Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 29.08.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 29.08.2021

By H'Dên in NAM GIỚI on 24 Tháng Tám, 2021

Chúa nhật 29.8.2021

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHIẾN THẮNG CHO NGƯỜI VÂNG PHỤC.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:8, Hêb 5:8,9, Dân 20:2-24; 27:12-14.
  3. Câu gốc: “Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa, nhưng chúng tôi nhờ cậy Danh Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chúng tôi” (Thi thiên 20:7).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các vua 1-3.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “Đức Chúa Trời Ban Chiến Thắng Cho Người Vâng Phục” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh để giải đáp.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sự vâng phục Đức Chúa Trời là quan trọng dường nào. A-đam và Ê-va không vâng phục Chúa, đã đưa toàn thể nhân loại là dòng dõi của ông bà vào tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Chúa Giê-xu hoàn toàn vâng phục Cha cho đến chết, nên cứu được toàn thể nhân loại nhất là Ngài trở nên Cứu Chúa của người vâng phục Ngài (Phi-líp 2:8; Hêb 5:8,9). Vì vậy chúng ta thấy có hai hạng người trong thế gian: Không vâng phục và vâng phục. Người không vâng phục bị sửa trị, nếu không ăn năn, bị hư mất. Người vâng phục được phước lớn lao và đời đời. Nhờ vâng phục Chúa mà dân Y-sơ-ra-ên đã chinh phục Ca-na-an. Nếu không vâng phục Chúa họ đã bị dân Ca-na-an nuốt sống. Từ đó dân Ca-na-an không còn nữa, song dân Y-sơ-ra-ên còn cho đến ngày nay.

  1. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG VÂNG PHỤC.
  2. Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram (Dân 16-17).

Ba người nầy có danh vọng và uy tín giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên. Họ lôi cuốn dân chúng theo mình và công kích A-rôn là giữ độc quyền chức tế lễ, tố cáo Môi-se bóc lột như khoét mắt họ. Nghe vậy, Môi-se sấp mặt xuống đất dâng mọi sự lên Chúa. Hành động trên đây là nghịch cùng Chúa và khinh bỉ Ngài mặc dầu Chúa cho họ đủ thì giờ để ăn năn, song họ ngoan cố, nên kết quả có 15 ngàn người đã thiệt mạng.

  1. Ba-la-am (Dân 22-24).

Tiên tri của Chúa có quyền được nhân Danh Ngài chúc phước hoặc rủa sả. Biết vậy Ba-lác, vua Mô-áp dùng bạc vàng và lễ vật mướn Ba-la-am rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Dầu biết rõ mình chỉ được quyền chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên, Ba-la-am cố xin rủa sả họ, để hưởng lợi lộc dơ bẩn.

Vì hành động bất tuân do lòng tham lam đó mà Ba-la-am suýt bỏ mạng. Kết quả cuối cùng, Ba-la-am không được gì cả, ngoài ra hổ thẹn suốt đời.

  1. A-can (Giô 7-8).

A-can là một chiến sĩ trong đạo quân của Chúa. Vì tham lam, mắt của A-can đã mờ như mắt của Ba-la-am, không thấy Chúa mà chỉ thấy Giô-suê, nên đã bị cám dỗ trộm cắp vàng bạc và của cải trong Giê-ri-cô. A-can cố giấu tội mình, nghĩ rằng Giô-suê không thể nào biết được. Kết quả tội lỗi của A-can bị phát giác, nên cả gia đình của A-can bị hình phạt.

Tóm lại, vì tham danh vọng nên Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram đã không vâng phục Chúa, gây bè lập đảng để chống lại Môi-se và A-rôn. Vì tham danh vọng và tiền tài, nên Ba-la-am không vâng phục Chúa và lệch lạc trong khi thi hành chức thánh. Vì tham lam vàng bạc của cải, nên A-can trộm cắp và giấu giếm. Kinh Thánh chép: “Kẻ tham của từ bỏ Đức Giê-hô-va và khinh dễ Ngài” (Thi 10:3).

  1. NHỮNG NGƯỜI VÂNG PHỤC.
  2. Môi-se (Dân số ký 20-21).

Bởi đức tin Môi-se đã từ bỏ vinh hoa phú quý tại Ê-díp-tô, chấp nhận cuộc sống gian khổ vì Danh Chúa. Ông đã vâng phục Ngài ra đi giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ê-díp-tô và dẫn họ qua Ca-na-an. Suốt 40 năm ông đã tỏ ra là một người nhu mì hơn hết mọi người trên thế gian, một người hi sinh vì đồng bào mình, một lãnh tụ tài năng hiếm có.

