Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 02.05.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 02.05.2021

By H'Dên in PHỤ NỮ on 26 Tháng Tư, 2021

Chúa nhật 02.05.2021

1. Đề tài: SỰ SỐNG THÁNH KHIẾT.

2. Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:1-17.

3. Câu gốc: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17).

4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 4-6.

5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 28.02.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Mục sư Billy Graham nói trong một bài giảng của ông: “Dường như có vẻ điên rồ khi tin rằng Chúa Giê-xu Christ đã chết trên thập tự giá và đã sống lại 2000 năm trước có thể biến đổi cách toàn diện đời sống của bạn. Thế nhưng hàng triệu Cơ đốc nhân trên khắp các lục địa đều có thể làm chứng rằng Chúa Giê-xu Christ đã thật sự biến đổi đời sống họ. Việc đó đã xảy ra cho tôi nhiều năm về trước. Việc đó cũng có thể xảy ra cho quý vị hôm nay”.

            Đúng vậy, hàng triệu người trên thế giới ngày nay có thể làm chứng về việc Chúa Giê-xu đã thay đổi đời sống của họ một cách mầu nhiệm. Những người phóng đãng, những tay cờ bạc, những kẻ giết người, những người trộm cướp, những gái giang hồ khi tìm đến để tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình và phó thác mình cho Ngài, đã được Chúa hoàn toàn thay đổi trở nên những gương mẫu tốt đẹp cho xã hội. Một người nào đó cũng nói rằng: “Nếu cuộc đời trước và sau khi tin Chúa Giê-xu của bạn không có gì thay đổi, hãy xét lại xem thử mình có phải là một Cơ Đốc nhân không?”

  1. BẠN NÊN NHÌN NƠI ĐÂU (Cô-lô-se 3:1-4).

            Khi một người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và bước vào gia đình của Ngài, người đó hoàn toàn cắt đứt cuộc đời cũ của mình và được coi như sống lại một đời sống mới với Chúa. Những quan hệ cũ bị cắt đứt, những tội lỗi cũ được xóa bỏ, người đó bắt đầu một cuộc sống khác. Không thể bước vào gia đình của Chúa mà sống cuộc đời với gia đình cũ.

Trong một cuốn phim kể lại câu chuyện một người thanh niên da trắng bị đắm tàu trôi dạt vào một đảo hoang, cuộc sống của những thổ dân tại đây hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống văn minh tiến bộ của anh ta. Một thiếu nữ thổ dân yêu anh và chung sống với anh, mặc dù cũng yêu thiếu nữ đó nhưng người thanh niên này không làm sao có thể thích nghi được với cách sống hoang dại của cô ta và vì thế trong hai người cứ luôn luôn xảy ra sự xung đột, không phải chỉ xung đột với cô gái, người thanh niên này còn xung đột với tất cả các thổ dân trên đảo, với cha mẹ, anh em, bà con của cô gái. Anh nhiều lần cố gắng thay đổi mình nhưng không kết quả, anh vô cùng đau khổ. Cuối cùng một ngày kia, có một chiếc tàu đến và anh ta đã bước lên tàu rời khỏi đảo, bỏ lại người vợ và hai đứa con.

Những Cơ Đốc nhân ngày nay cũng vậy, chỉ có cách phải thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới trong Chúa, nếu không, chúng ta sẽ thất bại. Có một cách Phao-lô khuyên chúng ta làm, đó là “hãy tìm các nơi trên trời, hãy ham mến các sự trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất”. Đây là một bài học sâu sắc: Chúa không bảo chúng ta từ bỏ tất cả những nhu cầu vật chất ở đời, Chúa chỉ khuyên chúng ta đừng tập trung quá nhiều thì giờ và nỗ lực vào đó: Ham mến các sự trên trời có nghĩa là phấn đấu để đặt các ưu tiên của thiên đàng vào sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, thay vì để các công việc làm mang lại lợi nhuận trên hết, chúng ta hãy đặt công việc thuộc linh lên trên, đảo ngược thứ tự ưu tiên lại. Ham mến các sự trên trời cũng có nghĩa là hãy tập trung vào những giá trị đời đời thay vì những giá trị tạm bợ của trần gian, hãy nhớ rằng mục đích sống của chúng ta bây giờ không phải là trần gian (nơi tạm trú), mà là thiên đàng (quê hương vĩnh cửu). Ham mến các việc trên trời cũng có nghĩa là nhìn cuộc đời theo cách nhìn của Đức Chúa Trời để tìm cầu những gì Ngài mong muốn, Đức Chúa Trời nhìn tất cả những nhu cầu trần gian chỉ là những phương tiện để sống, mà thiên đàng vĩnh cửu mới là cứu cánh (ăn để sống chứ không phải sống để ăn), Chúa muốn chúng ta hãy nhìn như cách Ngài đã nhìn như vậy. Điều Phao-lô muốn nói với chúng ta ở đây là: thân thể bạn ở dưới đất, nhưng tâm hồn bạn phải hướng lên trời, bạn hãy sống hết mình với nơi mà bạn tạm trú, nhưng hãy đầu tư vào sự sống đời đời mình trong tương lai một cách hết lòng.

