Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 18.04.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 18.04.2021

By H'Dên in PHỤ NỮ on 12 Tháng Tư, 2021

Chúa nhật 18.04.2021

1. Đề tài: SỰ TỰ DO.

2. Kinh Thánh: Cô-lô-se 2:8-18, 20-23.

3. Câu gốc: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng” (Cô-lô-se 2:8).

4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 1-3.

5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 17.01.2021.

Câu hỏi học Kinh Thánh.

(1.1) Các tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se đang bị đe dọa bởi điều gì?

(1.2) Tự do thật là gì? Tự do thật chỉ có ở đâu?

(1.3) Những hình thức của luật pháp cũ đòi hỏi là gì? Tại sao chúng ta không cần làm những hình thức ấy nữa?

(2.1) Giải thích chữ “tờ khế”. Nghĩa bóng của chữ này là gì? Con người có bao giờ trả nổi những món nợ của mình không?

(2.2) Ai đã trả nợ ấy? Sự trả nợ ấy như thế nào?

(2.3) Tình trạng bây giờ của chúng ta thế nào? Chúng ta phải làm gì? Vấn đề quan trọng phải làm bây giờ là gì?

            (3.1) Đối với luật pháp cũ chúng ta như thế nào? Chữ chết đó có nghĩa gì?

(3.2) Những nguyên tắc “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ” có phải là một giải pháp tốt đẹp không? Trái lại nó là gì?

(3.3) Qua bài học nầy bạn học được gì về sự tự do thật?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khách du lịch đến Washington DC có thể ghé thăm khu vực những đài tưởng niệm chiến sĩ ngay giữa lòng thủ đô Hoa Kỳ. Có một bức tường khắc đầy tên những chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trong trận chiến tranh Việt Nam trong khu Vietnam War Memorial. Bên cạnh khu vực tượng đài kỷ niệm cuộc chiến Đại Hàn cũng có một bức tường bằng đá đen bóng chỉ khắc vỏn vẹn một dòng chữ “tự do không phải là tự do”. Không biết ý nghĩa nguyên thủy của nó như thế nào, nhưng nó có rất nhiều ý nghĩa và thật thâm thúy mà người ta có thể nghĩ đến. Nó có thể hiểu là “khi người ta được cho quá nhiều tự do (để làm) thì người ta lại mất tự do (để sống), hoặc “người ta đã nhân danh tự do để làm những điều thương tổn đến sự tự do của con người”. Hoặc nó có thể là “tự do không có nghĩa là tự do muốn làm gì thì làm”, “người ta đã phải trả một giá quá đắt cho sự tự do”. Chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm nhiều ý nghĩa khác.

             Bài học hôm nay đề cập đến sự tự do. Không có một chữ tự do nào được dùng trong phân đoạn Kinh Thánh này. Tuy nhiên hình ảnh của sự tự do Cơ Đốc bằng bạc trong từng chữ, từng câu của nó rất tinh tế.

  1. TỰ DO TRONG CHÚA (Cô-lô-se 2:8-12).

(c.8) Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-lô-se hãy coi chừng những “ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ” mà bắt phục họ. Tà giáo Trí huệ đang bành trướng khá mạnh mẽ trong thời kỳ ấy và có vẻ được nhiều người ưa thích vì những lý luận dường như hợp lý. Trong bất cứ thời kỳ nào những tà giáo cũng có cơ hội để chen chân vào, lôi cuốn những người nhẹ dạ, dễ tin và hời hợt không phân biệt được chân giả. Người ta được tự do trong vấn đề lựa chọn một niềm tin, một chân lý, nhưng hãy coi chừng mặt trái của sự tự do, nếu lầm lẫn, thay vì tự do, người ta lại rơi vào vòng nô lệ.

Một thiếu niên chán ngán cảnh sống ràng buộc trong gia đình và mong đợi ngày được 18 tuổi để thoát ly khỏi nhà, tìm cho mình sự tự do. Khi 18 tuổi, em sung sướng rời gia đình, tung cánh bay đi. Nhưng rồi em lại sa vào cảnh sống sa đọa của các thanh niên hư hỏng cùng tuổi, sa vào cảnh nghiện ngập, cướp bóc và tù tội. Em tưởng là mình được tự do, nhưng em rơi vào sự nô lệ cho tội lỗi.

Phao-lô cảnh giác những tín hữu Cô-lô-se biết rằng sự tự do của họ chỉ có ở trong Chúa Giê-xu mà thôi, vì “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy”, rời khỏi Chúa Giê-xu là họ sẽ rơi ngay vào cuộc đời nô lệ. Chúa Giê-xu đã làm tất cả mọi sự để họ có được sự tự do, là sự tự do thật để sống một cuộc đời phước hạnh.