Nhưng rất tiếc đã có lần Môi-se và A-rôn không vâng phục Chúa, tại Mê-ri-ba khi dân Y-sơ-ra-ên không có nước uống, Chúa bảo hai ông họp dân sự lại, rồi nói với hòn đá nó sẽ tuôn nước ra cho họ. Thay vì nói với hòn đá, Môi-se tức giận dân chúng nên cầm gậy đập hòn đá hai lần. Kết quả của việc ấy, Môi-se và A-rôn không được vào Ca-na-an (Dân 20:2-24; 27:12-14).

  1. Giô-suê (Giô-suê 1:3; 9:10).

Từ khi thay Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên, Giô-suê luôn vâng phục Chúa sau khi được lệnh Ngài, “Giô-suê dậy sớm để thi hành” (3:1; 6:12; 8:10) khi ông vâng phục Chúa trọn vẹn, thì đúng như Ngài đã phán: “Chẳng ai được chống cự trước mặt ngươi”. Nào là sông Giô-đanh chảy ngược, thành Giê-ri-cô bị sụp đổ, mặt trời, mặt trăng dừng lại. Nào là lực lượng liên minh mạnh mẽ nhất của 5 vua cũng quay lưng chạy dài. Bí quyết thành công đắc thắng của Giô-suê là hoàn toàn vâng phục Chúa.

Nhưng có hai lần ông thất bại, chỉ vì ông hành động vội vàng, chưa cầu hỏi Chúa: Một là đánh thành A-hi, hai là kết ước với dân Ga-ba-ôn!

  1. Ra-háp (Giô-suê 2).

Ra-háp là một người đàn bà tội lỗi, sống trong một thành phố tội lỗi đáng bị hủy diệt. Nhưng Ra-háp đã nghe những việc lớn lao Đức Chúa Trời đã làm cho dân Ngài từ Ê-díp-tô đến bên kia sông Giô-đanh, thì bà thức tỉnh, biết số phận của các dân tại Ca-na-an, trong số đó có cả gia đình bà. Vì vậy, khi hai thám tử thình lình đến nhà Ra-háp thì bà tiếp rước họ ngay và đem họ đi giấu. Ra-háp bày tỏ đức tin đến Chúa, và xin hai thám tử cứu cả gia đình mình, các thám tử bảo sao, bà làm y như vậy. Thế là bà và cả gia đình đều được cứu. Hơn nữa, bà còn trở nên tổ mẫu của Đấng Cứu Thế về phần xác (Hêb 11:13; Mat 1-5; Mác 1:5).

  1. Ca-lép (Giô-suê 14-15).

Bởi đức tin Ca-lép vâng phục Chúa, nên ông được vào Ca-na-an, được núi Hếp-rôn làm sản nghiệp, chiến thắng cả dân A-na-kim khổng lồ. Ông và dòng dõi ông đều được phước.

Bây giờ chúng ta thấy rằng không phải tại việc lớn hay nhỏ, dễ hay khó, kẻ thù mạnh hay yếu mà chúng ta thất bại hay thành công, tất cả đều tùy thuộc vào hành động vâng phục hay bất tuân của chúng ta.

Chúng ta không thể nào vâng phục Chúa nếu chúng ta không tin cậy Ngài. Chúng ta không thể nào vâng phục một cách mù quáng, cứ vâng phục mà không biết phải trái gì cả. Không phải vậy, chúng ta hoàn toàn vâng phục Chúa, vì tin rằng Ngài là Đấng từ ái, thành tín, quyền năng, vinh hiển, tức là Đấng sẵn sàng giải cứu, bảo vệ, ban cho và còn làm trổi hơn mọi điều chúng ta cầu xin và tưởng tượng. Khi chúng ta xin bạc Chúa cho vàng, nhu cầu chúng ta chưa biết để xin, Chúa đã cho, thế thì càng tin cậy Chúa, chúng ta càng vâng phục Ngài. Phao-lô nói: “Vì ta biết Đấng ta đã tin”. Biết rõ Đấng mình đã tin là ai, là thế nào, Phao-lô sẵn sàng phục vụ trong chức vụ truyền đạo, sứ đồ, giáo sư và phó thác mọi sự cho Đấng đó (2Tim 1:11-12).

Đành rằng Môi-se, Giô-suê đã có lần thất bại, song sẽ không thất bại nếu họ tin cậy Chúa và vâng phục Ngài. Dưới quyền lãnh đạo của Chúa toàn ái, toàn năng, toàn tri thì không thể thất bại mà chỉ có đắc thắng bội phần.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Hành động của A-đam và Đấng Christ khác nhau như thế nào?
  2. Hai hành động đó đưa đến hai kết quả như thế nào?
  3. Trong bài học ai đã không vâng phục? Xin kể lại từng trường hợp. Tại sao họ đã không vâng phục?
  4. Ai đã vâng phục? Xin kể lại từng trường hợp.
  5. Bí quyết nào đưa đến thành công? Bí quyết nào đưa đến vâng phục?

Post CommentLeave a reply