Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 23.01.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 23.01.2022

By H'Dên in Thanh niên on 18 Tháng Một, 2022

Chúa nhật 23.01.2022.

  1. Đề tài: UY QUYỀN TRONG SỰ DẠY DỖ.
  2. Kinh Thánh: Mác 1:21-28.
  3. Câu gốc: “Chúng đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng như các thầy thông giáo đâu” (Mác 1:22).
  4. Đố Kinh Thánh: Dân Số Ký 26-30.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm:

            Đề tài 1: Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si được học hỏi và có chức vị nên họ giải nghĩa luật pháp Đức Chúa Trời cách chính xác và có quyền.

            – Đề tài 2: Chúa Giê-xu không được học hỏi và không có chức vị nhưng Ngài giải nghĩa luật pháp Đức Chúa Trời chính xác và có quyền.

  1. Mỗi nhóm họp lại đề cử hai người thay mặt nhóm để thảo luận và đưa ra những ý kiến.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, có kinh nghiệm trong đời sống theo Chúa để đúc kết giờ thảo luận, vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và nguy hại cho Hội Thánh.
  3. Giờ thảo luận:
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện của hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố qui luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình nhưng không tranh cãi (tìm mọi cách để hạ đối phương và chiếm phần thắng cho mình). Thời gian: 20 phút. Sau đó, nhóm viên của hai nhóm có quyền tham gia thảo luận trong 10 phút.
  6. Đúc kết (10 phút): Người chịu trách nhiệm đúc kết sẽ dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có bao giờ các bạn nghe Tổng thống, Thủ tướng hay một nhân vật cấp cao nào đọc diễn văn không? Chắc các bạn rất ngạc nhiên và xúc động khi được thấy và nghe một nhân vật quan trọng như vậy. Các bạn thấy những nhân vật ấy vốn hiểu rộng biết nhiều và có quyền uy, cho nên bạn nghe rất chăm chỉ. Họ vốn có chức vị cao và đòi hỏi phải được kính trọng.

Nhưng quyền năng của Chúa Giê-xu lại khác. Ngài không có chức vị cao nhưng khi giảng dạy, Ngài giải thích chân lý về Đức Chúa Trời và về loài người cách chính xác. Trong lời giáo huấn của Ngài có cả uy quyền của trời và đất hợp lại. Dân chúng đã nói: “Chưa hề có ai nói như người này?”

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
  2. Danh Tiếng Của Chúa Giê-xu.

Biến cố đầu tiên trong chức vụ công khai của Chúa Giê-xu mà thánh Mác chọn để ghi lại là một biến cố đã khiến dân chúng vô cùng kinh ngạc. Chúa Giê-xu đã vào nhà hội của người Do-thái nhân ngày Sa-bát. Dân chúng vốn có thói quen đến nhà hội để nghe giảng dạy, đó là trung tâm giáo dục chính thức về tôn giáo của họ. Họ được các thầy thông giáo có học thức hẳn hoi dạy bảo. Các thầy thông giáo nầy được xem là có đủ uy tín để giải nghĩa luật pháp thật đúng. Họ được kính trọng và đề cao vì đó là những nhân vật đại diện cho luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong vấn đề nầy, có lời tục ngữ rằng: “Nếu cả cha lẫn thầy của một cậu bé đang lâm nguy, thì cậu bé phải lo cứu ông thầy trước”.

Tại sao dân chúng ngạc nhiên khi nghe lời giảng dạy của Chúa Giê-xu? (Mác 1:22). Chắc vì họ thấy Chúa Giê-xu vốn có uy quyền xuất phát từ chính Ngài nên Ngài không cần phải trích dẫn lời của ai cả. Ngài có quyền nói cho chính Ngài và giải thích các kinh điển Cựu Ước.

Ngay cả các tà linh cũng nhìn nhận uy quyền của Chúa Giê-xu (câu 24). Có một tà ma đã làm gián đoạn việc giảng dạy của Chúa Giê-xu trong nhà hội tại Ca-bê-na-um bằng cách kêu lớn lên và Chúa Giê-xu đã quở nó, bảo nó im đi và ra khỏi người mà nó đã mượn tiếng để la lên đó (câu 25).

Uy quyền ấy đã làm nền tảng cho danh tiếng của Ngài. Lúc Ngài đi từ thành phố nầy sang thành phố khác, dân chúng cảm thấy rằng đây quả đúng là Người có quyền xác định điều họ tin về Đức Chúa Trời, về cuộc đời và về chính họ. Dân chúng vốn chưa biết chắc Chúa Giê-xu là ai, nhưng họ biết chắc là Ngài có uy quyền phi thường.

Thái độ ngạc nhiên đó của dân chúng là đặc điểm xảy ra suốt thời gian Chúa Giê-xu thi hành chức vụ. Sau giai đoạn Ca-bê-na-um, nhiều nhà hội khác tại Ga-li-lê đã chào đón Ngài. Bất luận nơi nào, hễ nghe nói có Ngài trong nhà, là dân chúng kéo đến. Những việc làm của Chúa Giê-xu khiến cho dân chúng tôn vinh Đức Chúa Trời. Tiếng đồn về uy quyền Ngài khiến nhiều người từ rất xa cũng tìm đến để gặp Ngài (Mác 3:7-8). (Tham khảo thêm Mác 4:1,41; 5:21,24; 5:42; 6:32-34,53-55; 7:14,15,37; 8:1; 9:15; 10:1; 12:12,17,28,37).

  1. Uy Quyền Chúa Tạo Nên Sự Khác Biệt.

Việc nhận biết Chúa Giê-xu nổi danh trong dân chúng thời Ngài như thế có tạo ra những dị biệt nào cho bạn, cho đời sống bạn ngày nay không?

  1. Vì Chúa Giê-xu Christ có quyền trên mọi uy quyền khác cho nên tốt nhất là nên tìm xem Ngài muốn phán dạy bạn điều gì.
  2. Vì đời sống Ngài có đầy uy quyền thì Ngài có thể cai trị cuộc đời bạn.
  3. Với Chúa Giê-xu Christ cầm quyền tuyệt đối trên đời sống, bạn có thể làm tất cả các tiêu chuẩn Ngài đòi hỏi.
  4. Với Ngài, mọi sự đều được cả.
  5. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Người theo Chúa thật sự biết rằng Ngài có quyền làm được mọi sự. Người ấy xem Chúa Giê-xu Christ là uy quyền tối hậu của đời sống mình. Tiêu chuẩn của đời sống Cơ đốc nhân chân chính là: “Không phải ý tôi, nhưng nguyện ý Ngài được nên”. Thường thường phần ý chỉ của Đức Chúa Trời có vẻ quá cao đối với chúng ta, nhưng uy quyền của Chúa Giê-xu chẳng những chỉ có khi truyền lệnh, mà cũng có trong việc giúp chúng ta thi hành lệnh truyền ấy. Một khi đã nhìn nhận uy quyền Ngài thì chúng ta cũng nhận được quyền năng Ngài nữa.

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Ngày nay, sau khi biết Chúa Giê-xu được tiếng tốt giữa dân chúng thời Ngài, tôi có được đổi khác gì không?
  2. Kể ra vài tiêu chuẩn Chúa Giê-xu Christ đã đặt ra cho những người theo Ngài.
  3. Thái độ cứng lòng phải chăng là một vấn đề riêng biệt trong đời sống của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê mà thôi? Vì sao bạn biết?

Post CommentLeave a reply