            (c.3) Giải thích lý do chúng ta hãy ham mến các sự ở trên trời thay vì ham mến các sự ở dưới đất? Phao-lô nói cách giản dị “vì anh em đã chết…”. Không có cách nào tốt hơn cho chúng ta để bắt đầu một đời sống mới trong Chúa là hãy coi như mình đã chết. Chết có nghĩa là hoàn toàn cắt đứt. Không có lý do gì một người đã chết về cuộc sống cũ mà còn suy nghĩ vấn vương về nó nữa.

  1. BẠN NÊN LOẠI BỎ GÌ? (Cô-lô-se 3:5-11).

            Phần ở trên là thay đổi quan điểm, đây là phần Phao-lô kêu gọi sự thay đổi hành động. Nếu quan điểm sống chúng ta thay đổi, tất nhiên hành động của chúng ta cũng phải thay đổi. Thay đổi gì? “Hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới”. Một bản dịch khác “anh em hãy tiêu diệt những thói quen trần tục”. Và sau đó là một bản liệt kê những thói quen trần tục “tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng” (c.5), chưa hết, đó còn là “thạnh nộ, buồn giận, hung ác” (c.8), đó là “nói hành, nói tục tĩu” (c.8), “nói dối” (c.9) và có lẽ còn nhiều thói hư tật xấu khác mà chúng ta có thể tự mình khám phá ra nữa.

            Đừng nghĩ rằng Phao-lô đang đề cập đến “ai đó”, không phải mình. Bản liệt kê dài dằng dặc đó là cho những người tin Chúa ở Cô-lô-se, cho chúng ta đó là một bản tường trình về con người cũ của chúng ta “lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó, và ăn ở như vậy”, nhưng “bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó”. Khi chúng ta còn là một tội nhân, một kẻ vô gia cư, chúng ta có thể sống như thế nào tùy theo ý mình muốn, ngủ bờ ngủ bụi, ăn trộm ăn cắp, nói dối lươn lẹo để sống qua ngày nhưng khi chúng ta đã là con cái của Đức Chúa Trời rồi, chúng ta không thể sống như vậy nữa, phải bỏ hết những thói tật đó và sống cho xứng đáng với địa vị mới.

            Phao-lô nhắc chúng ta một điều quan trọng, đây không chỉ là một lời khuyên mà con người ta có thể muốn làm theo hay không, chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả thê thảm nếu không làm theo “bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng phục”. Hãy nhớ một điều, Đức Chúa Trời sẽ phán xét chúng ta nếu chúng ta không vâng phục. Nếu tiếp tục sống một cuộc sống luông tuồng, tội lỗi, sẽ có những đoán xét ngay trong hiện tại và cả tương lai dành cho chúng ta.

            Phao-lô dùng một hình ảnh rất hay để làm thí dụ cho sự thay đổi này “hãy lột bỏ con người cũ… mà mặc lấy người mới”. Hai động từ tích cực lột ra (cởi ra) và mặc vào, cởi cái cũ ra, mặc cái mới vào. Sự thay đổi trong Chúa giống như vậy, khi biết cái áo cũ đã dơ bẩn, đã hư hỏng, thì tốt nhất là hãy cởi ra, quăng bỏ đi, và lấy một cái áo mới mặc vào, không tìm cách tẩy xóa từng vết bẩn hay sửa chữa từng cái hư hỏng, hãy cởi nó ra và quăng bỏ, đừng thương tiếc, cũng đừng che giấu cái áo cũ dơ bẩn bằng cách mặc thêm cái áo mới bên ngoài để che đậy. Chúng ta có thể che mắt con người, nhưng không thể che mắt Chúa, vì “con người ta nhìn bề ngoài, mà Đức Chúa Trời nhìn thấy ở bên trong”.