            Phao-lô cũng cho họ thấy một khía cạnh khác của sự tự do trong Đấng Christ “anh em cũng chịu phép cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người làm ra”. Sự cắt bì bởi tay người là một giao ước cũ thuộc về luật pháp, nó ràng buộc con người trong luật pháp. Cơ Đốc nhân không cần phép cắt bì ấy, bởi vì Chúa Giê-xu đã cắt bì “lòng” cho chúng ta (Ga-la-ti 6:15) ban cho chúng ta sự tự do. Chúng ta không còn bị ràng buộc gì về luật pháp, cũng như trên sự khôn ngoan của con người.

  1. ĐỜI SỐNG TỰ DO TRONG CHÚA (Cô-lô-se 2:13-15).

            (c.14) Là một hình ảnh sống động mà Phao-lô dùng để mô tả sự tự do của Cơ Đốc nhân. Hãy giải thích chữ “tờ khế”. “Tờ khế” trong ngôn ngữ giao dịch buôn bán có nghĩa là một tờ giấy chứng nhận thiếu nợ do chính người mắc nợ viết. “Tờ khế” đó chính là luật pháp của Môi-se và các quy tắc của luật pháp ấy. Luật pháp ấy quy định rất rõ những việc làm của tội lỗi và đòi hỏi người ta phải trả món nợ tội lỗi ấy. Khốn khổ thay cho con người là người ta luôn thích phạm tội và bị luật pháp định tội, suốt đời cứ quanh quẩn trong vòng tròn không lối thoát, lúc nào cũng “mắc nợ” và bị “đòi nợ” cả. Chính chúng ta (những con người tội lỗi) đã tự tay viết một “tờ khế” ghi rõ những món nợ tội lỗi chúng ta mắc với Đức Chúa Trời, mà suốt đời không bao giờ trả nổi cho Ngài, như một người nô lệ không thể nào trả nổi món nợ mắc với chủ mình nên anh ta cứ phải đem thân mình làm nô lệ cho chủ suốt đời.

            Nhưng Chúa Giê-xu đã “xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta”, đây thật là điều kỳ diệu. Tờ khế không bao giờ bị xóa bỏ nếu không trả hết nợ. Tờ khế sẽ bị xóa bỏ nếu có người trả hết nợ. Chúa Giê-xu đã đến để trả nợ thế cho chúng ta, đó là bằng chính sinh mạng của Ngài trên thập tự giá. Không chỉ “xóa”, nhưng là “phá hủy”. Người ta còn có thể thấy dấu vết lờ mờ của sự tẩy xóa, nhưng hoàn toàn không thấy gì cả nếu nó bị xé bỏ và đốt đi. Bằng sự chết, Ngài nói với chúng ta rằng “các con đã được tự do, không còn mắc nợ ai nữa, ta đã trả nợ cho các con rồi”.

            Chúng ta không còn bị mắc nợ nữa, cũng không cần làm gì để trả nợ nữa, bây giờ chúng ta sống một đời sống hoàn toàn tự do trong Chúa Giê-xu. Đây chính là đời sống hiện tại mà chúng ta sống, không có lý do nào để chúng ta quay về với người chủ nợ cũ và sống cuộc sống mắc nợ nữa.

III. TỰ DO THỜ PHƯỢNG CHÚA (Cô-lô-se 2:16-18).

            Với một bút pháp tài tình, Phao-lô đưa vấn đề trở lại để giải thích nó một cách rõ ràng (c.16), ông mô tả những đòi hỏi của luật pháp cũ “của ăn uống, ngày lễ, ngày mặt trăng mới, ngày sa bát”. Của ăn uống đề cập đến các luật lệ về sự kiêng ăn của người Do Thái. Các ngày lễ là những ngày thánh Do Thái giáo được cử hành hàng tháng (trăng mới: Ê-sai 1:13) hoặc hàng tuần (Sa-bát: Xuất 20:9-11). Phao-lô kêu gọi các Cơ Đốc nhân Cô-lô-se đừng bao giờ trở lại những luật lệ ấy nữa, vì họ đã được giải phóng rồi. (c.17) tất cả những luật lệ về ngày lễ và ăn uống đều là những hình bóng chỉ về Đấng Christ. Nay Đấng Christ đã đến rồi thì không cần thiết phải cần đến những cái bóng đó nữa, “hình thật” là quan trọng hơn. Chúng ta cần một tấm ảnh thật với màu sắc đẹp đẽ chứ không cần một tấm phim mờ tối. Vấn đề quan trọng và cần thiết phải làm bây giờ là làm thế nào để thờ phượng Đấng Christ một cách tự do, vui mừng, không phải là vấn đề tuân thủ những hình bóng luật pháp cũ nữa. Nó là một quá khứ đã qua và không còn hợp thời nữa. Phao-lô kêu gọi “đừng để cho ai đoán xét anh em về những vấn đề ấy nữa”.

