Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 02.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 02.03.2021

By H'Dên in NAM GIỚI on 26 Tháng Tư, 2021

Chúa nhật 02.05.2021

  1. Đề tài: NHẬN BIẾT DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG.
  2. Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 24:1-10; 2Các vua 20:12-19.
  3. Câu gốc: Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng” (Cô-lô-se 2:8).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 1-4.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa Nhật 07.02.2021

* Câu hỏi gợi ý.

(1.1) Câu hỏi suy luận: Vua Êchia đã có thái độ và hành động như thế nào khi con trai vua Babylôn đến thăm? Tại sao ông bày tỏ như thế? (2Các vua 20:12-19).

(1.2) Câu hỏi áp dụng: Khi Chúa ban cho chúng ta những điều trổi hơn người khác, chúng ta nên có thái độ như thế nào?

(2.1) Câu hỏi suy luận:  Sự kiêu ngạo của vua Ê-xê-chia đã mang đến hậu quả gì?

(2.2) Câu hỏi áp dụng: Cơ Đốc nhân ngày nay, thường bị điều gì làm mình trở nên kiêu ngạo? Theo bạn hậu quả của sự kiêu ngạo là gì?

(3.1) Câu hỏi suy luận: Tại sao Đa-vít quyết định tu bộ dân Y-sơ-ra-ên? (2Sa-mu-ên 24:1-9). Ông đã có sự nhận biết như thế nào ngay sau khi hoàn thành việc tu bộ? (Câu 10).

(3.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn đã từng quyết định một việc gì đó mà biết rằng không phải ý muốn Chúa? Bạn cảm thấy như thế nào sau khi quyết định việc đó?

(4.1) Câu hỏi suy luận: Mặc dù Đa-vít đã nhận ra sai lầm của mình và ăn năn với Đức Chúa Trời, nhưng tại sao tai họa vẫn giáng trên Y-sơ-ra-ên? (c11-13).

 (4.2) Câu hỏi áp dụng: Làm thế nào để đời sống Cơ Đốc nhân trở nên nhạy bén nhận biết những dấu hiệu báo động nguy hiểm trong đời sống để quyết định đúng đắn theo ý muốn của Chúa?

(5.1) Câu hỏi suy luận: Đời sống tâm linh của Hội Thánh Sạt-đe đang ở trong tình trạng nào? (Khải 3:1-2).

(5.2) Câu hỏi áp dụng: Theo bạn, nghèo nàn tâm linh đồng nghĩa với điều gì? Làm thế nào để phục hồi một đời sống tâm linh mạnh mẽ?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Nếu một người muốn tránh sa vào cám dỗ, người đó cần biết những dấu hiệu báo động của lối vào cám dỗ.

  1. Khi đã quá muộn và đã phạm tội.

Điều này dường như được coi là dấu hiệu rõ ràng nhưng cũng cần được nói đến. Bất cứ khi nào một người sa vào một tội lỗi nào đó, thì người đó có thể chắc chắn rằng mình đã đi đến hành vi tội lỗi đó thông qua con đường dẫn vào sự cám dỗ. Tất cả tội lỗi đều đến từ sự cám dỗ. Không có tội lỗi nào mà không do cám dỗ (Gia-cơ 1:14,15; Ga-la-ti 6:1). Khi phạm tội, nhiều người ăn năn về tội của mình nhưng không nhận ra rằng cám dỗ chính là nguyên nhân dẫn đến phạm tội. Nếu bạn muốn thắng hơn một tội lỗi nào đó, bạn phải xem xét điều gì đang cám dỗ mình phạm tội và tập trung vào việc tránh cám dỗ đó. Cám dỗ là căn nguyên và tội lỗi là trái đắng của cám dỗ. Rất nhiều người ý thức về tội lỗi của mình nhưng là không nhận ra cám dỗ. Những người như thế không bằng lòng với trái đắng của tội lỗi nhưng lại không cảnh giác để tránh rễ độc của cám dỗ. Bạn sẽ không bao giờ đột nhiên sa vào tội lỗi nếu như trước đó bạn không bước vào sự cám dỗ.

Kết bạn người xấu chắc chắn dẫn đến đến những suy nghĩ tội lỗi, trong lời nói hay việc làm (2Cô 15:33), nhưng lại vẫn thích thú được kết bạn với họ mà không biết rằng sau đó sẽ phải than khóc vì tội lỗi gây ra từ việc làm đó. Một số mục đích hay tham vọng (1Ti 6:9) có thể gây ra hậu quả tương tự. Nhưng người ta vẫn cứ theo đuổi những điều này mà không nhận ra những bất hạnh của tội lỗi do việc theo đuổi đó mang lại.

