và ứng dụng Kinh Thánh, Kinh Thánh đã cho chúng ta những lời giải đáp:

HẠNG NGƯỜI CÂU HỎI CÂU TRẢ LỜI
1. Thầy tế lễ cả, thầy thông giáo, trưởng lão.  Ai ban cho thầy uy quyền?  Chúa trả lời bằng một câu hỏi mà họ không dám trả lời.
2. Người Pha-ri-si và Đảng Hê-rốt. Chúng tôi có nên đóng thuế không?    Vừa cộng tác với chính quyền vừa làm tròn điều răn của Đức Chúa Trời. 
3. Người Sa-đu-sê. Nàng sẽ là vợ ai?  Các ngươi không hiểu Kinh Thánh.
4. Thầy thông giáo. Điều răn thứ nhất là gì? Đức Chúa Trời trước hết, người khác đứng hàng thứ hai.
  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Chúa Giê-xu luôn luôn biết câu trả lời đúng, bất cứ trường hợp nào. Trong những việc đã xảy ra được ghi lại trong Mác 11:27, 12:34, có bốn hạng người đến với Chúa Giê-xu để chất vấn Ngài. Tất cả những người đó đều là các cấp lãnh đạo tôn giáo, am hiểu luật pháp. Họ đến cùng Chúa Giê-xu với một loạt những câu hỏi “lắt léo” mong gài bẫy Ngài.

Nhóm người đầu tiên là các giáo sư thời bấy giờ. Câu hỏi có vẻ rất ngạc nhiên. Nhưng thật ra câu hỏi được nêu lên là nhằm bắt buộc Chúa Giê-xu thú nhận rằng Ngài không có quyền hành động. Nhưng Chúa có uy quyền riêng bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời; Ngài không cần phải nhận uy quyền từ con người ban cho để giảng và dạy. Rồi Chúa Giê-xu đã trả lời câu họ hỏi bằng một câu hỏi ngược lại. Nếu họ thành thật trả lời, chắc Chúa đã có thể giúp họ. Bây giờ áp lực của ý kiến quần chúng đang đè nặng trên họ. Vấn đề khó giải quyết của các lãnh đạo bấy giờ là gì? (câu 31,32). Đã có việc gì xảy ra trên số người chất vấn Chúa? Họ phải im lặng vì Chúa đã hỏi một câu mà họ không dám trả lời.

Nhóm thứ hai là người Pha-ri-si và đảng Hê-rốt đến gặp Chúa. Đảng Hê-rốt là một đảng chính trị về phe với vua Hê-rốt. Có gì khiến cho câu hỏi trở thành khó trả lời? Nếu Chúa Giê-xu nói: “Không đâu, nộp thuế là không đúng’’, thì chính quyền La-mã sẽ bắt Ngài, vì Ngài tuyên bố chống lại họ. Nếu Ngài nói: “Phải, các ngươi phải đóng thuế’’, thì dân chúng sẽ chống lại Ngài, vì họ oán ghét chính quyền La-mã. Chúa Giê-xu đã nói sao? (câu 17). “Hãy thỏa mãn các yêu sách của chính quyền, mà cũng làm trọn những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nữa’’. Dân chúng lấy làm lạ về Ngài (câu 17).

Nhóm người thứ ba là người Sa-đu-sê. Nền thần học của họ khác với người Pha-ri-si ở chỗ họ không tin sự sống lại. Họ tin rằng linh hồn cùng chết với thân xác. Họ phủ nhận sự hiện hữu của các thiên sứ và tà ma. Số người nầy tìm cách khiến Chúa Giê-xu lúng túng bằng việc đặt một câu hỏi có vẻ phi lý. Chúa đã trả lời là họ không hiểu Kinh Thánh: “Các ngươi không biết Kinh Thánh, cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời’’ (câu 24). “Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng là Đức Chúa Trời của kẻ sống” (câu 27).