            Phi-e-rơ từng học với Chúa một bài học nữa khi ông đang ở trên nóc nhà tại Giốp-bê (Công vụ 10:9-16). Là một người Do Thái ông đã được luật pháp dạy dỗ rằng không được ăn vật gì không sạch (Lê-vi 11:47), và vì thế ông đã từ chối ăn những con vật mà ông thấy trong khải tượng, nhưng Chúa cho ông biết: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy”. Ngay cả vấn đề ngày Sa-bát cũng được định rõ, ngày Sa-bát đó không còn là ngày mà các Cơ Đốc nhân ngày nay dùng làm ngày thờ phượng nữa, nó phải là ngày của Chúa (Khải huyền 1:10), ngày đầu tiên trong tuần lễ (1Côr 16:2).

  1. TỰ DO SỐNG CHO CHÚA (Cô-lô-se 2:20-23).

            Sự tự do trong Chúa tiến tới mức độ cao nhất khi nó tuyên bố “anh em đã chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ này ép buộc mình”. Những thể lệ đó là những nguyên tắc mà con người đã đặt ra “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ”. Phao-lô một lần nữa đưa vấn đề ăn uống trở lại. Ông nhấn mạnh đây là những nguyên tắc của con người (câu 22). Người ta nghĩ rằng làm theo những điều đó mới thật là khôn ngoan, mới thật là thuộc linh, nhưng thật ra không phải như vậy, nó chỉ là cách mà người ta che đậy những dục vọng bên trong một cách khốn khổ. Mọi hình thức khổ tu, kiêng ăn không đem lại cho con người sự giải thoát, sự tự do mà trái lại còn làm cho người ta thêm gánh nặng. Cơ Đốc giáo muốn giải phóng con người ra khỏi những gánh nặng ấy. Những điều đó không đáng trong một thời kỳ ân điển hoàn toàn tự do. (Thật ra ngay cả luật pháp mà Môi-se công bố cũng đưa ra một số nguyên tắc về vấn đề thức ăn, phân biệt những loài vật sạch được ăn và các loài vật không sạch không được ăn (Lê-vi 11:47), nhưng rất có thể những lời dạy dỗ đó mang cả hai ý nghĩa thuộc thể lẫn thuộc linh). Điều quan trọng là chúng ta hãy nhớ rằng chính Chúa Giê-xu đã từng tuyên bố rất rõ ràng và thẳng thắn về vấn đề ăn uống (Mat 15:1-20). Đây chính là chuẩn mực mà chúng ta noi theo. “Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao? Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người”.

            Phao-lô không dài dòng hay lạc đề khi ông đưa vấn đề ăn uống trở lại một lần nữa và nhấn mạnh nó như là một vấn đề quan trọng. Ông có lý do để nói những điều ấy. Điều hết sức quan trọng bây giờ là Cơ Đốc nhân đã hoàn toàn được giải phóng ra khỏi những áp đặt của luật pháp, những lời truyền khẩu hay sự khôn ngoan của con người. Điều quan trọng không phải là những hình thức bên ngoài nhưng là cái gì thật sự ở bên trong. Hãy bỏ hết những suy nghĩ cũ, cùng những quan niệm lỗi thời, là những điều gây cản trở cho đời sống mới, và trở nên tự do hoàn toàn trong Chúa Giê-xu. “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người dựng nên mới. Những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” (2Côr 5:17). Chúng ta hoàn toàn được tự do sống với Chúa một đời sống mới. Là những con người cũ, chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi luật pháp. Soi mình trong tấm gương luật pháp, chúng ta sẽ hoàn toàn tuyệt vọng vì suốt cuộc đời chúng ta sẽ luôn luôn là người “mắc nợ” và liên tục bị “đòi nợ”. Chúng ta không thể làm gì để xóa bỏ món nợ đó: Kiêng ăn, khổ tu, ép xác. Tất cả chỉ là sự vô ích đáng thương.

            Chúa Giê-xu đã đến và bằng chính sinh mạng mình đã trả dứt nợ cho chúng ta. Chúng ta được tự do, chúng ta không bị ràng buộc gì với tất cả những sự cũ ấy nữa. Chúng ta có trong Chúa một đời sống mới tự do, dĩ nhiên không phải tự do để làm những điều chúng ta muốn nhưng làm theo những điều Chúa muốn, tự do sống theo Chúa và thờ phượng Ngài cách tự do, không gì ngăn cản và trói buộc chúng ta được nữa. Đừng trở lại quá khứ nô lệ và những hình thức trói buộc của nó nhưng hãy nhờ Chúa để sống một đời sống mới hoàn toàn tự do.

Post CommentLeave a reply