Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.04.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.04.2022

By H'Dên in Thanh niên on 29 Tháng Ba, 2022

Chúa nhật 03.04.2022.

  1. Đề tài: TẬN TRUNG VỚI CHÚA GIÊ-XU CHRIST.
  2. Kinh Thánh: Mác 14:1-72.
  3. Câu gốc: “Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh” (Mác 8:38).
  4. Đố Kinh Thánh: Phục Truyền Luật Lệ Ký 21-25.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 13.02.2022

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

 Trong giải bóng đá quốc khánh, nếu đội của ta thua thì nhiều người sẽ chê trách đội bóng nhà và chỉ ra những khuyết điểm của đội. Nhưng nếu có người trong đội bóng thắng trận nói xấu đội bóng của ta, chắc thái độ của khán giả nhà phải đổi khác. Họ sẽ bênh vực đội bóng nhà. Điều gì khiến họ thay đổi thái độ như vậy? Đó là lòng trung thành với đội. Nếu có ai chỉ trích đội bóng của bạn, tinh thần trung kiên của bạn sẽ không thể nào chịu nổi. Bạn trung thành đến mức độ nào đối với Chúa?

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Chúa Giê-xu Christ Và Những Người Theo Ngài.

Bà Ma-ri hết lòng với Chúa. Ở mấy câu mở đầu Mác 14, chúng ta đọc thấy Chúa Giê-xu đang ở giữa các bạn thân của Ngài. Phía ngoài là các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo. Họ đang tìm cách để giết Chúa đi. Việc gì đã không cho phép họ thực hiện ý muốn? (Các lãnh tụ của dân chúng ngược đãi Đấng vốn rất được lòng dân).

Mọi người đang dùng bữa trong một ngôi nhà tại làng Bê-tha-ni, thì giữa bữa ăn, một chuyện bất thường xảy ra khiến mọi người phải ngừng tay. Có một phụ nữ đến với Chúa, trên tay cầm một chai dầu bằng bạch ngọc. Thánh Giăng cho chúng ta biết bà ấy là Ma-ri ở Bê-tha-ni (Giăng 12:3). Hành động của bà đã gây phản ứng tức khắc trong số người có mặt (Mác 14:3-8). Nhưng Chúa Giê-xu hiểu rõ hành động của bà nên đã khen ngợi bà. Hành động của Ma-ri nhằm tỏ lòng yêu thương của bà đối với Chúa. Ngài nhìn nhận là hành động ấy có một ý nghĩa đặc biệt vì ngày Ngài chịu đóng đinh gần đến rồi. Hành động ấy của bà Ma-ri có lẽ là hành động đích thực cuối cùng của một người muốn tỏ ra hết lòng với Chúa trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá thay cho chúng ta.

  1. Thắc mắc của các môn đồ.

Vào những ngày cuối tuần lễ, một việc khác cũng xảy ra tại một căn phòng khác, và Chúa Giê-xu cũng có mặt giữa quan khách. Bữa ăn thứ hai nầy được chép lại trong Mác 14:12-25, và cũng bị gián đoạn vì một hành động bất thường. Việc gì vậy? (Chúa cho biết là một trong các môn đồ sắp phản Ngài, xem câu 18).

Bấy giờ, chắc mọi người đã im lặng một chặp, rồi mỗi môn đồ đều tự hỏi: “Ai vậy kìa?” Ai cũng sợ mình là kẻ phản Chúa, không ai dám tin nơi mình cả. Mỗi người đều tự hỏi không biết mình có thể đứng vững trước áp lực, hay sẽ sa ngã trước cơn cám dỗ? Đừng bao giờ khinh thường sự cám dỗ là thái độ luôn luôn giúp ích cho chúng ta. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sức lực để thắng hơn những cám dỗ mà ma quỉ hay giăng ra trên đường đi của chúng ta.

  1. Tình yêu thương của Chúa Giê-xu.

Sau đó, Chúa Giê-xu bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với số người đó. Ngài trình bày cho họ việc sắp xảy đến cho Ngài bằng hành động bẻ bánh ra phân phát cho mỗi người, cũng chia nước nho cho các môn đồ nữa. Ngài sắp lên thập tự giá, nên Ngài muốn cho các môn đồ biết rằng Ngài làm vậy là vì họ và vì tất cả những người tin nơi Ngài. Ngài không hề nói ra một lời khiển trách nào, mà chỉ có bằng chứng hiển nhiên về tình yêu thương của Ngài mà thôi.

Hành động tối cao chứng minh tình yêu thương của Ngài chẳng bao lâu, đã được bày tỏ trong sự chết của Ngài, và Ngài phán bảo họ là Ngài sẽ sống lại (câu 28).

  1. Trắc nghiệm về lòng trung kiên.

Khi Phi-e-rơ nghe Chúa Giê-xu nói như vậy, thì ông không tin. Ông thường lầm lỗi là hay lớn tiếng khoe khoang việc mình sắp làm, mà đây là một ví dụ (câu 29,31). Đấng Christ đã trả lời cho sự khoe khoang của Phi-e-rơ như thế nào? (câu 30).