  1. Sức mạnh của cám dỗ.

Như chúng ta đã lưu ý trong chương đầu tiên, cám dỗ có một vài mức độ khác nhau. Khi cám dỗ xảy đến mãnh liệt, hoặc liên tục, làm cho linh hồn không được bình an, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng mình đã sa vào chước cám dỗ. Những ước muốn tội lỗi của một người có sức mạnh cám dỗ người đó phạm tội mà không cần bất cứ hình thức cám dỗ bên ngoài nào khác (Gia-cơ 1:14), nhưng điều này không giống như sa vào cám dỗ.

Những ước muốn tội lỗi giống như con suối đang trên đường chảy ra biển, và cám dỗ giống như một cơn gió mạnh thổi trên con nước đó. Thử nghĩ đến một con suối như thế và tưởng tượng có một chiếc thuyền trống ở trên dòng nước đó. Chẳng sớm thì muộn, theo dòng chảy và tốc độ của dòng nước, chiếc thuyền đó sẽ bị cuốn ra biển. Cũng giống như vậy, những ước muốn tội lỗi của một người chẳng sớm thì muộn (nếu không bởi ân điển cứu chuộc của Chúa) sẽ cuốn người đó vào biển hư mất đời đời. Trở lại với minh họa của chúng ta, thử cho là có gió mạnh thổi trên chiếc thuyền đó. Và rồi chiếc thuyền sẽ bị đập mạnh vào bờ, vào đá cho đến chừng vỡ tan tành và bị nuốt chửng trong lòng biển.

Minh họa này cho chúng ta hai hình ảnh của một con người tội lỗi. Thứ nhất là hình ảnh của một người từ từ nhưng chắc chắn đang bị cuốn vào biển hư mất đời đời trên dòng chảy của những ước muốn tội lỗi của người đó. Hình ảnh thứ hai cho thấy người đó đang chịu gió cám dỗ dữ dội. Gió này đẩy nhanh người đó vào hết tội này đến tội khác – cho đến chừng bị chìm hoàn toàn – người đó sa vào sự hư mất đời đời.

Minh họa này có thể được nhìn thấy từ cuộc đời của một số nhân vật trong Kinh Thánh. Họ đã được cứu khỏi sự hư mất đời đời, nhưng đã sa vào chước cám dỗ và ngã thảm thương trước sự nhục nhã của chính mình. Bản chất của Ê-xê-chia đã có sự kiêu ngạo trong lòng (một ước muốn tội lỗi mà nếu không nhờ ân điển của Chúa, có thể đã làm ông thất bại).

Sự kiêu ngạo này trước đó đã không khiến vua khoe khoang về của cải và sự giàu có của mình cho đến chừng vua sa vào sự cám dỗ thông qua cơ hội gặp sứ giả của vua Ba-by-lôn (2Các vua 20:12-19; 2Sử ký 32:24-31). Căn nguyên tội lỗi của sự kiêu ngạo này cũng được nhìn thấy ở nơi Đa-vít. Đã nhiều năm ông chống trả lại ước muốn tội lỗi là việc kiểm tra dân số, nhưng khi Sa-tan đứng lên xúi giục ông thì ông lại sa ngay vào ước muốn này (2Sa-mu-ên 24:1-10; 1Sử ký 2:1-8). Chúng ta cũng nhìn thấy những hình ảnh tương tự ở cuộc đời của Ap-ra-ham, Giô-na, Phi-e-rơ, và nhiều người khác nữa. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là hình ảnh đáng sợ về một người chưa bao giờ là Cơ Đốc nhân thật. Ngay từ đầu, ông đã là người tham lam (Giăng 12:6) nhưng ông không cố thỏa mãn ước muốn tội lỗi này của mình bằng cách phản bội Thầy mình cho đến chừng quỷ Sa-tan bước vào lòng ông.

Tất cả chúng ta đều có những ước muốn tội lỗi. Đôi khi cơ hội cấp bách lại đến để những ước muốn này được thỏa mãn. Khi điều này xảy ra, chúng ta sa vào cám dỗ.

  1. Thái độ của chúng ta đối với cám dỗ.

Một người có thể sa vào cám dỗ mà không nhận biết rằng đã có một ước muốn tội lỗi nào đó đang bị khuấy động lên. Ví dụ như khi tấm lòng của một người bắt đầu bí mật thích sự cám dỗ và bằng lòng nuôi dưỡng nó, cho nó cơ hội để lớn lên dưới nhiều cách khác nhau – nhưng không phạm tội công khai.