III. BẠN NÊN LÀM GÌ? (Cô-lô-se 3:12-17).

            Chúng ta đã và đang ở trong một địa vị mới “là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài”. Những từ ngữ đầy khích lệ này có làm cho chúng ta “hài lòng” không? Nếu chúng ta đã và đang là những người như vậy, chúng ta chắc phải làm một cái gì xứng đáng với địa vị đó. Đời sống trong Chúa luôn luôn là một tiến trình, khi chúng ta cởi cái áo cũ ra, từ bỏ con người tội lỗi cũ, mặc vào cái áo mới, có nghĩa là chúng ta phải thay thế bằng một con người mới, bằng những hành động tích cực.

            Đây là những cái chúng ta nên làm “hãy có lòng thương xót…, hãy nhơn từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, tha thứ…, nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành”. Đây là những mỹ đức mà một con người mới cần có, một đời sống thánh khiết và kết quả mà Cơ Đốc nhân cần bày tỏ ra như một thứ ánh sáng “chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Phi-líp 2:15b), những mỹ đức mà chúng ta không bao giờ có khi còn ở trong con người cũ, cho dù con người cố gắng đến đâu cũng khó mà có thể tự mình làm được những điều đó. Những nhà đạo đức mà chúng ta có thể thấy ở ngoài đời và ca ngợi họ, Đức Chúa Trời thấy trong lòng họ. Họ có thể khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, tha thứ, nhưng không chắc rằng những điều đó xuất phát từ tình yêu thương chân thật. Điều Đức Chúa Trời muốn, không phải chúng ta cố gắng để khiêm nhường hay giả vờ tha thứ hoặc làm bộ nhịn nhục, nhưng trên hết, chúng ta làm những điều đó vì chúng ta thật sự yêu thương, vì “đó là dây liên lạc của sự trọn lành”. Cho dù chúng ta có thể làm mọi điều, nhưng “không tình yêu thương thì cũng chỉ như đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng”, “chẳng ích gì cho tôi (chúng ta)”.

            Một số điều chúng ta cần làm nữa để lấp đầy những khoảng trống sau khi tội lỗi ra đi rồi bỏ lại. Thay vì đi vào những khu giải trí rẻ tiền, tội lỗi, phung phí tiền bạc cách vô ích, thay vì ngồi lê đôi mách nói chuyện tầm phào, nói xấu nhau, hãy “dùng những ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau”. Một lần nữa Phao-lô quay chúng ta trở lại với những câu đầu tiên của phân đoạn Kinh văn này, một khi chúng ta quay lưng trở lại với đời sống cũ, chúng ta hãy hướng tâm hồn và đời sống mình lên Chúa bằng cách tích cực làm những điều tốt Chúa dạy. Bất cứ điều gì chúng ta nói hoặc làm “cũng hãy nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm”. Phao-lô đang cầu nguyện cho chúng ta điều ấy. Có hai thiếu nữ, là chị em ruột, họ rất thích những bữa tiệc có những chương trình khiêu vũ cuồng loạn và thường xuyên tham dự những bữa tiệc đó. Sau đó, họ biết Chúa Giê-xu, ăn năn tin nhận Ngài, sống một đời sống mới và dĩ nhiên không đến dự những bữa tiệc như vậy nữa. Ngày kia, nhận được một thiệp mời dự một buổi khiêu vũ, lập tức họ viết thư trả lời “Chúng tôi rất tiếc không thể đến tham dự được vì bởi lẽ chúng tôi vừa mới chết”.

            Hãy nhớ lại chúng ta đã là ai, đang là ai? Nếu một ngày nào đó chúng ta nhận được những lời mời giống như vậy, chúng ta có đủ can đảm để từ chối không, vì lẽ “chúng ta đã chết”, để sống lại với Chúa Giê-xu một đời sống thánh khiết tươi mới khác?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Tẩy vết mực trên vải

Khi vết mực vừa mới dính vào quần áo nên dùng giấy thấm, thấm nhanh lên đó, sau đó cho vào chỗ vết mực một ít bột giặt hoặc phấn viết bảng đã nghiền nhỏ, sau đó dùng bàn chải, chà đi chà lại cho đến khi nào hết vết mực thì thôi.

 

Post CommentLeave a reply