Cuối cùng chỉ có một người chứ không phải một nhóm người đến gặp Chúa Giê-xu. Đó là một thầy thông giáo. Ông đưa ra câu hỏi (câu 28) liên quan đến các điều răn của Đức Chúa Trời. Dường như theo thầy thông giáo nầy thì không thể xem một điều răn nào là quan trọng hơn điều răn nào. Câu trả lời của Chúa Giê-xu vạch rõ tầm quan trọng của mối liên quan giữa loài người với Đức Chúa Trời (câu 29-31). Nếu một người đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống mình, người ấy sẽ nhớ trách nhiệm đối với tha nhân, sẽ vâng giữ luật pháp.

Sau cuộc gặp gỡ nầy, chúng ta đọc thấy: “Rồi không ai dám hỏi gì Ngài nữa” (câu 34) Chúa Giê-xu đã khiến đối phương ngậm miệng. Người ta chất vấn về uy quyền của Ngài và Chúa Giê-xu đã trả lời thật khôn ngoan. Người ta chất vấn về lập trường chính trị của Chúa đối với chính quyền La-mã và Ngài đã vượt được cuộc thử nghiệm. Người ta chất vấn Chúa về thần học, Ngài đã biết rõ câu trả lời. Người ta chất vấn Chúa về sự thông hiểu luật pháp, Ngài đã giải thích luật pháp theo một đường lối tuyệt diệu. Dân chúng đã theo dõi Chúa Giê-xu lúc Ngài đối diện với các lãnh tụ của họ. Họ sẽ nghe ai đây? Họ sẽ chịu ảnh hưởng của ai đây? Chúa Giê-xu cứ giảng dạy “và đoàn dân đông vui lòng mà nghe Ngài” (câu 37).

* Noi Gương Chúa Giê-xu.

Trong khúc sách trên, chúng ta thấy lòng tự tin và vững vàng của Chúa Giê-xu khi bị chống đối mạnh mẽ. Ngài đã nắm vững tình hình bằng một thái độ bình tĩnh, bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài biết rõ Kinh Thánh.

Làm thế nào để một Cơ Đốc nhân có thể tin quyết vào mối liên hệ giữa mình với Đức Chúa Trời, để khỏi lúng túng khi bị áp lực của người chung quanh? Làm thế nào để chúng ta có được lòng tự tin và vững vàng như Chúa Giê-xu?

  1. Chúng ta phải biết rõ ý chỉ của Đức Chúa Trời như Chúa Giê-xu Christ đã biết vậy.
  2. Chúng ta phải nghiên cứu Lời của Đức Chúa Trời để nhờ đó, được biết rõ hơn về Chúa Giê-xu.
  3. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Chúa Giê-xu có câu trả lời cho tất cả vấn đề của đời sống, không có áp lực nào khiến Ngài phải bối rối, cả danh tiếng lẫn sự chống đối đều không lay chuyển được Ngài. Trong mọi hoàn cảnh, dân chúng đều lấy làm lạ về Chúa Giê-xu. Sở dĩ họ kinh ngạc vì Ngài giảng dạy cách có uy quyền, Ngài có thể suy nghĩ hết sức minh mẫn ngay khi bị người ta hỏi vặn. Chúa luôn luôn tự chủ, không bị những câu hỏi rắc rối gây xúc động làm cho “nổi nóng”. Bao giờ Chúa Giê-xu cũng tự tin vì Ngài biết chắc ý chỉ của Đức Chúa Trời và sẵn lòng tuân hành ý chỉ đó.

Khi chúng ta nương cậy Đấng Christ để được sức mạnh, chúng ta sẽ có thể trả lời thật khôn ngoan, sống thật đứng đắn. Chúng ta sẽ được sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh. Khi phải đương đầu với những cảnh ngộ khó khăn, chúng ta có trông mong được Ngài trợ giúp không? Có một điều có thể tin chắc, ấy là nếu chúng ta thông suốt Kinh Thánh và tin cậy Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thất bại.

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Làm thế nào để chúng ta giữ được bình tĩnh và có uy quyền như Đấng Christ đã có?
  2. Ngày nay, con người hay hỏi những câu chính yếu nào? Chúng ta có thể tìm lời giải đáp như thế nào trong Kinh Thánh cho các vấn đề đó?

Post CommentLeave a reply