Đây là hình thức cám dỗ rất tinh vi. Một ví dụ sẽ giúp chúng ta nhìn thấy điều này. Một người bắt đầu có được danh tiếng về đời sống tin kính, sự khôn ngoan, học thức… (điều gì đó tốt ở chính mình). Mọi người khen ngợi người này về điều đó và anh ta bắt đầu thích thú nó. Sự kiêu ngạo và tham vọng của người này bị điều đó ảnh hưởng. Bây giờ anh ta nỗ lực hết sức để chứng tỏ tài năng và sự tao nhã của mình. Nhưng động cơ của người này đã sai; anh ta đang muốn chứng tỏ danh tiếng của mình. Và người này đang sa vào cám dỗ. Nếu anh ta không nhận ra và xử lý nó, thì sự cám dỗ tinh vi này sẽ nhanh chóng biến người này thành nô lệ cho ước muốn tội lỗi đó là muốn danh tiếng tốt.

Giê-hu là ví dụ điển hình về một người như thế trong thời Cựu ước. Trước đó ông đã nhận ra rằng mình đang có được danh tiếng là nhiệt thành. Giô-na-đáp, một người tốt và tin kính, đến gặp Giê-hu. Giê-hu nghĩ “Đây chính là cơ hội để làm tăng danh tiếng của ta”. Vì vậy ông gọi Giô-na-đáp đến với mình và bắt tay làm việc sốt sắng. Những điều ông làm là tốt nhưng động cơ của ông thì không tốt. Ông đang làm theo những ước muốn của mình và đã sa vào cám dỗ.

Những người nào dự phần vào công việc và chức vụ rao giảng Phúc âm là những người có khả năng dễ rơi vào sự cám dỗ tinh vi này. Nhiều điều liên quan đến công tác này có thể là phương tiện để tìm kiếm danh tiếng và sự quý trọng. Khả năng chung của một người, sự thẳng thắn của người đó, sự trung thành, dạn dĩ, thành công của anh ta… tất cả đều có thể trở thành phương tiện để làm tăng danh tiếng của mình. Chúng ta có bao giờ bí mật thích sự cám dỗ này chưa? Chúng ta có bắt đầu làm điều tốt với động cơ sai trật chưa? Nếu có, có nghĩa là chúng ta đang sa vào cám dỗ.  

  1. Bất cứ khi nào những ước muốn tội lỗi của một người và sự cám dỗ gặp nhau.

Bất cứ khi nào một người thấy mình ở trong hoàn cảnh mà những ước muốn tội lỗi của mình được cho cơ hội để thỏa mãn và người đó thấy mình được khuyến khích tận dụng tối đa cơ hội đó, thì có nghĩa là người này đang sa vào cám dỗ. Một người được cho cơ hội, dịp tiện hay hoàn cảnh thuận lợi hoàn toàn phù hợp với những ước muốn tội lỗi của mình mà không bị vướng vào đó thì gần như là điều không thể xảy ra. Khi sứ giả của vua Ba-by-lôn đến, sự kiêu ngạo của vua Ê-xê-chia đã đánh gục ông trong cám dỗ. Khi Ha-xa-ên trở thành vua của Sy-ri (2Các vua 8:7-15; 13:3,22), tính độc ác và tham vọng của ông đã làm cho ông đối xử cách tàn bạo đối với Y-sơ-ra-ên. Khi các thầy tế lễ đem bạc đến gặp Giu-đa thì tính tham lam của ông đã ngay lập tức làm việc khiến ông bán thầy của mình (Lu-ca 22:3-6).

Chất dễ cháy thì phải được cất tránh xa lửa. Cũng như vậy, tránh xa những điều làm khuấy động những ước muốn tội lỗi của chúng ta là điều hết sức quan trọng. Một số người nghĩ rằng họ có thể chơi với rắn mà không bị cắn, sờ vào sơn ướt mà không bị dính tay, chơi với lửa mà không bị cháy; họ đã lầm. Công việc bạn đang làm, cách sống của bạn hay mối quan hệ mà bạn đang giữ có đem đến cơ hội để thỏa mãn những ước muốn tội lỗi của bạn không? Nếu có, thì bạn đang sa vào cám dỗ. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết bạn sẽ thoát ra khỏi những điều đó như thế nào!