Sau đó, Chúa Giê-xu đưa các môn đồ vào vườn Ghết-sê-ma-nê. Tại đó, Ngài truyền dạy họ: “Hãy ở lại đây và tỉnh thức” (câu 34). Trong câu 38, Ngài lại đưa ra một mạng lịnh khác: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện…”.

Chúa đã phán trước với các môn đồ là họ sẽ sa ngã. Ngài phán dạy họ hãy cùng thức với Ngài. Ngài đã truyền lịnh cho họ phải cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ, nhưng họ đã làm gì? Họ ngủ!

Nếu chúng ta tự kiêu, khoe khoang là chúng ta có đủ khả năng để giữ lòng trung thành với Chúa, thì phải chăng đây là lời cảnh cáo đối với chúng ta? Chúa Giê-xu từng cảnh cáo rằng nếu cậy sức mình, chúng ta chắc chắn sẽ sa ngã, nhưng trong Ngài chúng ta có sức mạnh để thắng hơn sự cám dỗ (Phi-líp 4:13). Nhưng chúng ta luôn luôn hăng hái làm y như các môn đồ xưa kia, nghĩa là ngủ mê trên công việc của mình. Chúng ta có thể khoe khoang về lòng trung thành, nhưng có thể nào tự khép mình vào kỷ luật để dành vài phút cùng cầu nguyện với Ngài, và học hỏi lời Ngài hằng ngày?

  1. Không giữ được lòng trung thành.

Kết quả của sự yếu đuối đó là lần nào chúng ta cũng thất bại. Các môn đồ đã làm sao thì chúng ta cũng vậy! (Xem Mác 14:43-72 và liệt kê mỗi người đã không giữ được lòng trung thành với Chúa như thế nào và tại sao).

TÊN THẤT BẠI NHƯ THẾ NÀO TẠI SAO
Giu-đa.    Phản Chúa. Ích kỷ, chỉ chăm vào lợi riêng mình.
Phi-e-rơ. Chối Chúa.  Xấu hổ nếu bị xem là đồng bọn với Đấng đang bị xét xử và có thể lãnh án tử hình.
Tất các các môn đồ. Bỏ Chúa trốn đi. Lo sợ cho tính mạng của riêng mình.

Khi nhìn vào bản liệt kê trên, có lẽ chúng ta tự nhủ là mình sẽ không bao giờ hành động như mấy nhân vật kia. Có chắc như thế không? Có bao giờ những tham vọng của chúng ta đã ngăn trở chúng ta tận trung với Chúa Giê-xu Christ không? (Thảo luận với nhau về những điều có thể ngăn trở chúng ta tận trung với Chúa. Nên nhớ đưa vào những điểm như: (1) Xấu hổ vì đứng một mình, (2) Sợ mất việc làm, (3) Sợ bị bắt bớ, (4) Có tham vọng cá nhân như Giu-đa vậy, (5) Ích kỷ, (6) Yếu đuối.

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Hãy tận trung với Chúa Giê-xu Christ. Có lẽ các bạn không cần phải chết cho Ngài đâu. Nhưng các bạn có sợ phải sống cho Ngài không? Các bạn sẽ phải trả một giá nào đó để đứng vững với Đấng Christ. Các bạn có sẵn sàng trả giá ấy không?

Thật dại dột nếu chúng ta lo sợ là không biết mình phải trả giá gì để làm Cơ đốc nhân tận trung. Chúa Giê-xu không hề vị kỷ. Ngài vui lòng từ bỏ mọi vinh quang thiên đàng để cứu chúng ta khỏi tội (Phi-líp 2:6-8). Ngài không tham vọng. Ngài sẵn sàng bỏ hết mọi sự vì chúng ta. Ngài đã nêu gương cho chúng ta về những gì chúng ta phải làm (1Phi-e-rơ 2:21-25).

Chúa không hề xấu hổ vì chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta và hứa hẹn nhận chúng ta trước mặt Cha ở trên trời (Ma-thi-ơ 10:32,33). Chúa đã trả xong giá chuộc để cứu chúng ta (1Phi-e-rơ 1:18,19). Ngài không hề xem giá phải trả là quá đắt, vì Ngài quyết định vâng theo ý Cha Ngài.

Chúng ta phải tận trung dầu phải trả giá nào. Việc ấy rất hợp lý nếu chúng ta nhận thức được những gì Chúa Giê-xu Christ đã làm cho chúng ta. Tình yêu thương của Ngài khiến cho lòng tận trung của chúng ta trở nên cần thiết.

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Lòng bất trung của các môn đồ đối với Chúa Giê-xu Christ bắt đầu từ đâu?
  2. Các bạn có thể làm gì để khỏi sa ngã như Phi-e-rơ?
  3. Bà Ma-ri đã phải trả giá gì cho hành động tỏ ra hết lòng với Chúa Giê-xu Christ?

Post CommentLeave a reply