  1. Tình trạng tâm linh nghèo nàn cho thấy rằng người đó đã sa vào chước cám dỗ.

Giống như một người có thể chất yếu đuối thì dễ bị bệnh, thì cũng vậy tình trạng sức khỏe thuộc linh nghèo nàn của một người khiến người đó dễ sa vào cám dỗ. Cụ thể hơn, bất cứ khi nào đời sống tâm linh của một người bị yếu đuối, thì có nghĩa là người đó đã sa vào cám dỗ. Có thể lúc đầu người đó không nhận biết hình thức cám dỗ cụ thể mà mình đang sa vào. Tuy nhiên không lâu sau đó người này sẽ phát hiện ra sự cám dỗ đó là gì trong sự đau đớn của mình. Để giúp chúng ta phát hiện được lối dẫn cụ thể đưa chúng ta vào cám dỗ, chúng ta phải xem xét đến cách thức mà qua đó đời sống thuộc linh của một người có thể bị yếu đi. Xao lãng, hay làm cho có hình thức những nhiệm vụ mà Cơ Đốc nhân phải làm luôn luôn dẫn tới đời sống tâm linh yếu đuối. Khi một người có thể bỏ qua đời sống đọc Kinh Thánh, cầu nguyện hay tự bằng lòng với chính mình bằng cách thực hiện cách bất cẩn, tẻ nhạt (không có niềm vui hay sự thỏa mãn trong tâm linh như trước đây), thì người đó đang yếu đuối trong đời sống tâm linh.

Đây là một nguyên tắc chắc chắn: Khi tấm lòng của một Cơ Đốc nhân trở nên nguội lạnh, lơ đễnh hay hình thức trong sự thờ phượng Chúa, thì đã có một sự cám dỗ nào đó đã bắt đầu công việc trong lòng người đó. Một khi lòng yêu mến thế gian, kiêu ngạo, ô uế, tư lợi, ác tưởng, ghen tỵ, hoặc những điều bất khiết nào khác giống như vậy đã chiếm hữu tâm linh người đó thì người đó đã sa vào cám dỗ. Có thể mượn lời của Ô-sê: “Tóc đầu nó bạc lém đém mà nó chẳng ngờ” (Ô-sê 7:9b). Điều quan trọng cần phải nhận biết rằng một Cơ Đốc nhân đặc biệt là vì cớ lương tâm, có thể thực hiện tất cả mọi hoạt động trong khi thờ phượng như cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nghe giảng Lời Chúa, nhưng với một tấm lòng nguội lạnh thản nhiên, không có sự sống thật trong khi thực hiện những nhiệm vụ này. Hội Thánh Sạt-đe đã duy trì việc thể hiện các nhiệm vụ tôn giáo mà qua đó có tiếng là sống; nhưng Chúa biết rõ hơn nên Ngài phán rằng “ngươi là chết” hay “hầu chết” (Khải huyền 3:1,2).

Có một sự liên hệ mật thiết giữa sức sống mới và sự thờ phượng Chúa (mối liên hệ này được minh họa tuyệt vời trong Thi thiên 119). Hai điều này không thể tách rời nhau được trừ phi có sự cám dỗ kín giấu nào đó làm cho tâm linh không được khỏe mạnh. Vì vậy, nếu một Cơ Đốc nhân tự tra xét đời sống của mình cách chân thật, phát hiện ra rằng “mạch thuộc linh” của mình không được khỏe như đáng phải có, nếu người đó thấy mình không còn ham thích hay ước muốn những sự thuộc về Chúa thì người đó nên biết rằng mình đang sa vào chước cám dỗ, mặc dù hình thức cám dỗ đó là gì vẫn chưa rõ. Một Cơ Đốc nhân như thế đang ở trong tình trạng nguy hiểm về đời sống tâm linh. Nếu người đó không tìm ra và giải quyết nguyên nhân gây ra đời sống thuộc linh yếu đuối, thì người đó khó lòng mà thoát khỏi sự cám dỗ dữ dội dẫn đến phạm tội. Trong sự thương xót của Chúa, Ngài có thể ngăn cản điều này. Mặt khác, Ngài có thể sửa phạt Cơ Đốc nhân đó bằng cách cất đi sự hiện diện của Ngài khỏi người đó (Nhã ca 5:2,6).

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Dân số 22:15-20, Ba-la-am đã có thái độ như thế nào khi người của Ba-lác đến với ông? Kết quả như thế nào?
  3. A-can đã phạm tội với Đức Chúa Trời, nguyên nhân và hậu quả tội lỗi đó ra sao?
  4. Xin giải thích về trường hợp của A-na-nia trong Công 5:1-5?
  5. Tại sao có những trường hợp Đức Chúa Trời phục hồi lại những người đã phạm tội, còn có những trường hợp thì họ bị chết trong tội lỗi mình?
  6. Những dấu hiệu nào báo động về nguy cơ sa vào cám dỗ?
  7. Nguyên nhân một Cơ Đốc nhân phạm tội là gì? (Ga-la-ti 6:1).
  8. Để tránh những cám dỗ lôi kéo, Cơ Đốc nhân phải làm gì? (1Tê 5:22).

Post CommentLeave a reply